Thể thao tiếp tục trở thành mục tiêu của khủng bố

Thứ Sáu, 15/01/2010, 09:15
Cho dù luôn cố gắng áp dụng phương châm các châu lục luân phiên đăng cai World Cup, nhưng việc Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) chọn Nam Phi làm quốc gia chủ nhà vẫn được coi là một quyết định táo bạo, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó đáng kể nhất vẫn là lý do an ninh.

Năm 2010 có thể coi là một năm mang tính đột phá, một năm lễ hội đối với bóng đá châu Phi, khi Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup sẽ diễn ra vào mùa hè tới tại lục địa này. Tuy nhiên vào đúng những ngày đầu tiên của năm mới, một bi kịch đã diễn ra ngay trước thềm vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Phi (CAN): 3 người thiệt mạng cùng một số người khác bị thương (trong đó có cả các cầu thủ), khi chiếc xe chở đội tuyển bóng đá Togo đã bị các tay súng khủng bố bất ngờ phục kích tấn công. Vụ khủng bố đã khiến Lục địa đen choáng váng.

Theo thông lệ, ngày hội bóng đá lớn nhất châu Phi thường được tổ chức 2 năm một lần vào tháng giêng. Tại vòng chung kết lần thứ 27 này, giải bóng đá trên còn thu hút được sự chú ý đặc biệt hơn nữa, khi nó được coi là một bước chạy đà để Lục địa đen chuẩn bị đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh tại Nam Phi - World Cup 2010.

Cho dù luôn cố gắng áp dụng phương châm các châu lục luân phiên đăng cai World Cup, nhưng việc Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) chọn Nam Phi làm quốc gia chủ nhà vẫn được coi là một quyết định táo bạo, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó đáng kể nhất vẫn là lý do an ninh.

Mối lo ngại trên đã lập tức được chứng minh là hoàn toàn có cơ sở, khi chiếc xe buýt chở Đội tuyển bóng đá Togo bị khủng bố tấn công làm nhiều người chết và bị thương. Bi kịch trên đã khiến công chúng phải đặt câu hỏi: Liệu châu Phi có sẵn sàng chuẩn bị tổ chức thành công và an toàn World Cup-2010?

Khoảng 49 tiếng đồng hồ trước khi trái bóng trong trận khai mạc Giải vô địch bóng đá châu Phi chính thức lăn, các hãng tin hàng đầu thế giới đồng loạt đưa tin sơ bộ về việc Đội tuyển Togo bị tấn công. Bi kịch xảy ra khi đội bóng này quyết định rời khỏi khu trại huấn luyện tại quốc gia láng giềng Congo để tới Cabinda - thủ phủ của tỉnh Cabinda (Angola), nơi đăng cai những trận đấu thuộc vòng bảng - bằng xe buýt.

Nỗi kinh hoàng về vụ khủng bố chỉ được công luận biết đến qua lời kể của các nhân chứng là tuyển thủ bóng đá Togo, những người vẫn đang trong tình trạng bị sốc nặng trước bi kịch trên. "Sau khi vượt qua biên giới, chúng tôi tiến sâu vào trong lãnh thổ Angola khoảng 5 km thì bất ngờ bị hứng chịu một làn mưa đạn - Ngôi sao hàng đầu Emmanuel Adebayor, tiền đạo của Câu lạc bộ Manchester City tại Anh kể lại - Chiếc xe buýt của chúng tôi dừng lại và vụ chạm súng đã diễn ra suốt 30 phút sau đó. Đó là giây phút kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi. Tài xế của chúng tôi bị thiệt mạng, khiến chúng tôi không thể chạy khỏi hiện trường". 

Cầu thủ Moustapha Salifou của Câu lạc bộ Aston Villa (Anh) còn mô tả chi tiết hơn những sự kiện kinh hoàng đã diễn ra: "Lúc đó đạn bay vèo vèo quanh chúng tôi như là trong phim vậy. Tôi cho rằng, mình đã thực sự gặp may. Tôi ngồi ở những hàng ghế sau cùng với Adebayor và một trong các thủ môn. Một hậu vệ ngồi trước tôi đã bị trúng hai viên đạn. Một trong những người bạn tốt nhất của tôi, thủ môn Obilale Kossi, bị thương vào ngực. Thực tại quả thật kinh khủng...”.

Vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào các cầu thủ bóng đá đã thu hút nhiều phản ứng khác nhau từ phía các quan chức chính trị cũng như thể thao. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã chính thức gửi  lời lời chia buồn đến các nạn nhân. Ở một mức độ quyết liệt hơn, một vài câu lạc bộ tại châu Âu - vốn đã chẳng thích thú gì với chuyện phải "nhả" các cầu thủ châu Phi của mình về để tham dự CAN vào đúng giai đoạn cao điểm của mùa bóng - đã lên tiếng yêu cầu phải trả lại các cầu thủ cho mình vì lý do an toàn.

Thông tin mới nhất cho biết, Chính phủ Togo đã ra lệnh cho đội tuyển của mình trở về nước, dù có không ít cầu thủ vẫn bày tỏ mong muốn được tiếp tục ở lại tham dự vòng chung kết.

Liên quan đến những thủ phạm của vụ khủng bố, nhóm ly khai có tên "Mặt trận giải phóng Cabinda" (FLEC) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên. Từ trước đó, chính các đại diện của nhóm này đã chính thức cảnh báo chính quyền Angola không được tổ chức các trận đấu vòng bảng tại tỉnh Cabinda, một khu vực đầy bất ổn bất chấp những nỗ lực kiểm soát của chính phủ.

Trong quá khứ, cuộc chiến giành quyền độc lập tại khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn này của Angola gần như bùng nổ ngay khi quốc gia này thoát khỏi chế độ thuộc địa của Bồ Đào Nha vào năm 1975. Tám năm trước, quân đội chính phủ về cơ bản đã dập tắt được sự phản kháng của các nhóm nổi dậy, và từ đó đến nay không còn những vụ xung đột lớn xảy ra.

Tháng 12/2009, quan chức Bento Bembe của chính phủ (cũng từng là một tay súng của FLEC) đã mạnh miệng tuyên bố rằng, nhóm phiến quân này trên thực tế đã không còn tồn tại. Nhưng ngay sau đó, thủ lĩnh N'Zita Tiago của nhóm này đã lên tiếng khẳng định nhóm này sẽ không hạ vũ khí.

Vụ khủng bố vừa qua đã chứng minh quyết tâm của những tay súng này. Cho dù tình hình tại Cabinda không thể nói là ổn định và an toàn, nhưng Chính phủ Angola vẫn quyết định tổ chức vòng đấu bảng tại đây vì theo họ, CAN sẽ là cơ hội để tỉnh này đón tiếp nhiều khách tới thăm, cùng với nhiều khoản tiền đầu tư sau đó. 

Vấn đề dư luận đang quan tâm là Ban tổ chức và chính quyền Angola sẽ làm gì để vượt qua sự kiện đáng buồn trên, tránh cho CAN 2010 có nguy cơ bị đổ vỡ? Và xa hơn nữa, vụ khủng bố liệu có ảnh hưởng gì tới kế hoạch của World Cup tại Nam Phi sắp tới? Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF) là Issa Hayatou ngay lập tức khẳng định đã nhận được lời bảo đảm an toàn của Thủ tướng nước chủ nhà Paulo Cassoma.

Một quan chức đại diện khác của Ban tổ chức lại "buộc tội" phía Togo vi phạm quy định đi lại của đội tuyển: "Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các đoàn phải thông báo trước về thời điểm họ tới Angola, chỉ riêng có đội tuyển Togo không tuân thủ điều này. Hơn nữa, chúng tôi thậm chí còn không biết họ đã chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển của mình, dù đã thông báo rõ ràng không được làm theo cách này. Tôi không thể hiểu vì sao họ vẫn hành động theo ý riêng của mình". 

Bất chấp sự rút lui của đội tuyển Togo, CAN-2010 về cơ bản vẫn sẽ được tổ chức theo đúng lịch trình, theo khẳng định từ phía CAF và đại diện các đội tuyển tham dự. Bi kịch từ vụ khủng bố nhằm vào đội tuyển Togo đã khiến cho cả ban tổ chức World Cup sắp tới cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Phát ngôn viên Rich Mkondo của ủy ban này ngay lập tức đã khẳng định quan điểm chính thức của mình: "Vụ khủng bố tại Angola không thể đồng nghĩa với nghi ngờ về an ninh của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Một bi kịch tương tự như vậy đều có thể xảy ra tại bất cứ nơi đâu trên thế giới. Cũng không thể so sánh việc tổ chức giải đấu tại Angola với World Cup mùa hè sắp tới tại Nam Phi chỉ vì hai quốc gia này cùng nằm tại một châu lục".

Xa hơn nữa chính là việc các quốc gia châu Phi phải làm gì để ngăn chặn các vụ khủng bố, và ngăn chặn sự xâm nhập của các tổ chức khủng bố tại lục địa đen này

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.