Thỏa thuận ngừng bắn mới ở Syria: Những lo ngại có cơ sở

Thứ Hai, 29/02/2016, 17:10
Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria mà Mỹ và Nga vừa công bố vài ngày trước có thể được xem là nỗ lực ngoại giao lớn nhất từ trước tới nay nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, sự phức tạp trên chiến trường Syria đang khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi của lệnh ngừng bắn.

Các bên tham chiến trong cuộc xung đột đang đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trước việc phải tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn một phần mà chính thức có hiệu lực sau 12 giờ đêm ngày 26-2 (theo giờ địa phương).

Mặc dù Nga và Mỹ đã nhất trí kế hoạch áp đặt lệnh ngừng bắn, song các bên liên quan trong cuộc xung đột vẫn đứng ở hai phía chiến tuyến: Moscow ủng hộ chính quyền Bashar al-Assad, trong khi Washington hậu thuẫn phe đối lập. Kremlin cho biết ông Assad đã đảm bảo với Tổng thống Nga Putin rằng chính quyền Damascus sẵn sàng tuân thủ thỏa thuận.

Trong cuộc điện đàm để thảo luận về thỏa thuận này, ông Assad thừa nhận đề xuất là "bước đi quan trọng nhằm hướng tới một giải pháp chính trị". Cả ông Putin và ông Assad đều "nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tiếp tục cuộc chiến cương quyết" chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mặt trận Al-Nursa và "các nhóm khủng bố khác".

Tuy nhiên, theo ông Fyodor Lukyanov - Chủ tịch Hội đồng Chính sách đối ngoại và Quốc phòng thân Chính phủ Nga - nhận định: "Nếu quân đội Nga tiếp tục tấn công mạnh mẽ tại các khu vực dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nguy cơ của một cuộc can thiệp quân sự càng lớn. Và nếu kịch bản này diễn ra, cuộc xung đột sẽ bước sang một trang hoàn toàn mới. Xét từ quan điểm của Nga, đây rõ ràng là một rủi ro nghiêm trọng".

Trong khi Mỹ và Nga công bố cho phép tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công IS cũng như Mặt trận al-Nursa có mối quan hệ với Al-Qaeda và nhiều nhóm thánh chiến khác, quân đội Syria cho biết sẽ đặt khu vực Daraya gần thủ đô Damascus nằm ngoài lệnh ngừng bắn do trong số quân nổi dậy tại đây có một số thành phần thánh chiến.

Theo Kremlin, ông Putin cũng đã "giải thích chi tiết về tầm quan trọng" của đề xuất Mỹ - Nga với Quốc vương Salman của Arab Saudi. Riyadh là thành viên quan trọng trong liên minh do Mỹ dẫn đầu và là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ lực lượng nổi dậy chống chính quyền Damascus. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã bắt đầu đàm phán với các nhóm nổi dậy tại 5 thành phố của Syria là Hama, Homs, Latakia, Damascus và Daraa về việc triển khai thỏa thuận.

Một chiến binh người Syria đi qua bức tường sơn dòng chữ viết bằng tiếng Anh, tạm dịch: "Chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng. Đó là ý chúa!".

Mặc dù vậy, theo nhà phân tích chính trị thuộc Trường đại học George Washington, ông Maria Lipman, đàm phán về lệnh ngừng bắn diễn ra đúng thời điểm Nga đang có nhiều ưu thế, nhất là sau khi quân đội của ông Assad giành được những chiến thắng quan trọng. Có thể nhiều người sẽ hoài nghi về thỏa thuận, song ít nhất cũng có thể thấy được thành ý và nguyện vọng của Nga trong việc từ bỏ sự thù địch, và quan trọng hơn là nỗ lực của Nga nhằm khẳng định vị thế ngang bằng với Mỹ.

Thỏa thuận "ngừng thù địch" giữa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng nổi dậy phi thánh chiến, không bao gồm IS và các phần tử cực đoan dòng Hồi giáo Sunni khác, là nỗ lực ngoại giao quy mô nhất từ trước tới nay nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ ý lo ngại về khả năng thành công của thỏa thuận này.

Tại Phòng Bầu dục, nơi ông đang đón Quốc vương Jordan Abdullah II ở thăm, ông nói: "Chúng tôi rất thận trọng khi đưa ra các kỳ vọng đối với thỏa thuận này. Tình hình trên thực địa rất phức tạp cho dù trong tuần qua đã có những dấu hiệu tín cực, nhất là khi cứu trợ nhân đạo bắt đầu tới được với người dân".

Sự phức tạp trên chiến trường Syria - nơi nhiều phần tử thánh chiến cực đoan vẫn thường trà trộn vào lực lượng nổi dậy ôn hòa- càng khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi của lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC)- nhóm chính trị đại diện cho quân nổi dậy Syria - ngày 22-2 tuyên bố chấp nhận thỏa thuận với điều kiện quân đội chính quyền chấm dứt các hoạt động bao vây, thả tù nhân, ngừng đánh bom và tạo điều kiện cho các tổ chức cứu trợ nhân đạo hoạt động.

Ngày 24-2, sau một cuộc họp tại Riyadh, HNC cho biết sẽ tôn trọng lệnh ngừng bắn trong vòng 2 tuần để "đánh giá cam kết của đối phương" với thỏa thuận này. Tuy hoan nghênh "tất cả các nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu và đánh bom dân thường", song phe đối lập vẫn chỉ trích sáng kiến này khi chưa thể "xác định rõ những khu vực không nằm trong phạm vi" của lệnh ngừng bắn.

Trong khi đó, Washington - một bên chủ chốt thúc đẩy kế hoạch ngừng bắn, cũng bày tỏ lo ngại về khả năng thành công của thỏa thuận này. Ông Obama thậm chí đã chuẩn bị "phương án dự phòng" (phương án B) trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn tạm thời do Nga - Mỹ đề xuất thất bại.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước đó cũng thừa nhận một kế hoạch B cho Syria đang được xem xét trong trường hợp tiến trình ngoại giao thất bại. Ông Kerry tuyên bố: "Chúng ta sẽ biết trong 1 hoặc 2 tháng tới tiến trình chuyển tiếp này có được thực thi nghiêm túc hay không. Nếu không, việc lựa chọn phương án B chắc chắn sẽ được cân nhắc".

Giới phân tích quốc tế đánh giá rằng dù các đề xuất mới đã được đưa ra song tình hình thực địa tại Syria đang rất phức tạp, do có sự can dự của nhiều bên với các toan tính khác nhau. Đó chính là những yếu tố khiến cho thỏa thuận ngừng bắn mới trở nên hết sức mong manh.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.