Thế giới phản ứng việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông
Một cách mạnh mẽ
Ngay sau đó, ngày 2-7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra tuyên bố phản đối cuộc tập trận quân sự này của Trung Quốc. Theo quan điểm của phía Mỹ, tiến hành tập trận quân sự trên lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông là phản tác dụng đối với các nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì bình ổn tại khu vực này. Hành động của Trung Quốc sẽ làm bất ổn thêm tình hình tại Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Những cuộc tập trận như thế này cũng vi phạm cam kết của Trung Quốc theo Tuyên bố về cách hành xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 (DOC), trong đó cam kết tránh các hoạt động làm phức tạp thêm hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”.
Mỹ kịch liệt phản đối những động thái ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông. |
Theo tuyên bố: “Cuộc tập trận này là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định tuyên bố lãnh hải không hợp pháp và làm tổn hại các nước láng giềng Đông Nam Á trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đi ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông cũng như tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, được đảm bảo về chủ quyền, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với luật lệ quốc tế”.
Trong một động thái mạnh mẽ hơn, chưa từng có tiền lệ, ngày 13-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ coi việc Trung Quốc theo đuổi các nguồn tài nguyên ở Biển Đông đang trong tình trạng tranh chấp là bất hợp pháp và sẽ gia tăng sức ép với Bắc Kinh. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pompeo nói: “Chúng tôi tuyên bố rõ rằng: Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, trong bối cảnh nước này đang thực thi chiến dịch hăm dọa nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên này”.
Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng phản đối các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh sau khi phán quyết năm 2016 được đưa ra, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh ngừng hoạt động cải tạo đất đá tại Bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo là lần đầu tiên cho thấy Mỹ công khai phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này.
Hành động đi ngược lại tinh thần chung
Về phía Việt Nam, ngày 2-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam phản đối những hoạt động sai phạm của Trung Quốc tại Biển Đông và đã trao công hàm phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự trong tương lai”.
Theo quan điểm của Việt Nam, việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và công ước của UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực biển Đông, trong khu vực cũng như trên thế giới.
Ngày 15-7, liên quan đến Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ rằng: Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Hải quân Trung Quốc gần đây có nhiều động thái gây căng thẳng tại Biển Đông. |
Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.
Phía Philippines vừa qua cũng đã có những phát biểu phản đối các động thái tập trận của Trung Quốc tại Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên tiếng cảnh báo việc Trung Quốc tiến hành tập trận tại Biển Đông có thể gây căng thẳng trong khu vực và ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng.
Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở thủ đô Manila của Philippines, Bộ trưởng Lorenzana nhấn mạnh: “Đây là hoạt động hết sức quan ngại và chúng tôi đang theo dõi với sự cảnh giác”. Theo ông, việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo với tất cả những bên liên quan.
Trang mạng Deccan Herald (Ấn Độ) ngày 14-7 đưa tin động thái mới nhất của Mỹ, trong đó bác bỏ hầu hết các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, đã nhận được sự hỗ trợ ngầm từ Ấn Độ, vốn lo ngại về chủ nghĩa bành trướng trên biển của quốc gia láng giềng.
Một nguồn tin ở New Delhi cho biết Ấn Độ sẽ hỗ trợ bất kỳ động thái nào nhằm chống lại các nỗ lực phá hoại tự do hàng hải và hàng không trong khu vực bởi quốc gia Nam Á có lợi ích lâu dài về hòa bình và ổn định ở Biển Đông, vốn là một phần của cộng đồng toàn cầu.
Nguồn tin trên cũng cho biết New Delhi cuối tuần này có thể chính thức kêu gọi Trung Quốc và các nước láng giềng hàng hải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực cũng như tự kiềm chế trong các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.