Thời của những... "cao bồi Chí Phèo"!

Thứ Tư, 09/02/2011, 14:35
Những hành động liều lĩnh tương tự đang ngày càng phổ biến và được cổ súy nhiệt liệt, nhất là ở Mỹ. "Sống sao cho liều" và "sống sao cho dị" đang trở thành một khẩu hiệu, một xu hướng xã hội khá nổi bật, một lối thoát cho cuộc bế tắc hiện tại từ suy thoái...

Không liều coi như... đánh mất cuộc đời!

"5, 4, 3, 2, 1... nhảy!". Chance McGuire 25 tuổi bắt đầu phóng xuống từ cái đập cao 200m. Trong giây đầu tiên, anh rơi gần 5m, giây thứ hai rơi 20m, giây thứ ba 42m... McGuire bay ở vận tốc 105km/giờ. Anh cầu nguyện sao cho cái dù sẽ bung ở hướng cách xa cái đập, cái tán dù không bị hỏng, cái chốt hoạt động tốt và không có ngọn gió tai quái nào ập đến khiến anh phải va vào bức tường bê tông lạnh băng.

Cuối cùng, McGuire đáp xuống an toàn. Trông anh như cái chấm nhỏ trên con đường dọc theo thung lũng hẹp. Nghe rõ tiếng nước chảy ở phía trên, anh vội vã gấp dù, hét một tiếng to vọng lên tới những người liều lĩnh như mình đang đứng trên bờ đập. Đó là tiếng thét của thách thức, nảy sinh từ chiến thắng. McGuire đã sống sót, sau một cú nhảy BASE…

McGuire là người tham gia thường xuyên vào trò chơi thí mạng mà anh gọi là vua của tất cả các môn thể thao. Đó là trò BASE (viết tắt từ building, antenna, span bridge và earth cliff). Trong đó, nhảy cao là trò không thể thiếu. Nhảy cao là một trong những môn thể thao có tỉ lệ chết người nhiều nhất. Trong lịch sử khoảng ba thập niên của mình, nhảy cao đã biến chừng 100 người Mỹ thành cái xác không hồn bẹp rúm. Nhảy cao thật ra còn chưa nguy hiểm bằng nhiều trò khác, chẳng hạn phóng xe đạp từ vách đá cao hơn 900m! Tuy nhiên, những trò này đang tỏ ra hấp dẫn hơn bao giờ hết, nhất là ở Mỹ.

Tại sao lại thế? Các nhà tâm lý học cho rằng, các trò nguy hiểm mà môn nhảy cao là đại diện đã khai mở một xó xỉnh trong tâm hồn con người thường bị lèn chặt. Đó là khuynh hướng thoát ra khỏi những quy luật bình thường, lối sống rập khuôn nhàm chán và những luật lệ xã hội. Ít nhất, cũng có lúc con người cần giải tỏa sự lèn chặt này và các môn thể thao nguy hiểm là phương tiện hữu hiệu.

Không chỉ trong lĩnh vực thể thao với những trò trượt tuyết, leo núi, nhảy dù… đang được ưa chuộng, các lĩnh vực mang tính liều mạng và rủi ro cao ở lĩnh vực khác cũng có lực hấp dẫn đáng kể. Người ta khoái đầu tư cổ phiếu, khoái trò ngoại tình chui nhủi, khoái nhảy vào "lĩnh vực" tình dục không an toàn, khoái hít hêrôin... Trong nhiều cách khác nhau, thế hệ trẻ tham gia vào những chuyện liều lĩnh mà cha mẹ họ kinh hãi và ông bà họ xua tay khinh bỉ vì cho là "ngu ngốc" hay "ngớ ngẩn".

Hiện nay, dù suy thoái nghiêm trọng và kinh tế te tua, hơn 30% gia đình Mỹ vẫn đang chơi cổ phiếu dưới nhiều dạng khác nhau. Thế hệ trẻ Mỹ thay đổi việc làm xoành xoạch và có khi tự nguyện nhảy vào khoảng trống thất nghiệp để nếm mùi hưởng trợ cấp. Tỉ lệ bỏ việc làm - tính riêng cho thành phần tự nguyện - đang ở mức 14,5% tại Mỹ, tỉ lệ cao nhất trong một thập niên.

Lập luận của những "cao bồi Chí Phèo" nghe có khi rất ngớ ngẩn. "Con người với hai chân, hai tay đang tự hỏi chúng ta sẽ nhanh cỡ nào, mạnh cỡ nào và sức chịu đựng đến đâu" - ý kiến của Eric Perlman, chuyên gia leo núi và cũng là nhà làm phim chuyên về đề tài thể thao nguy hiểm - "Chúng ta được tạo dựng để trực nghiệm hay để chết". Để bị thương nữa!

