Thế giới 72 giờ qua

Thứ Năm, 14/01/2010, 15:30
Ngoại trưởng Đức đến Yemen bàn chuyện con tin
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle vừa bất ngờ thăm Yemen - một nỗ lực nhằm tạo thêm sức ép lên chính phủ nước này "mạnh tay" hơn nữa với Al-Qaeda, thủ phạm của vụ đánh bom hụt vào một máy bay Mỹ ngày 25/12/2009.

Việc giải cứu con tin Đức cũng nằm trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Đức. Người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao Đức cho hay, 5 công dân Đức bị bắt cóc tại miền Bắc Yemen 6 tháng trước vẫn còn sống. Hồi tháng 6/2009, 5 người Đức trong đó có 3 trẻ em và 1 người Anh đã bị bắt cóc tại một tỉnh phía bắc Yemen. Xác chết của 2 y tá người Đức và 1 nhân viên cứu trợ người Hàn Quốc, cùng làm việc với những người Đức bị bắt cóc, đã được tìm thấy vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, theo Hãng tin AP, vào tuần trước Thứ trưởng Ngoại giao Yemen đã khẳng định rằng 6 con tin (trong đó có 5 người Đức) bị bắt cóc hiện vẫn còn sống.

Chính phủ Yemen đã buộc tội nhóm nổi dậy Shia, do Abdulmalik al-Houthi lãnh đạo, tiến hành vụ bắt cóc; song ngay lập tức nhóm Shia đã phủ nhận lời buộc tội trên. Một trưởng tộc địa phương nói với Hãng tin AP rằng chính Al-Qaeda đã tiến hành vụ bắt cóc này.

Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Yemen Ali Abudullah Saleh tại Sanaa, Ngoại trưởng Đức nói: "Ngài tổng thống cho biết đã có những thông tin lạc quan và rằng nơi những con tin người Đức bị cầm giữ đã được phát hiện". Ông Westerwelle "hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Yemen" và hy vọng chính phủ nước này "sẽ làm mọi việc để giải phóng các con tin mà không gây ra thương vong nào".

Sau rất nhiều cố gắng của Mỹ và các nước phương Tây, Al-Qaeda vẫn không "chết" mà hình như ngày càng mạnh hơn. Điều đó cho thấy sách lược muốn "đập chết" tổ chức khủng bố khét tiếng này không có hiệu quả. Việc Mỹ và phương Tây luôn thích dùng sức mạnh trong nhiều hành vi ứng xử quốc tế, như tại Iraq, Afghanistan... đã không còn "thiêng", thậm chí gây ra nhiều hậu quả xấu. Không hiểu, các nước phương Tây đã rút ra bài học này chưa?

Israel rào dậu biên giới chống người nhập cư

Binh lính Israel tuần tra gần biên giới với Ai Cập.
Ngày 10/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết định đầu tư gần 47 triệu USD (1,5 tỉ NIS - tiền Israel) xây tường rào dọc biên giới với Ai Cập nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập trái phép của dân lao động cũng như những phần tử mà phía Israel coi là khủng bố vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, mục đích của bức tường rào này là ngăn chặn người Palestine vào Israel qua ngả này.

Trong những năm gần đây, hàng nghìn người châu Phi và những người tị nạn đã tới Israel qua ngả Ai Cập. Ông Netanyahu nói Israel sẽ "mở cửa đón người tị nạn" từ các vùng chiến sự nhưng "không thể cho phép hàng chục nghìn di dân bất hợp pháp thẩm lậu Israel từ vùng biên giới phía nam".

Theo kế hoạch, tường rào này sẽ không xây dọc theo toàn bộ biên giới. Có những khu vực Israel lắp đặt các thiết bị trinh sát hiện đại phát hiện người xâm nhập. 2 đoạn tường rào sẽ được xây trong giai đoạn đầu tiên của kế hoạch, một bức ở gần thành phố miền Nam Eilat, còn bức tường kia dọc theo đường biên giữa Israel và Dải Gaza.

Thời gian gần đây, do sức ép của Israel, Cảnh sát Ai Cập đã phải tăng cường kiểm soát tuyến biên giới giáp Israel. Kể từ tháng 5/2009, ít nhất có 17 người bị Cảnh sát Ai Cập bắn chết khi đang cố vượt biên giới Ai Cập - Israel. Tuần trước, người dân Palestine đã phản đối Ai Cập phong tỏa biên giới với Dải Gaza làm 1 sĩ quan cảnh sát Ai Cập chết và hàng chục người Palestine bị trọng thương trong vụ ẩu đả tại khu vực biên giới Ai Cập - Gaza.

Trong một diễn biến khác, ngày 11/1, Hamas, phe nắm quyền cảnh báo sẽ tiếp tục đáp trả nếu Israel chiếm khu vực biên giới giữa Ai Cập và Dải Gaza do Hamas kiểm soát. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có tin quân đội Israel đang chuẩn bị điều binh lính tới vùng biên giới giữa Ai Cập và Gaza, được biết tới là "Hành lang Philadelphia", để ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí vào Gaza.

Thế là lại thêm một "Vạn lý Trường thành" kiểu mới nữa mọc lên ở Trung Đông. Không hiểu cái kiểu "rào dậu cho kín" này có tích sự gì không, nhưng chắc chắn họ (Israel) phải đổ tiền đổ của vào đây không phải ít.

Thái lan tiếp tục ép Campuchia bãi chức ông Thaksin

Ông Kasit Piromya - quan chức ngoại giao Thái Lan trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Financial Times về vấn đề ông Thaksin.
Quan hệ giữa Thái Lan và Campuchia trở nên tồi tệ thêm sau khi Bangkok ngày 11/1 ra "tối hậu thư" cho Phnôm Pênh: bãi bỏ chức cố vấn kinh tế của cựu Thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra, được bổ nhiệm vào tháng 10/2009.

Thực ra, lâu nay Thái Lan vẫn đem chuyện này ra như một điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Campuchia. Tuy nhiên, những yêu cầu của Thái Lan thường nhận được "nụ cười khẩy" từ phía Campuchia. Thậm chí phía Campuchia còn chủ động "cắt" dự án do bên Thái Lan tài trợ.

Hai nước đã ngưng quan hệ ngoại giao cấp đại sứ và liên tục có những hành động trả đũa nhau dù mới trên bình diện "lời qua tiếng lại". Hết chuyện Thủ tướng Campuchia mong Chính phủ Thái Lan sớm thay đổi đến việc ông Hunsen tuyên bố nắm trong tay tài liệu cho thấy chính phủ nước láng giềng có ý định lật đổ chính phủ của ông.

Cùng với những tranh chấp quanh khu vực đền Preah Vihear, việc ông Thaksin "sát cánh" cùng Chính phủ Campuchia là nguyên nhân chính khiến 2 nước láng giềng Đông Nam Á này quay mặt lại với nhau. Căng thẳng giữa 2 nước chỉ tạm lắng khi Quốc vương Campuchia ân xá cho kỹ sư Sivarak Chutipong, người bị cáo buộc tìm kiếm thông tin về chuyến bay của ông Thaksin cho phía Thái Lan.

Xem ra việc Thái Lan chỉ muốn lấy chuyện ông Thaksin làm "cái cớ" để "gây sự" với Chính phủ Campuchia. Về khía cạnh luật pháp, ông Thaksin, sau khi bị "buộc phải rời ghế" Thủ tướng Thái Lan, hoàn toàn có quyền lựa chọn mối "lương duyên" mới của mình. Thái Lan chắc cũng muốn dùng sức ép kinh tế để buộc Chính phủ Campuchia phải thay đổi

Hùng - Tú
.
.