Ngoại trưởng Mỹ hội đàm với Tổng thống Nga: Thăm dò tảng băng

Thứ Hai, 18/05/2015, 11:45
Giới quan sát theo dõi và đánh giá chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin hôm 12/5 của Ngoại trưởng John Kerry là một động thái thăm dò của Mỹ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong các vấn đề quốc tế lớn mà Mỹ đang theo đuổi, nhưng cũng có ý kiến (chủ yếu từ Mỹ) gọi đó là dấu hiệu “thiện chí” của Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Nga. Kết quả cuộc hội đàm tuy chưa tạo ra đột phá nào có thể giúp làm tan băng quan hệ 2 nước, chí ít đó cũng là một bước đi tích cực.

Theo báo chí quốc tế, cuộc hội đàm kéo dài 4 tiếng đồng hồ giữa Ngoại trưởng Mỹ Kerry với Tổng thống Nga Putin tại khu nghỉ mát Sochi, Nga, xoay quanh các nội dung liên quan đến vấn đề khủng hoảng Ukraine, nội chiến Syria và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), và vấn đề đàm phán hạt nhân Iran.

Phát biểu với báo chí sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Kerry đã có những lời lẽ tốt đẹp dành cho Tổng thống Nga Putin, rằng việc ông đồng ý tiếp xúc ngay từ đầu đã là một dấu hiệu của sự linh hoạt.

Kerry cũng mô tả “chúng tôi hiếm khi nói chuyện với nhau một cách chân thành như hôm nay”. Ông cũng mô tả “đó là một cuộc gặp quan trọng trong thời điểm trọng đại”.

Kerry là quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến Nga để gặp Tổng thống Putin kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra từ đầu năm 2014.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Sochi hôm 12/5.

Riêng bản thân ông Kerry đã không đến Nga kể từ khi Moscow cho phép Edward Snowden tị nạn sau khi cựu điệp viên này tiết lộ hàng trăm ngàn trang tài liệu mật liên quan đến các chương trình gián điệp nghe lén động trời của nước Mỹ.

Chuyến thăm ngoại giao này như một cử chỉ duy trì quan hệ, trong tình thế quan hệ giữa Nga với phương Tây nói chung, với Mỹ nói riêng đang trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Nó làm người ta nhớ lại thời kỳ Xôviết với thái độ và những động thái hằn học đôi bên dành cho nhau.

Việc Mỹ tẩy chay không dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Moscow vào ngày 9/5 vừa qua là một trong những động thái rõ ràng nhất cho thái độ “đóng băng” theo kiểu Chiến tranh lạnh giữa đôi bên.

Chuyến thăm của ông Kerry được hiểu là động thái thăm dò mức độ linh hoạt trong thái độ của Tổng thống Nga Putin đối với một số vấn đề quốc tế lớn hai nước cùng quan tâm, trong đó khủng hoảng Ukraine là vấn đề lớn nhất và là mấu chốt dẫn đến quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Nga với phương Tây.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Từ sau sự kiện người dân bán đảo Crimea bỏ phiếu tán thành việc quay trở về với nước Nga, phương Tây đã có nhiều động thái cứng rắn đối với Nga. Nhiều biện pháp trừng phạt về kinh tế, chính trị, ngoại giao được Mỹ và EU mang ra áp dụng nhằm gây sức ép, buộc nước Nga phải trao trả bán đảo Crimea cho Ukraine.

Song song đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng cáo buộc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine khi âm thầm hỗ trợ và huấn luyện cho phiến quân ly khai ở miền Đông Ukraine – khu vực nói tiếng Nga giáp biên giới Nga.

Mỹ và đồng minh cũng cáo buộc Nga đưa các loại vũ khí hạng nặng đến biên giới với Ukraine như một hình thức đe dọa dùng vũ lực.

Cả Nga và phương Tây đều cho rằng xung đột tại Đông Ukraine chỉ có thể được giải quyết bằng các nỗ lực chính trị chứ không phải vũ lực quân sự. Tuy nhiên, Mỹ và EU đều khăng khăng ràng buộc việc Nga thúc đẩy thực thi thỏa thuận hòa bình để rút lại các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Phát biểu trước báo chí hôm 12/5, ông Kerry không đề cập chi tiết bán đảo Crimea, nhưng trong phát biểu của ông khi nhắc đến thỏa thuận hòa bình mà Nga có trách nhiệm phải thực thi, người ta hiểu rằng trong đó có Crimea.

Trong vấn đề Syria, Ngoại trưởng Kerry cũng muốn thăm dò xem Nga sẽ phản ứng ra sao khi Mỹ và đồng minh tung ra kế hoạch mới loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad nhằm tạo điều kiện tiến hành chiến dịch toàn diện thanh trừng IS trên đất Syria.

Mỹ muốn đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch không kích IS, nhưng đã vấp phải trở ngại lớn khi buộc phải hợp tác với chính quyền Syria, và nhất là Tổng thống Assad, do đó cần loại bỏ Assad trước.

Kế hoạch loại bỏ Assad đang được tiến hành từng bước bằng con đường pháp lý, và chỉ còn xem thái độ của nước Nga như thế nào mà thôi.

Giữa lúc cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được giải quyết và vấn đề Syria cũng chưa có dấu hiệu nào khả quan, vấn đề còn lại mà Nga và Mỹ có thể hợp tác được chính là thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Cho đến nay, tiến trình đàm phán đã đi vào giai đoạn cuối và thời hạn chót ký kết thỏa thuận toàn diện vào cuối tháng 6 cũng đang đến gần.

Thái độ tiếp đón cởi mở của Điện Kremli và những dấu hiệu tích cực của Tổng thống Nga Putin trong hội đàm cũng đủ để Ngoại trưởng Kerry yên tâm rằng chuyến thăm của ông phần nào đã đạt được mục đích đề ra.

An Châu (tổng hợp)
.
.