Thế giới lên án việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng Biển Đông

Thứ Hai, 18/05/2015, 21:15
Trung Quốc đã và đang bồi đắp những hòn đảo, bãi đá chiếm được một cách phi pháp trên Biển Đông với một tốc độ “kinh người”. Chính quyền Bắc Kinh mưu tính gì với việc làm này? Cộng đồng quốc tế đang tỏ ra rất lo lắng với mưu đồ của Trung Quốc ở tuyến đường thủy quan trọng của thế giới.

Làm việc phi pháp thì phải vội vã?

Chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp 600 hécta ở Biển Đông. Và tính từ đầu năm 2014 đến nay, tổng số diện tích mà Trung Quốc "san nền" các bãi đá, đảo ở Biển Đông là 800 hécta. Đó là một trong những thông tin được nêu tại Báo cáo thường niên về tình hình quân sự của Trung Quốc được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 8/5/2015.

Theo báo cáo thì việc bồi đắp của Trung Quốc tập trung vào bốn khu vực trong quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc hiện đang kiểm soát một cách phi pháp) và về cơ bản đã hoàn tất. Nay, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng tại những khu vực đã được bồi đắp, với ít nhất là một sân bay, đồng thời thiết lập hệ thống giám sát, hệ thống thông tin, nạo vét luồng lạch để các chiến hạm có thể dễ dàng ra vào quần đảo Trường Sa.

Báo cáo của Mỹ khẳng định: Cảnh báo của nhiều quốc gia, chuyên gia an ninh - quốc phòng về việc Trung Quốc bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo, mở rộng các đảo hiện hữu, biến chúng thành một chuỗi căn cứ quân sự nhằm khống chế toàn bộ Biển Đông là hoàn toàn chính xác.

Tờ Libération của Pháp ra ngày 11/5 tường thuật chi tiết: "Trong số ít nhất 7 hòn đảo nhỏ thuộc Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo, cơi nới diện tích có đảo đá Chữ Thập (mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam) bị biến dạng nhiều nhất. Theo tờ báo, chi phí cho việc cải tạo hòn đảo này có thể lên đến 12 tỉ USD. Hòn đảo mà nguyên thủy là một bãi đá san hô này đang trở thành "một căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa. Chỉ trong vòng vài tháng được bồi đắp, diện tích của đảo đá Chữ Thập đã được mở rộng gấp 11 lần".

Gần đây, những viên chức đại diện chính quyền Trung Quốc đưa ra rất nhiều tuyên bố nhằm trấn an cộng đồng quốc tế về các hành động bất thường, bất chấp luật pháp quốc tế của mình tại Biển Đông và thường thì ngay sau đó, các viên chức này đột nhiên... đổi giọng. Chẳng hạn hôm 1/5/2015, Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, ngỏ "lời mời" Mỹ và cộng đồng quốc tế sử dụng các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, khi có nhu cầu tìm kiếm - cứu nạn.

Song song với lời mời này, ông Lợi giải thích thêm, việc Trung Quốc bồi đắp hàng loạt bãi đá tại Biển Đông thành đảo nhân tạo và biến các đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự là nhằm "cải thiện chất lượng các dịch vụ công cộng tại Biển Đông như dự báo khí tượng, nghiên cứu hải dương, tìm kiếm - cứu nạn", góp phần "thực thi các nghĩa vụ quốc tế về an ninh tại hải phận quốc tế".

Đến ngày 2/5, Jeff Rathke, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, tuyên bố: Mỹ không quan tâm đến "lời mời" của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm, ngay cả khi các cơ sở được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo chỉ được sử dụng cho các mục đích dân sự và nhân đạo thì việc đơn phương bồi đắp các bãi đá đang còn tranh chấp về chủ quyền vẫn nguy hại cho hòa bình và ổn định trong vùng. Ông Jeff Rathke nói, nếu thật sự muốn làm giảm căng thẳng, Trung Quốc nên ngưng việc bồi đắp, mở rộng các bãi đá. Muốn hợp tác cứu nạn, Trung Quốc nên làm việc với những cơ chế đa phương hiện có như cơ chế của ASEAN.

Bởi tuyên bố thẳng thừng của Mỹ, ngày 7/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc huỵch toẹt: Trung Quốc "có quyền lập vùng cấm bay-ADIZ tại Biển Đông". Theo nhiều chuyên gia, trước đây, Trung Quốc chỉ có thể điều động các chiến hạm để xâm nhập Biển Đông. Nay, chuỗi đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ giúp Không quân Trung Quốc khống chế phía trên vùng biển này. Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ tại Biển Đông và gia tăng các cuộc tuần tra cả trên biển lẫn trên không, các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông sẽ bị đẩy khỏi khu vực này vì đường tiếp liệu cho các hòn đảo mà họ kiểm soát bị cắt.

