Thảm họa nhân đạo từ lệnh cấm vận của Mỹ

Thứ Năm, 16/04/2020, 10:50
Bản thân là cường quốc số 1 thế giới, nhưng Mỹ hiện là quốc gia có số người nhiễm và chết vì Covid-19 cao nhất. Trong khi đó, tại những nước đang bị Mỹ cấm vận đủ điều như Cuba, Iran, Venezuela... thì sự tàn phá của virus conrona tới mức nào?

Sau Iran, mới đây Chính phủ Cuba lên án các lệnh trừng phạt từ Mỹ áp đặt lên nước này, cho rằng chính sách này là vô nhân đạo vì nó khiến Havana chật vật đối phó với đại dịch toàn cầu COVID-19. Phát biểu với báo giới ngày 11-4, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế của Bộ Y tế Cuba Nestor Marimon nói: "Sự phong tỏa tài chính - kinh tế của Mỹ là các biện pháp trừng phạt bất công, nghiêm trọng và kéo dài nhất mọi thời đại của một quốc gia này đối với quốc gia khác".

Ông Marimon giải thích rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến việc mua sắm thiết bị y tế của Cuba trên thị trường nước ngoài bị cản trở nghiêm trọng. Chúng đã tác động đến các giao dịch mua thiết bị y tế của nước này với các đối tác nước ngoài.

Mỹ đang là nước bị dịch COVID-19 nặng nhất thế giới, với hơn 22.000 người chết và 555.000 ca nhiễm bệnh.

Theo ông Marimon, Bộ Y tế Cuba đã mất 160 triệu USD từ tháng 4-2019 đến tháng 3-2020 do các lệnh trừng phạt của Mỹ, chúng gây thiệt hại nhiều hơn 60 triệu USD so với năm trước. "Hệ thống y tế của chúng tôi chịu tác động nặng nề nhất vì nó ảnh hưởng tới phúc lợi của người dân chúng tôi. Lệnh cấm vận của Mỹ thậm chí còn tàn khốc hơn so với bình thường khi không có dịch", Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Bộ Y tế Cuba nhấn mạnh.

Bất chấp tất cả, thế giới vẫn đang ca ngợi tấm gương giúp đỡ y tế từ Cuba. Các nhân viên y tế Cuba đến hỗ trợ các nước đang quá tải vì dịch COVID-19. Từ ngày 22-3, Cuba gửi 37 bác sĩ và 15 y tá đến làm việc tại vùng Lombardia của Ý và gần đây Paris cũng đã chấp nhận để các bác sĩ Cuba tăng cường cho 4 đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp...

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng tác động tiêu cực đến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của một số quốc gia. Iran đã tố cáo các biện pháp cấm vận của Mỹ lên nước này. Do thiếu thuốc men, Iran đã hạn chế số lượng thuốc bán ra và ngưng trợ cấp khiến giá dược phẩm tăng lên. Sau lời đề nghị của Mỹ trong việc giúp đỡ Tehran chống dịch, ngày 23-3, Tổng thống Iran Rouhani nói: "Các nhà lãnh đạo Mỹ đang nói dối... Nếu họ muốn giúp đỡ Iran, tất cả những gì họ cần làm là dỡ bỏ các lệnh cấm vận... Khi đó, chúng tôi mới có thể dập dịch COVID-19".

Cùng ngày, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố Iran đủ sức đánh bại dịch COVID-19, quyết không nhận sự giúp đỡ từ phía Mỹ. "Mỹ không biết lắng nghe, gây cản trở cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19. Biện pháp duy nhất: chống lại lệnh cấm vận của Mỹ", Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter.

Tuy nhiên, trước khi đưa ra lời đề nghị giúp đỡ, Mỹ tiếp tục áp đặt lệnh cấm vận mới nhắm vào Iran, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ: dịch COVID-19 sẽ không thể giúp Tehran tránh khỏi các lệnh cấm vận vốn đang bóp nghẹt nguồn thu từ dầu mỏ và cô lập nền kinh tế Iran. Thậm chí gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tìm cách ngăn chặn không cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mở gói cứu trợ khẩn cấp 5 tỉ USD cho Iran chống dịch.

Cuba hỗ trợ cho khoảng 40 quốc gia chống dịch COVID-19.

Ông Pompeo thì cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ không cấm viện trợ nhân đạo tới Iran, điều được cho là đã ngăn cản các nỗ lực chống lại dịch bệnh COVID-19 của nước này. Có điều, Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông nghi ngờ Iran sẽ sử dụng tất cả các gói cứu trợ nào mà họ có khả năng tiếp cận để theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, viện trợ cho các nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq. Iran đã nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc này.

Về mặt nguyên tắc, dược phẩm và thiết bị y tế được miễn trừ trong các lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, Iran không thể mua hàng do các ngân hàng không sẵn lòng xử lý giao dịch vì lo sợ bị Mỹ trừng phạt. Được biết, các quốc gia châu Âu đã phải chuyển vật tư y tế cho Iran với giao dịch thông qua cơ chế tài chính Instex, vốn được thiết lập để tránh lệnh cấm vận của Mỹ. Iran hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, chính quyền Tehran tuyên bố sẽ chiến thắng cuộc chiến này. Cho đến nay, Iran đã ghi nhận hơn 65.000 ca mắc COVID-19, hơn 4.500 trường hợp tử vong.

Theo đánh giá của Tổng thống Rouhani, thời gian qua chứng tỏ Iran đã xử lý đại dịch COVID-19 tốt hơn châu Âu và Mỹ. Dù phải cùng lúc đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và đại dịch COVID-19, Iran vẫn có được kho dự trữ các loại hàng hóa thiết yếu.

Tình hình tại Venezuela cũng không khác gì. Cho tới nay, đại dịch COVID-19 đã gây ra 9 ca tử vong và 181 trường hợp dương tính tại nước Nam Mỹ này. Chính phủ nước này đã phải ban hành lệnh cách ly toàn xã hội, đóng cửa biên giới, trường học và dừng các hoạt động công cộng trên cả nước. Lệnh trừng phạt của Mỹ khiến công tác chống dịch của quốc gia này gặp rất nhiều khó khăn.

Việc thiếu tiền đã dẫn đến phải cắt giảm ngân sách y tế - và khó khăn trong việc mua các sản phẩm y tế. Lý do: hạn chế của Mỹ đối với các giao dịch tài chính của Chính phủ Venezuela thông qua các tổ chức tín dụng quốc tế. Cho đến nay, Venezuela gần như chỉ nhận được hàng viện trợ y tế để chống dịch từ Liên Hợp quốc và Trung Quốc.

Các quan chức Liên Hợp quốc gần đây kêu gọi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt với Cuba và Iran, Venezuela trong bối cảnh dịch bệnh để họ có thể mua thiết bị y tế và vật tư khác. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc Hilal Elver cho biết, việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria, Venezuela, Iran, Cuba và ở mức độ thấp hơn như Zimbabwe, làm suy yếu nghiêm trọng quyền cơ bản được hưởng thực phẩm đầy đủ của công dân bình thường.

Bà Elver nhấn mạnh, đó là vấn đề nhân đạo khẩn cấp và cần phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương ngay lập tức. Trước đó, Cao ủy nhân quyền của Liên Hợp quốc, bà Michelle Bachelet đã đề xuất nới lỏng hoặc đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia này, cho rằng, những trở ngại đối với việc nhập khẩu vật tư y tế quan trọng, bao gồm cả việc tuân thủ quá mức các lệnh trừng phạt của các ngân hàng, sẽ tạo ra tác hại lâu dài cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.