Thế giới phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ

Thứ Tư, 12/06/2019, 15:43
Mặc dù chưa chính thức công bố nhưng bản kế hoạch hòa bình Trung Đông của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bị nhiều nước phản đối bởi điểm mấu chốt nhất là công nhận một nhà nước Palestine độc lập không hề có trong kế hoạch.

Ngay bản thân người của chính quyền ông Trump cũng thừa nhận rằng bản kế hoạch này có phần thiên vị với Israel.

Cuối tháng 4-2019, Jared Kushner, con rể của ông Trump, người được giao làm “kiến trúc sư trưởng” cho bản kế hoạch hòa bình Trung Đông, trong phát biểu tại New York tiết lộ rằng kế hoạch này sẽ được công bố sau tháng chay Ramadan của người Hồi giáo. Tuy nhiên gần hai tuần đã trôi qua, bản kế hoạch này vẫn chưa được công bố đầy đủ mà chỉ rò rì từng phần.

Theo kế hoạch, vào ngày 25 và 26-6 này, Mỹ sẽ tổ chức diễn đàn hòa bình vì thịnh vượng tại Bahrain. Tại đây, Washington dự định sẽ chỉ công bố phần kinh tế của cái gọi là “thỏa thuận thế kỷ” về giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Tờ Hayom cho biết, theo tiết lộ của ông Robert Malley, nguyên là nhà thương thuyết dưới thời Tổng thống Obama, kế hoạch hòa bình nói trên trước hết bao gồm một vế kinh tế nhằm cải thiện đời sống của người dân Palestine. Kèm theo vế kinh tế sẽ là một kế hoạch chính trị. Đây mới là điều khiến nhiều nước phản đối. Có rất nhiều điểm trong vế thứ hai mà báo Hayom liệt kê ra, chẳng hạn như các khu định cư của người Do Thái hay thung lũng Jordan vẫn sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Israel...

Ngoại trưởng Đức và Ngoại trưởng Jordan tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel – Palestine.

Điểm mấu chốt là việc thành lập hai nhà nước Palestine và Do Thái không được phân tách rõ ràng trong kế hoạch này. Israel, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Hamas sẽ ký thỏa thuận 3 bên về việc thành lập một nhà nước Palestine với tên gọi là “Palestine mới” và sẽ được đặt tại Bờ Tây và Dải Gaza, ngoại trừ vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bởi các khu định cư Do Thái.

Theo Hayom, “Palestine mới” không có chủ quyền đầy đủ và tách biệt. Jerusalem sẽ không bị chia cắt và sẽ vẫn là thủ đô chung của Israel và “Palestine mới”. Người dân Arab của thành phố này sẽ trở thành công dân của “Palestine mới”.

Chính quyền thành phố Jerusalem sẽ chịu trách nhiệm quản lý tất cả các khu phố của Jerusalem, ngoại trừ các khu vực thuộc về chính phủ mới của Palestine. Người Do Thái sẽ không được phép mua nhà của người Arab và người Arab sẽ không được phép mua nhà của người Do Thái. Không có khu phố nào mới được bổ sung vào Jerusalem hiện hữu. Tình trạng của thánh địa này sẽ không thay đổi.

Bên cạnh Dải Gaza, Ai Cập sẽ cho Palestine thuê đất để xây sân bay, nhà máy, các trang trại nông nghiệp và các khu thương mại. Quy mô của những vùng đất này và số tiền sẽ được xác định bởi các bên với sự hòa giải của các quốc gia ủng hộ thỏa thuận.

“Palestine mới” sẽ không có quân đội. Chỉ có cảnh sát sở hữu vũ khí hạng nhẹ. Một thỏa thuận quốc phòng sẽ được ký giữa Israel và “Palestine mới”, trong đó Israel sẽ bảo vệ cho người Palestine chống lại sự xâm lược từ bên ngoài. Trong khi người Palestine sẽ phải trả tiền cho Israel để đổi lấy sự bảo vệ này. Số tiền bao nhiêu phải được thỏa thuận giữa các bên với sự hòa giải của các quốc gia hỗ trợ.

