Thế giới năm 2019: Nguy nhiều hơn cơ

Thứ Ba, 01/01/2019, 16:34
Năm 2018 kết thúc với những biến động địa chính trị và xã hội đầy bất trắc. Dự báo thế giới năm 2019 với chất chứa những nguy cơ tiềm ẩn. Viễn cảnh hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và quan hệ Mỹ-CHDCND Triều Tiên vẫn đầy bất định; gam màu nóng ở Trung Đông chưa thể chuyển màu; viễn cảnh chính trị u ám ở châu Âu; bất định ở châu Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương có thể bùng nổ xung đột bất cứ lúc nào tại những điểm nóng trên biển.


Không có chuyện “đình chiến” Mỹ - Trung

Năm 2019 sẽ tới mang theo nhiều tín hiệu không mấy khả quan. Trước hết, nhận định về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Thời gian 90 ngày "đình chiến" sẽ không thể hóa giải được các mâu thuẫn chồng chất giữa hai bên. Bởi, khác biệt của cả hai bên là quá lớn, vì vậy tranh chấp sẽ gay gắt hơn.

Dự báo, vào năm 2019, Mỹ sẽ tăng sức ép về thương mại, đầu tư và nói chung là kinh tế đối với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi và an ninh của nước Mỹ. Mỹ cũng sẽ tiếp tục tranh thủ các bạn hàng và đồng minh chiến lược như châu Âu, Nhật Bản, Australia, Canada, Hàn Quốc và Ấn Độ để dựng lên rào cản chung cho các hoạt động đầu tư của Bắc Kinh, nhất là trong các lĩnh vực tiên tiến là trí tuệ nhân tạo và mạng công nghệ 5G.

Do đó, Bắc Kinh sẽ có phản ứng để thu hẹp khoảng cách giữa hai bên. Hậu quả chung là năm 2019 có nhiều rủi ro cho các doang nghiệp hai nước và các nước trong khu vực khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn hoặc đảo lộn, với những vụ kiện cáo bất tận về quyền sở hữu. Dự báo Tổng thống Donald Trump sẽ khởi động cuộc chiến tranh thương mại thực sự trong cả năm 2019 và năm 2020.

Mặc dù trong cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 1-12 vừa qua ở Argentina, hai nước Trung-Mỹ đã đạt được sự đồng thuận về việc “tạm thời ngừng chiến tranh thương mại”, song Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục phát động một cuộc chiến tranh thương mại thực sự.

Những người phụ nữ Kurd tham gia mặt trận chống IS. Ảnh: Daily Mail.

Theo các cuyên gia, sự thay đổi trạng thái dường như chỉ là tạm thời. Năm tới (2019) hoặc năm sau nữa (2020), khi nền kinh tế Mỹ u ám, nhiều khả năng Trump sẽ phát động một cuộc chiến thương mại thực sự. Ông Trump tin rằng thắng lợi của cuộc chiến thương mại sẽ giải quyết các vấn đề mà Mỹ phải đối mặt, mặc dù trên thực tế cuộc chiến sẽ không có người chiến thắng.

Cũng như cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động vào năm 1930 (sau cuộc Đại khủng hoảng) đã gián tiếp trở thành ngòi nổ của Chiến tranh thế giới II, không phủ nhận khả năng trong tương lai sẽ phát triển thành trạng thái theo kiểu xung đột vũ trang”. Nếu cả hai bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại quy mô lớn, người dân trên khắp thế giới sẽ cảm thấy bất an về tương lai, tâm lý sẵn sàng tiêu dùng và đầu tư bị suy giảm sẽ dẫn đến sự suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế thế giới.

Đây là nguyên nhân khiến năm 2019 và cả năm 2020, nền kinh tế thế giới sẽ suy trầm, có khi còn nghiêm trọng hơn cả giai đoạn 2008-2009. Bởi ngoài thương chiến Mỹ-Trung khiến cơ chế hòa giải của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể bị tê liệt, nên khó khăn thương mại càng dễ lan vào kinh tế thì việc kinh tế Trung Quốc bị đình trệ sẽ khiến nước này gặp bất lợi. Thêm một yếu tố nữa là khối kinh tế châu Âu sẽ ảm đạm hơn vì khó khăn nội bộ, từ Italy, Đức cho tới Pháp với vụ khủng hoảng chính trị vừa bùng nổ từ phong trào “Áo ghi-lê vàng”.

Không chỉ có các nước ở nhóm trên khó khăn, các nền kinh tế đang phát triển gặp nhiều khó khăn, nhất là các nước đã vay quá nhiều bằng đồng USD, bởi USD lên giá, còn đồng nội tệ mất giá, khiến các nước này có nguy cơ bị lạm phát và bất ổn chính trị trong nội bộ khiến chính quyền rất khó chống đỡ. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn nhất như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí là một số quốc gia châu Âu đều mắc nợ quá nhiều nên khó ứng phó với kịch bản suy trầm toàn cầu.

