Thấy gì qua phát biểu của Thủ tướng Israel?

Thứ Ba, 21/07/2009, 14:45
Trong chưa đầy một tháng, nhân vật "diều hâu" nhất trong chính trường Israel đột ngột đưa ra hai tuyên bố: thừa nhận Nhà nước Palestine và mời Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas gặp mặt để cùng gây dựng một nền hòa bình chung cho khu vực. Điều gì khiến ông Benjamin Netanyahu quay ngoắt 180o như vậy? Liệu có nên hy vọng vào một sự thay đổi đột biến trong quan điểm và thái độ của chính phủ mới ở Israel đối với Palestine hay không?

Ông Netanyahu từ lâu vẫn cương quyết phản đối việc thành lập một Nhà nước Palestine bên cạnh Nhà nước Do Thái, duy trì việc kiểm soát thường trực tại Bờ Tây (một phần của các lãnh thổ Palestine, được Liên Hiệp Quốc (LHQ) và hầu hết các nước khác coi là nằm dưới sự chiếm đóng của Israel) và các khu vực định cư Do Thái trên các vùng đất chiếm đóng của Palestine.

Tuy nhiên, giữa tháng 6 vừa qua, ông Benjamin Netanyahu đưa ra tuyên bố làm thế giới sững sờ: chấp nhận thành lập một Nhà nước Palestine nhưng lại đưa ra nhiều điều kiện mà phía Palestin không thể chấp nhận: Palestin phải phi quân sự hóa toàn bộ và phải thừa nhận Israel như một nhà nước của người dân Do Thái!

Đến hôm 12/7 vừa qua, tai cuộc họp nội các chính phủ đặc biệt được tổ chức tại Beersheba, phía nam Israel, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố: "Tôi muốn nói với vị lãnh đạo chính quyền Palestine rằng chúng ta cần gặp nhau để xây dựng một nền hòa bình chính trị và kinh tế cho hai nước".

Bài phát biểu này, được đưa lên sóng đài phát thanh quân đội Israel sau đó, còn có đoạn: "Chẳng có lý do gì để chúng tôi không thể gặp Tổng thống Palestine và tôi đề nghị cuộc gặp sẽ diễn ra tại Beersheba (nằm không xa Dải Gaza) để đẩy nhanh tiến trình hòa bình, có lợi cho cả hai dân tộc".

Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Cũng như lần trước, ngay lập tức Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có phản ứng trước lời mời trên của lãnh đạo Israel. Ông nói: "Giữa chúng ta không còn gì để đàm phán. Chúng ta chỉ có thể tiếp tục đàm phán nếu cả hai phía IsraelPalestine đều đáp ứng những yêu cầu của bản Lộ trình hòa bình Trung Đông".

Bản Lộ trình hòa bình Trung Đông, một kế hoạch hòa bình được khởi xướng năm 2003 bởi bộ tứ (Mỹ, Nga, EU và LHQ) và đã được Israel phê chuẩn, đề nghị thành lập một nhà nước Palestine theo từng giai đoạn, yêu cầu chấm dứt bạo động và phía Israel phải ngừng ngay việc xây dựng các khu định cư tại Bờ Tây.

Liên quan tới các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, hiện tại chính quyền Netanyahu vẫn từ chối ngưng xây dựng theo yêu cầu của chính quyền Mỹ và bộ tứ trong lúc vẫn tìm kiếm một sự thỏa hiệp với chính quyền Obama nhằm tránh một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.

Như vậy xét trên bản lộ trình hòa bình này thì cả 3 điều khoản trên (bạo lực gia tăng khi Israel  tấn công Dải Gaza hồi cuối năm ngoái làm chết khoảng 1.500 dân thường Palestin) Israel chưa đáp ứng được điều yêu cầu nào mà có sự đồng thuận của Palestine.

Đến buổi tối cùng ngày 12/7, ông Netanyahu lại bổn cũ soạn lại: yêu cầu người Palestine thừa nhận tính chất Do Thái của Nhà nước Palestine.

Xin mở ngoặc để nói cho rõ tính chất Do Thái mà Nhà nước Israel luôn tìm kiếm bấy lâu. Năm 1947, Chính phủ Anh rút khỏi Lãnh thổ ủy trị Palestine của LHQ. Sau đó, Đại hội đồng LHQ thông qua kế hoạch phân chia lãnh thổ đó làm hai quốc gia, với vùng Do Thái chiếm khoảng 55% diện tích và vùng Arập khoảng 45%. Kế hoạch phân chia này của LHQ đã không được cả Israel và Liên đoàn Arập chấp nhận. Nhiều cuộc tấn công của người Arập vào dân Do Thái nhanh chóng biến thành xung đột khắp nơi giữa người Arập và người Do Thái. Các xung đột này là giai đoạn đầu tiên cuộc chiến tranh giành độc lập của Israel năm 1948.

Chính quyền Palestine chưa bao giờ công nhận Israel như một nhà nước của dân tộc Do Thái vì theo họ, việc này đồng nghĩa với sự từ bỏ quyền quay lại của người tị nạn Palestine.

Theo một điều luật cơ bản, Israel được xác định như một Nhà nước Do Thái dân chủ, bao gồm cả 1,3 triệu công dân Arập. Những người này buộc phải di dời khi Israel thành lập năm 1948. Số phận của những người tị nạn Palestine tại Israel và con cháu của họ, tổng cộng khoảng 4,5 triệu người, là vấn đề nan giải nhất trong cuộc xung đột Israel - Palestine. Israel luôn từ chối việc cho những người Palestine này hồi hương.

Từ khi lên nhậm chức hồi đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Israel Netanyahu chưa bao giờ gặp Tổng thống Mahmoud Abbas, trong khi người tiền nhiệm Ehud Olmert lại thường xuyên gặp gỡ và điện đàm với ông Abbas.

Theo giới quan sát, việc ông Netanyahu liên tiếp đưa ra hai đề nghị "đột phá" (thành lập Nhà nước Palestine và mời lãnh đạo nước này đối thoại - mặc dù đó là những đề nghị không được Palestine chấp nhận) cho thấy Israel đang muốn đẩy quả bóng áp lực dư luận lên chính quyền Mahmoud Abbas.

Những cái lợi từ những động thái này của chính quyền Netanyahu là giữ thể diện đối với cả bên trong lẫn bên ngoài, đặc biệt là không làm mất mặt các đồng minh chiến lược, cụ thể là Mỹ, khi mà chính quyền Obama luôn tuyên bố ủng hộ hai nhà nước Palestine và Israel, trong khi vẫn tranh thủ được sự ủng hộ của cử tri Israel.

Do vậy, sẽ là ảo tưởng nếu mong đợi một sự biến chuyển lớn trong quan điểm và thái độ của chính phủ mới ở Israel đối với Palestine nếu chỉ dựa trên những phát biểu từ Chính phủ Israel

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.