Thấy gì từ cuộc trao đổi tù nhân lịch sử giữa Nga và Ukraine?

Thứ Tư, 11/09/2019, 11:25
Sau 5 năm xung đột, Nga và Ukraine đã thực hiện một cuộc trao đổi chưa từng có với 70 tù nhân, 35 người mỗi bên, vào ngày 7-9. Cuộc trao đổi được cộng đồng quốc tế ca ngợi là một bước đầu tiên hướng tới hòa bình.

Sáng 7-9, hai chiếc xe ca rời khỏi nhà tù Lefortovo ở Moscow đến sân bay Vnukovo, phía Tây Nam thủ đô nước Nga.

35 tù nhân Ukraine đã bước ra khỏi xe để lên máy bay về Kiev. Trong số đó, 24 thủy thủ bị Nga bắt giữ năm ngoái ở eo biển Kerch. Ngoài ra còn có nhà báo Roman Souchtchenko, đạo diễn Oleg Sentsov, những người Ukraine đã bị Nga kết tội âm mưu khủng bố.

Khi chiếc máy bay chở 35 tù nhân Ukraine hạ cánh xuống đường băng sân bay Kiev, những tù nhân lần lượt bước xuống, họ được Tổng thống Volodymyr Zelensky chào đón từng người một, sau đó là những cái ôm từ vòng tay của người thân... Việc trao đổi tù nhân này là một lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Zelensky.

“Tôi - Volodymyr Zelensky và Tổng thống Vladimir Putin đã làm đúng những gì chúng tôi đã hứa”, Tổng thống Ukraine phát biểu.

Nhà làm phim Oleg Sentsov (ôm con gái) được trả tự do cùng nhiều tù nhân khác trong một cuộc trao đổi tù nhân chưa từng có vào ngày 7-9.

Sau cuộc hội ngộ ngắn tại sân bay, 35 tù nhân vừa được tự do lên xe buýt đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Sau nhiều năm bị giam giữ, có thể phải mất ít ngày họ mới nhận ra làm thế nào để bắt đầu một cuộc sống mới. Oleg Sentsov, nhà làm phim người Ukraine, cũng như những người khác có trong cuộc trao đổi này được đích thân Tổng thống Putin ký lệnh ân xá.

Theo thông báo từ Điện Kremlin, 35 người Nga bị Ukraine cầm tù cũng được thả cùng thời điểm. Trong số này có thủ lĩnh của phe nổi dậy tại miền Đông Ukraine, là Volodymyr Tsemakh. Nhân vật này được coi là một trong những nhân chứng then chốt trong vụ máy bay Malaysia MH17 bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine hồi năm 2014.

Bộ Ngoại giao Nga bình luận về việc trao đổi tù nhân giữa Moscow và Kiev: “Chúng tôi tin rằng việc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine là một tín hiệu tích cực cần phải tuân theo các bước quan trọng khác để đưa quan hệ Nga-Ukraine ra khỏi tình trạng bế tắc hiện tại cũng như để góp phần hiện thực hóa các thỏa thuận Minsk”.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, việc trao đổi tù nhân đã được thực hiện nhờ việc thực hiện các thỏa thuận được ký kết giữa tổng thống hai nước. “Không giống những người tiền nhiệm, chính quyền mới của ông Volodymyr Zelensky đã cho thấy một cách tiếp cận thận trọng và sẵn sàng thỏa hiệp”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga viết.

Theo các nhà ngoại giao Nga, “vai trò chính” trong việc bình thường hóa tình hình ở Ukraine thuộc về chính quyền Ukraine, họ phải từ bỏ thói quen buộc tội Nga phải chịu trách nhiệm cho tất cả những bất hạnh xảy ra với đất nước họ. Các điều khoản của cuộc trao đổi này là chủ đề của nhiều cuộc đàm phán khó khăn giữa Moscow và Kiev.

Thứ Năm tuần trước, Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên phát biểu về chủ đề này. Ông nói cuộc trao đổi này sắp diễn ra và là bước đệm cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Đây là một sự ấm áp mới trong mối quan hệ giữa Moscow và Kiev kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ ở Ukraine vào cuối năm 2013. Cuộc trao đổi được ca ngợi bởi các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức và Pháp. Thủ tướng Đức, bà Merkel nói đến một “tia hy vọng”.

