Thế khó trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Hai, 22/06/2020, 16:35
Ngày 17-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Triều Tiên thêm 1 năm, viện dẫn mối đe dọa “bất thường” liên tiếp tới từ Bình Nhưỡng. Căng thẳng Mỹ-Triều lại tiếp tục những trang bế tắc.

Chính sách “căng” từ cả hai phía

Trong một thông báo gửi tới Quốc hội, Tổng thống Trump viết rằng, ông muốn duy trì “tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới CHDCND Triều Tiên” lần đầu được tuyên bố vào ngày 26-6-2008, thông qua Sắc lệnh 13466. Sắc lệnh này, được mở rộng hơn nữa dưới thời ông Trump và các chính quyền tiền nhiệm, kêu gọi trừng phạt CHDCND Triều Tiên do chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

“Sự tồn tại và rủi ro của việc phổ biến vật liệu phân hạch có thể dùng trong vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và các hành động cũng như chính sách của Bình Nhưỡng tiếp tục đặt ra mối đe dọa to lớn và bất thường cho an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ”, ông Trump viết để giải thích lý do gia hạn tình trạng khẩn cấp này trước ngày 26-6 năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un tại Bàn Môn Điếm ngày 30-6-2019.

Các nghị sĩ và cựu quan chức Mỹ cho rằng, Washington cần gia tăng sức ép quân sự và trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên nhằm đáp lại vụ phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều hồi đầu tuần. Theo nghị sĩ Ted Yoho, một thành viên của Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và Không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, các nước đang “gian lận” trong việc áp đặt các chế tài trừng phạt quốc tế đối với CHDCND Triều Tiên, trong đó Trung Quốc là một “đối tượng chính” trong toàn bộ chương trình.

Theo quy định của luật pháp Mỹ, tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến CHDCND Triều Tiên sẽ tự động chấm dứt nếu tổng thống không gia hạn lại trong vòng 90 ngày trước ngày 26-6 hằng năm.

Việc gia hạn tình trạng khẩn cấp này là một hành động thường lệ của Tổng thống Mỹ nhưng lại rơi ngay vào thời điểm căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên. CHDCND Triều Tiên đã cho nổ tung văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở khu công nghiệp chung Kaesong hôm 16-6, đồng thời đe dọa triển khai quân đội đến khu vực biên giới giữa hai nước.

Bình Nhưỡng gần đây đã chỉ trích gay gắt Seoul liên quan đến hoạt động thả truyền đơn chống phá nước này. Bình Nhưỡng cũng cho biết sẽ nối lại “tất cả các loại hình tập trận quân sự thường xuyên” gần biên giới liên Triều, một động thái rõ ràng nhằm xóa bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự giữa hai miền được ký năm 2018.

Ông Lee Jung-chul, một chuyên gia về CHDCND Triều Tiên tại Đại học Soongsil ở Seoul cho rằng CHDCND Triều Tiên có thể thực hiện một hành động khiêu khích lớn như một “món quà Giáng sinh” vào khoảng thời điểm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 trừ khi những căng thẳng hiện tại được giải quyết một cách thích đáng.

“Nếu chúng ta không giải quyết những căng thẳng liên Triều hiện tại tốt, CHDCND Triều Tiên có thể gửi một ‘món quà Giáng sinh’ mà nước này đã nhắc tới hồi năm ngoái”, ông Soongil nói.

“Sai đường” và cần cách tiếp cận mới?

Chính xác cách đây 2 năm, hội nghị lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim tại Singapore đã làm dấy lên những hy vọng rằng CHDCND Triều Tiên có thể giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, những hy vọng ban đầu đó đã được minh chứng là quá “hấp tấp”.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán bế tắc, năm ngoái, CHDCND Triều Tiên đã vạch ra thời hạn chót cho Mỹ, đe dọa rằng số phận của các cuộc đàm phán nằm trong tay của Mỹ và hàm ý rằng Bình Nhưỡng sẽ không đưa ra nhượng bộ thêm nữa.  Bất đồng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên chủ yếu xoay quanh việc Washington sẵn sàng gỡ bỏ trừng phạt đến mức độ nào để đổi lấy các hành động giải trừ hạt nhân.

Khi CHDCND Triều Tiên “nổi nóng” và mất kiên nhẫn với Mỹ bằng một loạt hành động cương quyết và đáng nghi ngại thời gian vừa qua thì có vẻ như Washington cũng chẳng mấy bình tĩnh. Hành động gia hạn thêm các lệnh trừng phạt có thể lại tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa” đưa cuộc “đấu trí” tiếp tục kéo dài thay vì đưa nhau tới bàn đàm phán như kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, Mỹ cần phải có các hành động cụ thể và có giá trị để làm thay đổi cách tiếp cận của CHDCND Triều Tiên.

Triều Tiên công bố ảnh cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều.

Trước hết, Tổng thống Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden cần xác định rằng không nên phản ứng trước các hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên trong suốt chiến dịch bầu cử. Bình Nhưỡng muốn gây chú ý và việc không phản ứng trước các hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên là cách tốt nhất để không trao cho CHDCND Triều Tiên điều mà nước này muốn. “Trao thưởng” cho hành vi cực đoan chỉ càng khiến cho hành động cực đoan đó được lặp lại trong tương lai.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nên nhận ra rằng hòa bình tốt hơn chiến tranh. Bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ cũng sẽ tạo ra một nguy cơ rất cao kích hoạt một cuộc chiến toàn diện. Không đáng để mạo hiểm thực hiện một hành động như vậy. Tùy thuộc vào năng lực và tầm bắn hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, hàng trăm nghìn hay hàng triệu người có thể chết trong bất kỳ một cuộc chiến nào. Mục tiêu thiết yếu của Washington là ngăn chặn chứ không phải kích hoạt một cuộc tấn công như vậy.

Ngoài ra, Washington cần phải thông qua một chính sách phản ứng với thực tế rằng CHDCND Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Nước này sở hữu các nguyên liệu hạt nhân, đã thử vũ khí hạt nhân và đã phát triển nhiều phương tiện phóng. Điều này có nghĩa là khả năng phi hạt nhân hóa chỉ là con số 0. Phi hạt nhân hóa CHDCND Triều Tiên chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ thì cũng cần phải đưa ra một sáng kiến ngoại giao nghiêm túc, theo đó đề ra những mục tiêu thực tế và đề xuất với CHDCND Triều Tiên những lợi ích quan trọng để biện minh cho việc hạn chế phát triển tên lửa và hạt nhân.

Thế giới đang tiến tới kỷ niệm 70 năm chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên. Không một ai muốn điều đó lặp lại. Năm 2017, Tổng thống Trump đã rất khó khăn để đưa nước Mỹ đến gần với CHDCND Triều Tiên trước khi mở ra các cơ hội ngoại giao năm 2018. Lần này, tổng thống tiếp theo của nước Mỹ dù có là ai cũng cần phải bỏ qua nỗi sợ hãi chiến tranh và tiến thẳng đến sáng kiến hòa bình.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.