Thách thức đang chờ tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Thứ Hai, 29/12/2014, 15:05
Hôm 5/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức đề cử ông Ashton Carter, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thay thế ông Chuck Hagel làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giai đoạn từ nay cho đến năm 2016. Đề cử này được xem là bước đi thận trọng của ông Obama nhằm chỉnh đốn lại Lầu Năm Góc để thực thi những nhiệm vụ an ninh cấp bách hiện nay. Nếu được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, ông Carter sẽ là vị Bộ trưởng Quốc phòng thứ 4 của ông Obama.

Ashton Carter năm nay 60 tuổi, sinh trưởng tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. Carter đúng là người sinh ra dành cho ngành an ninh, quốc phòng của Mỹ. Cha ông là một bác sĩ thần kinh và tâm lý của Hải quân Mỹ. Từ khi tốt nghiệp đại học (ngành vật lý) và sau đó lấy bằng tiến sĩ vật lý Đại học Oxford (Anh), Carter đi dạy học tại các trường Oxford, Đại học Harvard, MIT và Đại học Rockefeller được gần 20 năm và đã có một số công trình nghiên cứu, biên khảo về lĩnh vực quốc phòng, tên lửa đạn đạo. Hiện tại ông vẫn đang thỉnh giảng tại Đại học Stanford.

Ông Carter bắt đầu gia nhập Bộ Quốc phòng Mỹ từ những năm cuối thập niên 80 thế kỷ XX, từng giữ các chức vụ Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề chiến lược toàn cầu giai đoạn 1993-1996 (thời Tổng thống Bill Clinton), rồi Cục trưởng Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Quốc phòng (2009-2011). Carter tham gia vạch kế hoạch quân sự trong vụ khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên năm 1994, có công lớn trong việc tháo dỡ, di dời và tiêu hủy khí hạt nhân ở Ukraina, Kazakhstan và Belarus.

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, ông chính là người chỉ đạo việc thiết lập quan hệ quốc phòng và tình báo với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Carter tham gia vào các cuộc đàm phán dẫn đến việc Nga triển khai quân đội tại Bosnia trong Lực lượng thực thi Kế hoạch hòa bình Bosnia (BPPIF). Rồi ông điều hành Chương trình Hợp tác Nunn-Lugar giảm mối đe dọa hạt nhân để hỗ trợ việc xóa bỏ các loại vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Ông là người chủ biên bản báo cáo thường niên Kiểm điểm Tư thế Hạt nhân (NPR) và điều hành Sáng kiến Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân của Lầu Năm Góc. Ngoài ra, ông cũng từng tham gia vào tất cả các cuộc thương lượng ký kết các hiệp ước, hiệp định quan trọng về vũ khí hạt nhân như NPT, CNBT, START II, ABM, CFE và nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí khác.
Ashton Carter phát biểu đón nhận lời đề cử hôm 5/12, bên cạnh là Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden.

Carter được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giai đoạn 2011-2013, phụ trách chính các hoạt động của Lầu Năm Góc dưới thời Leon Panetta lẫn Chuck Hagel. Với tư cách là nhân vật số 2 tại Lầu Năm Góc, Carter đảm đương việc quản lý thu chi ngân sách của Bộ Quốc phòng trong giai đoạn khó khăn về ngân sách buộc phải “thắt lưng buộc bụng”. Carter tự tin là người am hiểu nhiều nhất mọi ngõ ngách trong Lầu Năm Góc. Thế nhưng, khi lựa chọn người thay thế ông Leon Panetta, Tổng thống Obama đã bỏ qua Carter mà chọn Chuck Hagel. Và điều đó đã khiến ông Carter buồn bực từ nhiệm.

