Thế giới gần nhau hơn đối phó kẻ thù chung

Chủ Nhật, 22/11/2015, 17:25
Các cuộc tấn công khủng bố rúng động thủ đô nước Pháp khiến 129 người chết và hàng trăm người khác bị thương diễn ra đúng vào thời điểm có các hội nghị quốc tế quan trọng như G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ, APEC tại Philippines... Có thể dễ dàng nhận thấy rằng vấn đề chống khủng bố đã bất ngờ chiếm phần lớn các chương trình nghị sự trong các hội nghị trên.

Từ những nghi ngại, bất đồng đi đến chung tay, thỏa hiệp

Hôm 19/11, Hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc tại Manila với tuyên bố chung kêu gọi nhanh chóng có sự gia tăng hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Ðây là sự kiện hiếm thấy tại cuộc họp của tổ chức APEC, vốn thường chỉ chú trọng vào những vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế và thương mại. Nhóm APEC, chiếm khoảng 60% nền kinh tế của cả thế giới, cho hay “sẽ không để khủng bố đe dọa các giá trị căn bản của các nền kinh tế tự do và mở trên thế giới”.

Trước đó, kết thúc cuộc họp Thượng đỉnh tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/11, các lãnh đạo nhóm G20 đã cam kết sẽ hợp lực để vãn hồi hòa bình ở Syria và tiêu diệt tổ chức IS, sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris. Theo một tuyên bố riêng, kèm với thông cáo kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20 thường niên, các lãnh đạo cam kết sẽ chia sẻ các thông tin tình báo, tăng cường an ninh hàng không, kiểm soát biên giới để ngăn chặn sự di chuyển của lực lượng thánh chiến ngoại quốc. Họ cũng kêu gọi tất cả các quốc gia chia sẻ gánh nặng người tị nạn, với hàng trăm ngàn người liều mình chạy khỏi Syria vì  cuộc nội chiến ác liệt, kéo dài, đi theo những con đường nguy hiểm để sang châu Âu.

Các lãnh đạo G20 thúc giục phải có hành động phối hợp ở Syria. Đặc biệt, các lãnh đạo phương Tây cố xóa bỏ những bất đồng quan trọng với Tổng thống Nga Putin về việc giải quyết xung đột ở Syria và chống tổ chức IS. Theo lời Thủ tướng Anh David Cameron thì bất đồng giữa phương Tây với Moscow về Syria đã giảm bớt qua các cuộc thảo luận ở Vienna hôm 14/11, nhưng ông cho rằng cần phải nỗ lực hơn nữa để thống nhất lập trường trên vấn đề này.

Điều đáng được chú ý nhất trong Hội nghị G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc gặp bên lề giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin. Tại cuộc gặp, hai ông Obama và Putin đã đồng ý cần phải có một tiến trình chuyển tiếp chính trị do Syria dẫn đầu, những cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc làm trung gian hòa giải và một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Mỹ Obama nói chuyện với Tổng thống Nga Putin trước phiên họp khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/11.

Nhà Trắng gọi cuộc gặp 35 phút giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ là một "cuộc thảo luận mang tính xây dựng", một sự thay đổi so với những phát biểu thường có tính đối kháng của hai nhà lãnh đạo tại những hội nghị thế giới khác. Cố vấn đối ngoại của ông Putin, Yuri Ushakov, cho biết Tổng thống Nga đã có "cuộc nói chuyện khá chi tiết" với ông Obama.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama và Tổng thống Putin "ghi nhận tiến bộ ngoại giao" đã đạt được trong thời gian gần đây trong cuộc hội đàm tại Vienna. Đồng thời, ông Obama hoan nghênh "những nỗ lực của tất cả các quốc gia" chống lại những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Syria và "ghi nhận tầm quan trọng của những nỗ lực quân sự của Nga tại Syria tập trung" vào IS. Nếu như trước đây liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo còn nghi ngờ và mỉa mai chuyện Nga tiến hành không kích IS ở Syria thì bây giờ họ đã cảm thấy trân trọng và cần Nga hơn bao giờ hết.

Ngay sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố Paris, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, các vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhắm vào nước Pháp kể từ Thế chiến II là hành động mới nhất cho thấy “bản chất dã man của chủ nghĩa khủng bố” và là “một thách thức đối với nhân loại”. “Điều rõ ràng là cuộc chiến hiệu quả chống lại cái ác này phải có một sự đoàn kết thật sự của cộng đồng quốc tế. Tôi muốn xác nhận sự sẵn sàng của Nga nhằm hợp tác chặt chẽ nhất với các đối tác Pháp để điều tra tội ác xảy ra ở Paris”- ông Putin nói.

