Thế giới bất an với Luật Hải cảnh của Trung Quốc

Thứ Hai, 05/04/2021, 07:45
Cuộc họp cấp cao hồi trung tuần tháng 3 giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc tại Alaska đã xác nhận rằng, trong tương lai gần, “cạnh tranh” sẽ là mô hình chính trong quan hệ Washington-Bắc Kinh. Và, điều này càng trở nên hiện hữu khi Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1-2 với quy định cho phép sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền nước ngoài.


Tàu trắng và tàu xanh

Tờ Diplomat bình luận rằng, trong bối cảnh tần suất và cường độ các hoạt động quân sự của Trung Quốc và Mỹ ở vùng biển Đông Á ngày càng gia tăng, hai nước cần phải làm việc cùng nhau để cải thiện các cơ chế liên lạc và tránh khủng hoảng song phương. Nhu cầu này càng trở nên rõ ràng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Lịch sử các cuộc đối thoại quân sự Mỹ-Trung gần đây không có nhiều lý do khiến mọi người lạc quan về khả năng đạt được bước đột phá trong tương lai gần.

“Những phát triển pháp lý gần đây liên quan đến Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) mà cụ thể là Luật Hải cảnh đang khiến vấn đề này trở nên nhức nhối. Hôm 21-1, Bắc Kinh đã thông qua luật cho phép cảnh sát biển sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết” để ngăn chặn các tổ chức và cá nhân nước ngoài vi phạm hoặc có “nguy cơ sắp xảy ra” vi phạm “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”.

Tàu Hải quân Mỹ USS Chief đi qua Biển Đông cùng tàu sân bay USS John C. Stennis hồi tháng 3-2019. Ảnh: US Navy

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra luật về các điều kiện mà lực lượng bảo vệ bờ biển của họ có thể bắn vào các tàu nước ngoài. Luật mới cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển sử dụng vũ lực trong các trường hợp quy định để bảo vệ “vùng biển thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc - một thuật ngữ mơ hồ có chủ ý có thể bao hàm các yêu sách phi pháp, vô căn cứ của Trung Quốc đối với gần 80% vùng biển ở Biển Đông”, bài báo trên tờ Diplomat có đoạn viết.

Theo giới phân tích, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cũng đặc biệt cho phép CCG dỡ bỏ các công trình do các quốc gia khác xây dựng trên các đặc điểm đất liền (tự nhiên hoặc nhân tạo) mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền; trao quyền cho CCG lên tàu và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc tự ý tuyên bố chủ quyền trái với luật pháp quốc tế”.

Học giả Shigeki Sakamoto nhận định: “Luật Hải cảnh Trung Quốc ngầm thừa nhận điều mà giới chức Mỹ từ lâu đã cho rằng, các vụ tai nạn hàng hải và các cuộc chạm trán liên quan đến việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực có khả năng phát sinh từ hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc cũng như từ các tàu hải quân của họ. Và đó không chỉ là cảnh sát biển và hải quân.

Lực lượng dân quân hàng hải của Lực lượng Vũ trang nhân dân Trung Quốc (PAFMM) cũng làm dấy lên những lo ngại tương tự, do hoạt động của lực lượng này như một lực lượng dự bị vũ trang hỗ trợ Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân (PLAN) và CCG thực thi các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Khi Trung Quốc tăng cường gấp đôi các hoạt động thực thi này, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy vai trò ngày càng tăng của lực lượng bảo vệ bờ biển “vỏ trắng” và lực lượng dân quân biển “vỏ xanh” bên cạnh các tàu hải quân “vỏ xám”.

Hồi chuông cảnh báo

Trên thực tế, CCG đã mở rộng nhanh chóng kể từ năm 2010 để trở thành lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất trên thế giới. Việc hiện đại hóa đã giúp cải thiện khả năng của Trung Quốc trong việc thực thi các yêu sách hàng hải của mình. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, CCG chịu trách nhiệm về một loạt nhiệm vụ dưới cái ô bảo vệ quyền hàng hải, bao gồm việc thực thi các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc; giám sát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

“CCG được triển khai thường xuyên và mạnh mẽ ở các vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực. Kết quả thường là đối đầu. Phân tích của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế chỉ ra rằng “trong số 70 sự cố lớn được xác định ở Biển Đông từ năm 2010 đến nay, CCG đã tham gia vào 73% sự cố. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi việc ban hành Luật Hải cảnh của Trung Quốc một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nước trong khu vực và trên thế giới”, nhà nghiên cứu Shigeki Sakamoto thuộc Đại học Doshisha ở Kyota (Nhật Bản) nhấn mạnh.

