Tây Ban Nha quyết bảo vệ sự thống nhất
- EU quyết ngăn “virus Catalonia”
- Ngoại trưởng Tây Ban Nha: Hành động của Thủ hiến Catalonia là “trò bịp bợm”
- Xứ Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha
Trước sự quyết liệt của chính quyền Tây Ban Nha cũng như những lời đe dọa nghiêm khắc từ châu Âu, rất có thể, ban lãnh đạo vùng đất Catalonia sẽ phải xem xét lại quyết định của mình.
Chính quyền trung ương cứng rắn
Trước đó, Thủ hiến Puigdemont tối 10-10 đã cùng các chính trị gia khác của vùng Catalonia ký một văn kiện tuyên bố vùng này độc lập tách khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Thủ hiến Puigdemont đã không công bố chính thức văn kiện này.
Sự trì hoãn này được cho là xuất phát từ việc ông Puigdemont đối mặt với sức ép từ nhiều phía, bao gồm một bộ phận lớn người dân Catalonia không muốn ly khai, những lời cảnh báo từ Madrid, và cả áp lực từ Liên minh châu Âu (EU), mong muốn một Tây Ban Nha thống nhất. Đồng thời ông Puigdemont kêu gọi đàm phán với chính phủ ở Madrid.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Ảnh Reuters. |
Ngay lập tức, chính quyền Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khẳng định, bản tuyên bố trên là không có giá trị pháp lý. Chính phủ Tây Ban Nha đồng thời bác bỏ lời kêu gọi đàm phán thông qua trung gian quốc tế của Thủ hiến Puigdemont. Phát biểu trước Quốc hội Tây Ban Nha chiều 11-10, Thủ tướng Rajoy thẳng thừng bác bỏ các đề xuất cho rằng cuộc khủng hoảng Catalonia có thể được giải quyết thông qua hòa giải quốc tế.
Ông khẳng định sự toàn vẹn và thống nhất không thể chia cắt của Tây Ban Nha, đã được quy định rõ trong hiến pháp, là điều không thể đem ra thảo luận.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ngày 11-10 đã ra thời hạn cho Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont trong 5 ngày phải làm rõ lập trường của ông về việc tuyên bố độc lập. Phát biểu tại Quốc hội Tây Ban Nha, Thủ tướng Rajoy nói rằng đến 10 giờ sáng ngày 16-10, ông Carles Puigdemont phải xác nhận ông ta có tuyên bố độc lập hay không trước khi đình chỉ quyền tự trị của vùng Catalonia.
Thủ tướng Rajoy cũng lưu ý rằng nếu ông Puigdemont xác nhận vùng Catalonia đã ly khai khỏi Tây Ban Nha, chính quyền trung ương sẽ cho ông ấy thêm 3 ngày, đến 10 giờ sáng 19-10, để xem xét lại trước khi bắt đầu các thủ tục đình chỉ quyền tự trị của Catalonia theo Điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cam kết rằng nước này không thể bị chia rẽ và sự thống nhất của quốc gia sẽ được bảo vệ.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Die Welt của Đức, Thủ tướng Rajoy nhấn mạnh chính phủ sẽ làm những gì luật pháp cho phép để đảm bảo sự thống nhất của quốc gia.
“Không ai, kể cả Thủ hiến Puigdemont, có thể đề xuất một cuộc đối thoại mà không tuân theo luật pháp”, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria nhấn mạnh. Bà chỉ trích ông Puigdemont là “một người không biết mình đang ở đâu”.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha cũng đã bác bỏ khả năng về vai trò trung gian tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Catalonia. Ông cảnh báo một Catalonia ly khai sẽ không được châu Âu công nhận và sẽ đi kèm những cái giá đắt cho vùng này. Song, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha cũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ cố gắng giảm thiểu các tác động tiêu cực đến người dân trong nước.
Trong khi đó, Thủ hiến Puigdemont tiếp tục vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của chính giới Tây Ban Nha và châu Âu về hành động bất hợp pháp của chính quyền vùng tự trị Catalonia. Thị trưởng thành phố Barcelona Ada Colau cùng ngày đã hối thúc nhà lãnh đạo vùng Catalonia không đơn phương tuyên bố độc lập, cảnh báo rằng hành động này sẽ gây ra nguy cơ cho “sự gắn kết trong xã hội”.
Bà nhấn mạnh kết quả của cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp về độc lập của vùng Catalonia hôm 1-10 “không thể là một lời xác nhận nhằm khẳng định độc lập”.
Thủ hiến Puigdemont. Ảnh: euronews. |
Tối hậu thư từ EU
Các nhà lãnh đạo chính trị ở Catalonia, Chính phủ Tây Ban Nha và cả EU đã kêu gọi các nhà hoạt động ly khai của Catalonia “quay đầu” nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng lớn nhất ở nước này kể từ những năm 1970.
