Tháo ngòi nổ nguy cơ cuộc chiến Syria: Bức tâm thư và một lời nguyền

Thứ Tư, 25/09/2013, 19:35

Hôm 11/9 vừa qua, tờ The New York Times đã cho đăng tải bài viết dài 1.068 từ của Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan điểm về cuộc khủng hoảng Syria.
Có vẻ như ông Putin đã thành công với bài viết trên vì đã làm xao động nước Mỹ. Bài viết ngay lập tức khiến giới quan chức Mỹ phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt là Thượng nghị sĩ John McCain khi cho rằng, trí tuệ của mỗi người Mỹ đã bị lăng mạ trong bài viết. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa này tuyên bố sẽ "trả lễ" bài viết về Syria của Tổng thống Putin bằng một bài viết trên tờ Pravda của Nga.

Phần nào bài viết của ông Putin đã tác động tới kế hoạch tấn công Syria của chính quyền Mỹ khi đặt yếu tố hòa bình thế giới lên hàng đầu. Tuy nhiên, lý do thực sự khiến Mỹ phải lưỡng lự trước khi "ra đòn" với Syria lại được cho là xuất phát từ lời nguyền Armageddon (Ngày tận thế) với sự mở đầu là cuộc không kích để phá từng phần đập Tabqa do lực lượng quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành.

Ngay sau khi xác nhận tin, Tổng thống Obama đã lập tức cùng các đồng minh vội vã đưa ra một tuyên bố chung phản đối vụ không kích và kết luận rằng, cuộc tấn công sẽ mở đường cho một thảm họa nhân đạo chưa từng có tại Syria nếu đập Tabqa bị vỡ.

Cần có bước đi thận trọng

Ông Putin viết trên tờ New York Times rằng: "…Những sự việc xảy ra gần đây xung quanh vấn đề Syria đã thôi thúc tôi phải lên tiếng trực tiếp với người dân và giới lãnh đạo Mỹ. Một cuộc tấn công từ phía Mỹ vào Syria, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia, cùng những quan chức chủ chốt và các thủ lĩnh tôn giáo, sẽ đưa đến hậu quả cho các nạn nhân vô tội, làm xung đột leo thang và lan tràn, có thể vượt ra ngoài biên giới của Syria.

Một cuộc tấn công sẽ làm gia tăng bạo lực và tạo đà cho một làn sóng khủng bố mới. Nó có thể phá hoại những cố gắng, nỗ lực từ nhiều phía để giải quyết vấn đề hạt nhân ở Iran và xung đột của người Israel - Palestine, gây mất cân bằng cho hệ thống trật tự và luật pháp quốc tế. Cuộc chiến tranh ở Syria không phải để tìm kiếm nền dân chủ, mà đang có một cuộc chiến giữa chính phủ và phe đối lập xảy ra tại quốc gia đa tôn giáo này. Không có nhiều người vì dân chủ ở cuộc chiến Syria, nhưng lại có quá nhiều phần tử Al-Qaeda và những thành phần cực đoan đều ra sức chống đối chính phủ...".

Tổng thống Putin đón người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

Nhiều người cho rằng, bài viết đã giúp ông Putin ghi điểm bởi những lập luận đưa ra nhằm phản bác kế hoạch tấn công Syria. Nhà lãnh đạo Nga đã gọi Washington là "kẻ chuyên bắt nạt" và mượn vấn đề Syria để thẳng thừng lên án việc Mỹ ngày càng dựa vào vũ lực để can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác. Nếu ví cuộc đối đầu này như một trận đấu Judo, môn thể thao yêu thích của ông Putin, thì nhà lãnh đạo Nga ít nhất vừa đẩy được ông Obama ra khỏi thảm thi đấu, giành được một chiến thắng ngoại giao quan trọng.

Khi đó, chính ông Obama lại "mắc nợ" ông Putin khi đã tránh được một cuộc chiến tranh mới và giữ chút uy tín trong Quốc hội. Bài viết của ông Putin cũng cho thấy nhà lãnh đạo Nga đã đạt được hai mục tiêu quan trọng: giúp cho đồng minh Assad một chiếc "phao cứu sinh" và đưa vấn đề Syria trở lại Hội đồng Bảo an nhằm kiếm tìm một giải pháp hòa bình.

Bài viết của ông Putin nhận được sự khen ngợi đặc biệt từ Pat Buchanan, cựu cố vấn của Nixon và Reagan. "Vladimir Putin đưa ra lập luận thuyết phục chống lại việc Mỹ tấn công Syria. Tôi ủng hộ ý kiến của ông Putin, cho rằng chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định tấn công nước khác. Dường như Mỹ đã quá hung hăng trong việc này. Chúng ta phải cùng nhau làm việc với các thành viên của Liên Hiệp Quốc chứ không nên hành động đơn độc".