Mỹ đã tham gia cùng các quốc gia trong khu vực để bày tỏ mối quan tâm và lo ngại này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố, Washington quan ngại với Luật Hải cảnh được ban hành gần đây của Trung Quốc và rằng cách diễn đạt của luật “ngụ ý mạnh mẽ” rằng nó “có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc”.

Ảnh chụp ngày 26-3-2020 cho thấy tàu của lực lượng tuần duyên Trung Quốc chặn một tàu trên biển. Ảnh: News.CN

Phân tích thêm về vấn đề này, PGS Makoto Seta thuộc khoa Luật Quốc tế, Đại học Yokohama City (Nhật Bản) cho biết, soi chiếu với Công ước quốc tế của Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Luật Hải cảnh Trung Quốc có nhiều điều không phù hợp với luật pháp quốc tế, gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.

“Là một thành viên của UNCLOS 1982 nhưng Trung Quốc lại có hành động vi phạm các điều khoản của Công ước. Các nước trong khu vực cần có tiếng nói chung, lên án những hành động phi pháp của Trung Quốc. Những gì mà các nước có thể làm đó là yêu cầu Trung Quốc phải có nghĩa vụ tuân thủ các quy tắc của luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông, sẽ giảm thiểu nguy cơ xung đột tại 2 vùng biển quan trọng này”, PGS Makoto Seta nói.

Có hay không khả năng hợp tác?

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích đã đặt câu hỏi, trong bối cảnh ngày càng có nhiều rủi ro đối với an ninh và ổn định hàng hải, liệu Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác để giảm nguy cơ xảy ra tai nạn trên biển ngoài tầm kiểm soát không? Năm 2014, Mỹ và Trung Quốc đã cam kết Bộ luật đa phương về các cuộc chạm trán ngoài kế hoạch trên biển (CUES), một giao thức không ràng buộc quy định các quy trình an toàn, phương thức liên lạc và hướng dẫn điều động cho tàu và máy bay hải quân trong các cuộc chạm trán ngoài kế hoạch.

CUES bổ sung “Quy định về va chạm” (COLREGS) có trong Công ước năm 1972 về Quy định quốc tế về ngăn ngừa va chạm trên biển, một hiệp ước ràng buộc mà cả Trung Quốc và Mỹ. Hai nước sau đó đã ký biên bản ghi nhớ về thông báo về các hoạt động quân sự chính và các quy tắc ứng xử vì an toàn của các cuộc chạm trán trên không và trên biển.

Biên bản ghi nhớ an toàn hàng hải đề cập cụ thể và kết hợp CUES với COLREGS. Mặc dù không phải lúc nào cũng được tuân thủ trên thực tế nhưng các thỏa thuận này cho thấy Trung Quốc và Mỹ công nhận lợi ích chung trong các thủ tục an toàn chung nhằm tái khẳng định các nghĩa vụ pháp lý ràng buộc của họ nhưng nêu rõ cách thức mà họ sẽ thực hiện các nghĩa vụ đó.

Có điều, với CUES và MOU, an toàn hàng hải không áp dụng rõ ràng cho các tàu tuần duyên hoặc cho lực lượng đánh cá có vũ trang của Trung Quốc. Học giả Andrew Erickson thuộc Đại học Hải chiến Mỹ phân tích: “Trung Quốc sử dụng các tàu phi hải quân này cho các hoạt động trong vùng xám chống lại tàu của các nước láng giềng. Các loại tàu này được triển khai để khẳng định và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. PAFMM bao gồm cả tàu đánh cá và tàu chế tạo có mục đích được thiết kế trông giống như tàu cá nhưng được tổ chức và chỉ huy bởi các chỉ huy quân sự địa phương của PLA. Do tỷ lệ sự cố liên quan đến các lực lượng này cao, việc không có một thỏa thuận giống như CUES cho các tàu phi hải quân là một điểm yếu rõ ràng trong chế độ an toàn hàng hải trong khu vực.

Thêm nữa, Bắc Kinh luôn từ chối các lời kêu gọi mở rộng CUES hoặc đưa ra các giao thức bổ sung cho các tàu phi hải quân của họ. Một phần của câu trả lời nằm chính ở việc Trung Quốc thờ ơ hoặc không mặn mà với các cuộc đàm phán về quản lý khủng hoảng và giảm thiểu rủi ro.

