Thỏa ước hạt nhân Mỹ - Iran: Hệ quả và viễn cảnh

Thứ Bảy, 27/06/2015, 11:15
Thỏa ước về chương trình hạt nhân của Iran hiện đang là tâm điểm của mọi cuộc đàm phán. Đặt trọng tâm vào vấn đề Iran có tiếp tục chương trình hạt nhân hay không, thỏa ước này sẽ dỡ bỏ các biện pháp chế tài kinh tế đối với Iran nếu nước này chấp nhận một số điều kiện mà Mỹ và phương Tây đưa ra.

Gần 2 năm nay, nhóm 5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã nỗ lực đàm phán với Iran nhưng đến cuối tháng 4 vừa qua chỉ kết thúc bằng một thỏa ước trung gian, và kết quả chung cuộc được dự trù sẽ đưa ra vào ngày 30/6 tới đây. Nhằm hiểu rõ hơn các hệ quả và ảnh hưởng của thỏa ước, có thể nhắc lại những biện pháp dự trù trong thỏa thuận khung Lausanne ngày 2/4:

- Giảm số lượng lò phản ứng làm giàu uranium và kho dự trữ uranium làm giàu.

- Sửa đổi lại lò phản ứng nước nặng Arak và buộc phải đưa nhiên liệu đã sử dụng ra khỏi Iran.

- Cấm xây những công trình tái chế.

- Có các biện pháp kiểm tra và giám sát liên tục dây chuyền cung cấp uranium và máy ly tâm.

Tổng thống Rohani và Tổng thống Obama.

Tất cả những biện pháp trên nhằm mục đích xác lập và thừa nhận tính chất hòa bình của chương trình hạt nhân Iran. Nếu thỏa ước hạt nhân Iran được cho là mang tính lịch sử, các hệ quả kinh tế và địa chính trị của nó vẫn còn khá mù mờ đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với những quốc gia tại vùng Cận Đông. Do vậy mối bận tâm của mỗi quốc gia là cố tìm hiểu các hệ quả và ảnh hưởng đối với từng nước.

Hệ quả gì cho Iran?

Iran chịu sự chế tài thương mại của cộng đồng quốc tế từ năm 2011 nên nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực dầu khí và ngân hàng, chịu thiệt hại nặng nề. Sau khi EU đóng băng các tài khoản của Ngân hàng Trung ương Iran cũng như những giao dịch về vàng và đá quý, Iran nằm ngoài lề hệ thống tài chính quốc tế và đồng tiền rial bị sụt giá 80%, tức hơn 2/3 giá trị so với đồng đôla. Mặt khác, 60% lợi tức của Iran là từ ngành công nghiệp dầu hỏa, nhưng việc xuất khẩu dầu đã bị giảm đáng kể, và người ta ước tính có hơn 30 triệu thùng dầu đang được chờ dỡ cấm vận. Như thế, việc dỡ bỏ cấm vận sẽ giúp Iran trở lại là cường quốc kinh tế trong khu vực và thế giới.

Hệ quả gì cho Mỹ?

Đánh dấu sự kết thúc đối đầu và mong muốn bình thường hóa quan hệ với Iran, thỏa ước đó sẽ là ván bài chiến lược đối với Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry. Nhưng thỏa ước cũng sẽ mang mặt tích cực đối với thị trường hối đoái khu vực và quốc tế. Quả thật đồng đôla sẽ có thể được lợi từ hình ảnh của Mỹ trong khuôn khổ cuộc đàm phán do có lập trường tránh xung đột.    

Viễn cảnh nào cho khu vực?

Nếu đa số các phái đoàn ngoại giao xem thỏa ước đó như là một tiến triển đáng kể, một vài quốc gia vùng Cận Đông lại tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế và địa chính trị. Thật vậy, nhiều yếu tố vẫn còn chưa rõ rệt trong các thay đổi mà thỏa ước có thể tạo ra trong khu vực.

Về mặt kinh tế, có nhiều điều lo âu đối với hệ quả của thỏa ước trên giá dầu trong những tháng sắp tới, cho dù OPEC đã thông báo rằng trong ngắn hạn thị trường dầu hỏa sẽ không bị ảnh hưởng. Trong chừng mực mà Iran sẽ không thể tăng sản lượng ngay, phân tích này vẫn đúng. Một khi thỏa ước chính thức được ký kết, Iran có thể gia tăng sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày. Thực trạng này có thể ảnh hưởng đến thị trường hối đoái  khu vực, hơn nữa khi người ta xem xét những khả năng đầu tư vào Iran và các đối tác trong  khu vực, và có thể có ảnh hưởng tích cực đến đồng rial Iran cũng như những đồng tiền khác trong khu vực. 

Còn các hệ quả chính trị sẽ vượt khỏi quan hệ song phương giữa Mỹ và Iran. Iraq, với tư cách là đồng minh thân cận của Iran, có thể hưởng lợi từ việc xuất khẩu dầu Iran, nhưng lại có thể phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực do sự sụt giảm giá dầu trong nước. Còn Ai Cập, Arập Xêút và Israel lo ngại Iran sẽ đe dọa các lợi ích của họ, xét về mặt liên kết chiến lược. Mỹ và Iran có lợi ích cùng chiều, chẳng hạn như chống lại phe Taliban Sunni tại Afghanistan hay IS ở Iraq. Quan hệ bình thường giữa 2 nước sẽ giúp một số vấn đề tiến triển, chẳng hạn như sự an toàn cho liên quân rút khỏi Afghanistan hay vấn đề các mỏ dầu ở miền nam Iraq.

Nhưng cả 2 nước cũng có những liên kết chính trị và quân sự đối chọi nhau. Iran hỗ trợ mạnh mẽ cho phe Hezbollah ở Palestine cũng như Chính phủ Syria, còn Mỹ lại là đồng minh gắn bó với Israel và Arập Xêút. Iran rất căng thẳng với Arập Xêút, đôi khi được xem như là đang trong tình trạng "chiến tranh lạnh", tình huống mới này có nguy cơ làm chao đảo vị thế của Arập Xêút và đặt ra vấn đề bền lâu của các mối quan hệ trước đó. 

Ngoài những trở ngại và lập trường không chắc chắn, kết quả đàm phán sẽ rất quan trọng, có thể xem như là "cơ may cuối cùng" để đạt đến một thỏa thuận. Thật vậy, văn bản quy định những yếu tố chủ chốt cho các thỏa ước trong tương lai đã được thảo ra sau hơn 12 năm đàm phán dai dẳng, có lúc đã bị đình trệ dưới thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và chỉ được tiếp tục cách đây vài tháng sau khi Tổng thống Hassan Rohani lên cầm quyền. Tạm thời đấy chỉ là thỏa ước khung, có nghĩa là một "sự dung hòa" chứ chưa phải là một thỏa ước chính thức với toàn bộ các thể thức đều được xác định rõ ràng.

Hiện thời một số lớn vấn đề vẫn còn lửng lơ. Hệ quả sẽ ra sao một khi các biện pháp chế tài được dỡ bỏ và vấn đề trách nhiệm sẽ như thế nào (phản ứng gì khi có sự không tuân thủ thỏa ước sau khi chế tài được dỡ bỏ)? Hay vấn đề về việc thanh tra các địa điểm quân sự của Iran trong khuôn khổ văn bản kèm theo thỏa ước không bành trướng vũ khí hạt nhân, hoặc nhiều chi tiết kỹ thuật khác để xây dựng một cơ sở cho vấn đề không bành trướng vũ khí hạt nhân tại Trung Đông?

Minh Luân (tổng hợp)
.
.