Bắc Ailen: Thỏa thuận đáng nhớ trị giá 3 tỉ USD

Thứ Ba, 06/01/2015, 20:30
Đàm phán về các vấn đề gút mắc giữa các bên chia sẻ quyền lực ở Bắc Ailen tưởng chừng bế tắc không tìm ra lối thoát thì các bên bất ngờ đạt được thỏa thuận với sự trợ giúp về tài chính của Chính phủ Anh trị giá 2 tỉ bảng Anh, tương đương 3,11 tỉ USD. Chính phủ chia sẻ quyền lực Bắc Ailen tạm thời vượt qua cơn khó khăn, hoạt động trở lại.

Thỏa thuận “đáng nhớ” đã được Quốc hội Bắc Ailen thông báo vào hôm 23/12 vừa qua. Cuộc đàm phán thành công được tiến hành trong suốt 11 tuần lễ qua với sự trung gian của chính phủ hai nước Anh và Ailen.

Nội dung thỏa thuận là giải quyết một số vấn đề tranh chấp, vướng mắc làm tê liệt chính phủ chia sẻ quyền lực. Các vấn đề gút mắc khó giải quyết bao gồm vấn đề về ngân sách, cải cách chính sách phúc lợi xã hội và thiết lập các cơ cấu mới để xử lý hậu quả của những vụ giết người trong giai đoạn bất ổn suốt mấy chục năm qua.

Nhưng vấn đề treo cờ và các cuộc tuần hành gây tranh cãi thì gác lại, không đả động đến, thay vào đó là việc thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra từng vấn đề cụ thể ở địa phương, chẳng hạn như một cuộc tuần hành ở Bắc Belfast dẫn đến xung đột chia rẽ giáo phái.

Theo thỏa thuận, Chính phủ chia sẻ quyền lực Bắc Ailen sẽ được nhận 2 tỉ bảng Anh để tạm “gối đầu” xử lý các tác động của cải cách và cắt giảm phúc lợi trong 10 năm tới, trong đó dành ra hàng chục triệu bảng để dùng vào chương trình giáo dục hội nhập, xây dựng môi trường giáo dục chung cho con em thuộc tất cả các phái.

Ngoài ra, một khoản tiền bổ sung cũng được dùng để tạo ngân quỹ cho một cơ chế thực hiện công tác điều tra hậu quả của thời kỳ bất ổn (Troubles), việc điều trị cho các nạn nhân các vụ xung đột và hàng ngàn tội phạm chưa xử lý từ năm 1969 trở về sau. Bắc Ailen cũng sẽ được phép thiết lập chế độ thuế riêng – gần bằng mức 12,5% của Cộng hòa Ailen.

Bộ trưởng Peter Robinson phát biểu tại Stormont, Quốc hội Bắc Ailen.

Nỗ lực thúc đẩy các bên ở Bắc Ailen đi đến thỏa thuận chia sẻ quyền lực đã được chính quyền hai nước Anh và Ailen thực hiện từ nhiều tháng qua. Thượng tuần tháng 12/2014, trong nỗ lực cuối cùng nhằm thúc đẩy thành lập Chính phủ chia sẻ quyền lực tại Bắc Ailen, Thủ tướng Anh David Cameron đã bay đến Belfast gặp gỡ các bên đàm phán, nhưng chuyến đi đã không mang lại kết quả như mong muốn vì ông Cameron đã không đủ linh hoạt để có thể thuyết phục các bên Bắc Ailen nghe theo.

Chính phủ chia sẻ quyền lực Bắc Ailen suýt chút tan vỡ khi 2 phái lớn nhất là Sinn Fein và đảng Dân chủ Liên minh (DUP) tranh cãi nhau quyết liệt về các cải cách phúc lợi, trong đó Sinn Fein phản đối cải cách, còn DUP thì muốn xúc tiến mạnh cải cách.

