Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung: Cần một lòng tin!

Thứ Hai, 16/12/2019, 14:22
Các cuộc đàm phán thương mại con thoi giữa Trung Quốc và Mỹ liên tiếp diễn ra trong những ngày qua. Những tín hiệu tích cực có thời điểm tưởng chừng thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nằm trong tầm tay, bỗng chốc lại tuột mất.

Có lẽ sự thiếu lòng tin giữa hai bên vẫn là yếu tố chính cản trở Bắc Kinh và Washington ký kết một thỏa thuận thương mại tạm thời.

Bắc Kinh trong lúc vừa muốn trấn an các nhà đầu tư vốn đang hoảng loạn sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng thỏa thuận thương mại có thể sẽ để tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, lại vừa muốn giữ quan điểm cứng rắn rằng Mỹ phải cắt giảm thuế nếu muốn đạt được thỏa thuận.

Rõ ràng Trung Quốc đang nghi ngờ việc có thể dựa vào bất cứ thỏa thuận nào ký với ông Donald Trump còn Mỹ thì cũng hoài nghi việc Bắc Kinh sẽ tiến hành những cải cách như đã hứa ra sao.

2 ngày trước thời điểm hạn chót cho việc tiến hành áp thuế vào ngày 15-12, Tổng thống Donald Trump đánh giá Mỹ đang tiến rất gần tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tuyên bố trên cũng trùng với khẳng định trước đó của Bộ Thương mại Trung Quốc rằng nước này và Mỹ đang liên lạc chặt chẽ trong vấn đề thương mại để có thể đạt được một thỏa thuận tạm thời.

Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc gặp giữa đại diện hai bên trong những ngày qua vẫn không đạt được kết quả cụ thể. Trợ lý kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow thậm chí cho rằng đợt áp thuế ngày 15-12 vẫn có khả năng xảy ra nếu ông Trump không hài lòng với kết quả của các cuộc đàm phán. Trong khi đó, phía Bắc Kinh từ chối bình luận về khả năng có hành động đáp trả hay không nếu đợt áp thuế nhập khẩu mới đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ có hiệu lực trong tuần này.

Nếu Mỹ áp thuế bổ sung 15% với khoảng hơn 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến các loại hàng hóa như điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo. Nhưng, nếu hai bên đạt được một thỏa thuận hoãn đợt thuế quan mới này thì đây sẽ là một bước tiến đầy triển vọng hướng tới chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai bên. Cho đến thời điểm này, mọi kịch bản đều chưa rõ ràng và việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được thỏa thuận thương mại hay không vẫn còn là ẩn số.

Ông Larry Kudlow cho rằng, đợt áp thuế ngày 15-12 vẫn có khả năng xảy ra nếu ông Donald Trump không hài lòng với kết quả các cuộc đàm phán.

Giới phân tích cho rằng mặc dù cả hai nước đều thừa nhận sự cần thiết phải ký kết thỏa thuận “giai đoạn một” nhưng hiện cả hai đều tồn tại “một núi nghi ngờ” phía trước. Sự hoài nghi đang là yếu tố khó có thể loại bỏ trong đàm phán với bất kỳ bên nào. Trung Quốc lo ngại rằng không thể đạt được một thỏa thuận thực sự vì không đủ lòng tin. Còn phía Mỹ cũng không tin tưởng Bắc Kinh sẽ thực hiện những điều đã hứa.

Từ vài tuần qua, Mỹ và Trung Quốc đã chờ cái gọi là “thỏa thuận giai đoạn một”. Người ta cho rằng để đạt được đồng thuận, ít nhất không nên có bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào: tăng thuế quan hiện hành hoặc đưa ra các biểu thuế mới. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới mới đây, ông Trump đã không trả lời trực tiếp câu hỏi liệu thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng lên nữa hay không, cũng như không đưa ra một thời hạn nào để hoàn tất việc đàm phán.

Theo giới phân tích, đây có thể là những gì mà ông Trump đã nghĩ đến khi tuyên bố một hiệp định có thể được ký kết sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trước đó, giới phân tích từng hy vọng nếu Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), dự kiến ban đầu được tổ chức tại Chile, diễn ra, thì có lẽ đã đạt được thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Mỹ. Song, với bản tính “thay đổi thất thường”, thậm chí sử dụng chiến thuật gây áp lực tối đa để đạt được mục tiêu, cho đến giờ người ta lại hoài nghi về tham vọng tích cực này.

Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Christopher Hill, cho rằng gần đây ông Donald Trump đã đưa ra những tín hiệu bất nhất về tiến trình đàm phán. Có lúc ông nói rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra rất suôn sẻ và mong sớm đạt được thỏa thuận. Nhưng sau đó ông Trump lại cảnh báo có thể trì hoãn đạt thỏa thuận cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm tới.

Ông Hill nói: “Nếu tôi là Trung Quốc, tôi sẽ lo ngại liệu thỏa thuận mà ông Trump đồng ý có phải là thỏa thuận mà ông sẽ đồng ý vào ngày mai và ngày hôm sau hay không. Còn nếu tôi là ông Trump, vấn đề lớn tôi cần làm là thuyết phục Trung Quốc rằng những gì tôi đang đề xuất thực sự là những gì tôi sẽ duy trì chứ không thay đổi”.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho rằng giới lãnh đạo Mỹ - Trung “nên lùi một bước” để tìm ra con đường đúng đắn. Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại những ý kiến đội ngũ quan chức Mỹ nêu ra khi đàm phán có thể không trùng với lập trường của ông Trump vì Tổng thống rất khó đoán. Ông nói thêm rằng: “Vấn đề trong các cuộc đàm phán là đội ngũ của chúng ta đã trải qua nhiều vòng thảo luận nhưng không ai có thể chắc chắn lập trường cuối cùng của Tổng thống là gì. Điều này gây khó khăn cho nỗ lực đàm phán”.

Còn Chủ tịch Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung, ông Steve Orleans cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc thất vọng về những động thái của ông Trump và cảm thấy không rõ ông muốn gì. Nhưng ông cũng chỉ ra Mỹ ngày càng bất mãn với những lời hứa hẹn không được thực hiện của Trung Quốc và thúc giục Bắc Kinh thay đổi, từ việc tạo ra một sân chơi bình đẳng, bảo vệ sở hữu trí tuệ cho đến hạn chế trợ cấp doanh nghiệp nhà nước.

Còn nhớ, hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ - Trung Quốc từng suýt đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài từ tháng 7-2018. Nhưng cuộc đàm phán bất ngờ sụp đổ vì Mỹ cáo buộc Trung Quốc thay đổi vào phút chót, xóa đi nhiều cam kết, trong khi Bắc Kinh cho rằng Washington đưa ra yêu cầu quá đáng.

Hồi tháng 7, ông Trump còn chỉ trích Bắc Kinh không giữ lời về việc hứa hẹn mua thêm nông sản Mỹ. Giới phân tích cho rằng thiếu lòng tin vẫn là cản trở lớn nhất khiến hai nền kinh tế khó đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Quang Nguyễn
.
.