Thấy gì qua những lời nói và việc làm của ông Ngô Quang Kiệt

Thứ Năm, 25/09/2008, 11:00
Trong đơn khiếu nại khẩn cấp, ông Ngô Quang Kiệt nói rằng tại 42 Nhà Chung, chính quyền đã "bao vây cơ sở tôn giáo", thậm chí một số giáo sĩ còn lu loa rằng chính quyền sử dụng lực lượng công an với các công cụ hỗ trợ để ngăn cản giáo dân ở đây. Đây là sự áp đặt tư tưởng, vu cáo một cách trắng trợn.

Ấy là muốn nói tới ông Ngô Quang Kiệt. Phải nói thêm rằng, trước những hành động không thể chấp nhận được của ông này, ngày 21/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã cảnh cáo ông Ngô Quang Kiệt - Tổng Giám mục giáo phận Hà Nội bằng văn bản. Đại diện lãnh đạo chính quyền thành phố đã yêu cầu ông Ngô Quang Kiệt, với cương vị của mình, phải dừng ngay các hành vi vi phạm pháp luật như thời gian qua.

Trước đó, sáng ngày 20/9, với quan điểm trách nhiệm, tôn trọng dựa trên tinh thần cùng tuân thủ pháp luật, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã có buổi tiếp xúc và làm việc trực tiếp với đoàn của Tòa Tổng giám mục Hà Nội do Tổng Giám mục giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt dẫn đầu, nội dung chính xoay quanh công trình công viên cây xanh ở khu đất số 42 phố Nhà Chung.

Để buổi làm việc có hiệu quả, phía UBND TP đã bố trí một chương trình làm việc hết sức cụ thể và nghiêm túc. Tuy nhiên, không hiểu do quá nóng vội hay không hiểu biết gì về phép lịch sự xã giao đơn giản nhất mà phía đoàn Tổng Giám mục đã "biến" ngay Phòng Khánh tiết của UBND TP thành nơi chất vấn một cách thô bạo với những chủ nhà hiếu khách và đang có nhã ý lắng nghe mình.

Thế là, thay vì màn "mời trà đãi khách" đầy trọng thị ấy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đành buộc phải mời đoàn của Tổng Giám mục sang phòng làm việc ngay.

Công trình Công viên cây xanh - nhà thư viện, phòng đọc tại 42 Nhà Chung.

Có một chi tiết thú vị thế này: Khi hai vị đại diện vừa yên vị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã tế nhị đề nghị ông Ngô Quang Kiệt cùng ngồi xích sang một bên để "tránh cành lá của chiếc chậu cây cảnh đặt giữa phòng che khuất tầm nhìn giữa hai chúng ta!". Không chỉ nghe, mà trong cuộc gặp mặt này, người đại diện đứng đầu TP Hà Nội còn muốn đối thoại toàn diện với người cũng là đại diện đứng đầu bà con giáo dân ở Hà Nội. Cử chỉ đơn giản, nhưng bao hàm một vị thế lớn.

Gần 2 tiếng đồng hồ, đại diện lãnh đạo TP Hà Nội đã ngồi nghe những phát biểu bày tỏ quan điểm của phía Tòa Tổng giám mục Hà Nội. Phải công bằng mà nói, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo và đại diện các sở, ban, ngành của thành phố ngày hôm ấy đã rất kiên nhẫn, nếu không muốn nói là dằn lòng, để nghe "các vị khách" nói.

Bởi trên thực tế, những lời phát biểu của các đại diện phía bên Tòa Tổng Giám mục đi vào trình bày nội dung và lý lẽ cụ thể vấn đề đất đai thì ít, mà mượn cớ lu loa cơ quan chức năng, các cơ quan tư pháp thì nhiều.

Đấy là chưa kể, khi các cơ quan ban ngành của thành phố phúc đáp, thì lại bị phía đại diện Tòa Tổng giám mục cắt ngang một cách rất bất lịch sự. Có lúc Chủ tịch UBND TP đã phải nhắc nhở ông Ngô Quang Kiệt và thành viên trong đoàn cần phải xác định cho rõ và cân nhắc lời nói của mình.

Công trình xây dựng công viên cây xanh ở 42 Nhà Chung do quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, trên đó còn là UBND TP Hà Nội. Không phải cứ việc gì cũng đánh đồng với hai từ "Nhà nước" ở đây. Nói như thế để thấy, thái độ bù lu bù loa của những chức sắc bên Tòa Tổng giám mục có mặt ngày hôm ấy đã ở cái mức khó có thể chấp nhận được.

Nó đâu còn là "vì bà con giáo dân mình, mảnh đất của cha ông để lại" như lời ông Ngô Quang Kiệt tuyên bố trước đó nữa. Lời nói và việc làm của ông Tổng Giám mục ngày hôm ấy khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: vì mục đích gì?

