Thấy gì từ Liên minh Hồi giáo chống khủng bố toàn cầu

Thứ Tư, 29/11/2017, 14:14
Ngày 26-11, liên minh chống khủng bố của các nước Hồi giáo do Saudi Arabia chủ xướng đã có cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên tại thủ đô Riyadh. Từ 36 thành viên khi thành lập, nay liên minh này đã có tới 41 nước tham gia. Vì sao lại có liên minh này và vai trò thực chất của tổ chức này là gì?

Liên minh Hồi giáo không có Syria và Iraq

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố (IMCTC), Thái tử của Saudi Arabia đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Mohammed bin Salman, tuyên bố: Nước này sẽ “quét sạch các đối tượng khủng bố khỏi trái đất”.

Ông Mohammed nhấn mạnh: Trong những năm qua, chủ nghĩa khủng bố hiện hữu tại tất cả các nước Arab và sự thành lập liên minh nhằm đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa cực đoan. Thái tử Mohammed cho biết, 41 nước thành viên đang “gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng sẽ hợp tác cùng nhau để hỗ trợ các nỗ lực chính trị, tình báo, tài chính và quân sự của mọi quốc gia thành viên”.

Hội nghị chống khủng bố nêu trên diễn ra trong bối cảnh lực lượng khủng bố đang ngày càng đẩy mạnh các vụ bạo lực tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, khiến tình hình thêm bất ổn. Cuộc họp diễn ra chỉ vài ngày sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Ai Cập gây chấn động cộng đồng quốc tế.

Pháo binh Saudi Arabia đang pháo kích vào vị trí của phiến quân ở Yemen. Ảnh: Reuters.

Các phần tử tình nghi phiến quân đã dùng bom và súng tấn công nhằm vào những người ủng hộ lực lượng an ninh đang tham dự lễ cầu nguyện trong đền thờ Hồi giáo Al Rawdah ở Bir al-Abed, phía tây thành phố Arish thuộc tỉnh Bắc Sinai. Với hơn 300 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, đây được coi là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất nhằm vào dân thường tại Ai Cập trong những năm gần đây.

Theo AFP, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của IMCTC có sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng và các quan chức cấp cao 41 quốc gia Hồi giáo đến từ châu Á, Trung Đông và châu Phi. Nếu nói cuộc họp lần này là lần khai sinh thứ hai của liên minh Hồi giáo chống khủng bố cũng không có gì quá. Ngày 14-12-2015, Saudi Arabia bất ngờ tuyên bố lập một liên minh quân sự quốc tế chống khủng bố, gồm 34 quốc gia Hồi giáo, trong lúc cộng đồng quốc tế đang vất vả đối phó với sự bành trướng của các lực lượng thánh chiến tại Trung Đông, châu Phi và kể cả châu Á.

Liên minh quân sự nói trên bao gồm chủ yếu các quốc gia Hồi giáo, với đa số dân cư theo hệ phái Sunni. Liên minh quân sự do Saudi Arabia lãnh đạo có sứ mạng chủ yếu là chống lại tất cả các hình thức khủng bố, từ IS, Al-Qaeda đến các ‘‘nhóm phái có mục tiêu gieo rắc cái chết, các tệ nạn trên hành tinh’’, như thông cáo của Thái tử Mohammed.

Vào tháng 5 năm nay, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo Arab đã diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia đi đến nhất trí thành lập lực lượng chống khủng bố gồm 34.000 binh sĩ và một liên minh Trung Đông. Hội nghị thượng đỉnh này có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump (chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông từ khi nhậm chức) và các nhà lãnh đạo của 55 quốc gia Hồi giáo - khởi xướng thành lập một trung tâm chống hoạt động khủng bố toàn cầu tại Riyadh, nhằm theo dõi và chống chủ nghĩa cực đoan.

Khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir phát biểu: Saudi Arabia muốn gửi một thông điệp đến phương Tây rằng thế giới Hồi giáo “không phải là một kẻ thù” và nhấn mạnh, Riyadh đứng thứ hai sau Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Sáng kiến này nhằm đáp ứng yêu cầu của Mỹ, muốn các nước Arab tham gia nhiều hơn nữa trong cuộc chiến vũ trang chống tổ chức IS tại Iraq và Syria. Để hình thành liên minh đầy tham vọng này, Saudi Arabia có thể dựa vào 34 quốc gia bị khủng bố đe dọa, trong đó có Ai Cập, các nước Vùng Vịnh, Malaysia, Pakistan, và nhiều nước châu Phi. Liên minh sẽ phối hợp với các cường quốc. Trung tâm của các chiến dịch quân sự sẽ được đặt tại Riyad. Tướng Raheel Sharif người Pakistan được chỉ định làm chỉ huy trưởng quân sự liên minh.

