Thái Lan, những kịch bản sau tổng tuyển cử

Thứ Tư, 27/03/2019, 15:10
Cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra ngày 24-3 tại Thái Lan được xem là một bài trắc nghiệm đối với giới quân sự cầm quyền tại quốc gia Đông Nam Á này. 

Việc đông đảo cử tri, đặc biệt là giới trẻ tham gia cuộc bầu cử diễn ra lần đầu tiên trong vòng 8 năm, đã tạo ra nhiều bất ngờ, song kết quả phần nào không theo dự đoán lại đang tiềm ẩn nguy cơ tạo ra “một cuộc chiến mới” trên chính trường Thái Lan vốn trải qua nhiều biến động trong suốt 5 năm qua, kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014.

Chiều 25-3, Ủy ban Bầu cử (EC) của Thái Lan đã công bố kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi quân đội lên nắm quyền, theo đó đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) tạm dẫn đầu khi giành được 138 ghế tại Hạ viện, xếp thứ hai là đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath) với 96 ghế và thứ ba là đảng Bhumjaithai với 39 ghế. Đảng Dân chủ chỉ đứng thứ tư với 33 ghế, đảng Tương lai mới giành 30 ghế... 150 ghế Hạ viện được bầu theo danh sách đảng vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

Tuy nhiên, nếu xếp theo phiếu bầu, đảng Palang Pracharath dẫn đầu với hơn 7,9 triệu phiếu, đảng Pheu Thai về nhì với 7,4 triệu phiếu, đảng Tương lai mới hơn 5,8 triệu phiếu,  bất ngờ vượt qua đảng Dân chủ kỳ cựu (3,7 triệu phiếu) để giành vị trí thứ ba. Đảng Dân chủ còn mất tất cả các ghế nghị sỹ tại khu vực thủ đô Bangkok, vốn là căn cứ địa truyền thống của chính đảng lâu đời nhất Thái Lan này.

Người ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử Thái Lan xuống đường bày tỏ quan điểm.

Diễn biến trên đã khiến cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva tuyên bố từ chức chủ tịch đảng. Đảng Bhumjaithai tầm trung, cũng giành gần 3,2 triệu phiếu và xếp thứ năm. Với việc đạt được nhiều số phiếu hơn, đảng Palang Pracharath có khả năng giành được nhiều số phiếu theo danh sách đảng hơn đảng Pheu Thai, căn cứ vào phương pháp tính đại diện tỷ lệ thành viên hỗn hợp theo luật bầu cử sở tại. Như vậy, tổng số ghế Hạ viện mà hai đảng này thu được có thể không hơn kém nhau nhiều.

Với kết quả như vậy, về lý thuyết đảng Palang Pracharath chỉ cần liên minh với một số đảng nhỏ là có thể chiếm 126 ghế, qua đó có quyền thành lập chính phủ bởi họ đã nhận được sự hậu thuẫn của 250 thành viên Thượng viện do Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) bổ nhiệm.

Trong khi đó, đảng Pheu Thai nhiều khả năng sẽ không đủ số phiếu để có thể tự mình thành lập chính phủ. Đảng này và các đảng có quan điểm phản đối chính phủ hiện tại phải liên minh được với nhau để tập hợp đủ số lượng 376 ghế nếu muốn “đánh bại” Palang Pracharath và liên minh ủng hộ giới quân nhân.

Trong bối cảnh ấy, một cuộc chiến lôi kéo, thu phục các đảng có khả năng liên minh và triệt hạ các đảng đối thủ nhằm xây dựng liên minh giành quyền đứng ra thành lập chính phủ, đang tiềm ẩn nguy cơ nổ ra. Mặc dù EC tuyên bố kết quả chính thức cuộc bầu cử sẽ được công bố vào ngày 9-5, song hiện cả đảng Palang Pracharath và đảng Pheu Thai đều công bố kế hoạch thành lập chính phủ.

Người phát ngôn đảng Palang Pracharath của Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha, ông Kobsak Pootrakool tuyên bố đảng này sẽ đàm phán với các đảng cùng chung ý tưởng và lập trường nhằm đưa đất nước Thái Lan tiến lên phía trước.

