Thế giới 2018: Cảnh báo đỏ
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đưa ra "báo động đỏ" cho toàn thế giới trong năm 2018.
Lò lửa Đông Bắc Á và kỷ nguyên răn đe hạt nhân mới
Liệu Tổng thống Mỹ Donal Trump hay phía Triều Tiên có mạo hiểm kích động chiến tranh trong năm 2018? Ngay trong dịp chào đón năm mới 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong- Un trong thông điệp năm mới được phát đi trên kênh truyền hình Chosun, tuyên bố, Triều Tiên đã là một cường quốc hạt nhân sở hữu công nghệ có thể tấn công vào lục địa Mỹ nếu cần.
“Lục địa Mỹ nằm trong tầm tấn công hạt nhân của chúng tôi”. Rõ ràng lời phát biểu của phía Triều Tiên cho cả thế giới thấy, Bán đảo Triều Tiên sẽ không yên ả trong năm 2018.
Nhận định trên là có cơ sở khi năm 2017 chứng kiến thái độ thù địch ngày càng gia tăng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Năm 2017 Triều Tiên đã thử tên lửa ít nhất 15 lần, cao gấp nhiều lần so với năm 2016, bất chấp những lời đe dọa của phía Mỹ và Tổng thống Trump cùng những lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt của Liên Hiệp Quốc.
Cảnh sát Israel trấn áp người biểu tình Palestine. Ảnh: Foreign Policy. |
Xét trên nhiều phương diện, chiều hướng diễn biến những sự kiện xung quanh Triều Tiên rất dễ dự đoán. Nhiều khả năng ông Kim Jong-un sẽ tiếp tục thử nghiệm các loại bom và tên lửa tân tiến. Với nguy cơ Bình Nhưỡng tấn công Mỹ ngày càng lớn, Washington sẽ cứng rắn hơn song nhiều khả năng vẫn do dự trong việc tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu có thể dẫn tới xung đột nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhân tố khó đoán. Điều khó đoán nhất là liệu Tổng thống Trump có thể sẽ phớt lờ những cảnh báo từ Lầu Năm Góc và của nhiều người khác để tìm cách phá hủy chương trình hạt nhân của Triều Tiên bằng vũ lực hay không? Chỉ có một điều rất rõ ràng ở khu vực này tình trạng bế tắc chính trị vẫn tiếp diễn như một năm trước đây.
Những cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump tỏ ý muốn đặt giải pháp ngoại giao lên trên hết trong khi ông chủ Nhà Trắng không ngừng đưa ra những đe dọa gay gắt thiên về giải pháp quân sự. Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho rằng có 30% khả năng ông Trump sẽ khởi chiến với Triều Tiên. Các chuyên gia trong cộng đồng học thuật dường như cũng lo ngại kịch bản xấu như thế sớm muộn sẽ xảy ra.
Dù vậy, nhà sử học Charles K. Armstrong, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Trường Đại học Columbia (Mỹ), vẫn đặt cược vào khả năng chính quyền của ông Trump sẽ đàm phán với chính quyền của ông Kim Jong-un trong năm mới: "Đó là cách duy nhất để tránh một cuộc chiến tranh. Nếu không sớm bắt đầu đàm phán, Triều Tiên sẽ còn thử nhiều tên lửa nữa trong năm 2018".
Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 26-12-2017 cũng đưa ra dự đoán Triều Tiên sẽ tìm cách thương lượng với Mỹ vào năm 2018, trong khi tiếp tục nỗ lực để được công nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây có thể là một sự thay đổi chiến thuật đáng chú ý của Bình Nhưỡng sau một năm dồn lực phát triển tên lửa và hạt nhân với những kết quả khiến thế giới sửng sốt.
Sẽ vẫn còn các cuộc tấn công quy mô lớn tiêu diệt hoàn toàn IS. Ảnh: The Inquisitr. |
Mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor cho rằng, mặc dù không thể loại trừ khả năng xảy ra tấn công phủ đầu, song cái giá quá đắt phải trả cho một cuộc chiến tranh hỗn loạn đẩy nền kinh tế trở lại suy thoái, sẽ khiến Mỹ nhiều khả năng đành phải chấp nhận thực tế là Triều Tiên sở hữu khả năng răn đe hạt nhân khả thi. Sự chấp nhận này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên răn đe hạt nhân bất ổn hơn trong khi Mỹ và các đồng minh châu Á phải áp dụng chính sách kiềm chế.
