Thế giới chung tay vì người tị nạn Rohingya

Thứ Ba, 31/10/2017, 14:21
Ngày 24-10, Myanmar và Bangladesh đã đồng ý hợp tác về việc hồi hương người tị nạn Rohingya và thực hiện các bước để tăng cường an ninh biên giới trong khi mối quan hệ giữa hai nước láng giềng vẫn căng thẳng vì dòng người tị nạn tiếp tục đổ vào Bangladesh.

Hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy khỏi Myanmar kể từ ngày 25-8, khi các cuộc tấn công của những phần tử nổi dậy người Rohingya khơi ra một phản ứng quân sự ác liệt của quân đội Myanmar.

Tại một cuộc họp ở thủ đô Naypyitaw của Myanmar có sự tham dự của Bộ trưởng Nội vụ Myanmar Kyaw Swe và người tương nhiệm Asaduzzaman Khan của Bangladesh, hai nước đã ký thỏa thuận về an ninh và hợp tác biên giới. Hai bên cũng đồng ý "ngăn chặn dòng cư dân ở Myanmar đổ sang Bangladesh" và "thành lập một nhóm công tác chung", Tin Myint, Thư ký thường trực Bộ Nội vụ Myanmar nói với các phóng viên sau cuộc họp.

"Sau nhóm công tác chung và xác minh, hai nước đã đồng ý sắp xếp các bước khác nhau để những người này có thể trở về quê hương một cách an toàn và được tôn trọng và trong những điều kiện an toàn", Mostafa Kamal Uddin, Thư ký Bộ Nội vụ Bangladesh cho biết.

Hai quan chức không nêu cụ thể các bước mà nhà chức trách sẽ thực hiện cho công tác hồi hương, và cho biết rằng phần lớn các cuộc thảo luận đã được dành cho thỏa thuận hợp tác về biên giới và an ninh vốn được thương thuyết từ lâu.

Trong những ngày gần đây, hàng ngàn người tị nạn tiếp tục băng qua sông Naf, ngăn cách bang Rakhine ở miền tây Myanmar và Bangladesh dù Myanmar nói rằng các hoạt động quân sự giữa quân đội Myanmar với phiến quân người Rohingya đã chấm dứt vào ngày 5-9. Hàng loạt tổ chức và các nước trên thế giới đang gia tăng áp lực đòi Myanmar giải quyết vấn đề người Rohingya.

Ngày 25-10, Hội đồng Bảo an LHQ thông báo đang soạn thảo một dự thảo nghị quyết để gây sức ép đối với Myanmar nhằm giải quyết tình trạng bạo lực vốn khiến hàng trăm nghìn người Hồi giáo Rohingya phải rời bỏ quê hương. Dự thảo nghị quyết do Anh và Pháp soạn thảo này cũng kêu gọi nhà chức trách Myanmar “dừng ngay các hoạt động quân sự” và cho phép những người tị nạn đang phải sống trong các khu trại tạm thời ở Bangladesh được hồi hương. Tuy nhiên, văn bản dài 6 trang này không có các lời đe dọa về trừng phạt.

Các nhà ngoại giao cho rằng dự thảo nghị quyết này, vốn là phản ứng chính thức đầu tiên của Hội đồng Bảo an LHQ, sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Các quan chức này cho rằng sẽ có các cuộc đàm phán cam go để đạt được một thỏa thuận.

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố ngày 20-10 báo động, đã có gần 340.000 trẻ em người Rohingya tị nạn tại Bangladesh từ cuối tháng 8, hiện đang thiếu thốn thực phẩm, nước uống và thuốc men. Và mỗi tuần lại có thêm 12.000 em gia nhập các trại tị nạn.

Từ ngày 10-10, hai cơ quan của LHQ là UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới cùng với Chính phủ Bangladesh hợp tác tiêm ngừa cho hơn nửa triệu người Rohingya đang tạm trú trong các trại tị nạn, với 900.000 liều thuốc được dự trù. LHQ lo ngại tình trạng thiếu vệ sinh trong các trại tị nạn gây lo ngại đại dịch bùng phát. Việc tiêm chủng là nhằm mục đích tránh xảy ra thêm một thảm họa y tế trong một thảm họa nhân đạo như từng xảy ra ở Haiti năm 2016.

Người tị nạn Rohingya gần Cox's Bazar (Bangladesh) chờ tiêm chủng dịch tả do Liên Hiệp quốc tổ chức.

Trước đó, trong bản báo cáo công bố ngày 18-10, Amnesty International kêu gọi quốc tế hành động để chấm dứt cuộc khủng hoảng của người Rohingya. Tổ chức quốc tế này gọi đây là “cuộc khủng hoảng tị nạn tệ hại nhất” trong khu vực kể từ nhiều thập niên qua.

Điều trần trong một phiên họp kín trước Hội đồng Bảo an LHQ ngày 13-10 với tư cách Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền của người Hồi giáo Rohingya, cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã kêu gọi gia tăng áp lực trên chính quyền Myanmar để người tị nạn Rohingya tại Bangladesh sớm được trở về nguyên quán, chấm dứt khủng hoảng nhân đạo.

