Thỏa thuận hạt nhân Iran trước nguy cơ đổ vỡ

Thứ Tư, 21/03/2018, 17:26
Nếu như trước đây Mỹ không thể cùng lúc làm căng trên 2 hồ sơ hạt nhân là Triều Tiên và Iran thì nay quan hệ với Bình Nhưỡng đang dịu xuống. Giờ là lúc Washington muốn chứng tỏ sức mạng và tạo nên áp lực với Tehran.

Xé bỏ thỏa thuận là ý đồ của phía Mỹ?

Từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã muốn xé bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa chính quyền tiền nhiệm với Iran về chương trình hạt nhân của nước này vì cho rằng đây là thỏa thuận bất lợi cho nước Mỹ. Nhưng ngoài những tuyên bố hùng hồn cáo buộc Iran thử tên lửa, yêu cầu trừng phạt Tehran, ông Trump chưa thể đụng đến thỏa thuận này vì 2 lý do, thứ nhất là sự bất tuân của Liên minh châu Âu trong vấn đề này và thứ hai cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên khi ấy đang ở cao trào. Nay cả hai trở ngại trên đều đang có xu hướng biến mất nên giờ là lúc ông Trump muốn lên mặt với Iran.

Đầu tháng này, Triều Tiên thông qua Hàn Quốc “bắn tiếng” muốn đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của mình. Đây được xem là một sự nhượng bộ lớn của Bình Nhưỡng. Chính quyền Donald Trump tỏ vẻ cũng muốn đàm phán.

Trong khi đó, theo một tài liệu mật được hãng tin AFP công bố ngày 16-3-2018, Anh, Pháp và Đức đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) đối với Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và vai trò của nước này trong cuộc chiến ở Syria.

Theo AFP, đây là nỗ lực nhằm thuyết phục Washington bảo lưu Thỏa thuận hạt nhân Iran. Mặc dù còn cần nhận được sự đồng thuận của toàn bộ 28 chính phủ thành viên EU, gói biện pháp trừng phạt của châu Âu với Iran là một phần trong chiến lược của EU nhằm cứu vãn thỏa thuận trên, vốn nhằm kiềm chế năng lực của Tehran trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, cụ thể là cho Tổng thống Mỹ Donald Trump thấy rằng có những cách khác để đối phó tầm ảnh hưởng của Iran ở nước ngoài.

Việc công bố tài liệu trên diễn ra trong bối cảnh ông Brian Hook, cố vấn phụ trách chiến lược của Ngoại trưởng Mỹ và các quan chức cao cấp Anh, Pháp, Đức, đã họp tại Vienna, Áo, ngày 16-3, thảo luận một số điểm bổ sung vào hiệp định đã được ký với Iran năm 2015, liên quan đến các chương trình tên lửa đạn đạo của Teheran và những hoạt động của Iran tại Trung Đông.

Tổng thống Donald Trump dọa sẽ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào ngày 12-5-2018.

Theo đặc sứ Mỹ, các cuộc thảo luận đã diễn ra “tốt đẹp”. Washington và các đồng minh châu Âu tìm cách bổ sung hiệp định hạt nhân Iran với hy vọng cứu vãn thỏa thuận này.

Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa đơn phương rút khỏi hiệp định và đưa ra thời hạn là đến 12-5-2018, để các bên liên quan khắc phục các “thiếu sót khủng khiếp” như đã cho phép Iran tiếp tục làm giàu uranium đến 2026, không đề cập đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, không nói rõ các hoạt động thanh tra của Liên Hiệp Quốc.

Ngày 18-3, hãng Reuters đưa tin, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhận định rằng Tổng thống Trump sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5 tới.

Phát biểu trong chương trình Face the Nation của kênh truyền hình CBS, Thượng nghị sỹ Corker nêu rõ: "Thỏa thuận (hạt nhân) Iran sẽ là một vấn đề khác được nêu ra vào tháng 5 tới và hiện tại, không có vẻ gì là thỏa thuận sẽ được gia hạn".

Phản ứng mạnh mẽ từ Iran

Tiếp ngoại trưởng Oman tại Teheran ngày 17-3, Đô đốc Ali Shamkhani, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran, tuyên bố: “Không chấp nhận bất kỳ thay đổi, diễn giải nào hoặc bất kỳ biện pháp mới nào” có thể hạn chế phạm vi thực thi hiệp định hạt nhân đã được ký năm 2015.

Hãng thông tấn Iran Isna được AFP trích dẫn cho biết Đô đốc Shamkhani khẳng định: “Chương trình đạn đạo của Cộng hòa Hồi giáo Iran, có tính chất phòng thủ, nhất thiết được tiếp tục thực hiện”. Ngoài ra, ông Shamkhani cũng cảnh báo các nước châu Âu "tránh để bị lôi kéo vào cuộc chơi cùng Mỹ”.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi đã cảnh báo EU rằng việc đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran để nhượng bộ chính quyền Washington sẽ là một “sai lầm lớn”. Theo ông Araqchi, động thái này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và nhóm P5+1.

Ông Araqchi khẳng định nếu các nước châu Âu theo đuổi những biện pháp trừng phạt không liên quan đến vấn đề hạt nhân nhằm vào Iran để làm hài lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump, họ sẽ phạm phải một sai lầm lớn và phải lãnh hậu quả trực tiếp. Những đòn trả đũa của Iran với các nước thù địch trong quá khứ, trong đó có Mỹ, chưa bao giờ phải khiến người ta nghi ngờ. Cho nên theo giới quan sát, nếu thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 bị “xé nát” quan hệ giữa Tehran và phương Tây sẽ còn tồi tệ hơn thời kỳ ông Mahmoud Ahmadinejad theo đường lối bảo thủ làm Tổng thống Iran (2005-2013).

Năm 2015, Iran ký thỏa thuận hạt nhân với chính quyền tiền nhiệm của ông Trump cùng Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức để đổi lại các lệnh cấm vận sẽ chấm dứt và nước này đang thực hiện. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Iran không tuân thủ cam kết cắt giảm chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo giới quan sát quốc tế, đúng là ông Trump từng dọa “xé nát” cam kết của chính quyền Obama nhưng hiện không có bằng chứng gì. Hơn nữa đây không phải là thỏa thuận song phương giữa Mỹ với Iran mà là một thỏa thuận đa phương. Hậu thuẫn cho Thỏa thuận hạt nhân Iran hiện nay, ngoài Nga còn có Trung Quốc, mặc dù EU nói chung nay đã ngả về phía Mỹ. Hơn nữa, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và Bộ Ngoại giao Mỹ đều xác nhận Tehran đang nghiêm túc thực hiện cam kết. Đa phần dư luận Mỹ lẫn trên thế giới đều ủng hộ thỏa thuận này.

Câu hỏi gây tò mò cho giới chuyên gia hiện nay là Mỹ và phương Tây sẽ kiếm cớ gì để xé bỏ thỏa thuận mà họ đã ký với Iran năm 2015.

M.T. (tổng hợp)
.
.