Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban nguy cơ tan vỡ

Thứ Ba, 19/05/2020, 10:45
Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban nhằm duy trì hòa bình tại Afghanistan đang gặp thêm trục trặc sau khi chính quyền Kabul tuyên bố sẽ triển khai trở lại các chiến dịch quân sự chống lực lượng Taliban sau một loạt vụ tấn công khủng bố mới đây.

Thông báo tái khởi động các chiến dịch quân sự được Tổng thống Ashraf Ghani đưa ra trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 12-5 nhằm phản ứng lại loạt vụ tấn công khủng bố, trong đó có vụ tấn công vào một bệnh viện phụ sản ở thủ đô Kabul khiến ít nhất 13 người chết, trong đó có 2 trẻ sơ sinh. Trước đó, cũng trong ngày 12-5, một vụ tấn công khác nhắm vào một đám tang ở tỉnh Nangarhar làm hàng chục người chết. Tổng thống Ghani đã kịch liệt lên án hai vụ tấn công này.

Mặc dù lực lượng Taliban đã lên tiếng chối bỏ trách nhiệm hai vụ tấn công nói trên nhưng dư luận Afghanistan và đồng minh Mỹ đều không tin rằng còn có lực lượng nào khác nhúng tay vào.

Là một phần trong thỏa thuận Mỹ-Taliban, chính quyền Afghanistan mặc dù không phải là một bên trong thỏa thuận nhưng cũng đồng ý dừng các chiến dịch quân sự nhắm vào quân Taliban, đồng thời bày tỏ thiện chí tham gia thực thi ngừng bắn.

Binh sĩ Afghanistan bế một bé sơ sinh sơ tán khỏi bệnh viện phụ sản bị tấn công.

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Ghani nhắc lại rằng Taliban đã hết lần này đến lần khác từ chối thiện chí ngừng bắn của ông. Ông cho rằng, ngừng bắn không có nghĩa là yếu đuối, là chấp nhận đầu hàng. “Tôi một lần nữa kêu gọi họ hãy nắm lấy hòa bình. Đây không chỉ là yêu cầu của chính phủ mà của các quốc gia và cộng đồng quốc tế” - ông Ghani nhấn mạnh.

Ngay trong ngày 12-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến công du Israel, đã lên án các vụ tấn công dã man và kêu gọi cả hai bên Chính phủ Afghanistan và Taliban phải hợp tác với nhau để tìm kiếm hung thủ gây ra các vụ tấn công để cho “công lý được thực thi”. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc thì không “ngoại giao” như thế mà khẳng định rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các cuộc oanh kích “phòng thủ” để hỗ trợ Lực lượng Quốc phòng và An ninh quốc gia Afghanistan (ANDSF).

Thỏa thuận hòa bình có điều kiện giữa Mỹ và Taliban được ký kết vào ngày 29-2-2020 tại Doha, Qatar. Các điều khoản thỏa thuận bao gồm việc rút hết quân đội Mỹ và NATO ra khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng nếu Taliban thực hiện cam kết cắt giảm các cuộc tấn công và bảo đảm thực thi thỏa thuận, cam kết ngăn chặn Al-Qaeda hoạt động trở lại tại các vùng đất do Taliban kiểm soát.

Mỹ cũng đồng ý đóng cửa 5 căn cứ quân sự tại Afghanistan trong vòng 135 ngày và cam kết chấm dứt trừng phạt kinh tế Taliban trước ngày 27-8. Song song đó, các vòng đàm phán hòa giải dân tộc giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan dự kiến bắt đầu vào ngày 10-3. Để thuận tiện cho việc thực thi thỏa thuận, Mỹ và Taliban cùng kêu gọi việc trao đổi tù nhân giữa hai bên trước ngày 10-3.

Ngày 1-3, Chính phủ Afghanistan lên tiếng phản đối việc trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Taliban. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các kế hoạch đàm phán và trao đổi tù nhân đã không được thực hiện như dự kiến.

Trong khi đó, phát biểu của Lầu Năm Góc cho thấy việc thực thi thỏa thuận đã ký giữa Mỹ và Taliban không hề dễ dàng như mong muốn. Bất chấp đại dịch COVID-19, trong vài tuần lễ sau khi thỏa thuận đã ký kết, Taliban không những không chấm dứt bạo lực mà ngày càng tăng cường các cuộc tấn công nhắm vào binh sĩ và cảnh sát Afghanistan, số thương vong dân thường do lực lượng này gây ra cũng gia tăng theo. Người ta thống kê được trong 45 ngày sau khi ký thỏa thuận, Taliban đã thực hiện 4.500 vụ tấn công, tương đương 100 vụ/ngày.

Phía Mỹ, một quan chức quốc phòng cho CNN lực lượng Mỹ tại Afghanistan cũng tiến hành gần 100 vụ oanh kích “phòng thủ” chỉ trong tháng 3. Mỹ có nhiều chọn lựa để hỗ trợ Chính phủ Afghanistan như chia sẻ thông tin tình báo, chỉ điểm lực lượng Taliban để quân đội Afghanistan không kích,... nhưng việc Mỹ trực tiếp thực hiện các vụ tấn công là hành động cho thấy thỏa thuận hòa bình đổ vỡ là hoàn toàn có thể. Như câu chữ đã ghi trong thỏa thuận, Mỹ và NATO chỉ rút hết quân chừng nào Taliban bảo đảm thực thi thỏa thuận, chấp nhận ngừng bắn.

Các điều kiện thỏa thuận cũng ghi rõ, cả hai bên phải cắt giảm đến 80% các vụ tấn công nhắm vào nhau. Ngày 2-5, chỉ huy quân Mỹ tại Afghanistan, tướng Scott Miller đã lên tiếng cảnh báo Taliban cần phải giảm ngay số vụ tấn công theo tỉ lệ đã ghi trong thỏa thuận, nếu không sẽ phải đón nhận sự đáp trả tương ứng từ phía Mỹ.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc yêu cầu Taliban cắt giảm bạo lực thôi cũng đã rất khó, nói gì đến chấm dứt hoàn toàn. Con số 4.500 vụ tấn công sau 45 ngày thỏa thuận cho thấy mức tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chủ yếu là các vụ đánh bom nhỏ, xảy ra tại các vùng nông thôn. Hơn nữa, việc đưa ra tỉ lệ cắt giảm 80% số vụ tấn công cũng là điều bất đắc dĩ bởi không thể đặt ra yêu cầu chấm dứt bạo lực hoàn toàn trên đất Afghanistan đối với Taliban.

Các chuyên gia cho rằng, việc Taliban giảm số vụ tấn công vào các đô thị, khu vực dành cho người nước ngoài có thể xem là một tiến bộ quan trọng từ phía lực lượng Taliban. Mặt khác, Taliban cũng cáo buộc Mỹ không thực hiện đầy đủ một số cam kết trong thỏa thuận, như việc thả 5.000 tù nhân Taliban bị giam giữ trong các nhà tù của Chính phủ Afghanistan. Mỹ cho rằng việc này do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng có vẻ lời giải thích này không đủ sức thuyết phục đối với Taliban.

Văn Trương (Tổng hợp)
.
.