Trong suốt hơn một năm qua, quan hệ giữa Mỹ với phương Tây và Nga đã bị đóng băng nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Hai bên đã đối đầu nhau gay gắt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, hiện giờ, Nga đang được xem là chìa khóa để giải quyết cuộc nội chiến ở Syria – cuộc chiến được cho là mở đường cho sự nổi lên đáng sợ của IS.

Ngoài cuộc tiếp xúc ý nghĩa giữa Nga và Mỹ, cũng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, một loạt các nhà lãnh đạo thế giới khác như Thủ tướng Anh David Cameron và Quốc vương Arập Xêút Salman bin Abdulaziz Al Saud... cũng đều tay bắt chặt tay và chụp ảnh chung đầy thân mật với ông chủ Điện Kremlin.

Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Nga, Thủ tướng Cameron đã đề nghị “thỏa hiệp” với Nga về tương lai của Tổng thống Syria Assad để đổi lấy việc Moscow giúp tiêu diệt IS. Sự chìa tay của Anh là rất bất ngờ bởi lâu nay Nga và Anh không ưa gì nhau. Thủ tướng Cameron đã tận dụng cơ hội gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Putin tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ để kêu gọi Nga tiếp tục dùng hỏa lực tấn công IS. Người ta đã thấy Thủ tướng Cameron chụp ảnh với Tổng thống Putin dù còn ngượng ngùng. Đây là lần đầu tiên trong một năm qua, hai nhà lãnh đạo Nga và Anh gặp mặt trực tiếp với nhau.

Theo giới phân tích, cuộc tấn công khủng bố ở Paris đang giúp Nga vẫn có thể thi hành được kế hoạch ở Syria, lại lôi kéo chính phủ các nước phương Tây, nhất là Mỹ vào một thỏa hiệp cùng tiêu diệt quân IS, mà từ trước đến nay chính quyền Mỹ vẫn dửng dưng dù bên ngoài vẫn hô hào việc chống khủng bố. Vụ tấn công ở Paris khiến chính quyền Mỹ phải thay đổi, tích cực dấn thân vào Syria để giải quyết vấn đề IS nhanh hơn, không chờ đến ngày quân IS tấn công vào cả nước Mỹ.

Pháp và Nga đã có kẻ thù chung từ sau năm 1945

“Hạm đội Pháp do một hàng không mẫu hạm dẫn đầu sẽ đến khu vực của các ông. Cần phải thiết lập liên lạc trực tiếp với người Pháp và cùng làm việc với họ như đồng minh” - Tổng thống Vladimir Putin đã thông báo trong cuộc họp tham mưu của quân lực Nga đảm trách các chiến dịch quân sự tại Syria. Điện Kremlin cũng nhắc đến thỏa thuận giữa Tổng thống Hollande và Tổng thống Putin về một sự phối hợp chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quân sự, nhất là giữa các cơ quan tình báo.

Theo sử gia quân sự Nga Mikhail Miagkov, “lần cuối cùng mà Nga và Pháp cùng chiến đấu bên nhau là trong Thế chiến II. Phải nhắc lại rằng khi đó, Pháp và Nga chiến đấu chống lại một kẻ thù chung đang đe dọa hủy diệt nhân loại. Điều này càng trở nên thời sự hơn bao giờ hết khi phải chiến đấu với một kẻ thù như IS”.

Thủ tướng Anh Cameron và Tổng thống Nga Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.

Chiến tranh lạnh đã tách rời Pháp và Nga suốt gần nửa thế kỷ. Sau khi Liên Xô tan rã, Pháp và Nga vẫn cùng làm việc với nhau trong nhiều sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ, đặc biệt là tại Nam Tư cũ trong thập niên 90. Cuộc chiến chống hải tặc ngoài khơi Somalia với sự tham gia của Hải quân Nga cũng là dịp hợp tác chặt chẽ giữa các tàu chiến châu Âu thuộc lực lượng Atalante hay những đội tuần tra của hải quân Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, cần thiết để đảm bảo an ninh cho một trong các hành lang hàng hải đông đúc nhất thế giới.

Sau thảm họa 11-9 tại Mỹ, Nga là quốc gia đầu tiên đề nghị hỗ trợ cho Mỹ. Và Moscow cũng chia sẻ thông tin tình báo về Taliban với Cơ quan tình báo Mỹ, cho phép các phi cơ Mỹ bay trên không phận Nga. Nhưng kể cả như thế, “sự hợp tác đó chủ yếu chỉ là tiếp liệu hậu cần” - Mikhail Miagkov nhấn mạnh.

“Trong Thế chiến II, chủ nghĩa phát xít đã buộc Liên Xô và phương Tây bỏ qua các xung khắc về lý tưởng. Liệu IS có thể trở thành một Hitler mới không?” - nhật báo Nga “Vedomosti” đăng trên xã luận.

