Thế giới phẫn nộ sau vụ tấn công khủng bố ở Tunisia

Thứ Hai, 23/03/2015, 15:25
Vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào Bảo tàng Quốc gia Bardo ở thủ đô Tunis của Tunisia hôm 18/3, làm gần 70 người thương vong đã khiến cả thế giới phẫn nộ, lên án. Tính tới nay, lực lượng an ninh Tunisia đã bắt giữ 4 đối tượng trực tiếp dính líu tới vụ việc và 5 đối tượng tình nghi có quan hệ với nhóm này. Ngoài ra, Tunisia cũng sẽ triển khai quân đội để bảo vệ các thành phố lớn.

Tính đến tối ngày 19/3, Bộ trưởng Y tế Tunisia xác nhận: Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công đã lên tới 23 người, gồm 20 khách du lịch nước ngoài và 3 người Tunisia, trong đó có 1 cảnh sát. Trong số các nạn nhân đã xác định được danh tính có 3 người Nhật Bản, 3 người Italia và 2 người Pháp. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho hay, có một phụ nữ Anh nằm trong số nạn nhân.

Trong khi đó, 36 người khác vẫn phải nằm viện và 8 người đã xuất viện sau khi điều trị vết thương. Thủ tướng Nhật Bản lên án kịch liệt vụ khủng bố và nhấn mạnh rằng, dù là với bất cứ lý do nào, hành động khủng bố là không thể chấp nhận được. Cùng ngày, ngay sau thông tin khẳng định việc có 4 công dân Italia thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ tấn công khủng bố diễn ra tại Bảo tàng Bardo, Văn phòng Công tố Rome đã ngay lập tức tuyên bố mở một cuộc điều tra.      

Cuộc tấn công kéo dài gần 4 giờ, bắt đầu vào xế trưa khi 2 tên khủng bố trang bị súng kalachnikov bắn vào các du khách vừa xuống xe buýt ở bãi đậu xe của bảo tàng. Sau đó chúng đuổi theo những du khách bên trong bảo tàng.

Hướng dẫn viên Wafel Bouzi kể với báo chí rằng, anh đã thấy "một thanh niên khoảng 25 tuổi ăn mặc bình thường, không có râu, trong bãi đậu xe, tay cầm súng. Hắn lên đạn, tôi ngỡ rằng hắn đang đùa nghịch với khẩu súng, thế rồi hắn nổ súng". "Chúng tôi nhận ra đấy không phải là pháo nổ mà là bọn khủng bố đang bắn vào những người đang đi trong bãi. Sau đó chúng đi vào bảo tàng và bắn vào bất cứ ai chuyển động. Tôi đã nằm dưới đất suốt 3 giờ" - du khách Josp Lluis Cusido kể lại.

Những người đang có mặt tại tòa nhà Quốc hội Tunisia ở gần đấy đã được sơ tán ngay lập tức. Mọi người rất hoảng loạn khi tiếng súng nổ vang. Vụ nổ súng diễn ra "giữa lúc Quốc hội đang nghe các lực lượng vũ trang thuyết trình về đạo luật chống khủng bố, có mặt Bộ trưởng Tư pháp, các thẩm phán và những sĩ quan cao cấp của quân đội" - nữ dân biểu Sayida Ounissi cho biết.

Sự can thiệp của cảnh sát tại bảo tàng kết thúc lúc 15 giờ 30 phút. Đây là vụ khủng bố tồi tệ nhất tại Tunisia kể từ sau vụ khủng bố trước đền thờ Do Thái Djerba năm 2002 làm chết 21 người, phần lớn là du khách Đức. Vụ khủng bố đó được Al-Qaeda nhận trách nhiệm.

Tổng thống Tunisia Béji Caid Essebsi cam kết trên đài truyền hình rằng, sẽ "chống khủng bố một cách không thương tiếc. Chúng ta chưa từng biết đến khủng bố tại Tunisia, vấn nạn này từ nước khác mang vào. Tôi mong người dân Tunisia hiểu rằng chúng ta đang chiến đấu với khủng bố. Tôi muốn người dân an tâm. Những tên phản trắc đó sẽ bị tiêu diệt".

Cảnh sát Tunisia bắt giữ một kẻ tình nghi.

Hai tên khủng bố đã bị cảnh sát bắn chết. Tên thứ 3 bị bắt giữ và đang bị thẩm vấn. Lời khai của hắn sẽ giúp cảnh sát có thông tin về lai lịch của chúng và mối liên hệ với một tổ chức thánh chiến nào đó. Hai tên bị bắn chết là người Tunisia khoảng 20 tuổi. Theo Đài Truyền hình BFMTV, một tên gốc ở Kasserine miền Tây, thành phố nổi tiếng là hang ổ của một nhóm thánh chiến liên quan đến Aqmi (Al-Qaeda Bắc Phi). Tên kia sống tại thủ đô Tunis.

Nhiều tổ chức khủng bố đã xuất hiện tại Tunisia từ sau cuộc Cách mạng Hoa nhài năm 2011 và Tổng thống Ben Ali phải lưu vong. Trong số các nhóm đó có Ansar Al-Charia (có tên trong danh sách đen của Mỹ), nhóm Phaklange Okba Ibn Nafaa dính líu với Al-Qaeda, hoạt động tại biên giới Algeria. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng chưa hiện diện tại Tunisia nhưng vẫn có những kẻ ủng hộ. Chính quyền Tunisia ước tính có khoảng 3.000 công dân đã tham gia thánh chiến tại Libya hay Algeria, và khoảng 500 tên đã quay về nước.

Trang thông tin "Breaking 3.0" biết được một thông điệp vô tuyến được chia sẻ trên YouTube trong khi vụ tấn công đang xảy ra, trưng cờ của Ansar Al-Charia và mang tính chất của một sự nhận trách nhiệm. Trang này cho biết, một tên cầm đầu nói bằng tiếng Arập về "những sự kiện sắp xảy ra" và nói thêm rằng, đó chỉ là "giai đoạn đầu của hàng ngàn giai đoạn khác sẽ đến".

Thủ đô Tunis đã từng xảy ra các biến cố: Cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ngày 14/9/2012; vụ ám sát các nhân vật cánh tả Chokri Belaid ngày 6/2/2013 và Mohamed Brahmi ngày 25/7/2013, nhưng vụ khủng bố ngày 18/3 vừa qua trực tiếp nhắm vào các du khách nước ngoài là sự kiện đầu tiên. Nó khẳng định mối đe dọa thánh chiến mà giới chức an ninh đã lường trước do sự rối ren tại nước Libya láng giềng, và cũng do sự hiện diện của các hang ổ cực đoan trong vùng núi Chaambi ở biên giới Algeria. "Chúng tôi đã chờ đợi có một hành động ở mức độ cao hơn tại Tunisia, xét theo tình hình Libya" - Tổng thống Essebsi tuyên bố.

Vụ khủng bố này diễn ra trong bối cảnh chính trị và định chế có vẻ ổn định sau cuộc lưu vong của Ben Ali. Tổng thống Béji Caid Essebsi được bầu lên vào tháng 12/2014, và một chính phủ hòa hợp dân tộc được thành lập. Với đa số thuộc liên minh chống Hồi giáo Nidaa Tounès, trong thành phần chính phủ còn có thiểu số thuộc đảng Hồi giáo Ennahda.

Sự hòa hợp này giữa 2 phe kình địch được nước ngoài cho là một sự chuyển tiếp chính trị điển hình. Có lẽ bọn khủng bố đã muốn tấn công vào sự điển hình này tại Tunis.

Mê Linh - Khổng Hà (tổng hợp)
.
.