Theo hồ sơ tài liệu chính thức về nhà đất đang lưu trữ tại Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng Hà Nội thì, nguồn gốc nhà đất số 40a (nay là số 42) phố Nhà Chung thuộc thửa đất số 14726, mang bằng khoán điền thổ số 1765 khu Nhà thờ, trước đây có nguồn gốc do Hội truyền giáo ngoại quốc (cũng là Hội thừa sai Paris) quản lý và sử dụng.

Trong thời kỳ thực hiện chính sách của Nhà nước về nhà đất, ngày 24/11/1961, Linh mục Nguyễn Tùng Cương (lúc đó là quản lý Tòa Tổng giám mục Hà Nội) đã bàn giao cơ sở nhà đất 40a phố Nhà Chung cho Nhà nước thống nhất quản lý. Khu đất này có diện tích 6.940m2, có 2 khối nhà tầng từ thời Pháp. Liên tục từ đó đến nay, khu nhà đất 42 Nhà Chung do UBND quận Hoàn Kiếm quản lý, sử dụng làm trụ sở cơ quan phòng Văn hóa - Thể thao quận; Trung tâm Thể dục - Thể thao và Nhà văn hóa quận.

Việc ông Ngô Quang Kiệt nói rằng ông không biết có văn bản nào liên quan đến mảnh đất 42 Nhà Chung cũng là một sự phi lý. Bởi trên thực tế, từ năm 2001 đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố, UBND TP, Bộ Xây dựng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đã xem xét và trả lời các đơn kiến nghị của Tòa Tổng giám mục Hà Nội với cùng một nội dung khẳng định không có cơ sở để trả lại đất cho Tòa Tổng giám mục.

Chưa kể các văn bản trả lời trước đó, ngày 1/5/2003, Tòa Tổng giám mục Hà Nội có đơn kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản trả lời Tòa Tổng giám mục khẳng định việc UBND TP Hà Nội xem xét, giải quyết kiến nghị của Tòa Tổng giám mục Hà Nội về cơ sở nhà đất tại 42 Nhà Chung là đúng chính sách, pháp luật hiện hành.

Và, gần đây nhất, xét báo cáo, đề xuất số 02/BXD-QLN ngày 21/9/2007 của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho UBND TP Hà Nội tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng công viên cây xanh - nhà thư viện, phòng đọc tại khu nhà đất 42 Nhà Chung.

Thiện chí của chính quyền thành phố còn một lần nữa thể hiện ở chỗ, ngày 22/7/2008, Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất TP đã có Văn bản 567/TNMT-KHTH gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam để hướng dẫn chi tiết về việc lập hồ sơ xin sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, theo đó đã giới thiệu 3 địa điểm trên địa bàn thành phố để Tòa Tổng giám mục lựa chọn, thực hiện các quy trình đầu tư xây dựng công trình phục vụ mục đích tôn giáo. --PageBreak--

3 địa điểm này, một có diện tích 1 ha tại thôn Cổ Nhuế, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm;  một có diện tích 2 ha tại làng Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm và địa điểm thứ 3 rộng gần 7.500m2 tại 67 phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình, Hà Nội. Tuy nhiên, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã chẳng quan tâm mà còn tỏ rõ sự ngoan cố, “đòi đất chứ không xin đất” nên không thực hiện việc này (!?).

Như vậy là đã rõ. Cái mà ông Ngô Quang Kiệt gọi là "cần đất phục vụ tôn giáo" chỉ là cái cớ. Bằng chứng là cả 3 địa điểm, nhất là địa điểm tại phố Phó Đức Chính đẹp như thế, giáo dân có thể cần, chứ ông có cần đâu. Cái ông cần là qua những hành động ấy kích động bà con giáo dân gây rối mà thôi.

Còn nữa! Trong đơn khiếu nại khẩn cấp, ông Ngô Quang Kiệt nói rằng tại 42 Nhà Chung, chính quyền đã "bao vây cơ sở tôn giáo", thậm chí một số giáo sĩ còn lu loa rằng chính quyền sử dụng lực lượng công an với các công cụ hỗ trợ để ngăn cản giáo dân ở đây. Đây là sự áp đặt tư tưởng, vu cáo một cách trắng trợn.

Một góc Công trình công viên cây xanh tại 42 Nhà Chung.

Phản hồi ngay tại cuộc làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định nhiệm vụ của lực lượng công an là bảo đảm an ninh trật tự, ở bất cứ quốc gia nào cũng như thế mà thôi. Rõ ràng đất 42 Nhà Chung không phải đất của Tòa Tổng giám mục, nên nói "bao vây cơ sở tôn giáo" là một sự bịa đặt.

Thứ hai, nếu nhìn về góc độ nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và bình yên xã hội mà nói, thì những gì đã xảy ra từ trường hợp của Công ty Cổ phần may Chiến Thắng tại 178 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội đã là quá đủ để cho các cơ quan chức năng cũng như các ngành bảo vệ tư pháp phải cảnh giác hơn trước những việc làm của những người đứng đầu giáo phận Hà Nội, điển hình là Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt.

