Thế giới trước ngưỡng cửa cuộc khủng hoảng tài chính lần thứ 2

Chủ Nhật, 14/08/2011, 18:15

Những tin tức kinh tế tài chính gần đây cho thấy thế giới có thể đang đứng bên bờ vực của cơn khủng hoảng mới. Tình hình kinh tế các nước châu âu không sáng sủa, giá dầu lửa và các nguyên liệu đều tăng cao trong khi đầu tàu kinh tế thế giới - Mỹ - bị mất uy tín là những nguyên nhân chính. Trước thực trạng này, lãnh đạo các nước trên thế giới đang tìm mọi cách để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tài chính lần thứ hai.

Vì sao thị trường chứng khoán thế giới chao đảo?

Từ nhiều tháng qua, thị trường cổ phiếu tại châu âu và Mỹ liên tiếp tụt dốc. Thị trường chứng khoán Wall Street giảm hơn 4% khi đóng cửa phiên cuối tuần qua và đây là lần giảm mạnh mẽ nhất kể từ năm 2009. Chỉ số công nghiệp Down Jones giảm hơn 513 điểm (tương đương với 4,3%). Đây là con số sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008. Các chỉ số chứng khoán khác như S&P 500, NASDAQ, S&P và chỉ số của các thị trường chứng khoán chính của châu á cũng lao dốc không phanh.

Việc sụt giảm trên khiến hàng tỉ USD cổ phiếu bị "bốc hơi" chỉ trong một ngày. Theo thống kê, thị trường vốn toàn cầu mất hơn 2,5 nghìn tỉ USD trong tuần qua. Mức độ suy giảm mạnh như vậy được ghi nhận lần cuối cùng vào tháng 11/2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đỉnh điểm. Số tiền thất thu từ thị trường lần này tương đương với “vốn liếng” nền kinh tế của một nước châu Âu, như Pháp chẳng hạn. Theo các nhà phân tích, đây chưa phải là điểm dừng cuối cùng, sự tụt giá trên các thị trường toàn cầu vẫn còn tiếp diễn.

Trước tình hình đó, niềm tin của giới đầu tư cũng ngày càng suy giảm. Sự lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ, châu âu và Nhật Bản đã khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu.

Có mấy lý do khiến các nhà đầu tư chứng khoán hoảng sợ. Tất nhiên, nguyên nhân trước hết là do tình hình liên quan đến khủng hoảng nợ ở châu Âu và phía bên kia Đại Tây Dương. Cuộc vỡ nợ mặc định ở Mỹ đã không xảy ra - trong những phút cuối đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã đạt được đồng thuận về nâng trần nợ chính phủ. Nhưng vấn đề gia tăng nợ quốc gia của Mỹ vẫn chưa được giải quyết. Không để dư luận hoàn hồn, Cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Standard & Poor's (S&P) đã tung ra một quả bom trên nền tài chính thế giới. Trong một bản thông báo, cơ quan này cho biết đã hạ thấp điểm uy tín của Mỹ từ 3A (AAA), điểm cao nhất, xuống còn 2A+ (AA+). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của mình,  Mỹ bị hạ điểm uy tín về nợ công như vậy.

Từ khi được thành lập vào năm 1941, S&P không bao giờ nghi ngờ về tính ưu việt của nền tài chính Mỹ và luôn luôn cấp cho Mỹ điểm 3A. Thế nhưng lần này lòng tin của S&P đã bị sứt mẻ trước cuộc tranh luận gay gắt và dai dẳng giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, với một thỏa thuận đạt được một cách trầy trật vào giờ chót khi đến sát thời hạn "vỡ nợ kỹ thuật" ngày 2/8. Hơn nữa, theo S&P, thỏa thuận này lại không đủ mạnh để củng cố nền tài chính Mỹ. Trong bản thông báo của mình, S&P đã nêu lý do "rủi ro chính trị" gắn liền với món nợ công khổng lồ của nước Mỹ để giải thích vì sao họ hạ điểm tín nhiệm của Mỹ. Không chỉ thế, S&P còn hạ mức triển vọng của Mỹ xuống thành tiêu cực, mở ra khả năng tiếp tục hạ điểm tín nhiệm của Mỹ trong tương lai.