Châu Âu tiếp tục rung chuyển
Năm 2017 là một năm đầy bất ổn đối với châu Âu. Sau cú sốc của cuộc trưng cầu ý dân Brexit năm 2016, Pháp và Hà Lan đã bảo vệ mình thành công trước những thách thức trong bầu cử mà phe cực hữu đặt ra. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại trải qua cuộc bầu cử vào tháng 10 với số lượng cử tri ủng hộ sụt giảm và phải chật vật tìm cách thành lập chính phủ liên minh. Đầu tàu châu Âu này có nguy cơ phải tiến hành một cuộc bầu cử mới trong năm 2018.
Kết quả đầy bất ngờ mà các chính đảng ủng hộ độc lập cho Catalonia trong cuộc bầu cử tháng 12 đồng nghĩa với những căng thẳng nội bộ tại Tây Ban Nha tiếp tục sẽ là vấn đề nóng trong năm tới, với khả năng diễn ra một cuộc trưng cầu ý dân mới.
Vấn đề nằm ở chỗ những rắc rối mà châu lục phải đối mặt chưa biến mất, nhất là sự bất bình của người dân với các chính sách nhập cư, cuộc vật lộn để duy trì khu vực đồng tiền chung và tất nhiên là cả các cuộc đàm phán khó khăn để tiến hành Brexit. Kết quả các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia tại Bỉ, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Phần Lan, Hungary, Ireland, Italy và Thụy Điển đều sẽ được dư luận theo dõi sát sao để đề phòng nguy cơ lực lượng dân túy gia tăng ảnh hưởng.
Trong khi mọi sự chú ý dồn vào các cuộc bầu cử thì những dấu hiệu xấu từ Ukraine bắt đầu phát đi, báo hiệu vùng đất này mới là tâm điểm chú ý của cả châu Âu trong năm 2018. Cuộc xung đột giữa quân Chính phủ Ukraine với lực lượng tại miền Đông nước này bắt đầu từ năm 2014 và tới nay đã tước đi mạng sống của 10.000 người.
"Cuộc chiến vẫn còn nguyên sự khốc liệt", ông John E. Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Âu - Á Dinu Patriciu (thuộc Hội đồng Atlantic, Mỹ) nhận định. "Từ tháng 4-2014, không ngày nào không có giao chiến ở Ukraine. Mỗi ngày thậm chí ghi nhận trung bình không dưới 2 vi phạm lệnh ngừng bắn". Cũng theo phân tích của nhà ngoại giao kỳ cựu, cuộc xung đột đã rơi vào bế tắc nhưng cũng chẳng thể trông mong sẽ dứt điểm trong năm 2018.
Jerusalem tiếp tục là một điểm nóng. Ảnh: Pittsburgh Post-Gazette. |
Trung Đông hỗn loạn trong toan tính và nghi kỵ
Sau những chiến thắng trước chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông, khu vực này vẫn chưa thoát khỏi cảnh hỗn loạn. Nguyên nhân được cho là nghi kỵ giữa các nước Trung Đông vẫn chưa chấm dứt. Thêm vào đó, nguy cơ xung đột mới bùng phát khi ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông sụt giảm sau những ồn ào từ việc chính quyền D.Trump công bố kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, khiến năm 2018 được dụ báo sẽ là năm Mỹ không còn nắm vị thế trung tâm trong các sự kiện khu vực.
Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục sứ mệnh là xóa bỏ các tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm phiến quân khác, song Washington sẽ chỉ đứng sau các cường quốc khu vực như Saudi Arabia và Iran trong những sự kiện nhiều biến động. Cuộc chiến tại Yemen nhiều khả năng sẽ tiếp tục là chiến trường đẫm máu nhất, một thảm họa nhân đạo gần như bị thế giới lãng quên.
Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng Riyadh đang âm thầm khuyến khích Israel cân nhắc kích động một cuộc chiến khác ở Liban để ngăn chặn lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn. Một diễn biến khác cần được quan tâm là mục tiêu gia tăng ảnh hưởng của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và nhất là Iraq, nơi căng thẳng đặc biệt gia tăng từ sau cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập hồi tháng 9 vừa qua.
