Thế yếu của Mỹ tại G20

Thứ Hai, 10/07/2017, 12:09
Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 7 và 8-7 tại Hamburg, Đức, trong bối cảnh thế giới đang nóng vì vấn đề Triều Tiên, Syria và khí hậu toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump lần thứ hai trở lại châu Âu với tâm thế bị chính các đồng minh “xa lánh” vì quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đang gây áp lực để Mỹ từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc. Hồ sơ Syria mà chính quyền Tổng thống Trump muốn cùng Nga giải quyết khó lòng đạt được tiến bộ khi Mỹ cứ muốn xử sự ở thế thượng phong.

6 tháng cầm quyền của ông Trump và thành quả 7 thập kỷ quan hệ Mỹ - châu Âu!

Chỉ trong 6 tháng cầm quyền, ông Trump đã thành công trong việc phá bỏ thành quả của 7 thập kỷ quan hệ Mỹ - châu Âu. Chuyến đi châu Âu đầu tiên của ông Trump với tư cách Tổng thống Mỹ diễn ra hồi cuối tháng 5 vừa qua được đánh giá là “thất bại thảm hại” về ngoại giao. Các nước đồng minh lâu đời của Mỹ tại cựu lục địa đã thể hiện sự thất vọng tràn trề khi Tổng thống Trump phản đối thỏa thuận khí hậu Paris.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ngay sau khi về nước từ Italia, ngày 1-6-2017, ông Trump chính thức thông báo rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu vốn đã được 195 quốc gia ký kết năm 2015. Nhiều thế hệ lãnh đạo ở Mỹ, đặc biệt là ông Trump, lâu nay vẫn cố gắng thuyết phục châu Âu hãy tự đứng vững một mình, hãy chịu trách nhiệm cho sự phòng thủ của chính mình và những vấn đề khác. Nhưng cách mà ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu có vẻ như là một cái tát vào mặt các cường quốc châu Âu như Đức, Pháp, Italia.

Trong suốt thời gian sau đó, quan hệ Mỹ - châu Âu lạnh nhạt chưa từng có, thậm chí quan hệ giữa ông Trump và Thủ tướng Đức Merkel còn trở nên căng thẳng vì Đức là quốc gia đi đầu phản đối quyết định của Mỹ. Trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicilia, Italia, bà Merkel đã không ngần ngại chỉ trích thái độ “một mình chống lại tất cả” của ông Trump, dù không nêu đích danh.

Kêu gọi châu Âu thức tỉnh, Thủ tướng Angela Merkel đã cảnh báo người dân Đức về thời kỳ có thể đặt trọn niềm tin vào Hoa Kỳ “hầu như đã qua”. Bà tin rằng chủ trương của ông Trump có thể là cú hích giúp châu Âu tiến bộ về quốc phòng và ngoại giao.

Cùng lúc, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel còn đi xa hơn khi tố cáo Tổng thống Mỹ đã “làm phương Tây yếu đi”, do phản đối hiệp ước khí hậu và bán số lượng vũ khí trị giá tỉ đôla cho Arập Xêút.

Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ dùng Twitter để phản pháo. Ông đáp trả với những từ cố tình viết hoa: “Chúng ta bị thâm hụt thương mại KHỦNG KHIẾP với Đức, hơn nữa Berlin còn chi ra RẤT ÍT cho NATO và cho lĩnh vực quân sự. Rất tệ hại cho HOA KỲ. Điều này sẽ phải thay đổi”.

Nay Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Đức, Tổng thống Trump lại phải giáp mặt với bà Merkel. Có lẽ vì thế lãnh đạo Mỹ chọn chặng đầu tiên là Ba Lan, sau đó mới tới Đức.

Trong lúc đang chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Merkel khi trả lời phỏng vấn với truyền thông Đức ngày 5-7, khẳng định bà giữ vững lập trường rằng, châu Âu không thể tiếp tục phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Thủ tướng Đức tái khẳng định quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là “hết sức đáng tiếc” dù một số tiểu bang và thành phố của Mỹ vẫn tiếp tục tham gia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin, ngày 4-7-2017.

“Chúng ta phải phản ứng ngay bây giờ để phòng hậu họa lâu dài”, Thủ tướng Merkel kêu gọi. Bà Merkel cũng chỉ ra các khác biệt giữa Đức và chính quyền mới tại Mỹ trong vấn đề toàn cầu hóa rằng, trong khi Đức tìm kiếm cơ hội hợp tác vì xem toàn cầu hóa là nhịp cầu mang đến lợi ích cho tất cả các bên thì chính quyền Mỹ xem toàn cầu hóa là nguyên nhân tạo ra tình thế kẻ thắng - người thua.