Bài viết giúp Tổng thống Nga tác động trực tiếp tới dư luận Mỹ và đưa ra những ý kiến phản biện ông Barack Obama. Ông Putin đã tổng hợp lại và khẳng định những lập luận mà người dân Mỹ từng đưa ra để phản đối cuộc tấn công quân sự, qua đó củng cố lòng tin cho những người ủng hộ quan điểm này. Điều thú vị là ông không phát biểu với cương vị một nhà lãnh đạo mà lấy cương vị như một người khách quan nói lên tiếng nói của lý trí và chân lý

Trong lúc đó, phát ngôn viên của Nhà Trắng cho rằng, Nga là quốc gia đưa ra sáng kiến về tiêu hủy của vũ khí hóa học ở Syria, vì vậy không có gì lạ khi Tổng thống Putin muốn chính thức kêu gọi sự ủng hộ của người dân Mỹ. Sáng kiến này có thể loại bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học, giải quyết tận gốc vấn đề, trong khi can thiệp quân sự sẽ chỉ có thể hạn chế việc sử dụng vũ khí hóa học trước mắt.

Giới chính khách… bị chọc tức

Tuy nhiên, giới chính khách Mỹ lại có phản ứng rất mạnh mẽ và hoàn toàn trái ngược. Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, viết trên mạng Twitter rằng ông Putin không hề có tư cách nói gì cả, đặc biệt là sau khi ông đã từng ra lệnh hành động quân sự ở Gruzia và Chesnya mà không hỏi ý kiến Liên Hiệp Quốc.

Thượng nghị sĩ John McCain (phải) sẽ đáp trả ông Putin bằng một bài viết trên tờ Pravda của Nga.

Một số nghị sĩ bày tỏ quan ngại về cái gọi là lời kêu gọi chân chính và khách quan trong vấn đề Syria. "Chuyện gì đang diễn ra vậy? Nga vốn là nước ủng hộ cho lực lượng Assad ở Syria. Chính vũ khí do Nga cung cấp cho Assad đã làm thiệt mạng biết bao thường dân Syria trong cuộc nội chiến", Thượng nghị sĩ John McCain đặt vấn đề.

Trong lúc dư luận Mỹ chưa bớt sục sôi về bài báo của ông Putin đăng trên New York Times, thì chiều ngày 13/9 có tin là ông John McCain sắp viết bài đáp trả đăng trên tờ Pravda của Nga. Ông McCain đưa ra quyết định này sau khi một tạp chí của Mỹ gửi cho Pravda bản sao bài phỏng vấn trên kênh truyền hình, trong đó Thượng nghĩ sĩ John Mccain nói rằng, ông sẽ viết bài cho Pravda.

Theo ý tưởng của Thượng nghị sĩ John McCain, một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhất ở Mỹ, bài viết của ông đăng trên tờ Pravda sẽ tương tự như một lời "trả đũa" với bài viết của ông Putin trên báo The New York Times. Ông tỏ thái độ rất hoài nghi đối với đề xuất của Nga về việc nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad sẽ từ chối vũ khí hóa học, nhưng sẵn sàng chờ đợi và xem điều này sẽ dẫn đến kết quả như thế nào. Thượng nghị sĩ này công khai lên án ông Putin tự cho bản thân quyền "kiến tạo hòa bình" và phê phán Washington về khuynh hướng ưa bạo lực trong các vấn đề chính trị nhạy cảm thế giới.

Hiện chưa có ai trong tòa soạn báo Pravda hay biết gì về việc ông McCain định đăng bài viết trên báo này. Tổng biên tập tờ báo tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi nghe tới kế hoạch của ông McCain, nhấn mạnh rằng tờ Pradva ở Nga chỉ có một và hiện chưa có ai nhân danh thượng nghị sĩ Mỹ gửi yêu cầu gì đến tòa soạn. Theo đó, rất có khả năng thượng nghị sĩ này đã bịa ra thông tin và sẵn sàng trả nhiều tiền để được thỏa mãn cơn tức giận với Tổng thống Putin.

