Thỏa thuận lịch sử và thử thách cam go

Thứ Hai, 20/07/2015, 20:45
Thỏa thuận lịch sử - ngôn từ được lãnh đạo Mỹ và Iran dùng để nói đến thỏa thuận hạt nhân toàn diện đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 tại Vienna, thủ đô Áo vào sáng ngày 14/7. Một thỏa thuận được mong đợi từ rất lâu, trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách trong đàm phán, có được nhờ niềm tin tưởng của các bên đàm phán, và đã mở ra niềm hy vọng mới cho người dân Iran.

Kết quả của 20 tháng đàm phán

Thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký kết giữa Iran với nhóm P5+1 là kết quả mang tính lịch sử sau nhiều năm đàm phán cam go. Thỏa thuận dày 109 trang giấy bao gồm 9 điểm quan trọng và 5 phụ lục. Về cơ bản, Mỹ có quyền đưa ra các hạn chế và có thể mở rộng mức độ hạn chế đối với việc Iran sở hữu nhiên liệu hạt nhân.

Thỏa thuận đặt ra khoảng thời gian 15 năm Iran phải chịu sự hạn chế nghiêm ngặt trong việc nghiên cứu và phát triển nhiên liệu hạt nhân. Trong 15 năm đó, Iran không được làm giàu uranium quá 3,67%. Sau thời hạn 15 năm, Iran sẽ được quyền sản xuất bao nhiêu nhiên liệu hạt nhân cũng được, đồng thời được phép nghiên cứu các máy ly tâm tiên tiến sau năm thứ 8. Hơn nữa, Iran cũng sẽ được gỡ bỏ cấm vận xuất nhập khẩu vũ khí quy ước và các tên lửa đạn đạo.

Giới chức Mỹ cho biết, cốt lõi của thỏa thuận nằm ở các điều khoản hạn chế lượng nhiên liệu hạt nhân mà Iran có thể nắm giữ trong giai đoạn 15 năm đầu thực thi thỏa thuận. Kho uranium làm giàu thấp (LEU) hiện tại của Iran sẽ phải cắt giảm đến 98%, tức từ mức 7.500 kg xuống còn khoảng 300 kg, chủ yếu là vận chuyển sang Nga lưu giữ.

Bên cạnh đó, Iran cũng sẽ phải cắt giảm 2/3 số máy ly tâm, từ 19.000 máy hiện nay xuống còn 6.104 máy, trong đó chỉ có khoảng 5.000 máy thực sự làm giàu uranium. Sau 10 năm đầu thực thi, Iran không được nâng cấp ngay năng lực làm giàu uranium, không được nghiên cứu, thử nghiệm các máy ly tâm tiên tiến mà phải tuân theo một lộ trình từng bước.

Nhà máy làm giàu uranium ở Fordow phải cắt giảm ngay 2/3 số máy ly tâm, số còn lại cũng không được phép làm giàu uranium trong suốt khoảng thời gian 15 năm. Còn nhà máy nước nặng ở Arak thì buộc phải gỡ bỏ lõi của lò phản ứng, trám bê-tông vào. Lò phản ứng sẽ được thiết kế lại để hạn chế tối đa năng lực sản xuất plutonium, và toàn bộ nhiên liệu đã sử dụng phải được vận chuyển ra khỏi đất nước. Iran sẽ không được phép nghiên cứu hay xây dựng thêm nhà máy tái chế nào khác.

Để bảo đảm thực thi đúng theo những quy định đã thỏa thuận, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ thực hiện một chế độ thanh, kiểm tra định kỳ, và Iran sẽ phải cho phép cơ quan này tiếp cận đầy đủ các địa điểm hạt nhân đã công bố, với công nghệ thanh tra cao cấp hơn hiện nay. Thanh tra viên cũng sẽ được phép tiếp cận các địa điểm không công bố mà họ nghi là có hoạt động nghiên cứu hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry giơ cao bản thỏa thuận JCPOA tại cuộc họp báo sau khi thỏa thuận được ký kết.

