Thấy gì khi ông John Bolton không còn là cố vấn?

Thứ Ba, 17/09/2019, 11:31
Trên Twitter trưa 10-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton vì “bất đồng trong giải quyết những thách thức đối ngoại”, cụ thể là Iran, Triều Tiên và Afghanistan.

Ông viết: “Tôi đã báo với John Bolton tối ngày hôm qua (9-9) rằng sự phục vụ của ông ở Nhà Trắng là không còn cần thiết. Tôi, cùng nhiều quan chức khác, đã nhiều lần bất đồng sâu sắc với nhiều khuyến nghị của ông ấy, do đó tôi đã bảo ông ấy từ chức và đã nhận được lá đơn vào sáng nay. Tôi cảm ơn John vì sự phục vụ của ông ấy và sẽ bổ nhiệm tân Cố vấn An ninh quốc gia vào tuần tới”.

Về phần mình, ông Bolton cho biết chính ông mới là người chủ động đệ đơn từ chức.

Trong số các tên tuổi được đồn đoán có khả năng kế vị ông Bolton có ông Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên; ông Richard Grenell, Đại sứ Mỹ tại Đức; nhà thương thuyết Robert O’Brien và Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan.

Sa thải hay từ chức?

Với những lời lẽ gay gắt từ phía Tổng thống Trump thì có lẽ ít ai tin rằng ông Bolton đã chủ động đệ đơn từ chức. Với hàng loạt quan điểm đối đầu với ông chủ Nhà Trắng, sự ra đi của ông Bolton chỉ có thể là sớm hay muộn. Có lẽ, với ông Trump, việc sa thải ông Bolton vào thời điểm khi cuộc bầu cử Mỹ đang tới gần, các vấn đề đối ngoại đang còn khá rối ren là điều dễ hiểu và cần thiết.

Nếu còn tồn tại trong Nhà Trắng với những đề xuất chính sách “ngược nắng, ngược gió” với quan điểm của ông Trump, thay vì là “cố vấn” theo đúng vai trò và trách nhiệm, ông Bolton sẽ là rào cản sát sườn nhất của ông Trump.

Từ lâu, ông Bolton đã không được lòng ông Trump và các quan chức khác trong nội các. Bolton đã nhiều lần khiến ông Trump phật ý khi phản đối chính sách hòa hoãn với Triều Tiên. Quan điểm cứng rắn của ông Bolton cũng được cho là một trong những lý do khiến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội đã không dẫn đến một thỏa thuận.

Không những vậy, ông Bolton đã ủng hộ việc Mỹ tiến hành chiến dịch tấn công chính xác vào Iran và phản đối “sáng kiến” gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani của ông chủ Nhà Trắng. Lập trường “diều hâu” của ông Bolton đi ngược lại với chủ trương hòa hoãn của ông Trump. Có thể khẳng định,  “Bolton hoạt động tách biệt với phần còn lại của Nhà Trắng”.

Ông Bolton nổi tiếng là nhân vật hiếu chiến và ông Trump từng nói đùa tại một cuộc họp ở phòng Bầu dục rằng “John không bao giờ chứng kiến một cuộc chiến tranh mà ông không thích”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông John Bolton.

Bước đi cần thiết

Sự ra đi của ông Bolton không chỉ cho thấy quan điểm “Nước Mỹ ở mọi nơi” của ông Bolton xung đột với quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump mà còn là chỉ dấu quan trọng về quyền lực đối ngoại của ông Trump. Từ nay, ông Trump có thể tự tin hơn trong việc triển khai những chính sách đối ngoại theo hướng “mềm mại” hơn của mình.

Các chuyên gia cho rằng, sự ra đi của ông Bolton cũng sẽ không đảo lộn quá nhiều chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Ông Bolton không trực tiếp tham gia đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Tới nay, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt quá phạm vi thương mại, lan sang nhiều lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, tài chính tiền tệ, cạnh tranh địa chính trị.

Tuy nhiên, trọng điểm vẫn là chiến tranh thương mại và người giữ vai trò chủ đạo trên phương diện này là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Trong đó, ông Lighthizer thuộc phái cứng rắn đối với Trung Quốc.

Ông Bolton không trực tiếp can dự vào vấn đề kinh tế thương mại Mỹ-Trung. Vì thế, khả năng quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Trung trở nên hòa hoãn sau vụ việc ông Bolton mất chức Cố vấn An ninh quốc gia khó diễn ra.

Như vậy, việc kiện toàn nhân sự ủng hộ trong bộ máy của mình là một nước đi có phần mạo hiểm nhưng cần thiết với ông Trump vào lúc này. Thành quả của ông Trump từ nay đến cuộc bầu cử vào tháng 11 năm sau sẽ quyết định “số phận” của ông tại Nhà Trắng.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.