Thấy gì từ kết luận điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ?

Thứ Tư, 27/03/2019, 15:15
Sau gần hai năm điều tra không ngừng nghỉ, ngày 24-3, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đã công bố bản tóm tắt dài 4 trang về kết quả điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về một sự thông đồng có thể có giữa đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump với Nga, trước khi trình Quốc hội Mỹ. Theo đó, mọi hồ nghi về ông Trump và nước Nga đều được thanh minh.

Báo cáo nói gì?

Ngày 22-3, ông Mueller đã nộp toàn bộ hồ sơ điều tra về nghi án ủy ban tranh cử của Tổng thống Donald Trump “thông đồng hay phối hợp” với Nga để ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Báo cáo gồm 3 phần chính. Thứ nhất là “âm mưu” của Nga. Thứ hai là các liên hệ giữa Nga với nhóm tranh cử của ông Trump và cuối cùng là những lời nói dối lặp đi lặp lại của những người thân cận Tổng thống Mỹ.

Liên quan đến nội dung đầu tiên, trong 2 bản cáo trạng riêng biệt, công tố viên Mueller đã mô tả một “âm mưu” được Nga dàn dựng để “làm mất uy tín” ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và “nâng đỡ” ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Cáo trạng đầu tiên, đưa ra ngày 16-2-2018, liên quan đến 13 người Nga bị buộc tội dẫn đầu một chiến dịch thông tin sai lệch trên mạng xã hội từ Cơ quan Nghiên cứu Internet có trụ sở tại Saint Petersburg và được kiểm soát bởi Evgueni Prighozine, một người thân cận của Tổng thống Putin.

Vào tháng 7-2018, đến lượt 12 sĩ quan tình báo của quân đội Nga (GRU) đã bị cáo buộc đánh cắp hàng ngàn email các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ. Việc công bố các email trên trang web WikiLeaks vào mùa hè 2016 đã khiến ứng cử viên Hillary Clinton bị mất uy tín nặng nề.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller và Tổng thống Donald Trump.

Liên quan đến phần nội dung chính thứ hai, công tố viên Mueller đã lập danh sách các cuộc liên lạc lặp đi lặp giữa 10 người thân cận của tỷ phú Trump với một số người Nga. Cựu luật sư của ông Trump, Michael Cohen, thừa nhận trong các cuộc thẩm vấn rằng từ năm 2015 đến tháng 6-2016, ông đã thảo luận về dự án Tháp Trump ở Moscow.

Cố vấn ngoại giao của ông Trump, George Papadopoulos thừa nhận ông đã trao đổi với người Nga để tổ chức một cuộc họp - điều chưa từng diễn ra - giữa ông Putin và ông Trump. Ông cũng được cung cấp thông tin thỏa hiệp về Hillary Clinton.

Con trai cả của ứng cử viên Donald Trump, người con rể Jared Kushner và giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort gặp một luật sư người Nga vào tháng 6-2016 tại Trump Tower để thảo luận vấn đề này. Bên cạnh đó, ông Paul Manafort vẫn tiếp tục trao đổi với một trong những cộng sự cũ của mình, một người Nga bị Mỹ nghi ngờ có dính líu tới cơ quan tình báo Nga.

Trong khoảng thời gian từ khi diễn ra bầu cử đến lúc ông Donald Trump nhậm chức, cố vấn an ninh quốc gia của ông là Michael Flynn đã có những cuộc thảo luận bí mật với Đại sứ Nga tại Washington.

Phần cuối của báo cáo điều tra, ông Mueller liệt kê những lời thú nhận về mối liên hệ của Michael Cohen, George Papadopoulos và Michael Flynn với người Nga. Họ đã làm điều đó theo yêu cầu của ông Trump? Có phải ông ta đã cố gắng cản trở công lý? Robert Mueller chưa viết bất cứ điều gì để trả lời những câu hỏi này. Nhưng chính chủ nhân Nhà Trắng đã khiến người ta nghi ngờ khi sa thải người đứng đầu FBI James Comey vào tháng 5-2017, người chịu trách nhiệm điều tra sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ.

Từ sau khi Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Willaim Barr nhận kết quả điều tra tới ngày 24-3, các thành viên quốc hội, Tổng thống Trump và truyền thông đều nóng lòng muốn biết về kết quả của cuộc điều tra kéo dài 22 tháng qua. Sau khi dành 9 tiếng để nghiên cứu báo cáo của ông Mueller, ngày 24-3, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Willaim Barr đã có bản tóm tắt gửi lưỡng viện Quốc hội, trong đó ông khẳng định: Công tố viên đặc biệt Robert Mueller không phát hiện việc các thành viên chiến dịch tranh cử của ông Trump “âm mưu hoặc phối hợp” với Chính phủ Nga để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tất cả đều không có bằng chứng vững chắc.

Trước khi công bố với giới truyền thông và trình quốc hội, ông Barr đã tham vấn với các quan chức Bộ Tư pháp, ông và Thứ trưởng Rod Rosenstein xác định rằng các bằng chứng “không đủ để chứng minh rằng tổng thống phạm tội cản trở công lý”. Chính ông Rod Rosenstein là người bổ nhiệm ông Mueller dẫn đầu cuộc điều tra này.

Tranh cãi liên miên

Từ Florida, Tổng thống Trump bày tỏ sự vui mừng, nói rằng bản báo cáo cho thấy “không có thông đồng”. Ông cũng cho rằng bản báo cáo cho thấy không có sự cản trở luật pháp. “Không thông đồng, Không cản trở, Hoàn toàn vô tội. Giữ cho nước Mỹ vĩ đại!”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Tuy nhiên, ở tầm vóc rộng lớn hơn, cuộc đối đầu giữa Tổng thống Trump và những người cáo buộc ông chưa chấm dứt. Bản tóm tắt của Bộ Tư pháp chỉ là sự khởi đầu của cuộc tranh chấp giữa ông Barr và phía Dân chủ, vốn đòi phải công bố hoàn toàn bản báo cáo của ông Mueller và khẳng định sẽ tiếp tục cuộc điều tra của các ủy ban trong Quốc hội.

Đây cũng là nhận định của chuyên gia Nga ở Viện Hoa Kỳ và Canada (RAS) Vladimir Vasiliev. Ông Vasiliev tin rằng cuộc điều tra về tình hình tài chính của ông Trump sẽ tiếp tục và kết luận về ông cũng có thể được sử dụng trong các cuộc bầu cử.

Nói gì thì nói, kết luận của công tố viên đặc biệt Robert Mueller mở ra triển vọng cho nhiệm kỳ thứ hai đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Công việc của công tố viên đặc biệt Mueller đã bật đèn xanh cho ông Trump để ông được bầu lại và không còn cho rằng trên đầu mình luôn lơ lửng nguy cơ luận tội, trước nay ông luôn là ứng cử viên chịu thiệt thòi cho cuộc bầu cử năm 2020.

Nhưng chính thức, hôm nay chúng ta có thể nói rằng triển vọng của ứng cử viên Cộng hòa cho nhiệm kỳ thứ hai là ông Donald Trump đã xuất hiện”, ông Vasiliev nói.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.