Tình trạng bất công xã hội gia tăng

Ngoài ra, nạn bất công xã hội lan rộng trong nhiều nước nên khi nền kinh tế sa sút thì bất ổn kinh tế dễ làm bùng phát khủng hoảng chính trị. Trong bối cảnh các nước buôn bán với nhau nhiều hơn trước qua các ngả hàng không, đường và trên không gian Internet nên bất ổn kinh tế rất dễ lan truyền.

Trong báo cáo, Oxford Economics dự báo kinh tế thế giới sẽ giảm tốc từ tốc độ tăng trưởng 3,1% năm nay xuống còn 2,8% vào năm 2019 và 2,7% năm 2020. Báo cáo nhận định chính sách thắt chặt tiền tệ, khả năng thanh khoản sụt giảm, mức nợ và giá tài sản cao là những yếu tố có thể tạo ra làn sóng bán tháo ồ ạt trên các thị trường tài chính và kết quả là kinh tế giảm tốc mạnh hơn dự kiến.

Năm 2019 sẽ là năm bầu cử diễn ra ở một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, chẳng hạn như Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Nigeria. Cuộc bầu cử mới đây ở Brazil cho thấy các chính trị gia với những chủ trương mới mẻ, phi truyền thống tiếp tục có sức hấp dẫn lớn đối với cử tri. Trong số các nền kinh tế phát triển lớn, Canada và Australia là hai nước sẽ tổ chức bầu cử vào năm tới. Tuy nhiên, khả năng có sự dịch chuyển chính sách mạnh mẽ ở hai nước này sau bầu cử là thấp.

Khủng hoảng tài chính, kinh tế chưa buông tha thế giới. Ảnh: Medium.

Giá dầu cũng tác động trực tiếp tới đời sống của người dân, làm gia tăng bất công khi tăng thuế nhiên liệu tới mức họ không chịu được và phản kháng như phong trào “Áo vàng” diễn ra ở khắp châu Âu. Đợt giảm sâu gần đây của giá dầu đã đưa chính trị ở khu vực Trung Đông trở lại thành tâm điểm chú ý. Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ là một chìa khóa của vấn đề, tương tự như quyết tâm của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh trong việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Mối quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia cũng là một vấn đề đang được quan tâm. Ông Trump từng tuyên bố sẽ không để vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi gây tổn hại tới mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời cảnh báo nếu Washington xa lánh Riyadh thì giá dầu sẽ "tăng vọt".

Rủi ro địa chính trị ở châu Á

Điểm sáng duy nhất là tình hình tương đối lạc quan về Bán đảo Triều Tiên, dường như sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan hơn trong năm 2019. Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 tại Singapore, bầu không khí hòa dịu giữa hai bên đã xuất hiện.

Việc Triều Tiên và Hàn Quốc nối lại các cuộc tiếp xúc và cam kết sẽ giảm căng thẳng cũng khiến Mỹ tạm hài lòng. Tuy nhiên, do Mỹ vẫn tiếp tục tăng tốc ủng hộ Đài Loan và có kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nên những rủi ro của một sự tính toán sai lầm có thể gia tăng, đồng thời có thể làm bùng phát một vụ va chạm với Trung Quốc.

Chính vì lý do này, các nước ASEAN đang và sẽ tiếp tục tìm cách ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào của các cường quốc cạnh tranh, can thiệp vào tình hình của khối và tình hình căng thẳng liên quan tới các vùng biển trong phạm vi khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đưa ra thông điệp rõ ràng rằng Ấn Độ sẽ không tham gia liên minh do Mỹ dẫn dắt nhằm chống lại Trung Quốc.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã theo đuổi một cách tiếp cận thận trọng bằng việc tiến hành một chuyến thăm thành công đến Bắc Kinh. Thậm chí, Australia, một đồng minh trung thành nhất của Mỹ ở châu Á cũng từ chối tán thành tuyên bố cạnh tranh về chiến lược và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Rõ ràng là không ai ở châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng mong muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng năm 2019 có lẽ sẽ là năm mà các quốc gia khu vực phải đối mặt với áp lực buộc phải làm điều này. Do vậy, đối với các nhà lãnh đạo và ngoại giao khu vực, 12 tháng tới là thời gian mà họ có rất nhiều việc cần làm.

Thế trận cài răng lược và khủng bố vẫn ám ảnh thế giới

Năm 2019 thế giới sẽ chứng kiến thế trận Nga - Trung gia tăng ảnh hưởng tới toàn cầu nhằm cân bằng với liên minh từ Mỹ. Mối quan hệ thân thiện ngày càng lộ rõ trong quan hệ của Nga và Trung Quốc trong bối cảnh nhiều căng thẳng với Mỹ đang khiến cho diễn biến thế giới trở nên phức tạp.