Đối với Tổng thống Obama, quyết định của S&P là điều không hay chút nào và Nhà Trắng đã lên tiếng phản đối. Về phần mình, Bộ Tài chính Mỹ cho là quyết định hạ điểm của S&P không xác đáng vì đã sai lầm đến 2.000 tỉ USD trong tính toán của họ về dự thảo ngân sách Mỹ. Cho dù thế, S&P vẫn duy trì quyết định của họ.

Tại châu Âu, tiếp theo Hy Lạp, các nước khác cũng rơi vào vũng lầy nợ. Italia, nước lớn thứ ba về trái phiếu chính phủ (sau Mỹ và Nhật Bản) cũng đang có vấn đề về khả năng thanh toán.

Mới đây nhất trong danh sách các nước châu âu có nền kinh tế gặp khó khăn lại bổ sung thêm đảo Síp. Ở đây, khó khăn nảy sinh do thực tế là các ngân hàng của đảo quốc này - với khoản vốn nhiều lần lớn hơn GDP của đất nước - đang nắm giữ trong tay khối trái phiếu trị giá hàng tỉ euro của Chính phủ Hy Lạp.

Từ trước đến nay, như một quy luật, trong tình huống khủng hoảng như vậy, châu á là khu vực "tiên phong" đảo ngược xu hướng. Trong giai đoạn trước, khi diễn ra những điều chỉnh tương tự, châu á dễ dàng thu nhận chứng khoán nguyên liệu, bao gồm cả dầu mỏ. Hiện giờ điều này đã không xảy ra. Khi có một cuộc tấn công vào bất kỳ loại tài sản nào đó, dầu mỏ chẳng hạn, châu á sẵn sàng mua vào vì họ biết rằng đây là âm mưu của các nhà đầu cơ. Nhưng một khi tất cả các loại tài sản đều giảm giá đồng loạt - một "cơn bão hoàn hảo" - thì châu Á bắt đầu lo ngại. Bởi vì trong trò chơi này, không ai muốn là người “ngã” cuối cùng.

Theo giới phân tích, rõ ràng là phương Tây đã hết khả năng tác động tích cực đến nền kinh tế mà không cải cách cơ cấu. Các chuyên gia cho rằng hệ thống tài chính toàn cầu trong hình thức hiện tại của nó đã trở thành một vòng tròn luẩn quẩn. Vì vậy, có khả năng là suy giảm giao dịch chứng khoán sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Một lý do khiến kinh tế thế giới lo lắng là giá dầu lửa và các nguyên liệu đều lên cao. Giá dầu lửa hiện nay vẫn cao 25% hơn giá cuối năm 2010. Giá xăng ở Mỹ tuy gần đây đã giảm nhưng trung bình vẫn cao gấp đôi năm 2008.

Bình thường khi kinh tế suy yếu thì giá nguyên liệu và dầu lửa sẽ xuống thấp. Tuy nhiên, hiện nay các nước đang phát triển (Trung Quốc, ấn Độ, Brazil…) là khách tiêu thụ nguyên liệu và xăng dầu chính (40% tổng số) cho nên khi nhu cầu của họ tăng thì giá vẫn tăng lên mặc dù nhu cầu ở châu âu và Mỹ có giảm. Kinh nghiệm cho thấy giá nguyên liệu tăng sẽ khiến thị trường chứng khoán xuống, và khi giảm sẽ khiến thị trường lên.

Khi thị trường xuống liên tiếp và xuống nhiều thì cả nền kinh tế thường sẽ xuống theo, trong khoảng thời gian 6 tháng đến một năm. Mùa hè năm ngoái, thị trường New York đã hạ thấp 17%; và trong 6 tháng vừa qua kinh tế Mỹ tăng chưa được 1%, không đủ để hồi phục hẳn. Trong một tháng nữa, nếu thị trường tiếp tục xuống thì có đủ lý do để lo ngại sang năm 2012 kinh tế Mỹ sẽ suy thoái lần nữa.