Một hội đồng đa phương gồm 8 thành viên thuộc các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Iran sẽ xem xét và bỏ phiếu theo đa số để quyết định Iran có vi phạm các quy định trong thỏa thuận JCPOA hay không. Ngoài ra, Iran cũng đồng ý một lộ trình cho phép các thanh tra viên IAEA tiếp cận thanh tra các cơ sở và cá nhân nghi ngờ tham gia các hoạt động hạt nhân trong quá khứ, chủ yếu là trước năm 2004.

Đổi lại việc Iran tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiên cứu, làm giàu uranium, Mỹ, EU và LHQ sẽ phải dừng hoặc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như lệnh cấm vận vũ khí. EU sẽ dừng lệnh cấm vận dầu hỏa và chấm dứt trừng phạt ngân hàng, Iran sẽ được phép tham gia vào hệ thống ngân hàng điện tử toàn cầu Swift. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ ban hành lệnh dừng các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính.

Riêng vấn đề cấm vận vũ khí, Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif đã đồng ý những hạn chế về tên lửa sẽ được duy trì trong 8 năm và việc cấm mua bán vũ khí quy ước cũng sẽ tiếp tục được áp dụng thêm 5 năm. Ngoại trưởng J. Kerry khẳng định, các lệnh cấm này có thể được dỡ bỏ sớm hơn nếu báo cáo thanh tra của IAEA kết luận chương trình hạt nhân của Iran đã “hoàn toàn hòa bình”, và rằng không có bằng chứng gian dối hay che giấu vũ khí. Hội đồng Bảo an LHQ sẽ thông qua một nghị quyết mới để thay thế cho 6 nghị quyết áp đặt cấm vận Iran đã được thông qua trước đó.

Ngay sau khi thỏa thuận lịch sử được ký kết, cả nước Iran như mở hội ăn mừng. Hàng ngàn người dân Iran đổ ra đường phố reo hò, nhảy múa trong không khí tràn trề hy vọng về tương lai sáng sủa hơn sau khi các biện pháp trừng phạt kinh tế chắc chắn sẽ được gỡ bỏ. Người Iran như vỡ òa vui sướng sau nhiều năm oằn mình chịu đựng khó khăn do tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế làm giảm giá đồng rial, tăng lạm phát và khan hiếm hàng hóa. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì tiếp tục gọi thỏa thuận vừa đạt được là “một sai lầm lịch sử”.

Hòa chung luận điệu của Thủ tướng Netanyahu, các quan chức Chính phủ Israel cũng “lên án” quyết liệt thỏa thuận JCPOA. Ngoài Israel, các quốc gia khối Arập như Arập Xêút,… cũng bày tỏ lo ngại thỏa thuận JCPOA sẽ tạo điều kiện cho Iran mạnh lên, thậm chí có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.

“Di sản đối ngoại” thành công nhưng tương lai nào đón đợi?

Giới bình luận cho rằng, thỏa thuận được ký kết ngày 14/7 là kết quả của 20 tháng đàm phán dai dẳng và 17 ngày đàm phán cuối quyết liệt, căng thẳng, vượt qua thử thách đến từ “kẻ phá bĩnh” Israel và “những người bạn ở Đồi Capitol”; đồng thời là khởi đầu cho một tiến trình cam go để thỏa thuận có hiệu lực và được thực thi trong thực tế.

Trước mắt, Tổng thống Obama sẽ phải dốc toàn lực, huy động cả bộ máy trợ lý và cố vấn vào chiến dịch vận động để các nghị sĩ và công chúng Mỹ hiểu được các lợi ích và ủng hộ việc phê chuẩn thỏa thuận để thỏa thuận thành công trọn vẹn. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 15/7, Tổng thống Obama bên cạnh việc kêu gọi lưỡng viện Quốc hội ủng hộ thỏa thuận, cũng không quên đưa ra lời đe dọa “sẽ phủ quyết bất kỳ điều luật, nghị quyết nào bác bỏ hay cản trở việc phê chuẩn thỏa thuận”.