Các nước thuộc EU cũng đang theo dõi sát sao diễn biến ở Tây Ban Nha bởi họ lo ngại rằng mọi bước tiến ly khai của Catalonia khỏi Tây Ban Nha đều sẽ gia tăng áp lực với khối vốn đang phải đương đầu với quyết định ra đi đầy bất ngờ của nước Anh.
Liên quan tới quyết sách của Catalonia, ông Carne Ross, người sáng lập hãng tư vấn ngoại giao Independent Diplomat, nhận định cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận Catalonia độc lập nếu vùng này ly khai khỏi Tây Ban Nha dựa trên một cuộc trưng cầu ý dân gây tranh cãi. Tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi "tôn trọng đầy đủ trật tự Hiến pháp Tây Ban Nha".
Phát biểu với báo giới, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nhấn mạnh ủy ban này đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Tây Ban Nha, đồng thời nhắc lại kêu gọi trước đó về việc tôn trọng đầy đủ trật tự Hiến pháp Tây Ban Nha. Ông khẳng định EC ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy đoàn kết ở Tây Ban Nha. Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã kêu gọi ông Puigdemont không tuyên bố độc lập.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau khẳng định Paris sẽ không công nhận quy chế độc lập của vùng tự trị Catalonia .Bà nhấn mạnh tương lai của Catalonia không thể được định đoạt thông qua một cuộc bỏ phiếu trái phép do một phong trào độc lập tổ chức.
Theo bà, tình hình hiện nay tại Tây Ban Nha cần được giải quyết thông qua đối thoại tại tất cả các cấp chính quyền. Bà cảnh báo một khi Catalonia cố tình tuyên bố độc lập, đi ngược Hiến pháp Tây Ban Nha, vùng tự trị này ngay lập tức buộc phải rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và đây được xem là hậu quả trực tiếp đầu tiên mà vùng này phải gánh chịu.
Không chỉ các tổ chức chính trị lớn, nhiều nước đã ra thông cáo khẳng định thái độ dứt khoát không ủng hộ việc ly khai của Catalonia. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Mariano Rajoy, khẳng định ủng hộ tuyệt đối sự toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha và đối thoại nội bộ trong khuôn khổ Hiến pháp Tây Ban Nha.
Nước láng giềng Pháp cũng kiên quyết phản đối việc Catalonia ly khai khỏi Tây Ban Nha. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bác bỏ đề nghị của ông Puigdemont muốn EU đứng ra hòa giải giữa Barcelona và Madrid, nói rằng ông tin tưởng Chính phủ Tây Ban Nha có thể giải quyết tình hình.
Ly khai, Catalonia "mất" nhiều hơn "được"
Các hiệp ước của EU không quy định cụ thể những gì sẽ xảy ra nếu một nhà nước tách ra từ một quốc gia thành viên EU, nhưng kể từ năm 2004, khối này thường áp dụng “học thuyết Prodi”, được đặt theo tên của cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Romano Prodi. Học thuyết này cho rằng khi một khu vực tách ra khỏi một nước thành viên, nhà nước mới sẽ tự động bị mất quyền thành viên EU.
Theo nhà nguyên cứu Fran Burwell của Hội đồng Đại Tây Dương, Catalonia sẽ mất tư cách thành viên EU nếu họ tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha. “Các rào cản sẽ dựng lên ngay lập tức; sẽ không có tự do đi lại cho người mang hộ chiếu Catalonia; không có tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ với Catalonia”, Burwell đưa ra lời cảnh báo mà bà tin là chưa nhiều người Catalonia cân nhắc đầy đủ.
Catalonia nằm ở phía đông bắc Tây Ban Nha, với 7,5 triệu dân, chiếm khoảng 16% tổng dân số Tây Ban Nha. Vùng này đóng góp tới 19% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài.
Có thể nói, Catalonia là một khu vực giàu có và có năng suất lớn nhất Tây Ban Nha. Chính điều này đã mang lại cho người dân vùng này một sức ảnh hưởng trong việc đàm phán về quyền lực và một vị thế tự trị ở Tây Ban Nha. Các nhà phân tích nhận định nếu kiên quyết tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, khu vực tự trị Catalonia sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mà hiện tại chưa thể có lời giải đáp.
Cảnh sát Tây Ban Nha ngăn chặn các cuộc biểu tình. Ảnh: AP. |
Thứ nhất, nếu tuyên bố độc lập, vùng Catalonia sẽ phải đứng trước nguy cơ bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha đình chỉ quyền tự trị. Thứ hai, có một quy định rõ ràng rằng nếu một phần lãnh thổ của một nước thành viên EU đòi độc lập hoặc thực hiện tiến trình ly khai thì việc duy trì tư cách thành viên tại EU sẽ không thể được thực hiện.