Ngay từ khi liên minh này được thành lập, Iran, Iraq và Syria đều không được mời tham gia. Báo RT của Nga ra ngày 26-11 có bài viết “Saudi Arabia ra mắt liên minh chống khủng bố của các quốc gia Hồi giáo... mà không có Syria và Iraq” trong đó nói rằng, mặc dù đã và đang chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố IS trong một thời gian dài, nhưng Syria và Iraq lại không nằm trong danh sách các thành viên của liên minh chống khủng bố.

Iran, đối thủ lớn nhất của Riyad trong khu vực, cũng không nằm trong danh sách 41 nước thành viên của liên minh. Bài báo cho biết Qatar mặc dù gần đây bị Saudi Arabia cáo buộc bảo trợ khủng bố nhưng lại có chân trong liên minh chống khủng bố. RT lưu ý độc giả rằng, Saudi Arabia ngoài là “đầu tàu” của liên minh Hồi giáo chống khủng bố còn là thành viên của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria.

Sự ra mắt của liên minh mới này diễn ra vào thời điểm mối quan hệ giữa Tehran và Riyadh khá căng thẳng, hai nước không có quan hệ ngoại giao từ tháng 1-2016. Quan điểm của hai bên cũng đối kháng mạnh mẽ trong cuộc xung đột ở Syria và Yemen. Saudi Arabia từ lâu đã là đồng minh của Mỹ và mối quan hệ song phương dù có căng thẳng dưới thời chính quyền Obama, đặc biệt là do cách tiếp cận của Mỹ đối với Iran, nhưng đã được làm nống ấm lại trong thời gian qua.

Cuộc họp đầu tiên của Liên minh Hồi giáo chống khủng bố tại Saudi Arabia ngày 26-11.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Trung Đông của Tổng thống Donald Trump là Saudi Arabia cùng với thỏa thuận bán vũ khí lên tới 110 tỷ USD. Cùng với đó, việc Tổng thống Mỹ đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, đã khiến Saudi Arabia như củng cố được niềm tin trước mối lo ngại quân sự của đối thủ lớn trong khu vực là Iran.

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran vốn không phải là chuyện mới, nhưng có lý do khiến Riyadh khẩn trương như vậy ở thời điểm này. Dư luận khu vực cho rằng, Saudi Arabia đang có nhiều động thái hình thành các liên minh để chống lại Iran. Là nước mà người Hồi giáo theo dòng Sunni thống trị và là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Saudi Arabia sợ Iran muốn áp đặt quyền bá chủ ở Trung Đông.

Thực tế từ lâu Saudi Arabia và Iran đã là đối thủ khu vực ở Trung Đông, nhưng căng thẳng giữa 2 nước đã gia tăng trong thời gian gần đây bởi thứ nhất là đồng minh Mỹ và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “bật đèn xanh” cho các hành động này của Saudi Arabia. Thứ hai, Thái tử Mohammed dự kiến là người có thể lên nắm quyền cai trị đất nước khi mà cha ông, Quốc vương Salman 81 tuổi, sẽ thoái vị do sức khỏe yếu.

Thứ ba, Thái tử Mohammad Bin Salman, 32 tuổi, có ít kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, nhưng với cương vị Bộ trưởng Quốc phòng đã có nhiều động thái được cho là cứng rắn nhằm tạo dựng thanh thế và uy tín ở khu vực khi một số nước như Yemen, Liban, Qatar, Syria tỏ ra gần gũi hơn với Iran. Còn trong nội bộ, ông đã quyết liệt với việc cải tổ nội các, bắt giữ 11 hoàng tử và khoảng 200 quan chức, doanh nhân khác trong cuộc chống tham nhũng.

Ngoài ra, Saudi Arabia cũng nhận được sự ủng hộ của Israel trong liên minh chống lại Iran khi gần đây báo chí tiết lộ hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc ngầm. Đáng chú ý là thời qua, Saudi Arabia cũng tăng cường củng cố về quân sự và được coi là một trong số quân đội được trang bị tốt nhất trong khu vực với khoảng 227.000 quân và là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới.

Hoài nghi

Về hiệu quả của Liên minh Hồi giáo chống khủng bố, báo Project Syndicate có bài viết “Saudi Arabia’s Phony War on Terror” (tạm dịch là cuộc chiến khủng bố giả bộ của Saudi Arabia). Bài báo cho rằng, việc ngăn chặn tai họa chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là bất khả thi nếu không ngăn chặn được tư tưởng thúc đẩy nó: Chủ nghĩa Wahhab (đặt tên theo người sáng lập là Muhammad Ibn Abd al-Wahhab), một nhánh thuộc chủ nghĩa chính thống cực đoan dòng Sunni tôn thờ thánh Alah như vị chúa trời duy nhất cũng như tán dương các cuộc thánh chiến Hồi giáo mà sự bành trướng quốc tế của nó đã được bảo trợ bởi các quốc gia Hồi giáo giàu dầu mỏ. Đó là lý do tại sao liên minh chống khủng bố do Saudi Arabia dẫn dắt vấp phải sự hoài nghi sâu sắc.

