Thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran: Liệu có kết thúc đúng thời hạn chót?

Thứ Sáu, 05/06/2015, 15:10
Một thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran đang nằm trong tầm tay, song cho đến thời điểm trước thời hạn chót (30/6), các bên chưa tận dụng triệt để cơ hội hiếm hoi để giải quyết thách thức an ninh kéo dài suốt 12 năm qua.

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 27/5 vừa qua vẫn tồn tại khá nhiều khác biệt. Vậy động cơ thực sự của Washington liên quan đến thỏa thuận này là gì, và chính quyền Obama mong mỏi điều gì hay lo ngại phải trả giá đến đâu mà vẫn "chưa dám" kết thúc tiến trình đàm phán kéo dài nhiều năm qua?

Các điều khoản quan trọng cản trở thỏa thuận

Theo văn bản ký kết, thỏa thuận khung sẽ kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran ít nhất là trong 10 năm để xoa dịu nỗi lo ngại của phương Tây và Israel về khả năng sở hữu bom hạt nhân của Iran. Đổi lại, khi ký được thỏa thuận cuối cùng, tạm thời được ấn định vào cuối tháng 6/2015, thì các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Quốc, Mỹ và châu Âu liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran sẽ dần dần được dỡ bỏ phụ thuộc vào tiến trình thực hiện cam kết của Iran.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr vùng tây nam Iran.

Ngoài thời hạn trên, thỏa thuận khung còn quy định các giới hạn ràng buộc đối với việc làm giàu urani của Iran, theo đó Iran sẽ phải ngừng vận hành hơn 2/3 máy ly tâm có thể sản xuất được urani làm giàu đến mức độ cao để có thể sử dụng vào việc chế tạo bom hạt nhân, Tehran phải chấp thuận giảm số máy ly tâm của mình từ 19.000 xuống còn 6.104 máy và chỉ được sử dụng 5.060 máy trong 10 năm và trong suốt thời gian đó Iran sẽ chỉ được phép vận hành những máy ly tâm thế hệ đầu.

Một số trong các vấn đề quan trọng nhất gây ra bất đồng giữa hai bên là buộc Iran chấp thuận hạn chế nghiên cứu và phát triển hạt nhân liên quan đến việc làm giàu urani tại cơ sở Fordo trong vòng 15 năm, đồng thời dỡ bỏ các máy ly tâm thế hệ thứ hai hiện đang được lắp đặt tại cơ sở Natanz với số lượng là 1.000 máy.

Iran sẽ đưa vào lưu giữ ở kho và đặt dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong 10 năm, không làm giàu urani vượt quá 3,67% ít nhất trong 15 năm, giảm kho nhiên liệu làm giàu của mình từ 10 tấn xuống còn 300kg, với tỉ lệ 3,67% trong 15 năm,  chấp nhận không xây thêm bất kỳ nhà máy mới để làm giàu urani trong 15 năm và hơn cả là công việc thanh tra gắt gao đối với các chuỗi cung ứng urani tại Iran sẽ kéo dài trong vòng 25 năm. Và mặc dù nói rằng muốn Iran đồng ý xây dựng lại lò phản ứng nước nặng tại Ankar, và  không được sản xuất plutoni mà có thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trong khi Mỹ luôn tuyên bố nếu Iran không tôn trọng các điều khoản thỏa thuận thì Mỹ và châu Âu sẽ nhanh chóng áp đặt lại các lệnh trừng phạt, song báo cáo của Washington chưa xác định cụ thể những gì liên quan đến các hình phạt của Liên Hiệp quốc. Có lẽ điều này là những trở ngại chính trong tiến trình thương lượng kéo dài nhiều năm qua.

Nhượng bộ từ hai phía

Không thể phủ nhận sự nhượng bộ từ cả hai phía. Các điều khoản trước kia cho thấy Iran đã có những nhượng bộ lớn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cắt giảm các máy ly tâm đang hoạt động, chấp nhận những ràng buộc về thời gian liên quan đến việc phát triển chương trình và khả năng hạt nhân. Hơn nữa, Iran còn chấp nhận chịu sự giám sát chặt chẽ của Liên Hiệp Quốc đối với các cơ sở hạt nhân hiện nay và tạo điều kiện để cộng đồng quốc tế có thể được cảnh báo trước ít nhất một năm nếu Iran sẵn sàng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Chính quyền Obama cũng có bước "thiện chí" rõ ràng về những điều kiện cơ bản mà chính Tổng thống Mỹ đã đưa ra vào năm 2012. Khi đó ông nói rằng: "Thỏa thuận mà chúng ta đạt được với Iran phải bao gồm việc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân của họ". Tuy nhiên, thỏa thuận khung không đề cập đến việc tháo dỡ dù chỉ một cơ sở hạt nhân, kể cả cơ sở Fordo. Điều này có nghĩa là Iran sẽ giữ lại cơ sở hạ tầng hạt nhân mà có thể lập tức chuyển thành sức mạnh hạt nhân sau ít nhất 10 năm, khi hết thời hạn những ràng buộc áp đặt lên chương trình hạt nhân của họ.