Nếu Catalonia ly khai khỏi Tây Ban Nha, vùng này trên thực tế sẽ phải rời khỏi EU và nằm ngoài các hiệp ước của EU, không được hưởng các lợi ích chung và không được tiếp cận thị trường chung của khối. Khi đó, công dân mang hộ chiếu Catalonia sẽ không có quyền tự do đi lại theo Hiệp ước Schengen giữa một số nước châu Âu. Hàng hóa và dịch vụ từ Catalonia cũng sẽ không được luân chuyển tự do trong khu vực.
Thứ ba, nếu Catalonia trở thành một nhà nước độc lập, họ sẽ không thể tự động trở thành một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và như vậy sẽ phải đối mặt với các rào cản thương mại, gây khó khăn, tổn hại cho nền kinh tế. Hơn nữa, tình hình chia rẽ tại Tây Ban Nha cũng đã khiến nhiều ngân hàng, các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp tìm cách chuyển trụ sở ra khỏi Catalonia đồng thời khiến lòng tin thị trường vào nền kinh tế Tây Ban Nha bị chao đảo.
Do Tây Ban Nha là thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nên nếu Catalonia tuyên bố độc lập, khu vực tự trị này sẽ bị loại khỏi Eurozone và khi đó GDP của Catalonia sẽ giảm khoảng 20%. Ngoài ra, do thuộc Eurozone nên Catalonia cũng thuộc sự bảo trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nếu độc lập, các doanh nghiệp ở đây sẽ không được hưởng lợi từ chương trình mua trái phiếu cứu trợ của ECB.
Trên thực tế, chính quyền vùng Catalonia đã bị gạt khỏi thị trường vay nợ quốc tế và buộc phải vay nợ thông qua chính quyền Madrid kể từ năm 2012. Do vậy, hiện tại, Chính phủ Tây Ban Nha là chủ nợ lớn nhất của Catalonia. Nói cách khác, nếu ly khai khỏi Tây Ban Nha, đồng nghĩa với việc Catalonia sẽ phải đối mặt với gánh nặng nợ công, lên đến khoảng 134% GDP của vùng.
Về nguồn cung năng lượng, ngoài hệ thống đường ống bên trong lãnh thổ, Catalonia phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ các công ty của Tây Ban Nha. Như vậy, về lý thuyết, Catalonia hoàn toàn có thể bị cắt nguồn cung năng lượng nếu tuyên bố độc lập.
Mặc dù các lãnh đạo phong trào ly khai ở Catalonia đã lựa chọn một giải pháp trung gian, tức là không tuyên bố độc lập ngay lập tức nhưng cũng không từ bỏ ý định ly khai, tuy nhiên nếu vùng Catalonia kiên quyết đòi độc lập, cái được có thể sẽ là chủ nghĩa dân tộc, vùng miền được thỏa mãn, nhưng xét trên các mặt kinh tế - chính trị, rõ ràng đây là một bước đi nhiều rủi ro.
Dừng bước trước nguy cơ
Việc Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont tuy đã ký tuyên bố độc lập, nhưng chưa công bố chính thức cũng đã là một bước ngoặt trên chính trường Tây Ban Nha. Trang mạng independent.co.uk đã nhanh chóng đưa tin về phản ứng của dư luận ở Catalonia sau quyết định “lùi bước” của chính quyền khu vực.
Trang mạng này cho rằng, quyết định của Thủ hiến Carles Puigdemont tuy làm nhiều người có tư tưởng ly khai không khỏi thất vọng song lại có thể xem là một “bước lùi” sáng suốt bởi những nguy cơ bất ổn, bạo lực và thiệt hại với cả hai phía nếu vùng tự trị này nhất quyết tuyên bố độc lập.
Theo CNN, một Catalonia độc lập sẽ không có nhiều bạn bè bởi các nước EU khác đều lo ngại về nguy cơ Catalonia trở thành hình mẫu cho những phong trào ly khai khác. Tờ Washington Post cho rằng phát biểu của Puigdemont chứng tỏ ông đã lắng nghe lời cảnh báo của giới chức châu Âu, nhất là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, về việc không nên có những quyết định quá vội vã có thể khiến mọi khả năng đàm phán "chết yểu".
Giáo sư Durán bình luận: “Khi một gia đình tan vỡ, thủ tục ly hôn không chỉ là nỗi niềm cay đắng, mà trong nhiều trường hợp cũng là các vấn đề phức tạp liên quan đến việc phân chia tài sản chung. Tình hình tương tự đang xảy ra ở Tây Ban Nha. Những người ủng hộ nền độc lập của Catalonia và những người quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước đều đưa ra nhiều ý kiến bảo vệ lập trường của mình”.
Theo nhà nguyên cứu Fran Burwell, nếu Catalonia rời khỏi Tây Ban Nha, vùng này trên thực tế sẽ rời khỏi EU và họ sẽ không thể quay trở lại. Có vẻ như ban lãnh đạo Catalonia không muốn một “sự tuyệt giao đau thương” với Tây Ban Nha.