Thế giới ca ngợi “gạo ATM” của Việt Nam

Thứ Năm, 23/04/2020, 09:38
Sau khi The Economic Times đăng tin về ATM gạo ở Việt Nam cùng bộ ảnh thì nhiều cơ quan báo chí khác cũng có tin bài với nội dung tương tự, gồm New York Post, Al Jazeera, Bangkok Post, Gulf News, India Times, US News, Insider...

Cụm từ “Rice ATM” (gạo ATM) này cũng xuất hiện trên tiêu đề các bài viết đăng trên tờ báo, hãng thông tấn quốc tế như Reuters (Anh), CNN (Mỹ), NHK (Nhật Bản), EFE (Tây Ban Nha)... những ngày qua. Câu chuyện về những chiếc “ATM gạo” ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của cả thế giới có lẽ vì truyền đi cảm hứng, thắp lên hy vọng trong những ngày khó khăn.

Hơn cả lương thực là sự tử tế

Trang Redfish viết: “Ở Việt Nam, xuất hiện máy ATM gạo cho người nghèo giữa lúc có lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19. Chỉ cần nhấn nút thì 2 kg gạo sẽ chạy ra”. Hãng thông tấn Reuters khen ngợi sáng kiến máy phát gạo tự động 24/7 cho những người thất nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội.

Trên mạng Twitter, nhà văn Mỹ Marianne Williamson dẫn bài báo ca ngợi sáng kiến “ATM gạo” tại Việt Nam trên CNN và khẳng định: “Đây là ý tưởng mà chúng ta nên thực hiện. Nhiều người Mỹ cũng đang thiếu ăn và đang tuyệt vọng mỗi ngày”.

Người dân lấy gạo ở cây ATM. Ảnh: Reuters.

“Việt Nam không phải đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia nhân ái nhất”. Một độc giả người nước ngoài đã thốt lên như thế dưới bài viết đăng trên báo The Straits Times của Malaysia về những máy “ATM gạo” ở Việt Nam.

“Một chiếc máy phát gạo miễn phí, điều tuyệt vời tưởng như không thể có nhưng lại là sự thật. Những chiếc máy ATM gạo này được lắp đặt trên khắp Việt Nam để giúp những người đang cần được hỗ trợ nhất trong dịch COVID-19”, trích bài đăng trên CNN ngày 13/4. Hãng tin của Mỹ còn đưa chi tiết rằng ở Hà Nội, gạo được phát từ 8-17h mỗi ngày. Mọi người được yêu cầu đứng xếp hàng cách nhau 2m và phải rửa tay sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn trước khi nhận gạo.

Hãng thông tấn EFE ca ngợi sáng kiến “ATM gạo” là “ý tưởng mới lạ”. Còn tờ IBTimes (Mỹ) nói đây là cách làm “rất tài tình” giữa mùa dịch. Channel News Asia nói thêm rằng có nhiều cá nhân và tổ chức tích cực quyên tặng từ vài chục đến hàng trăm kg gạo cho dự án ý nghĩa này.

Khẳng định vị thế với thế giới

Theo tờ Asia Times ngày 18/4, Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng cường tài trợ trang thiết bị y tế, chia sẻ kinh nghiệm ngừa COVID-19, Việt Nam đang được báo chí, chuyên gia tin tưởng, đánh giá cao, là tiền đề cho phát triển kinh tế, “ghi điểm” với quốc tế. “Đại dịch COVID-19 là dịp Việt Nam tăng cường ảnh hưởng mềm, lan rộng tinh thần hào phóng của Việt Nam với cộng đồng quốc tế”, Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ) nhận định.

“Việt Nam sẽ là bên thụ hưởng lớn từ sự đa dạng hóa này vì Việt Nam đã cho thấy sự thân thiện trong khi vẫn đảm bảo mang lại hiệu quả về kinh tế đối với các công ty của phương Tây. Trong nhiều trường hợp, Việt Nam sẽ là sự lựa chọn đầu tiên khi họ tìm kiểm một đối tác đáng tin cậy. Và đây là thời cơ không thể tốt hơn cho Việt Nam”, chuyên gia Vuving đánh giá.

Trong khi đó, học giả quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) Derek Grossman đánh giá cách Việt Nam ứng phó với đại dịch và chính sách ngoại giao đi kèm sẽ “giúp Việt Nam chứng minh vị trí của mình với thế giới”.

Trong bài viết cho tờ Asia Times, cây bút chuyên về khu vực Đông Nam Á David Hutt đưa ra nhận định: Việt Nam sẽ thắng sau khi đại dịch COVID-19 qua đi.

Theo đó, thông qua các biện pháp kiểm soát biên giới, giãn cách xã hội hiệu quả cùng chính sách ngoại giao chiến lược, Việt Nam đã giảm được tác động của đại dịch COVID-19 đến mức tối thiểu. Điều này đã mang tới cơ hội mà nhiều chuyên gia đánh giá là Việt Nam đang nắm chắc trong tay nhằm tiếp tục giữ vững vị thế của một nhân tố toàn cầu đáng tin cậy, có trách nhiệm.

Việt Nam vừa chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy kế hoạch ứng phó dịch chung toàn khối trong bối cảnh nhiều nước thành viên ASEAN ghi nhận tình hình dịch diễn biến xấu như Indonesia, Singapore và Philippines.

Theo cây bút David Hutt, giới ngoại giao dự đoán rằng nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam có thể sẽ kéo dài đến năm 2021 do hoạt động bị dịch COVID-19 gián đoạn.

Nếu kịch bản này diễn ra, Việt Nam sẽ có thêm thời gian để tìm kiếm đồng thuận trong khu vực đối với 2 vấn đề lớn là thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và giải quyết vấn đề tài nguyên nước trên sông Mekong.

Cả hai vấn đề gai góc này đã khiến nhiều nước thành viên của ASEAN bất đồng với Trung Quốc. Để thành công trong việc giải quyết những vấn đề nói trên, Việt Nam sẽ cần có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.

Văn Hùng
.
.