Thoả Thuận mới trong quan hệ Mỹ - Libya

Thứ Sáu, 22/08/2008, 13:15
Ngày 14/8 vừa qua, Libya và Mỹ đã ký kết một thỏa thuận tại thủ đô Tripoli về việc bồi thường cho những nạn nhân của Mỹ và Libya trong cuộc xung đột giữa hai quốc gia trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Thỏa thuận này mở đường cho tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ  giữa hai quốc gia vốn đối đầu từ nhiều thập niên qua.

Theo Hãng tin AFP của Pháp, thỏa thuận trên được ký kết tại thủ đô Tripoli của Libya giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông David Welch và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Libya phụ trách những vấn đề về châu Mỹ, Ahmad Fitouri.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau lễ ký kết, ông David Welch cho biết: “Theo thỏa thuận này, những công dân của cả hai nước sẽ nhận được những khoản bồi thường đúng với những gì họ phải chịu đựng trong quá khứ”.

Ông David Welch đánh giá rằng đây là thỏa thuận hết sức quan trọng vì nó giúp giải quyết vướng mắc cuối cùng trong quan hệ hai nước. Ngoài ra, theo thỏa thuận này hai bên Mỹ và Libya cũng đã chấp thuận đóng lại toàn bộ hồ sơ của tất cả các vụ việc diễn ra trước 30/6/2006 cho dù có liên quan đến những hành động như tra tấn, không tặc, bắt cóc con tin, giam giữ trái phép, mọi hành động khủng bố khác cũng như các hoạt động quân sự lẫn nhau.

Về phần mình, ông Fitouri cho rằng đây là thành quả của một quá trình đàm phán trường kỳ và quyết tâm, đồng thời khẳng định điều quan trọng là cả hai bên đều có thiện chí muốn giải quyết vấn đề này. Thỏa thuận này dẫn đến việc thành lập một quỹ nhân đạo chung giữa hai nước để bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân hai bên trong các cuộc xung đột trước đây.

Trong một thông báo chung, Mỹ và Libya hài lòng cho biết đã đạt được thỏa thuận tổng thể về cách giải quyết những khiếu nại của các nạn nhân trong chiến tranh giữa hai nước và đưa ra được một tiến trình cụ thể để bồi thường thiệt hại cho công dân mỗi nước. Thông báo kết luận từ nay hai quốc gia sẽ tập trung tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.

Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận trên đã mở ra một trang mới trong quan hệ Mỹ-Libya, có được là nhờ một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó nhằm thành lập một quỹ bồi thường các nạn nhân chiến tranh của Mỹ cũng như những gì người Mỹ gây ra cho người dân Libya trong các cuộc đánh bom của nước này ngày 16/4/1986 làm 41 dân thường Libya bị chết, trong đó có một người con gái nuôi của nhà lãnh đạo Kadhafi.

Đạo luật trên của Mỹ, vừa được Tổng thống Georges W. Bush thông qua hồi đầu tháng 8/2008, sẽ giúp Tripoli tránh được mọi cuộc kiện cáo mới từ phía người dân, một khi những nạn nhân của Mỹ cũng được bồi thường.

Cho đến nay, Libya vẫn chưa kết thúc việc thanh toán toàn bộ các khoản bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong các cuộc tấn công nhằm vào chiếc máy bay PanAm trên bầu trời Lockerbie, Scotland, làm 270 người Mỹ chết năm 1988, và cuộc tấn công nhằm vào thư viện ở Berlin, Đức, có tên “La Belle”, năm 1986, nơi lính Mỹ thường xuyên tới đọc sách. Vụ đánh bom tại thư viện này đã làm 3 người chết và  260 người bị thương, một số tật nguyền suốt đời.

Tripoli đã thừa nhận trách nhiệm trong vụ tấn công Lockerbie và cũng đã ký một thỏa thuận với London và Washington, theo đó Libya sẽ bồi thường cho nạn nhân của hai vụ tấn công trên tổng số tiền là 2,7 tỉ USD, tương đương mỗi gia đình nạn nhân nhận được 10 triệu USD.

Tháng 1/2008, luật pháp Mỹ cũng đã yêu cầu Libya phải trả trên 6 tỉ USD để bồi thường thiệt hại cho gia đình của 7 người Mỹ bị giết hại trong cuộc tấn công của Libya nhằm vào chiếc máy bay mã hiệu DC-10 của Hãng Hàng không UTA của Pháp làm 170 người chết trên bầu trời Niger, ngày 19/9/1989.

Năm 1999, sau 10 năm tiến hành điều tra, một tòa án của Pháp đã xét xử vắng mặt và tuyên án tù chung thân 6 người Libya trong đó có Abdallah Senoussi, anh em họ của nhà lãnh đạo Libya Mouammar Kadhafi. Tripoli luôn phủ nhận trách nhiệm về vụ việc này nhưng đến năm 2004, Libya lại chấp thuận chi 170 USD bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Trong một thông điệp phát đi hôm 11/8 vừa qua tới nhà lãnh đạo Libya, Mouammar Kadhafi, Tổng thống Mỹ Bush cho biết rất mong muốn và hài lòng về sự cải thiện quan hệ hiện nay giữa hai nước khẳng định hy vọng tiếp tục hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác.

Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Libya bị cắt đứt từ năm 1981 sau khi sứ quán tại đây bị tấn công 2 lần. Mối quan hệ giữa 2 nước trở nên tồi tệ và lên đến đỉnh điểm vào năm 1986 khi Mỹ tiến hành không kích Tripoli và Benghazi. Hai năm sau đó, vụ máy bay chở khách của Mỹ bị đánh bom trên bầu trời Lockerbie, Scotland, chỉ là giọt nước tràn ly. Năm 2001, một công dân Libya đã bị kết tội gây ra vụ này. Để trừng phạt Libya, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận đối với quốc gia Bắc Phi này. Một trong những điểm quan trọng của lệnh cấm vận là phong tỏa mọi hoạt động xuất khẩu vũ khí của Libya cũng như tất cả nguồn viện trợ kinh tế của Mỹ đối với nước này.

Sau hơn 2 thập niên căng thẳng, mối quan hệ Mỹ - Libya bắt đầu nồng ấm trở lại vào tháng 12/2003 khi Tripoli tuyên bố từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân, sinh hóa và cho phép thanh sát viên vũ khí quốc tế đến làm nhiệm vụ. Ngày 23/4/2004, Mỹ quyết định nới lỏng cấm vận, cho phép các công ty Mỹ được mua dầu và được đầu tư vào Libya.

Năm 2006, Libya được Mỹ rút ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố và hai nước chính thức thiết lập đại sứ quán.  Quyết định của chính quyền Mỹ trong việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Libya được cả hai bên nhiệt tình hoan nghênh, bởi rõ ràng nó phù hợp với lợi ích của cả hai bên.

Giới quan sát cho rằng việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Libya là sự kết hợp tự nhiên giữa một chính quyền Mỹ đang thiếu bạn và thiếu dầu với một chính phủ Libya đang cần mở cửa nền kinh tế ra thế giới bên ngoài

Nguyễn Bảo (Tổng hợp)
.
.