Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị EU có trách nhiệm với người tị nạn

Thứ Ba, 24/03/2020, 14:50
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bị giới chức phương Tây cáo buộc đã dùng 3,7 triệu người tị nạn để gây áp lực buộc các lãnh đạo chủ chốt Liên minh châu Âu phải chi thêm tiền viện trợ để ngăn dòng người tị nạn rời khỏi Thổ, tràn qua Hy Lạp vào châu Âu.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ phải bấm bụng chứa chấp hàng triệu người tị nạn từ Trung Đông và châu Á ngay cửa ngõ vào EU để cho các quốc gia EU được bình yên, khỏi lo giải quyết các vấn đề rắc rối đã là một chuyện vạn bất đắc dĩ. Thật ra thì việc đó lại xuất phát từ một thỏa thuận đã được hai bên ký kết từ năm 2016 theo phương thức trao đổi hai chiều, thường được gọi là kế hoạch “một ra, một vào”.

Có nghĩa là, trong số hàng chục ngàn người tị nạn đã đến các hòn đảo của Hy Lạp, trong đó đông nhất là đảo Lesbos, cứ một người Syria được đưa trở về Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ có một người được phép tị nạn ở một trong các quốc gia EU mà người đó muốn. Đổi lại việc chấp nhận ký thỏa thuận này, công dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được phép đi lại các quốc gia EU mà không cần xin visa, nói chung là với tư cách như công dân EU.

Tuy nhiên, thỏa thuận đã vấp phải sự phủ quyết của đảo Síp, vốn ngăn cản việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối EU do vấn đề tranh chấp ở miền Bắc Síp. Thế là EU phải tìm cách khác để bù đắp cho Ankara, đành chấp nhận chi viện trợ 6 tỉ euro để “nuôi” người tị nạn.

Sau 4 năm, có vẻ như Ankara đang cần thêm gói viện trợ khác để giải quyết gánh nặng người tị nạn, đồng thời để dự phòng tình huống khẩn cấp trong khi cuộc đụng độ quân sự ở tỉnh Idlib, miền Bắc Syria, chưa có hồi kết, khả năng sẽ có thêm người tị nạn từ Syria chạy sang đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi đầu tháng, Tổng thống Erdogan đã bay sang Moscow để đàm phán nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ của người đồng cấp V. Putin nhưng đã ra về với vỏn vẹn thỏa thuận ngừng bắn một phần, có nghĩa là oanh tạc vẫn có thể diễn ra với phần còn lại ở Syria không liên quan Thổ Nhĩ Kỳ.

Người tị nạn trên đảo Lesbos, Hy Lạp.

Sau loạt tấn công oanh tạc của lực lượng quân đội Chính phủ Syria tại tỉnh Idlib vào tháng 2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã “xua” người tị nạn ở nước ông di chuyển đến các hòn đảo của Hy Lạp trong Địa Trung Hải đồng thời theo đường bộ lên vùng Baltic, như lặp lại kịch bản di cư năm 2015.

Tiếp đó, Tổng thống Erdogan đến Brussels hội đàm với các lãnh đạo EU để thảo luận yêu cầu của ông về gói viện trợ thứ hai. Những người chủ trương thực hiện kế hoạch EU 2016 nhận thấy cần thiết phải thi thêm 6 tỉ euro nữa để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thay họ chứa chấp người tị nạn. Thế là màn thả nổi người tị nạn chấm dứt khi EU đồng ý chi viện cho Ankara thêm gói 6 tỉ euro thứ hai.

Hiện 13.000 người tị nạn Syria mắc kẹt trên các hòn đảo của Hy Lạp, nhất là trên đảo Lesbos, đang gặp phải những khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật nguy hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan mạnh ở châu Âu, trong đó có Hy Lạp.

Ủy ban châu Âu lo ngại nếu dịch bệnh COVID-19 xuất hiện trong các trại tị nạn ở Lesbos hay bất cứ hòn đảo nào khác, tình hình sẽ vô cùng nguy hại. Vì thế, ngoài khoản 6 tỷ euro hứa chi cho Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ theo kế hoạch EU 2016, EU còn còn hứa chi khoản tiền khá lớn cho người tị nạn nếu họ chịu rời các trại tị nạn Hy Lạp và trở về Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, sau những lời hứa, chỉ có 4,7 tỉ euro được ghi trong văn bản giao kèo, và cũng chỉ có 3,2 tỉ euro được nhận trên thực tế.

Bởi thế mới có cuộc hội nghị từ xa qua điện thoại giữa Tổng thống Erdogan với 3 lãnh đạo EU là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson vào hôm 17-3 vừa qua. Đây lẽ ra phải là cuộc gặp mặt trực tiếp nhưng vì dịch bệnh COVID-19 nên chuyển thành hội thoại từ xa. Mục đích của cuộc hội thoại không chỉ là việc EU đã không thực hiện đầy đủ lời hứa chi 6 tỉ euro mà còn là bàn bạc khả năng đàm phán lại một thỏa thuận mới về người tị nạn để thay thế cho thỏa thuận cũ.

Bên cạnh đó, kế hoạch mới về người tị nạn cũng được đặt trong bối cảnh các mối đe dọa mới xuất phát từ những đụng độ gần đây ở tỉnh Idlib, Syria và từ đại dịch COVID-19 đang lan rộng toàn cầu đặt ra mối quan ngại sâu sắc về hoàn cảnh người tị nạn trong các trại tị nạn ở các nước láng giềng xung quanh Syria như Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Jordan.

Cuộc hội thoại kéo dài 75 phút đã kết thúc không có thỏa thuận rõ ràng nào được thông báo. Chỉ có sự hiện diện của Thủ tướng Anh Johnson là gây chú ý, bởi lần họp trước chỉ diễn ra giữa ông Macron, bà Merkel và ông Erdogan, không có ông Johnson tham gia. Giới quan sát châu Âu cho rằng, việc ông Johnson tham gia hội thoại lần này ngay sau khi nước Anh rời khỏi khối EU là điều bất thường. Nó cho thấy nước Anh đang muốn tái khẳng định sự quan tâm của mình đối với vấn đề Syria.

Tháng 2-2020, người ta thấy ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã ghé thăm Ankara và chứng kiến sự kiện ông Erdogan “xua” người tị nạn tràn qua biên giới Hy Lạp mà không lên tiếng phản đối. Tại Hạ viện Anh ngày 17-3, trong khi Thủ tướng Johnson tham gia cuộc hội đàm từ xa, Raab lại lên tiếng bên vực Ankara và đổ lỗi cho Chính phủ Syria và quân đội Nga gây ra vấn đề người tị nạn.

Dù thế nào thì các lãnh đạo EU cũng không thể để một mình Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề người tị nạn. Kế hoạch EU 2016 chỉ giải quyết vấn đề dành cho người tị nạn là người Syria, trong khi người tị nạn đang mắc kẹt ở Hy Lạp và trên biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ còn có người Iraq, Pakistan, Afghanistan,... Do đó, một thỏa thuận mới về người tị nạn có lẽ là cần thiết.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.