Chỉ trong vòng vài tháng diện tích của đảo Đá chữ Thập mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam, đã được mở rộng gấp 11 lần.

Lý giải về động cơ của Trung Quốc trong những hoạt động san lấp, thay đổi hiện trạng Biển Đông, nhà nghiên cứu Valérie Niquet, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp, khẳng định mục đích của Bắc Kinh là để "mở rộng diện tích họ chiếm giữ, cho dù theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng đường băng sân bay hay hải cảng không là cơ sở cho tính chính đáng của một quốc gia trên một lãnh thổ. Các cơ sở đó sẽ giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện lực lượng bảo vệ bờ biển trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đội tàu đánh bắt cá của họ có thể mở rộng ngư trường xa hơn xuống phía nam".

Theo chuyên gia Pháp, việc bồi đắp xây đảo còn có động cơ chính trị. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ từ cuối những năm 2000. Ưu tiên của Trung Quốc giờ dành cho việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc, nhất là trên biển. Theo bà Valerie Niquet, các công trình xây dựng trên là một mưu đồ nhằm áp đặt thay đổi hiện trạng đối với các nước Đông Nam Á. Nhưng theo chuyên gia Pháp, đây chỉ là trò lừa đảo, có giá trị hình ảnh nhiều hơn là thực tế. Trung Quốc cũng phụ thuộc vào tự do lưu thông trên tuyến đường biển này, Bắc Kinh không có khả năng thực sự để kiểm soát toàn bộ vùng Biển Đông và biển Hoa Đông.

Không thể “nới” thêm chủ quyền nhờ đảo nhân tạo

Sở dĩ Trung Quốc đưa ra yêu sách về Đường lưỡi bò trên Biển Đông là họ căn cứ vào những đảo và bãi đá, rạn san hô mà họ chiếm được của nước khác trên Biển Đông. Rồi từ những nơi này, họ căng thước kéo ra xung quanh một diện tích lớn mà họ tự cho là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tuy nhiên, đó là theo cách của Trung Quốc, còn Luật Biển của Liên Hiệp Quốc lại quy định cách tính hoàn toàn khác. Trung Quốc muốn lách luật quốc tế và thế là họ phù phép biến những thực thể vốn là bãi đá, rạn san hô, bãi ngầm… thành đảo, thậm chí đảo lớn, có thể được luật pháp quốc tế công nhận.

Nhưng họ đã sai lầm. Cho đến nay, chưa có văn bản luật quốc tế nào định nghĩa về đảo nhân tạo, kể cả UNCLOS 1982 hay Công ước Thềm lục địa 1958. Định nghĩa phổ biến nhất và được giới học giả ngành luật pháp quốc tế chấp nhận rộng rãi nhất cho đến nay là định nghĩa trong Bách khoa toàn thư Công pháp quốc tế: Đảo nhân tạo là một nền tảng cố định vĩnh viễn hoặc tạm thời do con người tạo nên bằng cách đặt/đổ lên các vật chất tự nhiên như sỏi, cát và đá, bao quanh là nước và nổi trên mặt nước trên khi thủy triều lên.

Mặc dù không định nghĩa về đảo nhân tạo, nhưng UNCLOS 1982 lại quy định: Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, quốc gia ven biển có quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, áp dụng quyền tài phán đặc biệt, kể cả về mặt các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư. Tuy nhiên, theo Điểm 8, Điều 60 UNCLOS 1982: "Các đảo nhân tạo không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa".

Như vậy, quốc gia ven biển không thể "nhờ" đảo nhân tạo mà "nới" thêm chủ quyền được. Họ chỉ có thể ấn định chiều rộng của những khu vực an toàn có tính đến các quy phạm quốc tế. Các khu vực an toàn này được xác định sao cho đáp ứng một cách hợp lý với tính chất và chức năng của các đảo nhân tạo và không thể mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo, tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các đảo nhân tạo, trừ ngoại lệ do các vi phạm của quốc tế đã được thừa nhận chung cho phép hoặc tổ chức quốc tế có thẩm quyền kiến nghị. Phạm vi của khu vực an toàn được thông báo theo đúng thủ tục khu vực.

Quay trở lại với việc Trung Quốc bồi đắp xây đảo nhân tạo ở Trường Sa. Thực tế, đây là một trường hợp độc đáo, bởi đó là các đảo nhân tạo được xây dựng trên các loại đá tự nhiên và các rạn san hô vĩnh cửu mà Trung Quốc đã chiếm đóng bằng vũ lực và thủ đoạn ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Philippines, bắt đầu từ năm 1988.

Sau đó, vì mục đích đóng căn cứ quân sự hoặc các mục đích khác, Trung Quốc đã xây dựng (trái phép) các cấu trúc nhân tạo trên các bãi đá: Gạc Ma, Subi, Gaven, Châu Viên, Tư Nghĩa, Vành Khăn… Một số trong số này sau đó đã được mở rộng để trở thành giống như các đảo nhân tạo, chẳng hạn như ở bãi đá Chữ Thập.

