Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Thấm nhuần đạo đức Cách mạng

Thứ Sáu, 12/09/2014, 18:35

Phần đầu bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người nói về Đảng, bao gồm những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng. Từ thực hiện dân chủ trong Đảng, tới xây dựng đoàn kết, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình… Song, nội dung cực kỳ quan trọng Người đề cập tới trong phần này, đó là: Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức Cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
>> Về vấn đề đoàn kết

Thấm nhuần đạo đức Cách mạng, tưởng như là một câu khẩu hiệu; tưởng như là một câu nói giản đơn, quen thuộc, ấy vậy mà hàm chứa đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất phẩm chất của một cán bộ, đảng viên để được quần chúng tin tưởng, noi theo.

Muốn thấm nhuần đạo đức Cách mạng, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ cho chúng ta một con đường ngắn nhất, giản đơn nhất, chỉ gói gọn trong 8 từ, đó là mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự "Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".

Cần kiệm, để chỉ sự cần mẫn, siêng năng trong thực hiện công việc xã hội phân công, thực hiện "tám giờ vàng ngọc", không lãng phí thời gian, dù là một giây, một phút. Kiệm là sử dụng ngân sách tiết kiệm (nếu như là người có cương vị lãnh đạo), không lãng phí tiền của công quỹ. Việc không đáng chi, dù một đồng cũng không chi. Dẫu là tiền túi cá nhân thì chi tiêu cũng phải tiết kiệm, chớ "ném tiền qua cửa sổ" để tiếng đời dị nghị. Những người lãng phí về thời gian, tài sản, công quỹ… ấy là chưa thấm nhuần đạo đức Cách mạng. Họ đã góp phần làm giảm uy tín của Đảng.

Liêm chính: Đó là đạo đức của người có chức trách. Sống ngay thẳng, trong sạch. Không tư túi cá nhân. Một đồng của công không đụng tới. Sống tử tế với đời. Không tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Mẫu cán bộ, đảng viên này thuở đánh Tây, đánh Mỹ đầy ra, "bói" mới có một Trần Dụ Châu một kẻ bất liêm, bất chính làm tới cấp lãnh đạo Cục Quân nhu mà bòn rút tiêu chuẩn của bộ đội từ chiếc áo trấn thủ, chiếc màn, chiếc áo bông... để lấy tiền ăn chơi trác táng.

Kháng chiến giữa lúc đầy khó khăn thử thách, cán bộ lãnh đạo chỉ huy thiếu là vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phải gạt nước mắt ký lệnh tử hình. Chứ thời nay, loại đó đâu có hiếm. Nó đã gặm nhấm uy tín của Đảng, gặm nhấm lòng tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ. Đó là những "con sâu làm rầu nồi canh". Chính nó, những "con sâu" độc hại ấy đã gây nhức nhối đời sống xã hội từ bao lâu nay tạo nên bao ai oán.

Bởi vậy, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI đã phải ra một nghị quyết với tinh thần chống suy thoái đạo đức, lối sống, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống chủ nghĩa cá nhân, chống đặc quyền, đặc lợi…

Chí công vô tư: Đó là đạo đức của người cán bộ, đảng viên, sống hết sức công bằng, hoàn toàn vì lợi ích chung, không mảy may đặc quyền, đặc lợi thu vén cá nhân, không thiên vị cho bất cứ ai, nhất là trong cất nhắc đề bạt cán bộ, không vì cục bộ địa phương mà chọn những người không xứng đáng…

Dường như tiên đoán trước mọi vấn đề, nên trước khi về với thế giới Người Hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà tiên tri của non nước Việt đã nhắn nhủ lại cho các thế hệ lãnh đạo, các cán bộ, đảng viên hãy sống xứng đáng với niềm tin của quần chúng, xứng đáng là công bộc của dân.

Muốn vậy, phải thấm nhuần đạo đức Cách mạng, phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải nêu cao tinh thần đoàn kết tự phê bình và phê bình trong xây dựng nội bộ, bỏ qua mọi tị hiềm, mọi toan tính cá nhân, sống vì nghĩa lớn, vì niềm tự hào dân tộc. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu rèn mình qua lăng kính Hồ Chí Minh về tư tưởng, đạo đức và lối sống mà bản Di chúc thiêng liêng của Người trở thành cẩm nang trong cuộc sống

K.T.D.
.
.