Nực cười là ở chỗ, chính ông Ngô Quang Kiệt và các đồng sự của ông luôn miệng nói đến việc sống "tuân thủ pháp luật", nhưng dường như ông lại không nắm rõ lắm về những quy định của pháp luật thì phải.

"Tôi đã nghe các ông chất vấn chính quyền nhiều rồi, giờ tôi xin hỏi các ông". Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh đặt vấn đề: "Giáo dân lấn chiếm đất của chính quyền đang quản lý có là vi phạm pháp luật không? Việc vi phạm này có trách nhiệm của các linh mục không? Một số giáo dân đập phá tường rào của cơ quan, doanh nghiệp, dựng lều bạt, cư trú ban đêm không hợp pháp như vừa qua có đúng luật không? Việc đưa tượng Chúa, thánh giá, tranh ảnh vào các khu đất của cơ quan, doanh nghiệp và chính quyền đang quản lý bất chấp mọi sự phản đối có là vi phạm pháp luật hay không? Các linh mục và giáo dân tiến hành cầu nguyện bên ngoài khuôn viên nhà thờ, ngay trên vỉa hè, đường giao thông công cộng thì có phải là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, sắc lệnh về tôn giáo, tín ngưỡng hay không? Việc bắc loa với công suất lớn tại nơi công cộng để đọc đơn khiếu nại khẩn cấp của Tổng Giám mục, mặc dù lá đơn này có địa chỉ gửi đến cụ thể, thì có đúng với Luật Khiếu nại tố cáo không?".

Nhìn lại một cách hệ thống, những hành vi kích động của ông Ngô Quang Kiệt đã có từ lâu. Ngày 15/12/2007, ông Ngô Quang Kiệt, với đương danh Tổng Giám mục, đã phát tán lên một số trang thông tin điện tử bức thư có nội dung kêu gọi các linh mục, tu sĩ, chúng sinh và giáo dân giáo phận Hà Nội cầu nguyện và kích động việc đòi lại đất 42 Nhà Chung.

Từ ngày 18/12 đến 8/1/2008, Tòa Tổng giám mục Hà Nội liên tục huy động, phân công các giáo xứ trên địa bàn thành phố tổ chức cho linh mục, giáo dân tiến hành các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp trước khu đất này. Đặc biệt, trong các ngày từ 20 đến 24/12/2007, dưới sự chỉ đạo của một số linh mục, giáo dân đã tràn vào chiếm đất và đặt tượng Đức Mẹ, gắn thánh giá trong khu vực.

Hơn thế nữa, ngày 25/1/2008, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã kích động lôi kéo khoảng 100 linh mục và hơn 1.000 giáo dân tại Hà Nội và các tỉnh lân cận kéo về 42 Nhà Chung, đẩy đổ cổng sắt, tràn vào sân, xô xát và đánh bị thương bảo vệ cơ quan, gây sức ép đòi chính quyền trả đất... Những hành vi vi phạm ấy đã thể hiện rất rõ sự xúi giục, kích động từ Tòa Tổng giám mục Hà Nội, trong đó có vai trò chỉ đạo chính của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt.

Mặc dù thế, ông Ngô Quang Kiệt vẫn lại một lần nữa gây "shock" trước bàn dân thiên hạ khi trong buổi làm việc với chính quyền UBND TP Hà Nội, ông Tổng Giám mục đã tuyên bố mình "cảm thấy nhục vì mang hộ chiếu Việt Nam". Có lẽ ông Ngô Quang Kiệt cũng không lường trước được câu nói của mình lại gây một tác động xấu như thế nào đối với toàn thể cộng đồng người Việt Nam nói chung, và cả những đồng bào Công giáo lương thiện nói riêng đến mức như thế.

Và thực tế là cho dù câu nói ấy có xuất hiện trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, thì đó cũng là điều không thể chấp nhận được. Người biết chuyện đều bảo, kể cả ông có học ở Tây dù ông có không sống bằng tiền đồng Việt Nam đi chăng nữa, thì ông cũng không thể chối bỏ một sự thật rằng ông là một người Việt Nam máu đỏ da vàng.

Bản thân ông đang sống trên mảnh đất Việt Nam, là một người Việt Nam tự do mà để có sự tự do đó, biết bao người con ưu tú, lương có, giáo có, đã ngã xuống để có được như ngày hôm nay. Tin chắc rằng, những người đau đớn nhất khi nghe ông nói lời này là những người thân thích, máu mủ ruột thịt với ông. Một người có lòng tự trọng không thể tự buông lời sỉ nhục cả nguồn gốc của mình một cách cẩu thả như vậy.

Đến nước này, nhiều người sẽ phải đặt câu hỏi một người không tôn trọng chính bản thân mình và đồng bào mình, thì liệu còn có thể đủ năng lực đứng ra để thực thi cái gọi là "bảo vệ quyền lợi" cho người khác, cho bà con giáo dân được nữa không?

Nhóm PV Thời sự
.
.