Theo chân những người nhập cư lậu vào Tây Âu…

Thứ Năm, 30/03/2017, 12:00
Chuyến du lịch tới “miền đất hứa” Tây Âu vẫn âm thầm tiếp tục theo những trục đường đã định. Hàng chục “du khách” mỗi ngày rời bỏ quê hương Albania bằng xe khách - không có giấy mời thăm thân lận lưng, tiền bạc dằn túi cũng như chỗ đặt trước qua đêm tại những chân trời xa lạ sắp đến... Còn giới tài xế thường xuyên chở dạng khách này thích chọn những lộ trình tuy dài, nhưng tương đối an toàn hơn.

275 USD. Đó là tất cả những gì mà Mariana Vincani có. Chị lận những đồng bạc xanh cáu bẩn vào trong tất chân - khoảng giữa bắp vế và đầu gối, để đám người Digan cùng đủ mọi dạng tội phạm khác dọc đường không thể nẫng sạch của chị số tài sản hiếm hoi duy nhất ấy. Với số tiền còm đó, nữ công dân Albania 33 tuổi M. Vincani hy vọng được đổi đời thành một cư dân Tây Âu “chính hiệu”.

Cũng như chị Mariana và nhiều “khách tham quan” còn lại khác đang rong ruổi trên lộ trình xuyên Âu này, trung bình mỗi ngày hàng chục công dân Albania sốt sắng khởi hành nhắm tới các vùng đất Tây Âu, mưu cầu hạnh phúc cùng sự sung sướng cho bản thân. Chẳng có bất cứ thứ giấy tờ gì mang tính hợp pháp như thư mời, phòng khách sạn đặt theo tour, cả tiền bạc chi tiêu cũng vậy…

Ngán ngẩm xếp hàng đợi xe khứ hồi về… cố hương.

Số khác đủ giấy tờ hợp lệ thì luôn hoài niệm rằng người thân bên đó sẽ không đánh lừa mình, đang nóng lòng đợi giúp đỡ khách và dĩ nhiên mọi việc rồi ra sẽ được thu xếp ổn thỏa theo kiểu định cư… chui.

Nhà ga đường bộ Grupie ở vùng ngoại vi thủ đô Tirana. Quanh chiếc xe sắp chuyển bánh là một sự hỗn độn thực thụ. Khoang để hàng dọc theo 2 bên rìa gầm xe xem ra quá chật so với đống hành lý mà các du khách mang theo. Còn dân nhà xe lại không được lịch sự cho lắm, bởi nghề vận chuyển lậu thời nào cũng đầy rẫy sự nguy nan…

“Thế đấy, nhà xe chúng tôi lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng tột độ - viên lơ xe chuyên xếp chỗ ngồi lên tiếng phân bua - còn đúng ra là giống như chơi bạc ấy: 5 ăn 5 thua!”.

Chị Mariana thì chẳng thấy phàn nàn gì sất, âm thầm ngồi vào chỗ và mong sao tới lúc thấy được bóng thành phố Tây Âu nào đó thấp thoáng phía xa là toại nguyện rồi. Sang đó chị sẽ có nhiều người quen mới, “Ắt có ai đó sẽ rủ lòng thương và ra tay cứu giúp mình”, M. Vincani tự nhủ khi đã yên vị. Người phụ nữ chưa tới độ trung niên này sẵn lòng làm mọi việc tại trời Tây, miễn sao có tiền gửi về chu cấp cho ông xã thất nghiệp cùng 2 đứa con: thằng lớn lên 10 và đứa em gái chưa đầy 18 tháng tuổi.

“Tuy ở quê nhà vẫn có khối việc, nhưng bởi thu nhập thấp quá”, Mariana cho biết. Chị sinh ra tại Durres vốn là thành phố lớn thứ 2 của Albania, từng mưu sinh qua nhiều nghề như quét dọn, tạp vụ, thư ký, kế toán, chạy bàn… Sau rốt thì chẳng chỗ nào nhận chị nữa. “Không nơi đâu chịu nhận bạn, nếu bạn đang vướng bận con mọn - cho dù với mức lương tối thiểu”, chị Mariana thổ lộ thêm. Rồi chị chạy vạy vay mượn bạn bè và người thân tiền lộ phí nhằm quyết chí “đổi đời”.