Ngày 23-10, sau Anh, đến lượt Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt nhắm vào quân đội Myanmar. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình người Rohingya, cũng như cảnh báo mọi tác nhân, kể cả các tổ chức phi chính phủ có liên can đến các hành động bạo tàn phải chịu mọi trách nhiệm.

Một loạt biện pháp trừng phạt mới đã được bà Nauert thông báo thêm bên cạnh những “lệnh cấm hiện tại” nhắm vào các lực lượng quân đội Myanmar, đồng thời kéo dài lệnh cấm vận của Mỹ có từ lâu, liên quan đến việc “bán các thiết bị quân sự”. Theo đó, Mỹ hủy việc xem xét miễn thị thực nhập cảnh đối với nhiều quan chức quân sự cao cấp của Myanmar, hủy các chương trình mời lãnh đạo an ninh dự các sự kiện do Mỹ tài trợ. Mỹ thông báo xem xét khả năng thực hiện các “biện pháp kinh tế nhắm vào từng cá nhân có liên quan đến hành động thảm sát”.

Những biện pháp trừng phạt mới này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 18-10 khẳng định lãnh đạo quân đội Myanmar có “trách nhiệm” trong cuộc khủng hoảng sắc dân thiểu số Rohingya theo Hồi giáo. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo việc hơn nửa triệu người Hồi giáo Rohingya chạy lánh nạn sang Bangladesh có thể gây bất ổn khu vực và mời gọi khủng bố quốc tế.

Cũng trong ngày 23-10, Thủ tướng Canada, Justin Trudeau đã bổ nhiệm Bob Rae làm đặc sứ phụ trách hồ sơ Myanmar. Canada muốn gây nhiều áp lực lên các lãnh đạo nước này nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Chính phủ Canada còn thông báo tăng gấp đôi trợ giúp nhân đạo cho người tị nạn Rohingya trong năm nay, lên mức 25 triệu USD.

Bên cạnh những áp lực, cộng đồng quốc tế cũng đang ra sức giúp đỡ người tị nạn Rohingya. Ngày 23-10, tại một hội nghị quốc tế diễn ra ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết gần 345 triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho khoảng 900.000 người Hồi giáo Rohingya tại Bangladesh. Sự kiện do các cơ quan LHQ, Liên minh châu Âu và Kuwait phối hợp tổ chức.

Các nhà tổ chức đặt mục tiêu kêu gọi 434 triệu USD hỗ trợ cộng đồng người Rohingya và những cộng đồng tiếp nhận họ tại Bangladesh, trong đó, 100 triệu đã được đóng góp hoặc cam kết trước khi diễn ra hội nghị. Theo Liên Hiệp Quốc, những cam kết tài chính vừa được đưa ra trong ngày 23-10 là bước khởi đầu thuận lợi để đạt mục tiêu đề ra.

Số tiền này là cần thiết để hỗ trợ 1,2 triệu người tại huyện Coxs Bazar, miền Nam Bangladesh, trong đó 300.000 người là người dân địa phương và gần 900.000 người Rohingya, bao gồm cả những người đã sống tại đây trước kia và những người mới đến.

Vào lúc này, chính quyền Myanmar cũng đang nỗ lực hòa giải với các nhóm phiến quân người Rohinya nhằm chấm dứt giao tranh quân sự khiến người dân phải đi sơ tán. Ngày 24-10, Ủy ban Hòa bình của Chính phủ Myanmar thông báo nối lại đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang không ký kết thỏa thuận ngừng bắn, do Phái đoàn Đàm phán chính trị (DPN) của Hội đồng Liên bang dân tộc thống nhất (UNFC) đại diện.

Theo báo Global New Light của Myanmar, tại vòng đàm phán thứ 7 giữa Ủy ban Hòa bình Chính phủ Myanmar và DPN, hai bên đã thảo luận 4 điểm còn lại trong yêu cầu mà UNFC đề xuất để tiến tới ký Thỏa thuận Ngừng bắn quốc gia (NCA). Hai bên đã nhất trí mời các đại diện quốc tế tham gia vào ủy ban giám sát chung. Ngày 24-10, bà Aung San Suu Kyi trấn an công luận quốc tế rằng người tị nạn Rohingya có thể hồi hương.

Về phần ASEAN, trong chuyến thăm được cho là đầu tiên của một nhà lãnh đạo ASEAN đến trại tị nạn Kutupalong tại khu vực Coxs Bazar, Bangladesh, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nhận xét, cảnh ngộ cũng như điều kiện sống của người tị nạn Rohingya là rất tệ hại. Ông kêu gọi những người tình nguyện Malaysia, đặc biệt là các y bác sĩ và nhân viên y tế khác hãy đến Bangladesh để giúp đỡ những người Rohingya đang gặp nhiều khó khăn.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.