Thấy gì từ giải pháp 3 điểm của Trung Quốc về tranh chấp ở biển Đông?
Trong cuộc họp với ngài Surukiat Sathirathai - cựu Phó Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch Hội đồng hòa giải hòa bình châu Á nhân tham dự Diễn đàn cấp cao kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc tổ chức tại Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra 3 phương án giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông...
Trước hết, Vương Ngoại trưởng cho rằng, cách giải quyết tranh chấp biển Đông là đạt được thỏa thuận thông qua tham vấn và đàm phán giữa các bên trực tiếp liên quan. Ông nhấn mạnh, đây là cách cơ bản và duy nhất có thể dẫn đến giải pháp cuối cùng. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, nước này luôn mở cửa đối thoại với tất cả các bên tranh chấp, đồng thời khẳng định cáo buộc cho rằng đàm phán song phương không thể đem lại tiến triển nào là không đúng sự thật và vô căn cứ.
Phương án thứ hai là tiếp tục thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), trong khi dần dần thúc đẩy các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Tuy nhiên, ông Vương lưu ý: Cả DOC và COC đều không phải là giải pháp cho các tranh chấp mà chỉ mang ý nghĩa tác dụng bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cho biết, việc xây dựng COC đã bị gián đoạn bởi hành vi đơn phương của một số bên và Bắc Kinh không muốn thấy điều đó xảy ra một lần nữa.
Phát biểu tại Diễn đàn Cao cấp kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Trung Quốc tổ chức ở Bangkok, Ngoại trưởng Vương Nghị (phải) tuyên bố sẵn sàng đàm phán về Biển Đông. |
Cuối cùng, đó là các bên cùng nhau khai thác trên vùng biển tranh chấp. Bởi, theo Vương Ngoại trưởng, phải mất nhiều thời gian mới có thể tìm được một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp biển Đông, trước khi giải quyết được vấn đề này, các bên liên quan nên cùng nhau tìm cách khai thác chung trên cơ sở cùng có lợi. Đây không chỉ là vấn đề lợi ích kinh tế mà còn mang tín hiệu đến cộng đồng quốc tế rằng, các bên tranh chấp trong khu vực sẵn sàng giải quyết tranh chấp theo hướng hợp tác. Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh, Trung Quốc kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp. Đây là những yếu tố rất quan trọng và không nên bị bỏ qua.
Giới quan sát cho rằng, các phương án mà Ngoại trưởng Trung Quốc nêu ra không có gì mới hay bất ngờ. Về phương án thứ nhất, Trung Quốc từ trước đến nay luôn kiên quyết đòi đàm phán tay đôi với từng bên tranh chấp. Khi ông Vương nói: "Cách giải quyết tranh chấp là đạt được thỏa thuận thông qua tham vấn và đàm phán giữa các bên trực tiếp liên quan" thì có thể suy đoán theo hai nghĩa: Trung Quốc có thể đàm phán với 4 nước ASEAN có tranh chấp ở biển Đông là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam (hoặc cùng lắm là có thêm Thái Lan là nước điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc); hoặc, Trung Quốc vẫn chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng bên tranh chấp! Tuy nhiên, khi Vương Ngoại trưởng "bồi" thêm khẳng định "cáo buộc cho rằng đàm phán song phương không thể đem lại tiến triển nào là không đúng sự thật và vô căn cứ" thì chúng ta nên nghiêng về hướng suy đoán nào?
Phương án thứ 2 mà ông Vương Nghị đề cập tới lại càng không có gì mới mẻ. Trung Quốc luôn hứa hẹn cam kết "thực hiện hữu hiệu DOC và thúc đẩy đạt được COC" và Trung Quốc cũng thường lên giọng yêu cầu các bên liên quan đến tranh chấp biển Đông không có những hành vi làm phức tạp hay trầm trọng thêm tình hình trong khi chính bản thân lại liên tục có những động thái đi ngược lại tinh thần DOC, gây bất bình cho các nước láng giềng và quan ngại trong cộng đồng quốc tế như việc: đơn phương thành lập trái phép cái gọi là "thành phố Tam Sa"; âm thầm đưa cái gọi là bản đồ "đường 9 đoạn" (hay còn gọi là đường lưỡi bò) phi pháp vào hộ chiếu điện tử, sách báo, văn hóa phẩm; có những hành động cấm đoán đánh bắt cá vô căn cứ và phi pháp trên biển Đông…
Xây dựng COC là mối quan tâm và lợi ích chung của các quốc gia liên quan để bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. |
Cuối cùng, phương án thứ 3 mà ông Vương Nghị nhắc tới chính là phiên bản của sáng kiến "chủ quyền thuộc về Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác" mà cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nghĩ ra từ những năm 70 của thế kỷ trước. Điều này chắc chắn rằng, để đi tới một giải pháp khả thi cho tranh chấp tồn tại dai dẳng trên vùng biển này, điều kiện tiên quyết là phải bỏ đi mệnh đề "chủ quyền thuộc về Trung Quốc" phi lý này.
Khi trả lời phỏng vấn báo chí ngày 5-8 về tiến trình xây dựng COC, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý tiến hành thảo luận thúc đẩy tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để cùng nhau giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển Đông trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC).
Theo ông Vương, Trung Quốc luôn giữ thái độ tích cực và cởi mở trong việc xây dựng COC cũng như chú ý đến các bàn luận về thúc đẩy tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông của các bên. Tuy nhiên, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này có mấy điểm cần lưu ý.
Đầu tiên là việc phải chọn thời điểm thích hợp. Một số nước đề xuất, muốn hoàn thành Bộ quy tắc chỉ trong một sớm một chiều, đây là điều không phù hợp thực tế, cũng không phải là thái độ nghiêm túc. Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông liên quan tới lợi ích nhiều mặt, việc xây dựng đòi hỏi một quá trình điều phối tường tận và phức tạp. "Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông liên quan tới lợi ích của nhiều bên khác nhau và việc hình thành nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực phối hợp. Không một quốc gia riêng lẻ nào được áp đặt ý muốn của mình lên nước khác" - Tân Hoa xã trích lời ông Vương.
Kế đến là phải hiệp thương nhất trí. COC liên quan tới lợi ích của nhiều bên khác nhau và việc hình thành nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực phối hợp. Việc thúc đẩy COC cần phải tham khảo kinh nghiệm trong xây dựng DOC, tìm kiếm nhận thức chung rộng rãi nhất, chiếu cố tới độ thoải mái của các bên. Không áp đặt ý chí cá biệt của một nước hoặc vài nước cho các nước khác. Sau nữa cần phải tránh các động thái quấy nhiễu. Trung Quốc và các nước ASEAN trước đây từng nhiều lần thảo luận COC nhưng đều phải ách lại vì bị quấy nhiễu. Các bên cần làm nhiều việc có lợi cho thúc đẩy tiến trình xây dựng COC, tạo ra điều kiện và môi trường cần thiết cho việc này, chứ không phải là quấy nhiễu, cản trở.
Điều cần thiết hiện nay là tiếp tục thực hiện tốt DOC, nhất là tích cực thúc đẩy hợp tác trên biển. Trong quá trình này sẽ tiến hành hiệp thương xác định lộ trình xây dựng COC, thúc đẩy tiến triển dần dần