Trong khi đó, đảng Pheu Thai thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng tuyên bố sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng với một số đảng khác với mục tiêu thành lập chính phủ liên minh. Ứng cử viên cho chức vụ thủ tướng của đảng Pheu Thai, Sudarat Keyuraphan thông báo trước báo giới: “Từ ngày hôm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu đàm phán với các đảng khác (để thành lập chính phủ)”, khẳng định kế hoạch này phải đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại điểm bỏ phiếu ở Bangkok hôm 24-3.

Trong khi đó, các nhà quan sát cuộc bầu cử Thái Lan năm 2019 hiện vẫn đang theo dõi chặt chẽ những tác động của hệ thống bầu cử được thiết kế lại; sự xuất hiện của các đảng mới; sự tham gia của 7 triệu cử tri lần đầu; sự tham gia của hoàng gia, quân đội, Tòa án Hiến pháp; và tình trạng nghèo nàn của nền kinh tế. Kể cả sau bầu cử, những yếu tố này vẫn cản trở mọi dự báo về chính trường Thái Lan, thậm chí chưa thể  khẳng định điều gì sẽ xảy ra và đảng nào sẽ lãnh đạo xứ Chùa vàng.

Hiện, giới phân tích vẫn chờ đợi một trong 4 kịch bản có thể xảy ra. Kịch bản đầu tiên, Đảng Phalang Pracharat có thể thành lập một chính phủ thiểu số, với việc ông Prayut tiếp tục làm thủ tướng. Theo ý kiến của nhiều nhà phân tích thì kịch bản này có thể xảy ra nhất. Tuy nhiên, với việc ông Prayut không được công chúng yêu thích và chiến dịch tranh cử chậm chạp của đảng Phalang Pracharat, kịch bản này không phải là chiếm ưu thế tuyệt đối.

Kịch bản thứ hai, đảng Phuea Thai có thể thành lập chính phủ. Để đạt được điều này, các đảng liên minh trong phe chống chế độ sẽ phải giành được hơn 376 ghế ở Hạ viện để vượt qua các phiếu bầu của thượng viện vốn ủng hộ ứng cử viên của chế độ hiện hành.

Trong kịch bản thứ ba, đảng Phalang Pracharat có thể thành lập liên minh với đảng Dân chủ để hỗ trợ ông Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo đảng Dân chủ, làm thủ tướng. Và kịch bản thứ tư, bế tắc chính trị có thể dẫn đến một người ngoài cuộc trở thành thủ tướng.

Kịch bản cuối cùng này có thể xảy ra nếu không có ứng cử viên nào, kể cả Prayut, đảm bảo đủ số phiếu trong cuộc bỏ phiếu của quốc hội cho vị trí thủ tướng. Quốc hội sau đó sẽ có quyền chọn một thủ tướng từ bên ngoài danh sách các ứng cử viên do các đảng chính trị đề xuất. Để kịch bản cuối cùng này thành hiện thực sẽ đòi hỏi sự điều động và can thiệp chính trị từ phía các thành phần ưu tú được thành lập để đề xuất một ứng cử viên tầm cỡ hơn Prayut và được mọi bên chấp nhận.

Tình hình chính trị Thái Lan sau cuộc bầu cử vẫn không chắc chắn và ổn định, không loại trừ khả năng điều này có thể dẫn đến một cuộc bầu cử khác trong vòng 1 hoặc 2 năm tới, các cuộc biểu tình trên đường phố hoặc một cuộc đảo chính quân sự khác. Cuộc bầu cử năm 2019 là một bước ngoặt đối với Thái Lan, dù kết quả chính thức thế nào, cuộc bầu cử lần này cũng mở đường cho một chương mới trong chính trị của đất nước.

Thái Lan sẽ khó trở lại một hệ thống dân chủ, ổn định nhưng những thiết chế cũ và tướng nghỉ hưu Prayut cũng sẽ không thành công trong việc thiết lập một chế độ độc tài mạnh mẽ tại Thái Lan.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.