Thế giới tìm cách tháo “ngòi nổ” Trung-Ấn

Thứ Năm, 25/06/2020, 15:04
Sự gia tăng đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai cường quốc hạt nhân, hồi tuần trước đã khiến thế giới lo ngại. Mỹ và Nga đang tìm cách liên lạc để tháo ngòi nổ nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang trong khi các đối tác lớn của cả hai nước như EU, Anh đều lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế và tỏ ra trung lập trước những bình luận về vụ xung đột.

Trong lúc chờ đợi, giới quan sát cho rằng New Delhi không có quá nhiều lựa chọn để trả đũa Bắc Kinh.

Chỉ có Mỹ là tỏ ra “bênh” Ấn Độ. Tại cuộc họp báo ngày 20-6, Tổng thống Donald Trump cho hay, Mỹ đang liên hệ với cả Trung Quốc và Ấn Độ nhằm giúp họ giải quyết căng thẳng biên giới sau vụ đụng độ ngày 15-6. Nhưng, cùng lúc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại tuyên bố: “Quân đội Trung Quốc đã leo thang căng thẳng biên giới với Ấn Độ. Họ cũng đang quân sự hóa Biển Đông và đưa ra các tuyên bố chủ quyền phi lý, đe dọa tuyến hàng hải quan trọng”.

Trong khi đó, từng khẳng định “không can thiệp” vào quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, phía Nga gần đây bất ngờ thay đổi cách tiếp cận. Ngày 17-6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov đã thảo luận với Đại sứ Ấn Độ tại Nga về tình hình khu vực, trong đó có các diễn biến tại biên giới chung giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Nga không công bố chi tiết cuộc gặp gỡ này, song các nguồn tin ngoại giao cho biết với The Hindu rằng Moscow mong muốn một nghị quyết nhằm nhanh chóng tháo “ngòi nổ” căng thẳng Trung - Ấn.

Các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới.

Giới ngoại giao Nga nhìn nhận, động lực để Nga giúp cải thiện quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc là bởi “mối quan hệ giữa 2 cường quốc châu Á này là trung tâm của sự trỗi dậy của khu vực Á - Âu; cũng như sự nổi lên của trật tự thế giới đa cực, nơi không quốc gia nào có thể thống trị”. Nga cũng muốn đề cao vai trò trung tâm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Nga cùng hầu hết các nước Trung Á là thành viên; coi đây là nền tảng cho hệ thống toàn cầu “hậu phương Tây”. Nga cũng lo ngại, căng thẳng kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ có tác dụng tiêu cực với SCO mà còn cả với nhóm các cường quốc mới nổi BRICS mà 3 nước này cùng tham gia.

Truyền thông Ấn Độ cho biết nước này xác nhận một cuộc họp trực tuyến 3 bên giữa Nga - Trung và Ấn diễn ra ngày 23-6. Cuộc họp có sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đóng vai trò chủ trì với Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Trước đó, thông tin về cuộc gặp các ngoại trưởng nêu trên đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết tại một cuộc họp báo.

Nhiều chuyên gia nhận định, trọng tâm cuộc gặp 3 bên sẽ là dịch bệnh COVID-19, thay vì những tranh chấp gần đây tại biên giới. Dĩ nhiên, Nga coi cuộc họp là cơ hội để quốc gia này đóng vai trò gìn giữ hòa bình trong khu vực.

Liên quan đến phản ứng của Ấn Độ sau cuộc đụng độ với Trung Quốc ở biên giới, tờ Economic Times ngày 19-6 dẫn các nguồn tin giấu tên trong chính phủ cho biết Ấn Độ đang muốn mua một số tiêm kích Mig-29 của Nga. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ hối thúc Nga nhanh chóng bàn giao S-400 trong chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh. Nhiều chuyên gia lại cho rằng Ấn Độ không thể trả đũa bằng biện pháp quân sự, vì quân đội Trung Quốc mạnh hơn nhiều và đã xây dựng nhiều cơ sở hiệu quả hơn dọc theo biên giới trên dãy Himalaya.