Hiện tại, Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số sẽ có 60 ngày xem xét phê chuẩn thỏa thuận. Để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống Obama, đảng Cộng hòa sẽ phải vận động thêm những nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ quan điểm chống thỏa thuận để đạt tỉ lệ 2/3 cần thiết. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá sẽ rất khó có chuyện các nghị sĩ đảng Dân chủ lại đi ủng hộ phe Cộng hòa đánh bại người của mình.

Cho dù JCPOA vượt qua được vòng phê chuẩn của Quốc hội Mỹ thì chuyện khôi phục quan hệ bình thường giữa Mỹ với Iran cũng còn là một câu hỏi lớn. “Những người bạn của Israel trên Đồi Capitol” không dễ dàng chấp nhận viễn cảnh Iran sẽ được tháo bỏ các biện pháp trừng phạt và cấm vận, sẽ có cơ hội vươn lên thành cường quốc lớn trong khu vực, đồng thời sức mạnh về quân sự cũng sẽ được nâng lên đáng kể, trở thành “mối đe dọa” lớn cho sự tồn vong của Israel.

Israel gần như không còn cơ hội hòa giải với Iran, vì ngay cả khi lãnh đạo Iran thử chìa cành ôliu ra nhưng Israel đã thẳng thừng bác bỏ, khư khư bảo thủ quan điểm “Iran muốn xóa sổ Israel trên bản đồ thế giới”, và quan điểm “Iran có khả năng chế tạo quả bom hạt nhân trong 1 năm” luôn ám ảnh và trở thành vạch cấm không thể vượt qua đối với Israel. Vì lý do này, việc gỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ trở thành một trong những điểm gút căng thẳng nhất trong “cuộc chiến” sắp tới của ông Obama tại Quốc hội Mỹ.

Vấn đề “thời gian bùng” – tức khoảng thời gian đủ để Iran chế tạo một quả bom hạt nhân nếu nước này vi phạm thỏa thuận – cũng đang là mối lo ngại trong dư luận chung ở Mỹ. Giới chức tham gia đàm phán hạt nhân cho rằng quy định giới hạn mức làm giàu uranium và cắt giảm 2/3 số máy ly tâm trong khoảng thời gian 15 năm sẽ kéo dài “thời gian bùng” thêm một năm.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng thừa nhận sau 10 năm đầu tiên, “thời gian bùng” sẽ bắt đầu ngắn lại. Và không ai biết rõ thời gian đó sẽ được rút ngắn nhiều hay ít theo từng năm, bởi vì kế hoạch hạt nhân với thời hạn 15 năm của Iran luôn được giữ bí mật.

Vấn đề khiến Quốc hội Mỹ bận tâm nhất chính là việc “thời gian bùng” rút ngắn nhanh trong những năm cuối cùng của thời hạn 15 năm, tức vào khoảng năm thứ 13, 14 và 15. Theo tính toán, “thời gian bùng” khi đó sẽ chỉ còn bằng 0, tức là Iran có khả năng chế tạo bom hạt nhân ngay lập tức.

Dù có những ý kiến trái chiều, không thể phủ nhận một điều rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran là một sự hợp tác trong đó tất cả các bên đều có lợi. So với thỏa thuận đã ký với CHDCND Triều Tiên cách đây 20 năm, thỏa thuận với Iran chứa đựng các điều khoản quy định chi tiết hơn, chặt chẽ hơn về những hạn chế, kiểm soát đối với chương trình làm giàu uranium.