Tuy nhiên mối quan hệ giữa Nga và Pháp còn cần nhiều nỗ lực hơn để phục hồi sau những trắc trở từ cuộc khủng hoảng Ukraine và nhất là sau quyết định của Tổng thống Hollande ngưng giao 2 chiến hạm Mistral cho Nga vào tháng 8-2014, điều đã gây nên sự bực tức cho Moscow. Tuy vấn đề này sau đó đã được giải quyết và 2 chính phủ đều tạm hài lòng với thỏa thuận mới nhưng một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp khẳng định với Hãng thông tấn AFP rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian và Tổng tham mưu trưởng quân đội Pierre de Villiers vẫn chưa có cuộc tiếp xúc nào với các vị đồng cấp của Nga từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nhưng mọi việc đã bắt đầu chuyển biến trên mặt trận Syria. Sau vụ thảm sát tại thủ đô Paris và sự thay đổi chính sách đối ngoại của Tổng thống Hollande, ngày 17/11 Tổng thống Putin đã ra lệnh cho các chiến hạm Nga tại Địa Trung Hải nên “liên lạc trực tiếp với hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle và hợp tác với đồng minh Pháp”.

Tổng thống Hollande và Tổng thống Putin cũng đồng ý về một sự phối hợp chặt chẽ hơn về thông tin tình báo trong cuộc chiến Syria. “Cần có những sự liên lạc và sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa quân đội và cơ quan tình báo của 2 nước trong hoạt động chống lại những nhóm khủng bố tại Syria” - Tổng thống Putin cho biết sau một cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Hollande.

Hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle.

Giống như Pháp sau vụ thảm sát ngày 13/11 tại Paris, ngày 17/11 Nga cũng quyết định tăng cường các cuộc tấn công tại Syria do tai nạn của chiếc Airbus tại Ai Cập mà Nga tin rằng đó là một vụ khủng bố. Khi nghe báo cáo rằng chiếc máy bay Metrojet A321đã bị gài một thiết bị nổ khoảng 1,5 kg TNT, ông Putin nhấn mạnh rằng, đây là một trong những hành động dã man nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại, và thề sẽ không ngừng nghỉ nỗ lực đưa các phần tử IS ra trước công lý.

"Chúng ta sẽ truy lùng chúng ở bất cứ nơi nào chúng ẩn náu. Chúng ta sẽ săn lùng chúng ở bất kỳ nơi nào trên hành tinh này và trừng phạt chúng", ông tuyên bố. Trong phiên họp với các quan chức quân sự cấp cao Nga, Tổng thống Putin đã cam kết sẽ trả đũa không thương tiếc các phần tử khủng bố dù chúng lẩn trốn ở đâu.

Hôm 17/11 các máy bay oanh tạc Tu-22 đã tấn công nhiều mục tiêu của IS tại tỉnh Raqqa và Deir, còn các máy bay Tu-160 và Tu-95MC oanh kích tại tỉnh Aleppo và Idleb. Việc cần đến phi cơ chiến lược tầm xa mạnh mẽ hơn và cất cánh từ Nga là giai đoạn mới trong việc chứng tỏ sức mạnh quân sự của nước này.

Theo Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên bang Nga Valeri Guerassimov, trong 48 ngày can thiệp, không quân Nga đã tấn công 4.111 mục tiêu tại Syria trong 2.299 lượt cất cánh, phá hủy 562 trung tâm chỉ huy, 64 trại huấn luyện và 54 xưởng chế tạo khí tài. “Số lượt cất cánh đã tăng gấp đôi, điều này giúp mở những cuộc tấn công mạnh mẽ và chính xác hơn vào IS trên khắp lãnh thổ Syria” - Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết.

Ngoài ra không quân Nga tại Syria sẽ tăng cường thêm 37 máy bay, trong đó có 8 chiếc Su-34 và 4 chiếc Su-27. Tướng Andrey Kartapolov, phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu Nga, máy bay ném bom chiến lược Tu-95 phóng 12 tên lửa hành trình tầm xa vào mục tiêu IS, bao gồm cứ điểm chính tại tỉnh Idlib, kho chứa nhiên liệu và một xưởng sản xuất thuốc nổ, ông nói.

Một phi đội máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 tấn công 6 cơ sở ở các tỉnh Raqqa và Deir el Zour, đánh vào nhà máy lọc dầu, kho đạn dược và một cơ sở sản xuất, sửa chữa súng cối của IS. Ông cho biết, Nga tập trung tấn công vào các cơ sở sản xuất và lọc dầu cũng như xe chở dầu của nhóm cực đoan. Nga đã phá hủy khoảng 500 xe tải chở dầu trong vài ngày không kích. Người phát ngôn nói rằng IS đã thừa nhận ba chỉ huy chiến trường của nhóm đã chết vì các cuộc không kích của Nga tại tỉnh Aleppo.

Mộc Thạch – Mê Linh (tổng hợp)
.
.