Trung tâm phản hồi chính trị Mỹ cho hay thực chất ông McCain muốn "mượn tay đồng tiền" để lên báo chí "đấu khẩu" với Tổng thống Putin. Có một thực tế rằng các nghị sĩ bỏ phiếu "đồng ý" trao quyền tấn công Syria cho Tổng thống Barack Obama như John McCain đã nhận nhiều tiền vận động hơn so với những người bỏ phiếu "không" từ những người vận động hành lang quốc phòng. Một nhóm nghiên cứu chuyên theo dõi vấn đề tiền bạc trong nội bộ chính trị Mỹ kết luận: Trung bình mỗi nghị sĩ bỏ phiếu "đồng ý" về kế hoạch tấn công Syria đã nhận khoản hỗ trợ tài chính hơn 83% so với trung bình những người bỏ phiếu "không".

Số liệu cho thấy qua hơn 5 năm nay, hơn 1 triệu USD đã "chảy" từ túi các nhà vận động hành lang quốc phòng sang túi các nghị sĩ - những người có quyền hạn quyết định các vấn đề về chiến tranh mang tới cho những nhà vận động này quyền hành động quân sự. Và rất bất ngờ khi John McCain, thủ lĩnh phe diều hâu trong Thượng viện Mỹ (nhóm những người ủng hộ thay đổi chế độ tại Syria), đang đứng đầu danh sách nhận được nhiều quà biếu nhất từ các nhà vận động hành lang với tổng giá trị gần 200.000 USD.

Hoãn chiến vì lời nguyền?

Ngay sau khi đăng tải bài viết của ông Putin nhằm "cản" Mỹ tấn công Syria, tờ The New York Times bất ngờ tiết lộ lý do "thực sự" chính quyền Barack Obama nhanh chóng từ chối việc sử dụng hành động quân sự đối với Syria. Tờ báo đưa ra công khai một báo cáo rất đáng sợ của Văn phòng Tổng thống Mỹ đề cập tới các bước đi chiến lược của thảm họa "Armageddon" (thuật ngữ ám chỉ về bất kỳ kịch bản nào dẫn tới sự kết thúc của thế giới) đã xuất hiện tại Syria.

Theo đó, chính quyền Mỹ hẳn phải cực kỳ dè chừng khi hay tin nhà lãnh đạo Bashar al-Assad đã tiến hành kế hoạch Armageddon để phá hủy đập Tabqa, công trình giữ nước của sông Euphrates, cảnh báo trước nguy cơ xảy ra một thảm họa nhân tạo lớn nhất từ trước tới nay ở Trung Đông. Phía Syria đã dùng không quân và bom chùm KAB-500L-KE  mở một loạt các cuộc không kích nhằm vào các công trình phụ của đập Tabqa, cùng lời đe dọa sẽ tăng lực công phá bằng bom KAB-1500L-Pr để hủy diệt trong nháy mắt.

Sau khi nhận được tin về cuộc tấn công, Tổng thống Obama ngay lập tức đã ra lệnh ngưng bất kỳ hành động quân sự nào nhằm vào Syria, kể cả việc hoãn vô thời hạn cuộc bỏ phiếu về vấn đề này tại Quốc hội Mỹ. Ngoài ra, ông Obama cũng đưa ra nghị quyết sẽ hạn chế hành động quân sự chống lại Syria trong vòng 60 ngày với khả năng có thể kéo dài thêm tối đa là 30 ngày, đồng thời không triển khai bộ binh sang Syria.

­Báo cáo của Văn phòng Tổng thống Mỹ cho biết, một số khu vực gần đập Tabqa thuộc miền Bắc Syria đang nằm dưới sự kiểm soát của các phe phái do chính quyền  Obama hỗ trợ kể từ giữa tháng 3/2013. Điều quan trọng nhất Tổng thống Mỹ cần lưu ý là ông Bashar al-Assad đã bắt đầu sử dụng nước như một thứ vũ khí nguy hiểm nhất và nhạy cảm nhất để gây áp lực lâu dài cho cả Trung Đông. Đập Tabga trở thành đập chứa nước lớn nhất của Syria một khi bị vỡ, nước trong đập sẽ không chỉ cuốn sạch mọi lực lượng chống đối Tổng thống Assad ngay tức thì mà còn gây thảm họa cho cả Syria lẫn Iraq, đe dọa sinh mạng ít nhất 300.000 người dọc biên giới Syria - Iraq.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu Tổng thống Mỹ hành động, rất có thể chế độ Assad trong bước đường cùng sẽ phá hủy hoàn toàn đập Tabqa. Và cho dù các tổ chức nổi dậy ở Syria giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến này thì một vùng lãnh thổ rộng lớn sẽ bị thảm họa do úng ngập trước mắt và hạn hán kéo dài vô tận sau này khiến cho Chính phủ Obama lẫn các đồng minh phương Tây phải chịu lời nguyền suốt đời của cuộc chiến về nước ở Trung Đông

Trần Quân - Anh Doãn (theo The New York Times)
.
.