Đối với Mỹ, JCPOA đã trở thành “di sản đối ngoại” thành công đầu tiên Tổng thống Obama đạt được trước khi mãn nhiệm. Với nước Nga, thỏa thuận JCPOA đạt được khẳng định sự thành công về mặt ngoại giao trong việc bảo đảm cho Iran không phải chịu thiệt thòi trong đàm phán.

Dưới sức ép ngoại giao của Nga và Trung Quốc, Mỹ buộc phải lựa chọn một phương án gỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Iran, dù không phải ngay lập tức theo yêu cầu của Nga.

Mong chờ sự trọn vẹn

Về mặt ngoại giao, có thể nói thỏa thuận vừa đạt được đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa Tehran với các quốc gia phương Tây, hạn chế những nghi ngại về chương trình hạt nhân hơn một thập kỷ qua của nước này, đồng thời mang lại cơ hội phát triển cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố thỏa thuận sẽ mở ra "những chân trời mới" trong quan hệ giữa Iran và phương Tây, trong khi Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif coi đây là "thời khắc lịch sử".

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho rằng thỏa thuận là "tia hy vọng cho toàn thế giới, mở ra một chương mới trong các mối quan hệ quốc tế và cho thấy các biện pháp ngoại giao và hợp tác có thể giúp vượt qua những căng thẳng và đối đầu kéo dài nhiều thập kỷ".

Việc chấm dứt cô lập Iran còn được giới phân tích nhận định có khả năng tái định hình cấu trúc quyền lực ở Trung Đông theo  hướng tích cực. Với việc thỏa thuận này có thể khuếch trương tiếng nói của những người ủng hộ việc Iran đóng vai trò lớn hơn tại khu vực cũng như trên trường quốc tế. Trong trường hợp này, Iran sẽ "chìa tay" với Arập Xêút và thuyết phục nước này rằng Tehran không có ý định tăng cường ảnh hưởng của mình hay gây tổn hại cho Arập Xêút và các đồng minh Arập vùng Vịnh khác.

Động thái này sẽ khiến Arập Xêút cùng hợp tác với Iran trong việc sử dụng ảnh hưởng tại Syria để mang lại một thỏa thuận ngừng bắn giữa các lực lượng của chế độ đương quyền và phiến quân, mở đường cho việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp có khả năng đẩy lùi các lực lượng của tổ chức khủng bố cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tương tự, Arập Xêút và Iran có thể hợp tác chấm dứt chiến sự tại Yemen bằng việc ủng hộ một thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại đó.

Một nhà máy điện hạt nhân trong chuỗi chương trình phát triển năng lượng hạt nhân Iran.

 Trong khi đó, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt - cùng với sự trở lại dần dần của các công ty quốc tế - sẽ tái khởi động nền kinh tế "ốm yếu" của Iran. Việc tăng cường mở cửa hướng về châu Âu và hướng về Mỹ một cách thận trọng hơn có thể khuyến khích những thành viên có tư duy cải cách của tầng lớp trung lưu Iran tìm kiếm tương lai của họ ở trong nước, thay vì di cư.

Theo kịch bản này, Tổng thống Hassan Rouhani sẽ bất chấp sự phản đối của phe bảo thủ để theo đuổi những cải cách tối cần thiết ở trong nước. Trên cơ sở này, liên minh gồm các nhân vật cải cách và thực dụng của ông Rouhani có thể dễ dàng giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2016 và ông Rouhani có thể tái cử vào năm 2017.

Một câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu các nhân vật có tư tưởng chống đối thỏa thuận lên nắm quyền tại Iran và Mỹ? Mặc dù Tổng thống Obama có thể dỡ bỏ những lệnh trừng phạt hiện hành, song các điều luật quy định việc tái áp đặt lệnh trừng phạt vẫn tồn tại trên văn bản, đồng nghĩa với việc người kế nhiệm ông hoàn toàn có thể sử dụng quyền hạn của mình để đưa ra các lệnh trừng phạt mới.

Bảo Trân (tổng hợp)

An Châu (tổng hợp)
.
.