M. Vincani (thứ hai từ phải sang) liệu có thỏa nguyện nơi miền đất hứa?

Tương tự là trường hợp của Lefter Koka người Berat. Để có tiền sang Tây Âu, anh đã phải bán đi đàn cừu cả trăm con, do giá nông sản bất ổn như muốn trêu ngươi giới nhà nông. Đa phần “khách tham quan” trên chuyến xe này đều thuộc lứa trung niên. Y hệt chị Mariana và anh Lefter, họ buộc phải rời bỏ gia đình và con cái, tràn trề hy vọng tới lúc đoàn viên trong cảnh sung túc.

Giữa đám hành khách có một đứa trẻ duy nhất, cha mẹ bé thường câm lặng ngắm nhìn con mình, cũng như cố ý xa lánh đám người đồng hành. Có cả một tốp dân Digan ngồi phía sau góc xe nữa. Mọi người đằng trước đều hết sức cảnh giác, bởi họ đã nghe nhiều câu chuyện về đám dân Digan “đi ké” nhằm mục đích trộm đồ, nhất là ở các chốt cửa khẩu đường biên hỗn độn.

“Thông thường người ta buộc quay lại lúc 20, có khi 30 người trong một đoàn trung bình từ 70 - 80 “du khách” - viên lơ xe kể trong tiếng máy chạy đều đều - giới hữu trách lạnh lùng đuổi họ xuống mà chẳng thèm giải thích lấy một câu”. Cặp tài xế cùng viên lơ là nhóm duy nhất chắc chắn sẽ trở lại Albania nội tuần sau, sửa soạn cho cuộc “xuất lậu” mới. Những câu chuyện rì rầm trong xe chủ yếu đề cập tới sự thất bại hơn là thành công.

“Đừng có ảo tưởng rằng ai đó đang nóng lòng chờ chị, tôi đã trải qua chuyện ấy rồi. May lắm là người ta cho chị tá túc độ một vài ngày mà thôi”, anh chàng Peta Klancir thủ thỉ với chị Mariana. Peta cũng dân Durres, nhưng khác với chị đồng hương là anh đã kịp rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, nên đã gắng “kiếm” được thị thực lao động dài hạn tại Tây Ban Nha.

Chợt trong microphone nội bộ trên xe vang lên giọng nói của viên tài xế: “Yêu cầu mọi người tắt hết điện thoại di động và dọn dẹp sạch sẽ các hàng ghế đi!”. Đã tới gần đường biên giữa Albania và Cộng hòa Montenegro, còn giới nhân viên biên phòng nói chung vốn rất ghét những “chướng ngại vật” trên xe cản trở công việc đi lại kiểm tra của họ, kể cả sự dơ bẩn cũng vậy. Thật không may, theo lệnh mới từ Podgorica, người ta đã lục soát chiếc xe rất kỹ, tháo cả từng con ốc ra…

“Hiển nhiên là theo “đại dịch” phòng ngừa khủng bố phát xuất từ người Mỹ”, ai đó bông phèng. Tất cả hành lý đều bị lôi xuống và mở tung, còn mọi du khách phải xếp ngay ngắn thành hàng đôi… để giới chức hải quan lẫn biên phòng săm soi họ như một lũ tội phạm. Kết cục 2 người bị loại: thiếu nữ có “dấu đen” trong hộ chiếu vì từng quá cảnh Italia phi pháp và người bạn trai đi cùng.

Cuộc hành trình lại tiếp tục. Ai đó thốt ra: “May mà họ không vớ phải mình…”. Sau những giây phút nặng nề, trong xe lại rầm rì chuyện vãn. Đã đổi tài xế cho những chặng lên núi xuống đèo triền miên trên đất Montenegro. “Người ta hứa hẹn đủ điều - Fatos Qerimaj, người vừa rời vô lăng kể - nào là vé khứ hồi, nào là số phòng đặt trước, rồi cả ngoại tệ tiêu vặt nữa. Bọn lừa đảo quốc tế chuyên nghiệp thường trơ trẽn gạ gẫm giới nhà xe Đông Âu, hoặc giới nhân viên đại diện các hãng vận chuyển đường dài ngay tại các bến xe thuộc Tây Âu. Họ bảo đảm sẽ chi cho mỗi người trong chúng tôi 50 euro trên mỗi đầu khách nếu đưa người tới trót lọt. Còn chỗ đặt trước trong hotel rặt… đồ “rởm”. Chuyến trước có tới 30 công dân Albania đã bị cảnh sát hình sự Đức ở Frankfurt kiểm tra các khách sạn và tống khứ về...”.