Chuyên gia Vali Nasr thuộc Đại học John Hopkins Mỹ đánh giá: “Chỉ trong 6 tháng cầm quyền, ông Trump đã thành công trong việc phá bỏ thành quả của 7 thập kỷ quan hệ Mỹ - châu Âu”. Khi phát biểu công khai, các lãnh đạo châu Âu đều khẳng định quan hệ Mỹ - Âu là “không gì lay chuyển” và mang tính “thiết yếu”. Nhưng khi nói chuyện riêng, ai cũng lo lắng, không biết mối quan hệ này sẽ đi về đâu trong 4 năm hoặc 8 năm ông Trump ở Nhà Trắng.

Do bị mất lòng tin quá lớn với các đồng minh châu Âu như vậy, những vấn đề quốc tế nóng mà Tổng thống Trump muốn châu Âu cùng chia sẻ như tình hình Syria, Triều Tiên... xem ra rất khó thành công, họa chăng chỉ có những vấn đề mà các nước châu Âu thực sự cần ở Mỹ như trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tổng thống Trump sẽ hành động đơn phương trong vấn đề Triều Tiên

Với đồng minh đã vậy, ông Trump đến Thượng đỉnh G20 lần này phải đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga. Tuần lễ vừa qua là thời điểm căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh xung quanh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, hệ thống phòng thủ của Mỹ ở Hàn Quốc hay trong vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông. Với Nga, các cuộc đấu khẩu của Mỹ quanh vấn đề Syria vẫn không ngớt.

Không biết Trung Quốc và Nga có cùng bắt tay nhau để liên thủ chống Mỹ tại G20 hay không nhưng rõ ràng hai nước này đều đang cùng mục tiêu là Mỹ. Tại New York, ngày 5-7, Hội đồng Bảo an họp khẩn về hồ sơ nóng Triều Tiên tiếp tục bắn thử tên lửa đạn đạo. Tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an đều lên án Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của LHQ, nhưng lại bất đồng về phương án gia tăng trừng phạt Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ lần đầu hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga vào ngày 7-7.

Mỹ và Pháp thông báo chuẩn bị một nghị quyết gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc kêu gọi nối lại đối thoại với Triều Tiên thay vì gia tăng trừng phạt.

Trong khi chưa có gì bảo đảm việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết mới thì nữ đại sứ Mỹ Nikki Halay quả quyết rằng, mọi phương án đề ra đã được chuẩn bị. Bà nói: “Lực lượng quân sự lớn của chúng tôi nói lên một trong những khả năng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ sử dụng khả năng đó, nhưng chúng tôi không thích đi theo hướng này. Chúng tôi có các phương tiện khác để đáp trả những ai đe dọa chúng tôi và những ai gieo rắc đe dọa. Mỹ có thể hành động mạnh trong lĩnh vực thương mại”.

Qua phát biểu này, bà Nikki Haley cũng ngầm tố cáo Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì các trao đổi buôn bán với Triều Tiên.

Cách đây vài tháng, Bắc Kinh còn được ông Trump đánh giá như là “một trung gian tiềm tàng”, giờ đây bị Washington đe dọa bằng các biện pháp trả đũa thương mại. Tổng thống Trump ngày 5-7 lên án mậu dịch giữa Trung Quốc với Triều Tiên, đồng thời tỏ ý nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh sẽ hợp tác với Washington đối phó với đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.

“Thương mại giữa Trung Quốc với Triều Tiên tăng gần 40% trong quý đầu năm nay. Trung Quốc hợp tác với chúng ta nhiều thế đấy - nhưng chúng ta cũng phải thử xem” - ông Trump viết trên Twitter.

Đáp lại những lời chỉ trích từ phía Mỹ, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ nói rằng những lời lẽ hiếu chiến đó là không cần thiết. Chính việc triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa Mỹ trên đất Hàn Quốc vài tháng trước đây đã góp phần làm leo thang căng thẳng trong vùng".

Trước đó ngày 4-7, Nga và Trung Quốc đưa ra điều kiện là họ sẽ ép Triều Tiên từ bỏ chương trình thử nghiệm tên lửa, với điều kiện Mỹ phải rút hệ thống chống tên lửa THAAD ra khỏi Hàn Quốc. Cụ thể Moskva và Bắc Kinh muốn kêu gọi cả Bình Nhưỡng, Seoul và Washington ký vào một kế hoạch giảm căng thẳng trong vùng liên quan đến chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Kế hoạch này sẽ yêu cầu Triều Tiên ngưng thử tên lửa đạn đạo trong khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc chấm dứt các chương trình tập trận tên lửa quy mô, trước khi các bên có một cuộc họp đa phương.