Thế nên biện pháp kinh tế đang được Ấn Độ tính đến: New Delhi dự kiến hủy bỏ một hợp đồng lắp đặt thiết bị đường sắt trị giá 55 triệu euro, được giao cho một công ty Trung Quốc cách đây 4 năm. Ấn Độ cũng có thể loại các doanh nghiệp Trung Quốc ra khỏi các hợp đồng viễn thông, có nghĩa là cấm sử dụng công nghệ 5G của Huawei. Cuối cùng, có khả năng Ấn Độ ngưng tất cả những chuyến bay trực tiếp đến Trung Quốc, và cấm các hãng hàng không ngoại quốc bay ngang không phận nước mình để đến Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, tháng 7-2019.

Năm ngoái New Delhi từng áp đặt cách trừng phạt này đối với Islamabad, sau vụ tấn công của một nhóm vũ trang gốc Pakistan. Nhưng, việc tẩy chay toàn bộ về kinh tế chỉ là ảo tưởng, vì Ấn Độ lệ thuộc vào Trung Quốc về các mặt hàng điện thoại và nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu. New Delhi cũng không thể thay đổi về căn bản chính sách ngoại giao đối với Bắc Kinh, vì Ấn Độ cần có sự hỗ trợ của Trung Quốc, với hy vọng giành được một chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Ngày 22-6, Liên đoàn các thương gia Ấn Độ đã khởi động cuộc tấn công, kêu gọi chính quyền tẩy chay 3.000 mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Theo các doanh nhân, việc này có 2 điểm lợi: “Tôn trọng nỗi tức giận của người Ấn bị thương tổn vì cuộc tấn công từ phía Trung Quốc và ngăn chặn việc Trung Quốc thâu tóm thị trường Ấn”.

Nhiều người kêu gọi đề ra những biện pháp mang tính biểu tượng, như việc xóa tên nhà sản xuất xe hơi Vivo của Trung Quốc ra khỏi danh sách nhà bảo trợ chính thức cho Liên đoàn cricket Ấn Độ, một hợp đồng trị giá 245 triệu euro trong 5 năm. Hội đồng quốc gia bộ môn thể thao này đã thông báo sẽ không chọn công ty Trung Quốc cho các công trình sửa sang hạ tầng cơ sở.

Theo báo Le Figaro của Pháp, vụ việc xảy ra vào lúc dịch COVID-19 đang hoành hành đặt Thủ tướng Modi trước những thách thức ngoại giao khó khăn nhất kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2014. Làm thế nào Ấn Độ có thể cân bằng ảnh hưởng của các siêu cường, giữa một bên là Trung Quốc - một đối tác kinh tế thiết yếu của New Dehli - và bên kia là Mỹ, luôn tìm cách lôi kéo Ấn Độ ra khỏi chiếc áo “không liên kết” để cùng với Mỹ và các đồng minh của nước này chặn đà bành trướng quân sự và kinh tế của Trung Quốc? Đây sẽ là một bài toán khó cho ông Modi. Nhất là khi để tại vị nhiệm kỳ thứ hai, ông Modi đã từng hứa hẹn duy trì toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh.

Theo ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại trung tâm tham vấn Wilson Center ở Washington, chừng nào cuộc cạnh tranh trong khu vực còn tiếp diễn và các vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết, các vụ đối đầu, chạm trán hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra. Theo chuyên gia này, đó sẽ là “một điều bình thường mới” trong những tháng, thậm chí những năm tới đây.

Cho dù tình hình căng thẳng nhưng nhiều nhà phân tích vẫn tương đối lạc quan, ghi nhận những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra giữa New Delhi và Bắc Kinh để giải quyết vụ đối đầu ở vùng Ladakh. Theo các chuyên gia này, vào lúc phải đau đầu với dịch COVID-19, không bên nào thực sự muốn có chiến tranh.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.