Giữa đám du khách lại rộ lên những câu chuyện lừa đảo ma mãnh của giới chuyên buôn người bên Tây Âu. “Chúng biết chính xác giờ xe đến và phục sẵn. Rồi là những lời hứa hẹn sẽ thu xếp chỗ ở lẫn công ăn việc làm ổn định với mức lương cao… Chúng dẫn họ đi, lột hết những gì họ có và đôi khi… thủ tiêu họ nhằm phi tang luôn”, tài xế F. Qerimaj tiếp tục.

Bởi dòng người nhập cư lậu không ngừng tăng, nên hành trình của các tuyến xe vận chuyển “hàng” phải luôn thay đổi.

“Chúng tôi luôn chọn những trạm biên phòng nào tùy theo từng thời điểm ít thải người về nhất”, Fatos cho biết thêm. Thường căng nhất là tuyến đường biên giữa Slovenia với Italia. Nhân viên hải quan chốn ấy luôn lục tung hết thảy, rà soát mọi thứ giấy tờ tối cần. “Họ lập tức gọi điện ngay tới địa chỉ hotel xem có đúng tên người đặt chỗ không? Nếu sai thì a-lê-hấp trục xuất quay lại ngay!”, vẫn theo lời tài xế Fatos. Do vậy thời gian gần đây các bác tài chuyển “hàng” thường đi theo ngả qua Hungary và Áo, tuy xa hơn nhưng có xác suất an toàn cao hơn.

“Hải quan Áo thi thoảng mới tiến hành chiến dịch khám xét gắt gao như bên Italia”, Fatos kể thêm. Thế với những trường hợp bị trục xuất ngược, nhà xe chẳng có trách nhiệm gì với họ sao? F. Qerimaj giãi bày: “Khó lắm! Có lần tôi đã lựa lời an ủi một người bị còng tay đợi trục xuất về trên chuyến xe khứ hồi… Hệ quả là viên cảnh sát Đức nổi khùng lên đòi… tống giam luôn cả tôi về tội đồng lõa.

Tới biên giới Serbia - Hungary một “khách tham quan” nữa bị mời xuống xe. Đó là một người Nga tên Victor vì thị thực nhập cảnh vào khối Schengen có… khiếm khuyết. “Chẳng biết anh chàng Nga đã tốn bao tiền cho cái thị thực không có thật ấy?!”, Fatos mỉa mai lắc đầu.

Rồi anh bổ sung: “Chán nhất là khi mục kích những người phải quay về. Họ ra đi với đống hành lý ngất ngưởng, còn lúc khứ hồi chỉ vài chiếc túi nilon. Mọi thứ đều được bán tống bán tháo rẻ mạt đổi lấy thức ăn nước uống cả rồi. Người Albania ở nhà có thể chán nản vì thiếu tiền tiêu, nhưng không có nỗi chán chường nào lớn hơn kẻ bị trục xuất đang lê bước dọc đường về”.

Thế còn những ai đã được định cư tạm thì sao? “Càng chán! - F. Qerimaj quả quyết - tôi đã gặp hàng chục trường hợp như vậy nhan nhản khắp Tây Âu. Do hiểm họa từ nạn khủng bố, nên bất kỳ người dân sở tại nào cũng e ngại người ngoại quốc. Còn cảnh sát thì cứ thấy họ là chặn lại và hoạnh họe đủ điều…

Ngoài ra là lực lượng an ninh chìm rải khắp các nhà ga bến tàu, sẵn sàng lục tới cái giẻ rách cuối cùng trong va li của bạn. Riêng giới nhà xe chúng tôi chỉ biết an phận thủ thường, luôn quanh quẩn bên bến đỗ quy định chuẩn bị cho tuyến về. Mà đường về cũng rặt cảnh… cười ra nước mắt của những kẻ vỡ mộng - sau chặng hành trình lang thang đói rách tại “miền đất hứa”.

Đăm chiêu đôi lát, cuối cùng người tài xế từng trải F. Qerimaj buông ra lời kết: “Tốt nhất là cứ yên tâm kiếm sống ngay trên quê hương mình! Chẳng gì hay hơn là ngụ tại chốn quen thuộc đã sinh ra và lớn lên, cả về phong cảnh, thời tiết, ngôn ngữ cũng như tập tục văn hóa... Tôi thành thật khuyên ai đó đang rắp tâm bỏ tổ quốc ra đi như vậy!”.

Trần Hồng (theo The Guardian)
.
.