Thách thức ngoại giao của ông Donald Trump

Thứ Hai, 06/02/2017, 19:45
“Tuần trăng mật” ngắn ngủi của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với các vấn đề toàn cầu đã kết thúc. Giới phân tích cho rằng sau những bữa tiệc ăn mừng, ông Donald Trump đang quay về thực tại với hàng loạt những thách thức ngoại giao từ vấn đề Trung Đông cho tới khối đồng minh châu Âu.


Quan hệ với Nga

Mối quan hệ với Nga là một trong những vấn đề sẽ khiến ông Donald Trump phải đau đầu. Quan hệ giữa Washington và Moscow liên tục ở trong tình trạng căng thẳng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và Mỹ cáo buộc Nga hậu thuẫn cho lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.

Từ khi đắc cử Tổng thống, ông Donald Trump đã nhiều lần thể hiện mong muốn làm ấm lại mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Việc ông Trump lựa chọn Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia của Mỹ Exxon Mobil, ông Rex Tillerson, một doanh nhân có mối quan hệ mật thiết với Nga, làm Ngoại trưởng trong chính quyền mới càng củng cố thêm thiện chí cải thiện mối quan hệ với Nga của chính quyền Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng trước những thách thức ngoại giao không đơn giản.

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa công bố các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Nga liên quan tới các cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống Donald Trump lại tuyên bố để ngỏ khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu Moscow hỗ trợ Washington trong cuộc chiến chống khủng bố và các mục tiêu quan trọng khác.

Dù chưa rõ sự thân thiện giữa ông Trump và ông Putin có giúp cải thiện quan hệ Nga - Mỹ và "phá băng" những bất đồng hiện nay giữa hai nước hay không nhưng ít nhất điều này cũng tạo ra những kỳ vọng về sự thay đổi tích cực mà 2 cường quốc hàng đầu trên thế giới có thể đem lại.

Khủng hoảng Ukraine

Trong khi tình hình xung đột tại miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn, chính phủ thân phương Tây của nước này hiện nay hết sức lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ coi diễn biến này như một công cụ ngã giá để cải thiện mối quan hệ với Nga, điều mà ông Trump từng tuyên bố sẽ làm.

Dù rằng đưa ra rất ít bình luận về vấn đề Ukraine trong giai đoạn tranh cử lẫn hậu tranh cử, ông Trump đã chỉ ra rằng ông ít quan tâm tới vấn đề Crimea hay Ukraine so với chính quyền Tổng thống Obama hay các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Ông Trump còn đặt ra câu hỏi về lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga do vấn đề Ukraine, cho rằng các lệnh trừng phạt này làm tổn hại cả các doanh nghiệp của Mỹ. Trong khi lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga mới đây đã được phê chuẩn và có hiệu lực ít nhất tới hết nửa đầu năm 2017, chúng có thể dễ dàng được xem xét lại nếu như chính quyền mới của ông Trump không muốn duy trì.

Quan hệ đồng minh với châu Âu

Khối đồng minh Mỹ - châu Âu dựa trên các giá trị chia sẻ và lợi ích chung. Nhưng sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức tại Washington, rất nhiều quốc gia ở châu Âu lo sợ về khoảng cách giá trị sẽ gia tăng.

Các tuyên bố mà ông Trump từng đưa ra liên quan tới biến đổi khí hậu, tra tấn, người nhập cư Hồi giáo, quy định pháp lý, thúc đẩy dân chủ, tự do báo chí, giải giáp hạt nhân và hàng loạt các vấn đề nóng hổi khác… đều đi ngược điều mà rất nhiều lãnh đạo châu Âu cho là cốt lõi của giá trị phương Tây.

Tuy nhiên, khả năng châu Âu thách thức ông Trump là rất hạn chế bởi châu lục này cũng đang đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng ghê gớm. Một châu Âu đầy chia rẽ và bất ổn cũng là thách thức không nhỏ đối với vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Giới phân tích cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu sẽ được định hình dựa trên mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Việc ông Trump cải thiện quan hệ với Moscow có thể đẩy Washington xa rời EU và nhiều khả năng sẽ gây ra nhiều bất ổn.

Trung Đông: Bài toán kiểm chứng xuyên đại dương

Thỏa thuận lịch sử về hạt nhân Iran đã đạt được năm 2015 sẽ trở thành đề tài căng thẳng dưới thời Tổng thống Trump. Ông từng nhiều lần tuyên bố muốn "bãi bỏ nó", điều khiến ông bị chỉ trích bởi các đồng minh châu Âu, những người cũng tham gia đàm phán thỏa thuận này. Có lúc, ông Trump cho rằng nên tái đàm phán lại thỏa thuận, điều mà Iran đã đánh tín hiệu rằng không bao giờ họ tham gia.

Chính quyền của ông Trump dường như có quan điểm đối đầu với Iran còn mạnh mẽ hơn chính quyền ông Obama, những người ưu tiên duy trì thỏa thuận hạt nhân. Bản thân ông Trump cũng được kêu gọi đưa ra những động thái không nhân nhượng nếu như Iran vi phạm thỏa thuận này. Quốc hội Mỹ hoàn toàn có thể thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran liên quan tới các vấn đề phi hạt nhân như nhân quyền, thử nghiệm tên lửa hay hậu thuẫn khủng bố. Và trong trường hợp đó, Iran sẽ đổ lỗi cho phía Mỹ đã hủy hoại thỏa thuận hạt nhân.

Mới đây nhất, ngày 1-2, sau nhiều ngày thoái thác, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan đã đặt ra một vấn đề nữa cho ông Trump khi thừa nhận rằng nước cộng hòa Hồi giáo này vừa thử nghiệm một tên lửa đạn đạo. Giới chức Mỹ cho rằng tên lửa tầm trung, được bắn vào ngày 29-1 đã "thất bại", song đây là một tuyên bố chính trị. Theo Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, chính quyền của ông đã phản ứng "chính thức đặt Iran vào tầm chú ý".

Tuy nhiên, việc  áp đặt thêm lệnh trừng phạt vẫn là một động thái khó khăn bởi một lời kêu gọi trừng phạt cũng sẽ kiểm chứng mối quan hệ đang nảy nở giữa ông Trump với ông Putin, người chắc chắn sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc.

Giới phân tích cũng cho rằng bất kỳ một sai lầm nào liên quan tới thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng có thể gây ảnh hưởng sâu sắc tới các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến chống IS ở Syria, nơi mà Nga và Iran ủng hộ lực lượng chính phủ và thúc đẩy các vòng đàm phán hòa bình với phe nổi dậy.

Đã giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử, liệu ông Donald Trump có thành công trong xử lý các quan hệ đối ngoại của nhiệm kỳ 4 năm sắp tới?

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.