Moskva và Bắc Kinh đều kêu gọi Washington ngay lập tức ngưng triển khai hệ thống.

Theo Reuters, sáng kiến này được đưa ra qua một bản thông cáo chung của hai Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc, ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Điện Kremlin. “Tình thế tại khu vực ảnh hưởng quyền lợi quốc gia của cả hai quốc gia. Nga và Trung Quốc sẽ làm việc chặt chẽ để đạt một thỏa thuận đối với vấn đề phức tạp tại Bán đảo Triều Tiên bằng mọi cách” - thông cáo chung viết.

Trong thông cáo chung này, Moskva và Bắc Kinh đều kêu gọi Washington ngay lập tức ngưng triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc, một hành động mà Mỹ nói là cần thiết để ngăn chặn các đe dọa của Bình Nhưỡng. Bản thông cáo chung cũng nói Mỹ dùng Triều Tiên làm cái cớ để gia tăng thiết lập cơ sở quân sự tại châu Á và làm nghiêng cán cân chiến lược trong khu vực có lợi cho Washington.

“Sự triển khai của THAAD sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với quyền lợi chiến lược của các quốc gia trong khu vực, bao gồm Nga và Trung Quốc. Nga và Trung Quốc phản đối hệ thống này và yêu cầu các quốc gia liên quan phải ngay lập tức ngưng và hủy bỏ sự triển khai” - thông cáo chung cho biết.

Riêng về vấn đề Triều Tiên, theo giới quan sát, ông Trump sẽ chỉ có thể hành động đơn phương chứ chưa thể nhận được sự đồng tình của Nga và Trung Quốc vào lúc này.

Mỹ - Nga: Cuộc hội đàm trực tiếp được dư luận chú ý

Cũng tại Thượng đỉnh G20 tại Đức, Tổng thống Mỹ lần đầu hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga vào ngày 7-7. Sở dĩ cuộc gặp này được dư luận chú ý vì nó diễn ra trong bối cảnh giữa Nga và Mỹ đang có bất đồng về nhiều vấn đề quốc tế, cũng như là bê bối Nga liên quan đến bầu cử Mỹ.

Quan hệ Mỹ - Nga đang có những thách thức về vấn đề Ukraine, sự mở rộng của NATO và cuộc xung đột tại Syria, nơi Moskva hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, còn Mỹ và phương Tây ủng hộ lực lượng nổi dậy. Ngày 6-7, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Tổng thống Trump sẽ thảo luận về tình hình ở Syria với người đồng cấp Nga Putin trong cuộc họp bên lề Thượng đỉnh G20.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, sẽ có ba vấn đề liên quan đến Syria được lãnh đạo Nga và Mỹ thảo luận để đi tới đồng thuận. Đầu tiên, tất cả các bên tham chiến ở Syria phải đảm bảo an toàn cho người dân vô tội tại vùng chiếm đóng của mình. Thứ hai, các bên phải thảo luận với nhau để đạt được một thỏa thuận rõ ràng về con đường mà Syria sẽ đi trong thời gian tới. Cuối cùng, Nga phải có trách nhiệm đặc biệt để hỗ trợ cho hai nỗ lực trên.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitri Peskov khẳng định: những chủ đề mà hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ sẽ bàn thảo tại G20 có "tầm quan trọng sống còn đối với an ninh cả thế giới" và phải giúp giải quyết hiệu quả hơn những cuộc xung đột và các vấn đề quốc tế khác đang gia tăng từng ngày.

Ông Peskov lưu ý rằng để điều đó diễn ra thì Mỹ phải thôi kiểu chỉ đạo cho Nga phải làm chuyện này chuyện khác. Dư luận Mỹ lại nhìn vào cuộc gặp này với con mắt khác. Cuộc họp này đã bị lu mờ vì các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành về những sự liên kết giữa nhóm vận động tranh cử của ông Trump với Nga.

Chuyên gia Hannah Thoburn ở Viện Hudson nói: “Mọi việc xảy ra giữa ông Trump và ông Putin sẽ được quan sát trong bối cảnh đó. Ông Trump có quá thân thiện hay không? Liệu ông có thực sự tỏ ra cứng rắn với Nga để xoa dịu giới chỉ trích ở trong nước? Tôi nghĩ có rất nhiều câu hỏi mà chúng ta sẽ sớm tìm ra câu trả lời".

Chưa thể nói chuyến đi châu Âu lần hai của ông Trump sẽ thất bại như thế nào nhưng rõ ràng, những thế yếu trên sẽ khó mà giúp lãnh đạo Nhà Trắng gặt hái được gì tại G20 lần này.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.