Thế giới nỗ lực phòng, chống virus Corona

Thứ Tư, 05/02/2020, 15:03
Cuộc chiến chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (2019 - nCoV) gây ra đang bước vào giai đoạn quyết liệt khi dịch bệnh lây lan nhanh và rộng, còn các nhà nghiên cứu thì vẫn đang tìm cách điều trị, khống chế sự lây lan.

Phải hiểu được cơ chế lây nhiễm thì mới có thể khống chế được dịch – như lời một nhà khoa học đã khẳng định hôm 1-2.

Thống kê mới nhất được cập nhật bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sáng sớm 4-2 theo tờ Guardian, tổng số ca mắc bệnh viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV) trên thế giới thống kê được là 20.622, riêng Trung Quốc là 20.438 ca, trong đó có 426 ca tử vong; có 1 ca tử vong tại Philippines. Ngoài Trung Quốc, toàn thế giới có thêm 24 quốc gia có dịch.

Ngày 1-2, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu và kêu gọi cả thế giới cùng vào cuộc để ngăn chặn dịch lây lan, tiến tới dập tắt dịch bệnh.

Hưởng ứng lời kêu gọi của WHO, nhiều quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp chuyên ngành khoa học công nghệ đã vào cuộc nghiên cứu nhằm tìm hiểu cơ chế lây lan bệnh dịch và phương án phòng ngừa, điều trị bệnh một cách hiệu quả. Cả cộng đồng khoa học thế giới đều hết sức khẩn trương bởi tính chất nguy hiểm của loại virus nguy hiểm này.

Một bệnh nhân được đưa đến bệnh viện ở Vũ Hán.

Theo tính toán của các nhà khoa học, hiện tỉ lệ gây tử vong của nCoV đang ở mức 2% (so với số lượng người mắc tăng lên chóng mặt), khá thấp so với các chủng virus Corona từng gây dịch bệnh SARS năm 2001-2003 (tỉ lệ tử vong 10%) và MERS năm 2013 (tử vong 35%) nhưng so với bệnh cúm theo mùa (tử vong 0,1%) thì nó vẫn cao gấp 20 lần, biết rằng mỗi năm bệnh cúm theo mùa giết chết hơn nửa triệu người trên toàn thế giới.

Chính vì vậy, ngay sau khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, các nhà khoa học Trung Quốc và thế giới đã bắt tay vào nghiên cứu để tìm hiểu chủng loài, phân tích di truyền và tìm hiểu cơ chế lây nhiễm của 2019 - nCoV để từ đó nghiên cứu chế tạo vaccine phòng bệnh. Các nỗ lực nghiên cứu càng được tiếp thêm động lực sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố công khai việc họ đã cô lập và phân tích thành công chuỗi gen di truyền của 2019 - nCoV vào ngày 10-1.

Kết quả phân tích gen của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy 2019 - nCoV có quan hệ gần nhất với 2 chủng virus giống virus gây bệnh SARS, do loài dơi làm trung gian mang mầm bệnh. Các nhà điều tra đã phát hiện chợ hải sản ở Vũ Hán có bán thịt dơi và 8 người bệnh đầu tiên ở Vũ Hán đã từng đến khu chợ này trước khi phát bệnh, còn 9 người bệnh khác thì ở trong một khách sạn gần đó.

Tiếp sau Trung Quốc, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Peter Doherty về lây nhiễm và miễn dịch ở Melbourne, Australia cũng công bố đã nuôi cấy thành công nCoV sau khi cô lập thành công virus này từ người nhiễm bệnh đầu tiên ở Australia. Đây là nhóm nghiên cứu đầu tiên ngoài Trung Quốc nuôi cấy thành công nCoV. Julian Druce, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết sẽ chia sẻ thành quả nghiên cứu này với WHO nhằm đóng góp vào các nghiên cứu chế tạo vaccine trong tương lai.

Người dân nhiều nước được khuyến cáo mang khẩu trang khi ra đường.

Ngày 2-2, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza thông báo các nhà khoa học nước này đã phân lập thành công nCoV. Nghiên cứu được tiến hành tại các phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Lazzano Spallanzani. Trong phát biểu chúc mừng các nhà khoa học tại Viện Lazzano Spallanzani, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho rằng thành quả của Italy sẽ đóng góp thêm vào các nỗ lực của cộng đồng khoa học thế giới nhằm tìm ra phương thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

Trước Italy, ngày 31-1, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (JNIID) cũng đã công bố cô lập, phân tích và nuôi cấy thành công nCoV lấy mẫu từ người bệnh đầu tiên trở về từ Vũ Hán. JNIID cho biết, các chuỗi gen di truyền sau phân tích trùng khớp đến 99,9% chuỗi gen nCoV do Trung Quốc công bố. JNIID cũng khẳng định, trong chuỗi phân tích không có đột biến gen nào có thể dẫn đến độ lây nhiễm và độc tính cao hơn.

Ngoài ra, JNIID cũng cho biết, sẽ sử dụng kết quả phân tích gen này để nghiên cứu chế tạo một loại vaccine phòng ngừa và một loại thuốc đặc trị, cũng như chế tạo bộ dụng cụ xét nghiệm có thể chẩn đoán nhanh nCoV.

Ở một số quốc gia khác, việc phòng và điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn do chưa có phương thuốc đặc trị cũng như vaccine phòng ngừa. Các bác sĩ điều trị đã tự mình tìm phương án tối ưu, như các bác sĩ ở một số bệnh viện Việt Nam đã tìm ra phác đồ điều trị thành công một số ca mắc đầu tiên, còn các bác sĩ Thái Lan cũng vừa công bố công thức phối hợp điều trị bằng thuốc đặc trị virus HIV với thuốc điều trị cúm thông thường để khống chế thành công nCoV.

Trong khi đó, nhóm nhà nghiên cứu vaccine tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết họ đã tìm ra cơ chế nhiễm bệnh của nCoV. Kizzmekia Corbett, nhà nghiên cứu chính của nhóm cho biết nhóm của bà tập trung vào các protein đầu nhọn của virus, dựa trên kết quả nghiên cứu các dòng virus Corona trong trận dịch SARS năm 2001-2003.

Virus Corona được mô tả dưới kính hiển vi có dạng hình cầu, xung quanh bao bọc bởi các protein đầu nhọn như ngọn giáo. Chính các protein này có chức năng “đấu nối” vào một phân tử tiếp nhận trên tế bào phổi, có tên gọi là ACE-2, từ đó cho phép corona bắt đầu xâm nhập hệ thống tế bào cơ thể người.

“Virus Corona Vũ Hán và corona gây bệnh SARS có bộ gen giống nhau đến 82%. Nhưng từ góc độ sản xuất vaccine, chúng tôi chỉ quan tâm protein đầu nhọn, dù có tỉ lệ giống nhau chỉ 70%” - Corbett nói.

“Vấn đề lớn là phải tạo ra cơ chế phản xạ miễn dịch dừng tiếp nhận sự gắn kết của virus vào phân tử tiếp nhận của tế bào phổi” - nhà nghiên cứu Corbett khẳng định.

Cả thế giới vẫn đang nín thở chờ cuộc chạy đua của các nhà khoa học với 2019-nCoV.

An Châu
.
.