Vào sáng 7-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, đang ở thăm Pháp cùng Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly, đã lên tiếng chúc mừng cuộc trao đổi tù nhân trên nhưng vẫn lưu ý rằng các nước phương Tây vẫn không dễ làm bạn với Nga.

Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, Ngoại trưởng Pháp Yves Le Drian, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu trong cuộc họp Hội đồng hợp tác an ninh Pháp - Nga (2+2), tại Moscow, Nga, ngày 9-9.

Việc trao đổi này giúp Nga hạ nhiệt quan hệ với nước láng giềng và với Liên minh châu Âu. Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh rằng các điều kiện sẽ nhanh chóng được đáp ứng để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine. Ông muốn có một hội nghị thượng đỉnh theo định dạng Normandy, nơi quy tụ những người đứng đầu nhà nước Ukraine, Nga, Đức và Pháp.

Hội nghị có thể được tổ chức vào cuối tháng 9 này, lần đầu tiên sau 4 năm đình trệ. Thủ tướng Đức Merkel cho biết cuộc gặp sẽ được tổ chức tại Paris.

Một tháng trước, Tổng thống Pháp Macron đã mời Tổng thống Putin tới Pháp. Ngày 9-9, Nga và Pháp họp cấp cao trong khuôn khổ 2+2 (Ngoại giao và Quốc phòng) đầu tiên tại Moscow kể từ 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Với ngành ngoại giao Nga, đây là một tín hiệu mới cho việc bình thường hóa và hòa dịu quan hệ giữa Nga và Pháp, một trong những nước lớn của Liên minh châu Âu. Đây là một thiện chí đối thoại do chính Tổng thống Pháp đề xuất.

Tại cuộc họp ngày 9-9, các bộ trưởng Pháp và Nga bàn nhiều vấn đề từ Syria, Iran, cho đến cả Ukraine mà sự kiện mới nhất là cuộc trao đổi tù nhân quan trọng vừa diễn ra. Đây có thể sẽ là khúc dạo đầu cho việc tái khởi động các cuộc thương lượng cho hồ sơ Ukraine hoàn toàn bị ngưng trệ kể từ khi thỏa thuận Minks được ký kết năm 2015.

Với Moscow, điều quan trọng hơn cả là mong muốn không chỉ thoát khỏi sự cô lập ngoại giao - tức nối lại đối thoại với các nước phương Tây - mà nhất là phải đạt được việc dỡ bỏ các trừng phạt đang đè nặng lên nền kinh tế đất nước. Để có được điều này, cần phải có tiến triển trong hồ sơ Ukraine, từ gỡ mìn, rút các vũ khí hạng nặng và về chính trị của thỏa thuận Minks.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pháp cho biết ông muốn hỗ trợ những nỗ lực của Kiev và Moscow để có được tiến bộ hơn nữa trong những tuần tới. Theo Bộ trưởng Pháp, ưu tiên hàng đầu là củng cố lệnh ngừng bắn giữa hai nước, rút vũ khí hạng nặng, rà phá bom mìn và các biện pháp nhân đạo khẩn cấp cho người dân khu vực Donbass.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sẽ phức tạp hơn việc thả tù nhân: bảo đảm lệnh ngừng bắn, xác định giải pháp chính trị cho cuộc chiến, lên kế hoạch cho tương lai của Crimea hoặc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng về năng lượng, kinh tế và thương mại.

Về phần mình, Tổng thống Zelensky trước đây đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo định dạng Normandy với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu lãnh đạo Chính phủ Anh, Theresa May.

Tổng thống Nga Putin cho biết vào hồi tháng 7-2019 rằng có thể xem xét đề xuất của Ukraine về việc mở rộng định dạng Normandy sau khi chính phủ mới ở Kiev được thành lập và các cuộc bầu cử quốc hội ở Ukraine được tổ chức xong. Ngoài ra, ông cũng nói rằng cần phải có sự đồng ý của các quốc gia khác trong định dạng Normandy.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.