Thiên biến vạn hoá của tình báo công nghiệp
Năm 1992, báo cáo cho biết có 246 công ty lớn của Mỹ bị đánh cắp thông tin; năm 1996, con số đó là 1.300 công ty và năm 2004 lên đến 6.320, với khoản thiệt hại lên đến gần 500 tỉ USD.
Harold Worden là người ăn nói nhỏ nhẹ, làm kỹ sư cho hãng sản xuất phim - máy ảnh Eastman Kodak tại
Worden từng là một trong những viên chức điều hành chủ chốt trong đề án thiết kế thiết bị mang mật danh “401 Machine”: chế tạo một thiết bị sản xuất chất hóa học acetate.
Sau khi nghỉ hưu khỏi Kodak năm 1992 ở tuổi 51, Worden dựng một văn phòng tư vấn doanh nghiệp tại New York và Nam Carolina mà những ông chủ cũ của mình không hề biết, rồi tuyển mộ một số nhân viên Kodak và hàng chục nhân viên nghỉ hưu khác để giúp tuồn các thông tin tuyệt mật về “401 Machine”.
Việc làm kế tiếp của Worden tất nhiên không gì khác hơn là lập bản vẽ hoàn chỉnh rồi bán cho các hãng phim khác. Không lâu sau, Kodak biết chuyện, nộp đơn tố cáo các khách hàng của Worden, trong đó có chi nhánh của Công ty Minnesota Mining & Manufacturing Co (3M). Tuy 3M chối không nhận mình mua tài liệu mật của Kodak nhưng phần Worden thì vẫn bị tòa kết tội “chuyển dịch tài sản đánh cắp xuyên liên bang” và phạt 15 tháng tù...
Cách đây hai năm, báo chí đã làm rùm beng chuyện chi nhánh ở Connecticut (Mỹ) của Hãng thông tấn Reuters (Anh) dụ một chuyên gia tư vấn để chuyển tài liệu từ công ty cung cấp dữ liệu hàng đầu thế giới Bloomberg LP (Mỹ) sang cho mình. Ban giám đốc Reuters nói rằng, họ không hề biết gì về vụ này và “sẵn sàng hợp tác điều tra”...
“Sự xuất hiện của máy tính cá nhân và mạng địa phương đồng nghĩa rằng một tài sản trí tuệ chủ yếu của công ty đã đi từ tình trạng được khóa kín trong tủ sắt sang tình trạng tồn tại trên những băng dữ liệu từ trường dễ lộ” - nhận xét của Alan Brill, Giám đốc điều hành của Công ty thám tử tư Kroll Associates (New York). Và thay vì các ông sếp có đầu óc cảnh giác phải chịu trách nhiệm quản lý hệ thống máy tính thì những người làm việc này thường là kỹ thuật viên...
Thế giới rình mò công nghệ cao
Có một nghịch lý ở đây: chính cung cách hành động mà các công ty áp dụng để biến mình có tính cạnh tranh cao đã khiến họ dễ bị tấn công hơn. Hàng loạt vụ tinh giảm biên chế và việc sử dụng nguồn lao động tạm thời cũng như dùng hệ thống quản lý bằng máy tính trở nên phổ biến đã xóa bỏ cái ý tưởng về lòng trung thành của nhân viên - công nhân.
Từng có chuyện một nhân viên làm thuê tạm thời đã đánh cắp một bí mật quy trình chế tạo thủy tinh sợi của PPG Industries (Pittsburgh, Mỹ) và dạm bán cho Công ty Owens Corning trước khi bị FBI thộp cổ. Vụ này cho thấy rằng tình báo công nghiệp đã bành trướng xa như thế nào khỏi lĩnh vực kỹ thuật cao.
Một trong những mánh khóe nổi cộm nhất hiện nay nhưng có thể được xem là đơn giản nhất: thâm nhập vào mạng máy tính công ty đối thủ. Đôi khi, các chuyên gia thâm nhập của một công ty lại không cung cấp thông tin lấy được cho chính công ty mình mà giấu kín rồi tìm cách bán lại cho một công ty khác. Và có trường hợp mà phương pháp thực hiện rất phức tạp, như vụ một nhóm hacker ở St. Petersburg (Nga) đã trộm được 10 triệu USD từ Citibank hồi năm 1994 bằng cách đột nhập mạng và chuyển tiền đến 7 nước khác nhau.