Ngựa đầu tàu - Mỹ - đau ốm nặng

Khi kinh tế suy thoái, có hai biện pháp để thúc lên. Một là chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn, giúp cho tổng số cầu gia tăng trong lúc người tiêu thụ thắt chặt túi tiền, từ đó sẽ kích thích các nhà sản xuất bớt sa thải hoặc thu dụng thêm người làm việc. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương phải bơm thêm tiền vào nền kinh tế bằng các chính sách tiền tệ dễ dãi. Từ năm 2008 đến nay, cả hai phía chính phủ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã làm công việc đó. Kinh tế đã hết suy thoái từ giữa năm 2009; nhưng tốc độ tiến rất chậm chạp. Đây là hậu quả tự nhiên của mọi cuộc suy thoái do hệ thống ngân hàng gây ra, điều này ai cũng biết trước.

Biết nỗi khó khăn đặc biệt của cuộc suy thoái lần này, FED đã hạ lãi suất xuống tới số không; sau đó lại thi hành hai đợt bơm tiền vào hệ thống ngân hàng gọi là QE. Kế hoạch kích thích của Chính phủ Mỹ đã bắt đầu từ năm 2009 nhưng còn chưa đủ để gia tăng số cầu. Hiện nay, kế hoạch này sắp chấm dứt, sắp sử dụng hết số tiền được Quốc hội cho phép; nhưng không khí chính trị khiến không ai tin Quốc hội sẽ chấp thuận cho chính phủ chi tiêu thêm nữa. Người ta chỉ còn chờ đợi FED sẽ đưa ra một chương trình QE 3 trong cuộc họp vào cuối tháng 8 này. Trong khi đó, số cầu trong dân chúng có thể lại bị giảm vì đạo luật tăng thêm thời gian lãnh trợ cấp thất nghiệp tới tháng 12 này cũng hết hạn; nếu không được Quốc hội cho kéo dài thêm.

Vấn đề trần nợ chỉ là một vấn đề bề nổi. Chính phủ Mỹ thế nào cũng phải vay thêm nợ, vì tất cả các món chi tiêu đều đã được chính Quốc hội quyết định từ trước, từ ngân sách nhiều năm trước. Không thể nào giảm bớt thiếu hụt ngân sách nếu chỉ giảm chi mà không tăng thu. Một số người trong xã hội sẽ phải đóng thuế nhiều hơn vì những khoản miễn trừ cho họ phải chấm dứt. Đây là một sự thật mà nhiều chính trị gia đã nhắm mắt không chấp nhận.

Các chỉ số trên thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm mạnh.

Từ nay đến cuối năm, một ủy ban lưỡng đảng ở Quốc hội sẽ đề nghị các bước mới trong việc giảm thiếu hụt ngân sách; nhưng không có gì bảo đảm họ sẽ thỏa hiệp được với nhau. Đáng lẽ ra Quốc hội Mỹ phải nhấn mạnh đến việc chính phủ cần chi tiêu thêm trong ngắn hạn để nhiều người có công việc làm, kích thích số cầu; trong đó có những món chi tu bổ và xây dựng hạ tầng cơ sở, cho phép ngay các xí nghiệp được tiếp tục hưởng những khoản miễn giảm thuế trong chương trình kích thích kinh tế năm ngoái; trong khi Quốc hội cũng đưa ra những biện pháp giảm bớt thiếu hụt ngân sách sẽ thi hành trong 3 năm đến 10 năm tới để trấn an thị trường là Chính phủ Mỹ sẽ không chi tiêu quá sức mình. Thế mà, trong mấy tháng qua, Quốc hội Mỹ đã không quan tâm đến việc tiếp tục kích thích kinh tế, cũng không giải quyết vấn đề ngân sách thiếu hụt trong dài hạn.

