Thái Lan: "Thủy thần" tấn công

Thứ Sáu, 04/11/2011, 14:05
Thái Lan đã thực sự phải đối đầu với một thảm họa thiên nhiên tầm quốc gia với quy mô chưa từng có từ nhiều thập niên nay.

Theo Hãng tin Agence France-Presse, những dòng nước lũ đúng như dự đoán đã tràn vào khu vực trung tâm thủ đô Bangkok của Thái Lan ngay từ hôm 27/10, làm ngập lụt một trong những thắng cảnh hàng đầu tại đây là Hoàng cung. Hậu quả là chính quyền đã buộc phải ra lệnh sơ tán khẩn cấp toàn bộ người dân tại ba khu vực phía bắc Bangkok.

Hiện đã có hàng chục ngàn người dân chen chúc nhau rời khỏi thủ đô để chạy lụt. Tất cả những chuyến tàu rời Bangkok đều đông nghẹt người di tản, trong khi truyền hình cho thấy người dân cũng dồn tới chật kín các khu vực bến xe và nhà ga để nhanh chóng tìm đường chạy lụt. 

Theo các nhà chức trách, sân bay chính Suvarnabhumi tại thủ đô nước này vẫn đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sân bay Don Muang lớn thứ hai tại khu vực phía bắc đã buộc phải ngừng hoạt động vì lũ lụt. Trung tâm Ứng cứu lũ lụt quốc gia (FROC) tuyên bố đang khẩn trương chuẩn bị nơi trú ngụ tạm thời cho người dân phải di tản. 

Hiện tình hình trong thời gian tới được đánh giá là chưa có gì sáng sủa, nếu như không muốn nói là còn có thể xấu hơn. Các nhà khoa học dự báo nước lũ sẽ còn tiếp tục dâng cao do những dòng chảy hung hãn của các con sông tràn đầy nước có thể được "tiếp sức" bởi những cơn mưa rào lớn vốn là hiện tượng phổ biến vào thời điểm này trong năm. Có nhiều khả năng, mức nước lụt cao tại thủ đô Bangkok (lên tới 1,5m) còn có thể duy trì từ 2 tuần cho tới cả tháng.

Tính ra, nạn lụt kinh hoàng bắt đầu từ giữa tháng 7 vừa qua tại Thái Lan đã cướp đi mạng sống của 373 người, làm hàng chục ngàn người lâm vào tình trạng không có nhà ở. Còn tổng số người dân phải chịu đựng các mức độ ảnh hưởng khác nhau tại các tỉnh miền Trung và phía bắc lên tới 2,5 triệu người, kèm theo đó là những khoản thiệt hại ước tính hàng tỉ USD.

Thủ đô Thái Lan bắt đầu phải hứng chịu những tác động trực tiếp của nước lũ từ ngày 25/10, sau khi những con đập bảo vệ sân bay Don Muang tại Bangkok (là sân bay chủ yếu đảm nhận các chuyến bay nội địa) đã bị phá vỡ. Hậu quả là nhiều chuyến bay đã buộc phải chuyển hướng sang sân bay quốc tế Suvarnabhumi.

Theo BBC News, lũ lụt đang đe dọa trực tiếp tới hàng loạt các nhà máy công nghiệp và cơ quan chính phủ ở phía bắc thủ đô, trong đó có cả một số nhà tù, khiến các nhà chức trách buộc phải sơ tán khoảng 2.000 tù nhân.

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulladej năm nay đã 83 tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Siriraj, bên bờ sông Chao Praya. Khu vực quanh bệnh viện này đã ngập nước tới gần 1m. Trên giường bệnh, ông vẫn đưa ra chỉ dụ cho Tư lệnh quân đội - tướng Prayuth Chanocha  rằng, các cung điện hoàng gia có thể ngập nước nhưng Chính phủ Thái Lan và quân đội phải ưu tiên giúp hàng triệu dân thủ đô đang chống chọi với lũ hoặc đang tháo chạy trước sức mạnh của “thủy thần”.

Tuy thế, có nhiều khả năng quân đội và Chính phủ Thái Lan sẽ không bỏ rơi các cung điện ở Bangkok do nhiều người coi đây là biểu tượng vương quyền và là báu vật quốc gia. Các cung điện và chùa chiền quan trọng ở Bangkok (trong đó có chùa Phật Ngọc, nơi đang lưu giữ quốc bảo của Thái Lan - pho tượng Phật được nạm vàng và kim cương) thường xây ven sông do các tuyến đường giao thông một thời ở Thái Lan là qua các con sông và kênh rạch. Sau hàng thập kỷ phát triển, việc các con kênh bị lấp làm đường, rừng bị san phẳng để xây các tòa nhà và khu công nghiệp được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lũ lụt hiện nay.

Đợt lũ lịch sử này được đánh giá là một thử thách nghiêm trọng đối với Chính phủ của tân Thủ tướng Yingluck Shinawatra về khả năng điều hành công tác đối phó và ứng cứu trước thảm họa. Trước đó, Chính phủ đã chuẩn bị sẵn cho phương án phá đê bao, "hy sinh" một số khu vực phía đông và phía tây để cứu khu trung tâm Bangkok, vốn là một trọng điểm về kinh tế và công nghiệp của đất nước.

Hoàng cung cũng đã bị ngập nước.

Nước lũ dâng ngập một ngôi chùa ở Bangkok. Ảnh: ABC News

Người dân di tản trong dòng nước lũ.

Người dân và quân đội được huy động để bảo vệ các tuyến đê bao tại thủ đô.

Đinh Linh (Tổng hợp)
.
.