Hơn nữa, chính quyền Obama đã đồng ý cắt giảm các kho nhiên liệu urani được làm giàu của Iran, chứ không phải yêu cầu chuyển chúng ra nước ngoài và coi đây như điều kiện tiên quyết để tiếp tục đàm phán.

Mặc dù Tổng thống Obama miêu tả đây là một thỏa thuận tốt, song giới phân tích cho rằng vẫn có nhiều chi tiết mập mờ, như các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu sẽ dỡ bỏ sau khi các thanh sát viên quốc tế khẳng định rằng Iran tuân thủ tất cả các điều kiện liên quan đến hạt nhân, nhưng thỏa thuận lại không làm rõ về những điều kiện này và cách thức mà có thể kiểm tra xem Iran có tuân thủ thật hay không. Có lẽ hai bên vẫn đang lợi dụng những "khe hở" để trả miếng nhau khi một trong các bên rơi vào hoàn cảnh yếu thế.

Thành quả mong đợi

Mặc dù còn tồn tại nhiều bất đồng và việc một thỏa thuận toàn diện có thể hoàn thành đúng thời hạn chót là điều hết sức khó khăn, song không thể phủ nhận những thành quả quan trọng mà thỏa thuận này đem lại cho chính quyền Obama nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ. Đó là Mỹ kiềm chế hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran mà không lâm vào cuộc chiến mới với chi phí tốn kém tại Trung Đông và làm chậm thời gian mà Iran có thể chế tạo bom hạt nhân; Thỏa thuận sẽ buộc các cơ sở hạt nhân của Iran tuân thủ một chương trình giám sát nghiêm ngặt chưa từng có.

Theo ông Obama, nếu Iran có mưu toan lừa gạt thì Mỹ có đầy đủ sức mạnh để ngăn chặn. Hơn nữa, chương trình giám sát nghiêm ngặt của quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Iran sẽ tạo điều kiện để cộng đồng quốc tế có thể cảnh báo sớm ít nhất một năm trước khi Iran chế tạo thành công vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, chính quyền Obama cũng mong muốn nếu có một thỏa thuận với Iran mà bao gồm cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này, thỏa thuận đó sẽ biến Iran trở thành một lực lượng mang tính xây dựng tại Trung Đông, yếu tố khiến Mỹ giảm bớt căng thẳng để tập trung vào vấn đề của những kẻ cực đoan, đó là IS -  một tổ chức đang muốn đốt cháy hoàn toàn khu vực.

Nỗi lo sợ và cái giá phải trả

Có lẽ điều Mỹ lo sợ nhất liên quan đến thỏa thuận này là Iran sẽ lợi dụng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế để chế tạo vũ khí hạt nhân bí mật tại các cơ sở trá hình; Iran sẽ sử dụng những khoản tài chính do bỏ cấm vận để tăng cường vị thế của mình tại khu vực bằng việc bảo trợ "khủng bố", cũng như ủng hộ các đại diện của mình tại Iraq, Yemen, Syria và Liban. Đồng thời gây bất ổn tại Trung Đông, đe dọa các đồng minh của Mỹ, như là Israel; Đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran nhưng vẫn duy trì cơ sở hạ tầng hạt nhân sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực, nhất là Arập Xêút, nước này coi Iran là đối thủ trong khu vực, là mối đe dọa đến sự tồn vong của mình.

Người ta có thể tán đồng với cách tiếp cận của chính quyền Obama, vì thực tế Iran đã thành công trong việc vượt qua các biện pháp trừng phạt quốc tế và phát triển chương trình hạt nhân tới mức làm các cường quốc hạt nhân khó có thể bỏ qua.

Cách tiếp cận của Mỹ đối với Iran từ năm 1979 với đặc trưng là ứng xử với Iran trên cơ sở thù địch, ra sức kiềm chế và thay đổi chính quyền nước này. Đồng thời, Mỹ coi Iran là xương sống trong "trục ma quỷ". Mỹ xem Iran là một thách thức đối với vai trò lãnh đạo của họ tại khu vực. Vì vậy, khi nỗ lực kiềm chế Iran bất thành, chính quyền Bush đã xung đột với Iran với cái cớ là chương trình hạt nhân, gia tăng trừng phạt khắc nghiệt đối với nước này. Cuối cùng, Mỹ vẫn không cầm chân được chương trình hạt nhân của Iran.

Vì thế có thể khẳng định rằng thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran nếu đạt được có thể giải quyết nhiều vấn đề gai góc, không chỉ liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, mà còn nhiều vấn đề quốc tế.

Trong 12 năm qua, rõ ràng các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Tehran đã không đem đến bất cứ một kết quả tích cực nào, ngược lại còn đẩy nhiều người dân Iran vào cảnh khốn khó, đồng thời càng khiến cho hồ sơ hạt nhân của Iran dày thêm. Quá trình đàm phán giữa Iran với P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức) không chỉ giúp giải quyết sự bế tắc này mà còn là bài học hữu ích có thể áp dụng cho rất nhiều vấn đề nan giải đang tồn đọng tại Trung Đông, điển hình nhất là xung đột Israel  - Palestine hay cuộc nội chiến tại Syria.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.