Giáo sư Keyuan Zou, Khoa Luật, Đại học Trung tâm Lanfirhire, Vương quốc Anh, thừa nhận rằng, đối với trường hợp này, do có các thiết lập nhân tạo, nên "rất khó để phân biệt cái nào là điểm tự nhiên và cái nào là do con người tạo ra" theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và ngay cả theo luật pháp quốc tế nói chung. Nếu định nghĩa đây là một điểm tự nhiên, thì nó lại xen lẫn với các thiết lập và cấu trúc nhân tạo; nếu định nghĩa đây là một đảo nhân tạo thì nó lại không được con người gắn kết cố định với đáy biển mà lại được hỗ trợ bởi một nền tự nhiên như một rạn san hô dù ở trên mặt nước hay không khi thủy triều lên.

Rõ ràng là không có điều khoản nào trong luật pháp quốc tế điều chỉnh hình thức kết hợp giữa tự nhiên và nhân tạo như thế.

Vấn đề là chỉ có Bắc Kinh tự cho là có chủ quyền đối với khu vực quần đảo Trường Sa nói riêng và với hơn 80% diện tích Biển Đông nói chung, còn quốc tế không ai công nhận. Ngay cả một đề nghị "làm rõ" yêu sách Đường lưỡi bò trên Biển Đông mà cộng đồng quốc tế đưa ra bấy lâu, Trung Quốc cũng không đáp ứng được, mà cứ diễn bài "mập mờ", lúc thì 9 đoạn, lúc thì 10 đoạn...

Bên cạnh đó, trên thực tế, Trung Quốc đã dùng vũ lực quân sự để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995…

Những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế này sẽ không đem lại chủ quyền cho Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu yêu sách Đường lưỡi bò của Trung Quốc không thể chứng minh được, thì những bãi đá, rạn san hô… đã bị Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát, làm biến đổi vĩnh viễn vị trí, tính chất của chúng, vì mục đích gây sự đã rồi, khống chế toàn bộ khu vực, hay nhiễu loạn hiện trạng, đe dọa vị trí pháp lý của các bên tranh chấp… cũng không đem lại cho nước này chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán được luật pháp quốc tế công nhận.

Ngày 12/5, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên, cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã đề nghị nghiên cứu nhiều phương án khác nhau, trong đó có phương án gửi các chiến hạm và chiến đấu cơ đến khu vực cách những bãi đá mà Trung Quốc đang bồi đắp ở Biển Đông chưa tới 12 hải lý (22 km). Quan chức này nói, Mỹ đang nghiên cứu cách thức bảo đảm tự do lưu thông trong một khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới.

Theo nhận định của Reuters, việc triển khai chiến hạm và chiến đấu cơ sẽ là một hành động thách thức trực tiếp nỗ lực của Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực có tranh chấp. Việc triển khai chiến hạm và chiến đấu cơ trên thực tế nằm trong khuôn khổ các chiến dịch thường xuyên của quân đội Mỹ nhằm bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải trên thế giới.

Trước đó, ngày 11/5, Hải quân Mỹ cho hay tàu chiến USS Fort Worth của họ đã tới vịnh Subic, Philippines, để tiếp dầu sau khi tuần tra ở vùng biển và không phận quốc tế, trong đó có tác vụ tiếp cận các bãi đá ở Trường Sa với khoảng cách 12 hải lý. Thông báo của Hải quân Mỹ cho biết: Tàu Fort Worth đã nhiều lần đi qua Biển Đông, nhưng cuộc tuần tra này đánh dấu lần đầu tiên một tàu tác chiến ven biển hoạt động ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa.

Trong một động thái cho thấy Quốc hội Mỹ quan tâm đặc biệt về tình hình Biển Đông, ngày 13/5, các quan chức hàng đầu phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về vấn đề này. Tại cuộc điều trần, các thượng nghị sĩ Mỹ đã gây sức ép buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải phản ứng mạnh mẽ hơn về những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên các vùng biển ở Đông Á.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/5 cho hay Ngoại trưởng John Kerry sẽ tới Trung Quốc vào đầu tuần tới để xác quyết với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tâm dấn thân của Mỹ nhằm bảo vệ tự do giao thông trên biển và trên không tại Biển Đông. Ian Storey, chuyên gia chiến lược hàng đầu của Viện Nghiên cứu Chiến lược châu Á tại Singapore, nhận định: "Những tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông đã làm Mỹ thức tỉnh. Giờ đây, vấn đề là sẽ đối phó bằng cách nào, vì cho đến nay những lời kêu gọi, khuyến cáo không được Bắc Kinh lắng nghe".

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.