Chủ nghĩa Wahhab này sản sinh ra các tổ chức khủng bố khét tiếng như Al-Qaeda, Taliban, Boko Haram, al-Shabaab và IS, những tổ chức khủng bố hòa trộn sự thù địch đối với các tín đồ không theo dòng Sunni với chủ nghĩa lãng mạn chống hiện đại vào trong cơn thịnh nộ đòi xóa bỏ mọi định chế chính trị, xã hội hiện thời.

Theo Project Syndicate, Saudi Arabia bắt đầu cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo từ khi sự bùng nổ giá dầu những năm 1970 đã làm tăng nhanh sự giàu có của quốc gia này. Theo một báo cáo của Nghị viện châu Âu năm 2013, một số tiền trong khoản tiền 10 tỷ USD do Saudi Arabia đầu tư cho “chương trình nghị sự Wahhab” của quốc gia này ở Nam và Đông Nam Á đã được chuyển cho các nhóm khủng bố, bao gồm Lashkar-e-Taiba, tổ chức đã gây ra cuộc tấn công khủng bố ở Mumbai hồi năm 2008.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhận ra vai trò của Saudi Arabia trong nhiều năm qua. Trong một điện tín ngoại giao năm 2009, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhận định và chỉ ra 3 điều này. Tuy nhiên, chủ yếu vì sự quan tâm của phương Tây đối với nguồn dầu mỏ của quốc gia này nên cho đến nay Saudi Arabia chưa phải đối mặt với bất kỳ lệnh trừng phạt quốc tế nào.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại hội nghị IMCTC.

Bây giờ, với sự phát triển của các hoạt động khủng bố như IS, các mối ưu tiên đang thay đổi. Sự thay đổi này đã thúc đẩy Saudi Arabia tuyên bố một “sự trừng trị thẳng tay” đối với các cá nhân và các tổ chức tài trợ khủng bố. Nhưng theo một báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, một số nhà tài trợ cá nhân cũng như một số tổ chức từ thiện có trụ sở ở Saudi Arabia vẫn tiếp tục tài trợ cho các chiến binh Sunni.

Từ quan điểm này, thông báo của Saudi Arabia về một liên minh chống khủng bố là một bước đi có thể hiểu được, với mục đích làm giảm các chỉ trích đang tăng của phương Tây, đồng thời làm gia tăng ảnh hưởng của dòng Sunni tại khu vực Trung Đông. Nhưng tất nhiên, liên minh chỉ là một vỏ bọc khi xét kỹ các thành viên của liên minh này.

Trong danh sách các quốc gia thành viên của liên minh này còn có những thành trì của thánh chiến Hồi giáo bên ngoài Afghanistan, bao gồm cả Libya và Yemen đang bị chiến tranh tàn phá, hai quốc gia hiện không được cai trị bởi một chính quyền thống nhất. Hơn nữa, mặc dù được mô tả là một liên minh Hồi giáo với thành viên đến từ “khắp nơi trong thế giới Hồi giáo” nhưng lực lượng này bao gồm cả Uganda và Gabon, hai quốc gia có dân số phần lớn là người Công giáo, mà không có Oman (một quốc gia Hồi giáo đồng minh Vùng Vịnh), Algeria (quốc gia lớn nhất châu Phi) cũng như Indonesia (quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới).

Trong bài phát biểu trước Ủy ban III của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 17-11, ông Bashar Jaafari, đại diện thường trực của Syria tại Liên Hiệp Quốc cho biết rằng “Saudi Arabia và Qatar đã rót 137 tỷ USD vào cuộc chiến khủng bố ở Syria”. Số tiền khổng lồ đó đã chi cho chiến tranh ở Yemen, Iraq, Libya và các nước khác.

Trong khi đó, một thành viên của Majlis al-Shura (cơ quan quyền lực thành lập năm 1993 trong hệ thống quản lý của Saudi Arabia), giảng viên chính trị học tại Đại học Hoàng gia, ông Sadaqah ben Hamza Fadel nói với Sputnik rằng “tuyên bố của Đại sứ Jaafari về tốn phí của Saudi Arabia để hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố ở Syria không có gì chung với thực tế”.

Chính trị gia này giải thích rằng, ông Jaafari có lập trường thù địch với Saudi Arabia, vì vương quốc này giúp đỡ những người Syria “nổi dậy chống lại nhà cai trị Syria và hiện nay đang đấu tranh vì các quyền và tự do của họ. Vì thế, ông Jaafari liệt vương quốc Saudi Arabia vào hàng kẻ thù”.

Cùng với sự vắng mặt không mấy bất ngờ của Iran và Iraq do dòng Shia cầm quyền, cũng như Syria do dòng Alawite cai trị, rõ ràng Saudi Arabia đã đơn thuần phác thảo một tập hợp các quốc gia phần lớn là theo dòng Sunni để thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình.

Mộc Thạch - Quang Học (tổng hợp)
.
.