Những quyết định khó khăn, vì có thể làm mất lá phiếu của những cử tri sẽ bị mất quyền lợi, đều được các đại biểu Quốc hội lảng tránh. Họ đặt ra một ủy ban để thảo luận thêm từ nay cho đến cuối năm. Tất cả mọi người từ dân tiêu thụ đến các xí nghiệp lại bị đặt trước một tương lai bất định vì không biết trong 5 tháng nữa các nhà chính trị có khá hơn hay không! Có ai muốn xây thêm một nhà máy, tuyển dụng thêm người khi không biết tương lai tài chính quốc gia sẽ ra sao?

Trong tình trạng mù mờ đó, hiện nay người ta chỉ hy vọng FED sẽ đưa ra một kế hoạch QE 3. Nhưng ai cũng biết, hiệu quả của các biện pháp tiền tệ sẽ tới rất chậm. Bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để họ có thể cho vay nhiều hơn là cần thiết, cho giới tiêu thụ và các nhà sản xuất dễ thở. Nhưng trong lúc này, các ngân hàng Mỹ không thiếu tiền mà sở dĩ họ chưa cho vay nhiều hơn là vì rất nhiều con nợ mua nhà vẫn chưa biết có tiền thanh toán các món nợ cũ hay không; các ngân hàng lo sợ có thể phạm các sai lầm cho vay bừa bãi trong những năm 2003 đến 2007 bây giờ trở nên dè dặt hơn thường lệ.

Cho nên, dù FED có bơm thêm hàng trăm tỉ USD cho các ngân hàng thương mại thì hiệu quả cũng không còn lớn như trước nữa. Chỉ có một giải pháp là Chính phủ Mỹ phải chi tiêu thêm để chuyển tiền vào túi của người tiêu thụ, nhất là những người nghèo nhất trong xã hội. Bởi vì chỉ những người nghèo mới đem tiền ra chi tiêu ngay; gia tăng số cầu nhanh chóng nhất.

Thế giới tìm biện pháp cứu nguy

Trong hai ngày cuối tuần qua, từ nhóm G7, G20, cho đến Ngân hàng Trung ương châu âu, chính phủ các nước, tất cả đều cố gắng liên lạc với nhau, tổ chức các hội nghị khẩn cấp qua điện thoại. Nội dung là bàn về cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro và cú sốc sau vụ Mỹ bị hạ điểm tín nhiệm.

Các viên chức tài chính Hàn Quốc cho biết hôm 7/8, thứ trưởng tài chính các nước G20 đã thực hiện cuộc họp qua điện thoại để thảo luận tình hình tài chính thế giới hiện nay. Bản thân Thứ trưởng Yong cho hay các vấn đề hiện nay sẽ không đưa thế giới tới bờ vực khủng hoảng tài chính.

Trong khi các nước G20 đang xem xét việc cùng cam kết thực hiện các nỗ lực nhằm giải quyết tình hình tài chính toàn cầu. Tại cuộc họp G20, Mỹ tuyên bố hai cơ quan đánh giá tín dụng khác cam kết giữ nguyên mức đánh giá tín dụng của Mỹ.

Lãnh đạo của ngân hàng Nhật Bản Sumitomo Mitsui ở Tokyo ghi nhận là khả năng can thiệp của G7 bị hạn chế bởi sức ép lạm phát, chính sách cắt giảm ngân sách hà khắc và lãi suất tại Mỹ, châu âu đã xuống đến gần số 0. Đối với kinh tế gia Nouriel Roubini, khả năng của G7 giúp cho nền kinh tế thế giới tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng gần như là một điều bất khả thi.

Tại châu âu, mặc dù ngay từ tối 7/8, Ngân hàng Trung ương châu Âu thông báo sẽ mua các công khố phiếu của Italia và Tây Ban Nha, nhưng thông tin này chỉ làm giảm bớt phần nào sự lo ngại của thị trường. Trong hoàn cảnh "nước sôi lửa bỏng" hiện nay, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết ông sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ này "nhằm đối phó với những thách thức" mà nước Mỹ đang phải đương đầu. Thông báo này nhằm bác bỏ các nguồn tin báo chí trong những ngày qua, theo đó, có thể ông Geithner sẽ ra đi

Mộc Thạch - Văn Bôl (tổng hợp)
.
.