Thổ Nhĩ Kỳ tập trận bắn đạn thật trên Địa Trung Hải
Bất đồng
Hy Lạp và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong ngày 29-8 đã bắt đầu hoạt động huấn luyện không quân chung ở Đông Địa Trung Hải. Đức - Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu đang nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp và cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này không có hành động giảm xung đột leo thang hiện nay.
Cuộc đối đầu này đã làm khơi lại mối thù địch từ lâu giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến các tranh chấp về quyền hàng hải và nguồn tài nguyên khí đốt. Hai bên đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận hải quân “ăn miếng trả miếng”.
Bộ Quốc phòng Hy lạp (HNDS) cho biết các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28-8 đã tiến vào vùng thông báo bay (FIR) của Hy Lạp, không phận mà chính quyền Hy Lạp quản lý về thông tin các chuyến bay. Vụ xâm nhập xảy ra khi 4 máy bay chiến đấu F-16 của Hy Lạp hộ tống một máy bay ném bom B-52 của Mỹ, một phần trong sứ mệnh “Allied Sky” mà trong đó 6 máy bay ném bom của Mỹ bay qua tất cả 30 quốc gia thành viên NATO tại châu Âu và Bắc Mỹ trong 1 ngày để thể hiện sự đoàn kết của liên minh NATO.
Theo HNDS, vụ xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ là mang tính “khiêu khích và chống lại đồng minh” và các máy bay chiến đấu của Hy Lạp đã truy đuổi các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc khủng hoảng này đã gây chia rẽ các thành viên của liên minh NATO. Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 28-8, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh tới sự cần thiết của “đối thoại và xuống thang”.
Trong bài phát biểu ngày 29-8, Bộ Ngoại giao Hy Lạp một lần nữa nhấn mạnh về vấn đề này và cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa nước láng giềng bằng cách sử dụng vũ lực là trái với luật pháp quốc tế theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp quốc, đồng thời nhắc lại Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển được ký kết ngày 10-12-1982 trong đó tại Điều 3 có ghi mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước quốc tế.
Về phía mình, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với quan điểm của Hy Lạp. Ngày 29-8, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết đã cảnh báo Hy Lạp về việc mở rộng lãnh hải và hành động này có thể gây chiến tranh. Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tập trận và các hoạt động thăm dò ở phía Đông Địa Trung Hải, một động thái làm trầm trọng thêm quan hệ vốn đang rất nóng giữa các quốc gia trong khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường tập trận tại Địa Trung Hải. |
Cuộc chạy đua ngầm
Nhìn bề ngoài, có vẻ như đây là cuộc tranh cãi về việc quốc gia nào sở hữu nguồn khí hydrocardon tiềm năng dưới đáy biển phía Đông Địa Trung Hải. Hy Lạp nói rằng âm mưu của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thăm dò nguồn dầu khí tại vùng biển ngoài khơi Crete mà họ cho là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hy Lạp rõ ràng là hành vi vi phạm chủ quyền và luật quốc tế.
Tương tự, đảo quốc nhỏ bé Cyprus cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành “hành động cướp biển” và “ngoại giao tàu chiến” khi điều động các tàu hộ tống ngoài khơi bờ biển của Cyprus, ngay cả tại những khu vực được cấp phép cho các công ty năng lượng lớn để thăm dò dầu khí như Tập đoàn Total của Pháp.
Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ đang làm những gì cần thiết để bảo vệ các quyền của họ đối với nguồn tài nguyên năng lượng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ còn sâu xa hơn thế. Sự hung hăng của Thổ Nhĩ Kỳ phù hợp với tham vọng chiến lược để trở thành cường quốc toàn cầu và lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, với quyền lực và ảnh hưởng có thể định hình khu vực theo tầm nhìn của họ. Ian O. Lesser, nhà phân tích chính trị tại Viện Nghiên cứu German Marshall Fund ở Mỹ, nói: “Động cơ của họ không phải là vì năng lượng. Nó là vì tầm nhìn rộng hơn và ngày một tham vọng về các lợi ích của chính họ trong khu vực”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang cạnh tranh với các đối thủ chính trị trong nước và vật lộn với nền kinh tế yếu kém. Lisel Hintz, giáo sư tại Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins, cho rằng Ankara cũng muốn chống lại cái mà họ cho là quan hệ đối tác thù địch dựa trên năng lượng giữa Hy Lạp, Cyprus, Israel và Ai Cập nhằm loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thỏa thuận biên giới trên biển mà Thổ Nhĩ Kỳ ký kết với Libya đầu năm nay một phần nhằm cho thấy rằng không một kế hoạch năng lượng nào trong khu vực có thể diễn ra mà không có sự tham gia của Ankara.
Khối EU với 27 thành viên đã chao đảo giữa những lời kêu gọi lắng dịu tình hình và bàn về các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu chiến lược ngoại giao của EU hay các lời kêu gọi từ Mỹ - quốc gia hiện có ảnh hưởng suy yếu tại Thổ Nhĩ Kỳ - có thể thành công trong việc kiềm chế Ankara hay không. Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đối tác châu Âu cũng như trên toàn bộ Đại Tây Dương đang ở mức bất ổn, hiện rất khó để tiếp tục tiến hành phương cách ngoại giao như vậy với Ankara.
Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao EU đã được tổ chức tại Berlin trong ngày 27 và 28-8, các đại biểu đã nhất trí đẩy nhanh việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, sau cuộc họp tại Berlin, trách nhiệm đối với căng thẳng hiện nay ở Đông Địa Trung Hải đang được đặt lên vai Thổ Nhĩ Kỳ. Theo dự kiến, Liên minh châu Âu sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Ankara vào ngày 24-9 nếu các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên thất bại.