Khi ký kết thỏa thuận, Hamas phải hạ hết vũ khí và các thành viên của phong trào này sẽ tiếp tục nhận tiền lương từ “các quốc gia hỗ trợ” cho đến khi thành lập Chính phủ Palestine. Cuộc bầu cử phải được tổ chức tại Palestine trong vòng một năm kể từ khi ký thỏa thuận. Việc thả tù nhân Palestine ra khỏi các nhà tù Israel sẽ bắt đầu một năm sau cuộc bầu cử và sẽ kéo dài hơn 3 năm.

Palestine nhiều lần lên tiếng phản đối kế hoạch, đồng thời chỉ trích quan điểm của Washington nghiêng về phía Isarel. Bộ trưởng Ngoại giao Palestine, Riyad al-Malki đã phát động chiến dịch ngoại giao của Palestine nhằm phản đối “thỏa thuận thế kỷ” này của Mỹ. Lãnh đạo Tổ chức PLO cáo buộc Mỹ luôn là một đối tác của Israel và có thái độ thù địch đối với người dân Palestine và các quyền của họ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công nhận một phần cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel, ngày 25-3-2019.

Chính quyền Palestine cũng từ chối tiếp xúc với chính quyền Washington kể từ khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định chuyển đại sứ quán nước này tại Tel Aviv về đây hồi tháng 12-2017. Theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố ngày 19-3, có đến 79% người dân Palestine bác bỏ kế hoạch của Tổng thống Trump, ngay cả trước khi biết nội dung của nó.

Không chỉ vấp phải sự phản đối của Palestine, nhiều nước cũng lên tiếng phản đối kế hoạch này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng thỏa thuận này sẽ phá hủy tất cả thành tựu đã đạt được từ trước tới nay liên quan đến cuộc xung đột Israel- Palestine.

Phát biểu tại cuộc họp gần đây với Tổng thống Palestine tại Ai Cập, Trợ lí của Tổng Thư kí Liên đoàn Arab, ông Hossam Zaki cũng khẳng định lập trường của các nước Arab: “Một kế hoạch hay thỏa thuận như vậy sẽ thất bại trong việc đạt được hòa bình bền vững tại Trung Đông, nếu không đáp ứng được quyền hợp pháp của người Palestine. Một trong số đó là quyền của người Palestine hiện thực hóa con đường của mình, quyền đối với một nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem, quyền trở về của người tị nạn, thực hiện các khoản bồi thường theo Điều 194, sáng kiến hòa bình Arab và giải phóng tù nhân”.

Một tuyên bố được kí bởi 25 cựu ngoại trưởng, 6 cựu thủ tướng và 2 cựu Tổng Thư kí NATO tại châu Âu gửi tới báo chí cũng kêu gọi bác bỏ kế hoạch hòa bình của Mỹ nếu không công bằng với Palestine. Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi ngày 9-6 tuyên bố Đức và Jordan ủng hộ giải pháp hai nhà nước.

Liên quan tới diễn đàn kêu gọi đầu tư vào Palestine dự kiến được tổ chức cuối tháng này tại Bahrain, Nga và Trung Quốc không nhận được lời mời chính thức, trong khi Palestine công khai phản đối vì cho rằng quan điểm của Washington nghiêng về phía Israel và kêu gọi các nước tẩy chay hội nghị.

 Hiện dư luận đang chờ đợi những chi tiết trong kế hoạch hòa bình được Mỹ chính thức công bố sắp tới. Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi lớn so với những gì các phương tiện truyền thông đăng tải trước đó, thỏa thuận thế kỉ này cũng khó có thể tạo ra bước đột phá cho tiến trình hòa bình Trung Đông bị đình trệ bấy lâu nay, thậm chí còn châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới tại khu vực vốn đã nhiều bất ổn này.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.