Luật Hải cảnh của Trung Quốc làm dấy lên nỗi lo ngại bất ổn trong khu vực và cả thế giới.

Trong khi đó, các chuyên gia khác lại dẫn chứng lời kể của những người tham gia các cuộc đối thoại quản lý khủng hoảng Mỹ-Trung cho hay, mục tiêu của Mỹ trong các cuộc thảo luận là hạn chế quyền tự do điều động tàu của Trung Quốc và hầu hết các cuộc chạm trán trên biển giữa Washington-Bắc Kinh ở các vùng biển châu Á đều có sự tham gia của các tàu Hải quân Mỹ.

Học giả Alastair Iain Johnston thuộc Đại học Harvard thì chú ý đến việc Trung Quốc cũng có thể coi các cuộc khủng hoảng quân sự là cơ hội tiềm năng để thúc đẩy các lợi ích chiến lược và củng cố các tuyên bố chủ quyền phi lý của mình. “Và đây là điều khiến Mỹ tăng cường vai trò của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG) như một phần của chiến lược hàng hải tổng hợp tập trung vào cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Tháng10-2020, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã thông báo rằng USCG đang trang bị chiến lược phản ứng nhanh... ở Tây Thái Bình Dương cho các hoạt động an ninh hàng hải với các đối tác khu vực có năng lực giám sát và thực thi ngoài khơi hạn chế. Sau đó, chiến lược hàng hải 3 dịch vụ “Lợi thế trên biển” do Hải quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển Mỹ công bố hồi tháng 12 năm ngoái cũng lưu ý rằng sứ mệnh của Cảnh sát biển làm cho nó trở thành “đối tác an ninh hàng hải ưu tiên cho nhiều quốc gia dễ bị ép buộc và tích hợp các cơ quan chức năng của USCG với các dịch vụ hải quân khác, mở rộng các lựa chọn mà Mỹ cung cấp cho các chỉ huy lực lượng chung để hợp tác và cạnh tranh”, học giả Alastair Iain Johnston cho biết

Tài liệu chiến lược tháng 12-2020 cũng lưu ý thêm rằng các tàu của Hải quân và Cảnh sát biển Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên toàn cầu để thách thức các tuyên bố hàng hải bất hợp pháp và “Lực lượng Cảnh sát biển cung cấp các công cụ bổ sung để quản lý khủng hoảng thông qua các khả năng có thể giảm thiểu tình trạng bế tắc hàng hải”.

Việc tích hợp và hiện đại hóa các lực lượng chung của Mỹ được coi là một phản ứng cần thiết đối với việc Trung Quốc triển khai “hạm đội nhiều lớp” được thiết kế để “lật đổ chủ quyền của các quốc gia khác và thực thi các tuyên bố bất hợp pháp trên biển”. Các tàu của USCG gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận chung với các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đã tham gia vào một loạt các hoạt động ngày càng rộng rãi trong khu vực.

“Sự hiện diện ngày càng nhiều của các tàu tuần duyên Mỹ và đồng minh trong các vùng biển châu Á nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy tắc rõ ràng về đường đi cho tất cả các lực lượng trên biển nhằm giảm thiểu và quản lý rủi ro hoạt động. Vì thế, Trung Quốc cũng có vẻ muốn tăng cường các cơ chế giảm thiểu rủi ro và các kênh liên lạc là cực kỳ quan trọng đối với lợi ích của chính nước này.

Giới chức quốc phòng Trung Quốc đang tìm cách coi “buổi bình minh của chính quyền Biden” như một “điểm khởi đầu lịch sử mới” cho quan hệ quân sự Trung-Mỹ. Nhưng, Washington thì luôn nghi ngờ những lời hùng biện như vậy bởi họ đã quen với kiểu này trong các nỗ lực của Bắc Kinh ở quá khứ.

Trong tương lai, trọng tâm trong các cuộc đàm phán giữa hai nước phải chuyển sang đạt được những kết quả cụ thể. Cam kết giữa Trung-Mỹ trong việc áp dụng các quy trình an toàn rõ ràng cho tất cả các lực lượng trên biển sẽ là một bước nhỏ để xây dựng sự tự tin cần thiết nhằm giải quyết những thách thức lớn hơn. 
Huyền Chi
.
.