Bế tắc khiến cho ngân sách mới không thể  thông qua được, vì thế DUP đã dọa sẽ “kéo đổ” chính phủ chia sẻ quyền lực. Lời đe dọa đó khiến bầu không khí hòa bình tại Bắc Ailen trở nên ảm đạm hơn, và nguy cơ tái bầu cử, hoặc sẽ lại rơi vào bạo loạn bất ổn lởn vởn khắp nơi. Cho đến khi các quan chức Chính phủ Cộng hòa Ailen –  Ngoại trưởng Charlie Flanagan và Bộ trưởng Bắc Ailen Theresa Villiers đến Belfast để chủ trì cuộc đàm phán, cuối cùng thì mọi chuyện đã được tháo gỡ, với các khoản tài chính hỗ trợ từ hai chính phủ Anh và Cộng hòa Ailen.

Tòa nhà Quốc hội Bắc Ailen.

Như vậy, tạm thời Chính phủ Bắc Ailen thoát khỏi nguy cơ tan vỡ và sẽ trở lại hoạt động bình thường sau nhiều tuần tê liệt. Kết quả này không chỉ làm vui lòng các lãnh đạo Anh và Ailen. Tổng thống Mỹ Barack Obama dù đang trong chuyến nghỉ lễ tại Hawaii cũng gửi lời chúc mừng đến Bắc Ailen và bày tỏ hy vọng Belfast sẽ giải quyết được các vấn đề trong quá khứ còn tồn đọng.

Nền hòa bình và cơ chế chia sẻ quyền lực ở Bắc Ailen có được là nhờ một phần nỗ lực của các đời tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton cho đến George W. Bush, cùng với các nỗ lực xúc tác của hai chính phủ Anh và Cộng hòa Ailen, các nỗ lực nội tại của các bên liên quan, trong đó lãnh đạo đảng Liên minh Ulster (UUP) David Trimble đã đi vào lịch sử như là người có công đầu trong các cuộc đàm phán dẫn đến ký kết thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành (Good Friday Agreement), chấm dứt hơn 30 năm bạo lực thù hằn giáo phái ở Bắc Ailen.

Sau đó, khi các xung đột giáo phái tái diễn đe dọa thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành, ông Trimble một lần nữa lại góp công đàm phán giải giáp lực lượng quân sự Quân đội Cộng hòa Ailen (IRA) để hòa bình thực sự tồn tại ở Ailen.

Trong giai đoạn bất ổn tại Bắc Ailen, nước Anh với tư cách là Vương quốc bao trùm cả Bắc Ailen nên cũng bị ảnh hưởng. Hàng loạt vụ tấn công chết người xảy ra ở London trong giai đoạn đó và cả sau khi thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành được ký kết đã phản ánh mối liên hệ sống còn giữa nền hòa bình ở Bắc Ailen với an ninh ổn định ở Anh. Đó là lý do để Chính phủ Anh quyết tâm thúc đẩy và duy trì hòa bình tại Bắc Ailen, bất cứ mối đe dọa nào đối với nền hòa bình đó cũng đều được London quan tâm giải quyết.

Thủ tướng Anh David Cameron (phải) và Thủ tướng Cộng hòa Ailen Enda Kenny, trung gian hòa giải cho đàm phán tại Bắc Ailen.

Mặc dù tạo được không khí hân hoan chung, nhưng thỏa thuận đạt được vẫn còn một số vấn đề chưa giải quyết rốt ráo, chẳng hạn như một số vụ giết người nghiêm trọng trong giai đoạn bất ổn chưa được đề cập, rồi vấn đề cuộc tuần hành hằng năm của giáo phái Dòng Cam trên phố Crumlin ở Belfast bị cấm cũng chưa được giải quyết.

Từ tháng 7/2013, người của Dòng Cam đã cắm trại trên đường phố Belfast để phản đối lệnh cấm này, châm ngòi cho một cuộc bạo loạn nhiều ngày. Vì thế, giới bình luận nhận định, dứt khoát vấn đề Dòng Cam phải được giải quyết nếu muốn có hòa bình lâu dài ở Bắc Ailen.

An Châu (tổng hợp)
.
.