Thành lập Hiệp hội các cơ quan chống tham nhũng quốc tế

Thứ Năm, 26/10/2006, 09:30
Theo Tân Hoa xã, ngày 25/10, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Trung Quốc Giả Xuân Vượng đã được Hội nghị thường niên lần thứ nhất Hiệp hội các cơ quan chống tham nhũng quốc tế (IC) thống nhất bầu làm Chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên.

IC chính thức được thành lập ngày 25/10/2006 tại Hương Hà, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Tham dự lễ thành lập IC có gần 1.000 đại biểu của 137 quốc gia, vùng lãnh thổ và 12 tổ chức quốc tế. Một trong những nhiệm vụ chính của IC là tấn công phòng chống nạn tham nhũng trên phạm vi toàn thế giới.

Phát biểu sau khi nhậm chức Chủ tịch, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Giả Xuân Vượng nhấn mạnh, việc thành công của hội nghị IC cho thấy sự hợp tác và giao lưu quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã được nâng lên một tầng cao mới. Trước khi giữ chức Viện trưởng Viện KSND Tối cao, ông Giả Xuân Vượng từng là Bộ trưởng Bộ Công an.

Phát biểu trong buổi khai mạc IC hôm 22/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Hồ Cẩm Đào đã khẳng định, Chính phủ Trung Quốc coi chống tham nhũng là nhiệm vụ hàng đầu, cấp thiết, có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của quốc gia, đến sự quan tâm chung của người dân, đến mục tiêu xây dựng một xã hội ổn định, hòa hợp, công bằng và bình đẳng. Chính phủ Trung Quốc luôn quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời nỗ lực ngăn chặn vấn nạn này. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Hồ Cẩm Đào cũng nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn tham nhũng như điều tra, khởi tố, xét xử, tuyên án, trừng phạt những người phạm tội tham nhũng; bên cạnh đó là nâng cao giáo dục, xây dựng hệ thống giám sát hoàn chỉnh.

Theo thống kê mới nhất, kể từ năm 2003 ở Trung Quốc đã có 67.505 tham quan bị trừng trị và chỉ từ đầu năm 2006 đến nay đã có 17.505 quan chức bị xử lý vì có liên quan tới tham nhũng. Theo ước tính, trung bình mỗi năm Trung Quốc thiệt hại từ 123 đến 157 tỷ USD do tham nhũng. Số tiền này tương đương với 13-17% GDP. Theo giới truyền thông, giới chuyên môn đang quan tâm tới cơ chế "3 không" trong công tác đấu tranh chống tham nhũng. Đó là không dám tham, không thể tham và không cần tham. Giới truyền thông cho rằng, việc ban hành "Quy định về việc khai báo thông tin cá nhân với tổ chức Đảng của cán bộ lãnh đạo các cấp" là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng hữu dụng bởi thông qua đó mọi người đều có thể giám sát và tố cáo tham quan.

Từ lâu, Trung Quốc đã coi tham nhũng là vấn đề quốc nạn bởi nó len lỏi vào tất cả các ngành, các cấp và trong mọi lĩnh vực. Đứng trước thực trạng tham nhũng kể trên, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra 6 trọng điểm trong công tác chống tham nhũng năm 2006. Theo đó phải duy trì kỷ luật đảng, kiên quyết trừng trị đối với những phần tử tha hóa, biến chất; phải kiên quyết sửa đổi tác phong làm việc; phải kiên quyết điều tra, xử lý những vấn đề còn tồn tại về lối sống và tác phong của cán bộ, đảng viên; phải tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác chống tham nhũng; phải phát hiện sớm những vụ tham nhũng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời; phải tăng cường sự giám sát, kiểm tra đối với các cơ quan công quyền.

Được biết, Chính phủ Trung Quốc vừa cam kết sẽ ngăn chặn tệ tham nhũng trong hối lộ thương mại. Được biết, các nhà làm luật đang tăng khung hình phạt đối với những trường hợp đưa hối lộ. Cùng với 6 trọng điểm kể trên là 5 biện pháp đang được nghiên cứu, trong đó có việc xây dựng Luật dân sự xử lý tham quan đào tẩu ra nước ngoài và xây dựng chế độ tử hình vắng mặt...

Quốc Trung(Tổng hợp)
.
.