Mâu thuẫn trong EU ngày càng trầm trọng. Trong báo cáo rà soát hằng năm về kế hoạch ngân sách của các nước trong Eurozone, Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ ngân sách của Italy đặc biệt không tuân thủ các giới hạn của EU. Mâu thuẫn này khiến giới đầu tư và các quan chức EU cảm thấy bất an. Kinh tế thế giới năm 2019 tiếp tục đối diện vấn đề Anh rời EU (Brexit).

Nếu Brexit "cứng" xảy ra, nghĩa là không có thỏa thuận nào cho mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, có thể khiến GDP của nước này vào năm 2030 giảm 7% so với thời điểm vẫn là thành viên của EU. Hoặc nếu Anh rời EU nhưng vẫn là một phần trong liên minh hải quan thì GDP của nước này vẫn sụt giảm khoảng 3%.

Phong trào “áo ghi-lê vàng” đang lan rộng khắp châu Âu. Ảnh: glbnews.

Mối nguy lớn nhất không liên quan tới một quốc gia cụ thể nào, đó là nguy cơ tấn công khủng bố quy mô lớn. Cuộc tấn công có thể xảy ra dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trên không gian mạng, gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới. Giới chuyên gia cảnh báo tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực chất không hề bị đánh bại mà chuyển sang một dạng thức mới nhưng không kém phần nguy hiểm, rút vào hoạt động ngầm.

IS hình thành đầu tiên tại Iraq và Syria, được cho là sẵn sàng để mất những phần lãnh thổ mà tổ chức này từng chiếm đóng tại hai quốc gia từng được coi "căn cứ địa" chính, để bắt đầu chuyển đổi sang một vai trò bí mật và gần gũi với bản chất của tổ chức này hơn. Bằng chứng là hàng trăm tay súng IS đã tháo chạy khỏi Syria, trốn ra nước ngoài qua Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó không còn ai biết rõ về tung tích của chúng. Chuyên gia này nhận định sự thất bại của chúng mà thế giới nhìn thấy chỉ là bề nổi, thực chất IS đã chuẩn bị cho một "trò chơi dài kỳ".

IS đang tìm kiếm các nguồn lực kinh tế mới và tái cơ cấu lại cơ quan chỉ huy để điều phối các lực lượng còn sót lại, chuẩn bị cho một chiến dịch nổi dậy trên diện rộng tại cả Iraq và Syria. Các chuyên gia cho rằng tổ chức này đã bắt đầu huy động nguồn tài chính tại nhiều nước ở Trung Đông, sử dụng vỏ bọc là các công ty môi giới xe hơi, cửa hàng đồ điện tử, nhà thuốc và trao đổi tiền tệ được thiết lập tại Iraq. Thế giới đang bước vào một thời kỳ vô cùng nguy hiểm khi IS chưa bao giờ thực sự bị đánh bại hay tan rã. Thay vào đó, tổ chức này chuyển sang hình thức hoạt động ngầm.

Cũng giống như nhóm thánh chiến khác, lực lượng này áp dụng chiến lược phổ biến nhất khi gặp phải đối thủ được trang bị tốt hơn, với các năng lực không quân và hải quân hiện đại hơn. Đó là chia tách nhóm, lựa chọn nhiều địa bàn hoạt động, chuyển sang hoạt động ngầm, thực hiện các âm mưu ám sát, đánh bom ven đường và chờ thời cơ tấn công bất ngờ.

IS chưa hề bị đánh bại, tổ chức này không thể tan rã một cách dễ dàng. Các chuyên gia cho rằng thay vì hoạt động công khai, giờ IS hoạt động ngầm. Trên thực tế, các tay súng IS đã trở lại nhiều khu vực mà chúng từng bị đánh bật để gây dựng lại lực lượng. Một tay súng IS từng hoạt động tại Syria trả lời phỏng vấn tờ The New York Times qua WhatsApp còn cảnh báo về một chiến lược "mưa dầm thấm lâu" và khẳng định IS sẽ quay lại khi liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu chấm dứt các cuộc không kích. Tên này khẳng định IS vẫn hiện diện tại Syria, thậm chí tại nơi mà nhiều người tưởng rằng lực lượng này đã bị đánh bật, với nhiều thành viên cực đoan sẵn sàng thực hiện các vụ đánh bom liều chết khi được yêu cầu.

Sở dĩ IS vẫn còn đất sống bởi ngoài việc các nước lớn như Mỹ và Nga đang bị "sa lầy" trong chiến lược chiến tranh của IS thì đặc tính tự tái tạo, tuyển mộ và tuyên truyền rất nhanh nhạy của IS chính là cách căn bản để các nhóm khủng bố như IS tồn tại. Không ít người phải đặt ra câu hỏi: Liệu ai đó đã từng nghĩ rằng 17 năm sau sự kiện ngày 11/9, thế giới vẫn chưa thể đẩy lui, chủ nghĩa khủng bố vẫn treo lơ lửng không có lời giải trong năm 2019.

Hoa Vinh
.
.