Thêm cơ hội cho vòng đàm phán Mỹ - Triều Tiên
Các cuộc thảo luận nhằm phá dỡ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở Việt Nam, khi hai bên không đạt được thỏa thuận. Liên quan tới vòng đàm phán cuối tuần này, báo chí quốc tế đưa ra nhiều dự báo và thắc mắc.
Ngày 1-10, KCNA trích dẫn một tuyên bố do Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui phát đi, nói Bình Nhưỡng và Washington đã đồng ý tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4-10 và sau đó là các đàm phán cấp bộ. Ông Choe nói: “Kỳ vọng của tôi là các cuộc đàm phán ở cấp bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ cải thiện mối quan hệ Mỹ-Triều”.
Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên do KCNA công bố ngày 2-10. |
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus xác nhận các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã lên kế hoạch gặp nhau trong tuần này.
Ngày 3-10, hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin riêng cho biết phái đoàn Triều Tiên do trưởng đoàn Kim Myong-gil dẫn đầu sáng cùng ngày đã lên chuyến bay tới Stockholm ngay trước cuộc đàm phán được lên kế hoạch với Mỹ. “Chúng tôi đang hướng đến các cuộc đàm phán cấp làm việc với Mỹ”, ông Kim nói với các phóng viên sau khi tới Bắc Kinh, Trung Quốc để đến Stockholm, Thụy Điển.
Cùng ngày, hãng tin VOX của Mỹ hé lộ về kế hoạch mới của Washington mang đến bàn đàm phán lần này, với mong muốn chấm dứt thế bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Đề xuất này được cho là linh hoạt hơn so với điều kiện “được tất hay không có gì” mà Mỹ đưa ra gần đây. Trước khi vòng đàm phán được nối lại, Triều Tiên đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cần có cách tiếp cận mới để chấm dứt thế bế tắc hiện nay.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Kim Song khẳng định: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn khẳng định lập trường rõ ràng rằng Mỹ cần gạt bỏ các phương pháp và tính toán hiện tại với Triều Tiên, đưa ra cách tiếp cận mới. Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi một quyết định khôn ngoan từ phía Mỹ. Khi Mỹ đã có đủ thời gian để tìm ra phương pháp mới, có thể chia sẻ với chúng tôi. Triều Tiên luôn sẵn sàng đối thoại toàn diện với Mỹ về các vấn đề chúng tôi quan tâm. Sẽ phụ thuộc vào Mỹ về việc liệu các cuộc đàm phán Mỹ-Triều sẽ mở ra cánh cửa cơ hội hay làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng”.
VOX dẫn một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết, nội dung đề xuất mới của Mỹ bao gồm: LHQ sẽ đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với ngành xuất khẩu than và dệt may của Triều Tiên trong vòng 36 tháng. Đổi lại, Triều Tiên sẽ đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyan có xác minh cùng các biện pháp khác, có khả năng là chấm dứt các hoạt động làm giàu urani của Triều Tiên.
“Đây là một đề xuất mạo hiểm nhưng hợp lý”, một chuyên gia giấu tên với VOX. Theo người này, hợp lý vì nó vô hiệu hóa Yongbyon - trái tim của chương trình hạt nhân Triều Tiên, song mạo hiểm vì người ta vẫn chưa biết Triều Tiên có cơ sở bí mật nào khác hay không. Nếu Triều Tiên gật đầu với đề xuất này, chỉ riêng việc thanh sát Yongbyon đã mất tới 3 năm, thời gian đủ để Triều Tiên có thể tiếp tục cải thiện khả năng hạt nhân của mình. Triều Tiên đã nhiều lần yêu cầu Mỹ linh hoạt, phản hồi lại các động thái thiện chí của nước này.
Đáp lại, Washington khẳng định các lệnh trừng phạt sẽ được duy trì cho tới khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng. VOX nhận định rằng khả năng Mỹ thay đổi đề xuất trước cuộc đàm phán là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Kim Myong-gil, trưởng phái đoàn đàm phán của Triều Tiên. |
Leif-Eric Esley, phó giáo sư nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Trường đại học Ewha Womans tại Seoul, nói mục đích chính của Mỹ là có thể có được một thỏa thuận bao gồm “một lộ trình thương thuyết và một cơ chế kiểm chứng tiến bộ từng giai đoạn một”. Chẳng hạn như một thỏa thuận “trao đổi việc nới lỏng chế tài với việc ngưng sản xuất chất liệu hạt nhân chỉ có ý nghĩa nếu Triều Tiên cho phép các thanh sát viên quốc tế tại chỗ và bao gồm những điều khoản chế tài trở lại nếu Triều Tiên gian dối”, ông nói.
Tuy nhiên, các giới chức Mỹ không đưa ra các chỉ dấu công khai, rõ ràng là họ quan tâm đến thỏa thuận từng giai đoạn như vậy.
Trước đây, trọng tâm của Triều Tiên là thương thuyết để gỡ bỏ 5 chế tài của LHQ làm thiệt hại nền kinh tế nước này. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, giới chức Triều Tiên gợi ý là được đảm bảo an ninh cũng là ưu tiên hàng đầu.
Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trump có mềm dẻo hơn trong quan điểm thương thuyết. Tháng trước, ông Trump cách chức Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Bênh vực cho hành động này, ông Trump đặc biệt viện dẫn khuynh hướng diều hâu của ông Bolton đối với Bình Nhưỡng. Ông Trump phải đối mặt với những áp lực ngày càng tăng trong nước - từ cuộc điều tra luận tội mới được mở ra cho tới cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Một số nhà phân tích nói ông Trump có thể cảm thấy áp lực để thỏa thuận với Triều Tiên nhằm làm chệch hướng sự chú ý về những rắc rối trong nước Mỹ hay để có được một thắng lợi trong chính sách ngoại giao trước cuộc bầu cử 2020. Yang Moo Jin - giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul - cho rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đang chủ động thúc đẩy tiến độ đàm phán vì năm sau là lúc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như bầu cử Nghị viện Hàn Quốc.
Một giải pháp đem lại kết quả “tích cực” cho phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ là thắng lợi về uy tín cho nhà cầm quyền Mỹ và Hàn Quốc. Mà nếu muốn có “thắng lợi” ấy, cần phải thực hiện một số nhượng bộ trước Triều Tiên.
Ngay trước vòng đối thoại, ngày 2-10, Triều Tiên tiến hành phóng một tên lửa từ tàu ngầm, có tầm bắn xa hơn bất cứ vụ phóng nào trong 2 năm qua. Hành động thách thức mới này của Bình Nhưỡng có thể được hiểu là cách để Triều Tiên chứng tỏ khả năng quân sự và gây sức ép đối với Mỹ trước khi khởi động vòng đàm phán mới. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố vụ thử tên lửa trên vi phạm các nghị quyết của LHQ. Tuy nhiên, ông Trump đang tìm cách “gỡ tội” cho Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa trên.
Ngày 3-10, Tổng thống Mỹ gọi những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “tầm ngắn” vì ông cho rằng nhiều nước cũng thử nghiệm như vậy. Triều Tiên có thể lợi dụng việc ông Trump không quan tâm gì đến những thử nghiệm của họ và xem đây là cơ hội làm yếu các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cấm các hoạt động tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.