Lần này thì ông Obama đã không “sai lầm” nữa. Với thời gian công tác trên 20 năm ở Lầu Năm Góc, Carter được giới an ninh, quốc phòng đánh giá cao, được đội ngũ nhân viên làm việc ở Lầu Năm Góc ngưỡng mộ. Đối với Nhà Trắng, Carter được xem là một sự “nâng cấp” so với Hagel xét về tư cách cá nhân, sự tự tin và tầm nhìn đối với các thách thức an ninh quốc gia ở Trung Đông hiện tại, đặc biệt là các nỗ lực trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). “Ông ấy là một nhà cải cách không ngần ngại xóa bỏ các hệ thống vũ khí cũ, kém hiệu quả” – ông Obama nhận xét về Carter.

Thay thế ông Hagel để lãnh đạo Lầu Năm Góc đang trong thời kỳ đầy giông bão, hẳn Carter cũng hiểu được những thách thức mà mình sẽ phải đối mặt. Thách thức đầu tiên mà ông phải vượt qua là phải được Quốc hội phê chuẩn để có thể tiếp tục đương đầu với những thách thức khác gay cấn hơn ở phía trước. Đây là thời điểm chuyển giao của Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2014, cho nên việc phê chuẩn sẽ phải dời lại cho đến sau ngày Quốc hội mới nhậm chức vào tháng 1/2015, khi đó ông Carter và người được đề cử chức Bộ trưởng Tư pháp là Loretta Lynch cùng được thử thách. Nếu Thượng viện mới giữ nguyên “luật chơi” như hiện nay thì hai ông Carter và Lynch chỉ cần quá bán (51 phiếu) là đủ để phê chuẩn. Nhưng Quốc hội mới đã thuộc về đảng Cộng hòa, từ đó đặt ra thách thức không chỉ đối với Carter mà cả Tổng thống Obama.

Bước vào thay thế chỗ đứng của Hagel, ông Carter phải giải quyết cho tốt nhiệm vụ mà ông Hagel chưa hoàn thành hoặc hoàn thành chưa tốt trong vấn đề lợi ích an ninh quốc gia ở Trung Đông, mà nổi cộm nhất là cuộc chiến chống IS. Vấn đề này hiện đang gây nên một cuộc tranh luận gay gắt giữa các lãnh đạo an ninh quốc gia với giới chức bên trong Nhà Trắng, tức là các phụ tá, cố vấn của ông Obama, xung quanh việc Mỹ cần bao nhiêu sức mạnh quân sự để đánh bại IS.

Thời làm việc ở Lầu Năm Góc, Carter từng tham gia xử lý nhiều vấn đề ở khu vực Trung Đông, cho nên có nhiều kinh nghiệm hơn. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn lo ngại cho Carter, rằng bảng thành tích quá khứ và tài năng, đức độ của ông có thể chưa đủ sức để thuyết phục những “ngài cố vấn” trong Nhà Trắng – những người từng khiến cho cả Robert Gates, Leon Panetta rồi Chuck Hagel đều chịu không nổi phải ra đi. Các vị cố vấn Nhà Trắng này luôn muốn nắm quyền kiểm soát các vấn đề an ninh quốc gia, và những người tiền nhiệm của Carter được cho là thường xuyên bị gạt ra ngoài các quyết định quan trọng.

Ông Carter có những lợi thế về kỹ năng làm chủ tình hình mà ít người biết được, đó là trí thông minh sắc bén luôn giúp ông làm chủ mọi cuộc tranh luận. Đây có thể là chìa khóa giúp Carter kiểm soát được bộ sậu cố vấn “dữ dằn” của ông Obama để giành lấy cho mình quyền quyết định các vấn đề hệ trọng về an ninh quốc gia. Mặt khác, kinh nghiệm dồi dào và sự uyên bác trong các vấn đề khác như vũ khí hạt nhân, CHDCND Triều Tiên, Iran… cũng là lợi thế đáng kể có thể giúp Carter trở thành tiếng nói có trọng lượng mới trong chính quyền Obama.

An Châu (tổng hợp)
.
.