Ngoài ra, có những phương cách hoàn toàn hợp pháp để thăm dò công ty đối thủ, như nghiên cứu tỉ mỉ các tờ báo địa phương, ghi nhận những dữ liệu về xuất - nhập khẩu..., để vẽ lên bức tranh về chiến lược của công ty đối thủ.
Thậm chí các mẩu quảng cáo trên báo địa phương cũng được khảo sát. Quảng cáo có thể cung cấp manh mối về loại nhân viên mà công ty đang cần, qua đó, người ta có thể đoán được hướng nghiên cứu - phát triển kỹ thuật của công ty.--PageBreak--
Công cụ được ưa thích nhất cho dân tình báo kinh tế công nghiệp là dịch vụ tuyển dụng nhân viên trên trang web Monster Board. Hàng trăm website khác, với công cụ hỗ trợ tìm kiếm (search engine) phức tạp, cũng tỏ ra hữu ích. “Sự tuyệt vời của kỹ thuật mới (Internet) là nó cho phép người ta đào bới rất sâu” - nhận xét của Leonard Fuld, Chủ tịch Công ty tình báo-cạnh tranh mang tên mình, tại
Bất cẩn có ngày “chết oan”!
Các “chuyên gia tư vấn” còn có thể dò ra kẽ hở của công ty mục tiêu ngay trên trang chủ của họ, nơi tên tuổi kỹ thuật viên chủ chốt thường được liệt kê, cùng website riêng của họ (dùng liên lạc trao đổi thông tin và thảo luận đề tài). Bằng cách nghiên cứu thông tin và phân tích những đề án của các kỹ thuật viên, điệp viên kinh tế có thể lập nên “sơ đồ não” về người nào có thể được xem quan trọng nhất đem lại thành công cho công ty rồi tìm cách mua chuộc anh ta.
Một kỹ thuật đơn giản thường được áp dụng trong trường hợp này, gọi là “phỏng vấn ma” (phantom interview), trong đó người đứng ra tuyển dụng nhân viên cho công ty B không hề làm việc cho công ty này và nhiệm vụ chính của họ là lôi kéo nhân viên từ công ty A bỏ sang làm cho công ty B.
General Electric (Mỹ) là một trong những công ty hàng đầu về việc áp dụng những chiến thuật tình báo - cạnh tranh hung hăng nhất. Trong một vụ cách đây không lâu, bộ phận sản phẩm của General Electric đã lò dò đến chi nhánh của Agfa thuộc tập đoàn Bayer, đề nghị hợp tác liên doanh, qua đó, General Electric có thể tiếp cận kỹ thuật mới nhất của Agfa về xử lý ảnh y khoa điện tử (Hệ thống truyền thông và lưu trữ ảnh - PACS - của Agfa cho phép truyền tia X qua cáp điện thoại phục vụ mục đích chuẩn đoán bệnh).
Agfa từ chối liên doanh nhưng sau đó phát hiện rằng, General Electric đã thuê một số viên chức cốt lõi của mình nhằm lấy thông tin về PACS. General Electric làm được chuyện này nhờ họ đã móc nối từ trước, vào quãng thời gian mà các cuộc thương lượng về vụ liên doanh đang được tiến hành. General Electric chối phăng, cho rằng họ móc nối các viên chức Agfa qua những tay “săn đầu người”.
Nhờ Đạo luật tình báo kinh tế 1996, FBI được trao nhiều quyền hạn cũng như trách nhiệm trong việc giúp các công ty Mỹ đối phó với nạn tình báo kinh tế. Phân bộ an ninh quốc gia của FBI tập trung vào những vụ thâm nhập đánh cắp bí mật quân sự; trong khi đó, phân bộ hình sự giải quyết những vụ mà không có sự ủng hộ của chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên, FBI vẫn chơi trò mèo vờn chuột gần như mỗi ngày và trong thực tế, họ không hứng khởi với trò chơi này vì cho đó là vấn đề giành giật lợi nhuận giữa các công ty.
Bởi vậy, các công ty dựa chủ yếu vào cơ quan thám tử tư, như Kroll Associates. Dù thế, “tai vách, mạch rừng”, chẳng biết đường nào mà tránh, có khi lọt hố rất bất ngờ. Chẳng hạn, có lần hai viên chức Thung lũng Silicon thảo luận về một thương vụ trên một chuyến xe buýt mà họ không để ý rằng đề tài của mình đang được một tay hành khách - vốn là dân tình báo kinh tế chuyên nghiệp - ngồi phía sau lắng nghe tất tần tật. Thế là bể mánh!