Tình hình rối loạn sẽ vô tình tạo điều kiện và môi trường lý tưởng cho IS có thể trỗi dậy, tái chiếm nhiều vùng đất ở Syria và Iraq. IS vẫn chưa hết gây đe dọa. Các chuyên gia cũng tỏ ra nghi ngờ về triển vọng kết thúc những hành động thù địch ở Syria trong năm 2018.
"Tôi rất buồn phải nói rằng xem ra không thể kết thúc chiến tranh. IS vẫn duy trì cả ý chí lẫn khả năng tiếp tục gây ra một cuộc nổi dậy. Al-Qaeda có quân ở phía Tây Syria và muốn đưa chiến tranh trở lại các thành phố Syria, trong khi chúng đang nổi lên lại ở Đông Syria, thành trì lịch sử của chúng", nữ chuyên gia lên kế hoạch tình báo Jennifer Cafarella (Học viện Nghiên cứu chiến tranh, Mỹ) nói với Newsweek.
Vòng quay của các nước lớn
Thế giới có ổn định hay không trong năm 2018 phụ thuộc vào sự bất đồng giữa các nước lớn ít hay nhiều. Lấy ví dụ, bất đồng Nga - Mỹ đang báo hiệu những bất ổn xung quanh một số khu vực xung đột chính trên thế giới.
Bất chấp “tình cảm” cá nhân giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng những lời hứa hẹn của cả hai về việc khôi phục mối quan hệ song phương, quan hệ Nga - Mỹ vẫn chưa có nhiều tiến triển trong năm 2017. Các chuyên gia nhận định, Nga - Mỹ không thể hóa giải bất đồng là bởi những xung đột lợi ích. Quan hệ Nga - Mỹ được cho là cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu ở phạm vi rộng lớn hơn.
Vấn đề tên lửa và hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên luôn thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới. Ảnh: Mashable. |
Trong khi Nga - Mỹ bất đồng thì hai cường quốc ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ cũng khó có khả năng cân bằng lợi ích do những mối quan hệ đan xen phức tạp như Trung Ấn; Trung - Ấn - Mỹ; Mỹ - Ấn - Úc - Nhật... do vậy cũng có thể tiềm ẩn những xung đột ở nhiều quy mô khác nhau như từng diễn ra ở khu vực biên giới hay trên biển.
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu phương Đông (Nga) Tatyana Shaumyan nhận định: Tình hình này là khá phức tạp và rất tế nhị đối với Ấn Độ. Giống các nước khác, Ấn Độ đang theo dõi hoạt động phát triển công nghệ quân sự mới của Bắc Kinh, từ tàu sân bay đến thủy phi cơ khổng lồ... cùng với việc Trung Quốc triển khai cải tổ lực lực lượng vũ trang với các bộ chỉ huy cứng rắn hơn và việc sẵn sàng triển khai khí tài ở nước ngoài.
Ngoài ra, hai "gã khổng lồ" châu Á này cũng là những đối thủ kinh tế của nhau. New Delhi đang xây dựng một chương trình của riêng mình theo mô hình “Vành đai và Con đường” và cùng với chiến lược Hành động hướng Đông đã được triển khai trong 3 năm qua, đây có thể là những công cụ để Ấn Độ kiểm soát tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.
Năm 2018 còn dự báo những vấn đề lịch sử đang thách thức quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc khi Hàn Quốc vừa đưa ra tuyên bố cho rằng vấn đề "phụ nữ mua vui" gây tranh cãi lâu nay giữa hai nước không thể được giải quyết bằng thỏa thuận song phương khiến Nhật Bản phản ứng mạnh mẽ. Động thái này khiến quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục diễn biến căng thẳng.
Thêm một mối lo khác là các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á sẽ tiếp tục phải đối phó với các lực lượng nổi dậy Hồi giáo bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) truyền bá tư tưởng cực đoan trong năm 2018.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói: "Vào ngày đầu năm mới năm 2018, tôi không đưa ra lời kêu gọi. Tôi đưa ra lời cảnh báo - cảnh báo đỏ cho thế giới của chúng ta".
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc bày tỏ niềm tin rằng thế giới có thể được thay đổi theo hướng an toàn hơn, những cuộc xung đột có thể được giải quyết, sự thù hận sẽ được xóa bỏ và những giá trị chung được bảo vệ khi “Đoàn kết chính là con đường. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều này”.