Theo Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ, năm 2009, có 48.000 người Mỹ phải vào phòng cấp cứu vì tai nạn trượt tuyết. Số người đăng ký vào phòng cấp cứu vì tai nạn trượt tuyết tăng 31%, leo núi tăng 20%. Những nạn nhân như Mike Carr kể không hết.

Năm ngoái, Carr - chuyên gia nhảy dù lướt - bị gãy 10 xương sườn và bị giập phổi sau một cú nhảy ngoạn mục. Nhảy dù lướt là trò rất nguy hiểm, khi người tham gia dùng đôi cánh nilon để phóng xuống từ đỉnh núi. Trước kia, Carr từng là nhà leo núi. Năm 2008, Carr đã bị ngã tại một ngọn núi ở Peru. Sau khi hồi phục từ vụ trên, Carr chuyển sang trò nhảy dù lướt. "Bạn bồng bềnh như chim. Bạn có thể bay cao đến 5.500m và lướt xa đến 320km. Một cảm giác huyền diệu" - Carr giải thích.

"Người ta khoái những trò rủi ro vì các rủi ro hàng ngày trong cuộc sống đang bị cực tiểu hóa, trong khi con người muốn được thách thức" - Joy Marr 43 tuổi nói thêm. Marr là vận động viên "đua xe phiêu lưu" và là nữ thành viên duy nhất của toán 5 người hoàn thành vòng Raid Gauloises 2008. Trò này đòi hỏi phải lái xe vài ngày không nghỉ, trong địa hình gồ ghề nhất thế giới.

Trong chừng mực nào đó, nhiều doanh nghiệp tại thung lũng Silicon cũng là những nhà thể thao chơi trò nguy hiểm. Mike McCue - 32 tuổi, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Tellme Networks - đã liều mạng bỏ công việc kiếm được hàng triệu USD của mình để lập nên một công ty riêng. Thật ra, công ty này là cố gắng lần thứ ba của McCue. Anh cũng là vận động viên leo vách đá. "Khi leo, tôi biết rằng nếu thắt sai nút, mình sẽ chết" - McCue nói.

Nhà tâm lý Frank Farley thuộc Đại học Temple cho rằng, sự mạo hiểm có ý thức đang vượt qua rào cản bản năng của chúng ta. Farley nói thêm rằng, không loài động vật nào tự dẫn mình vào thế nguy hiểm. Ông gọi những người liều mạng là thành phần có nhân cách "loại T", mang ý nghĩa tiêu cực vì thường dẫn đến hành động phạm tội như gây án, sử dụng chất kích thích, kiểm nghiệm cái gọi là "tình dục không an toàn" và có cách hành xử mang tính hủy hoại.

Tổ chức ngăn chặn AIDS cho biết họ đã thực hiện cuộc thăm dò khoảng 22.000 chàng gay từ năm 2004 đến 2007 và nhận thấy trong thời gian này, số gay dùng bao cao su giảm từ 70% xuống 61% tuy những người đồng tính luyến ái  thuộc nằm lòng và hiểu thấu đáo rằng, việc quan hệ tình dục đồng giới dễ lây nhiễm AIDS.

Michael Scarce - 29 tuổi, sinh viên y khoa từng nghiên cứu dân gay trong suốt hai năm - cho biết, thay vì sống trong sợ hãi và tự vấn rằng không biết khi nào mình nhiễm HIV, một số dân gay loại "nặng đô" còn tổ chức các buổi "thánh lễ truyền nhiễm"! Vấn đề được đặt ra ở đây là mức nguy hiểm như thế nào mới được xem là tột đỉnh và liều mạng cỡ nào mới được gọi là "đủ"? Khó có thể xác định được "liều lượng" của sự liều lĩnh.

Khoa học nói gì về "thế giới Chí Phèo"?

Liều lĩnh và khoái hứng chịu rủi ro thật ra không là hiện tượng phổ biến gần đây và chỉ riêng ở Mỹ. Tuy không có vết tích hóa thạch nào cho thấy thời đồ đá có các vận động viên leo núi hay đầu tư cổ phiếu qua Internet nhưng một số nhà khoa học thời nay cho rằng cội nguồn thật sự của những hành động như vậy có thể ẩn chứa trong gien. Rất lâu trước khi gien được phát hiện, Darwin từng nghi rằng sự hành xử ít nhất có phần được di truyền. Và chỉ mới gần đây, người ta đã lôi ra được vài lọn ADN có dính dáng đến cá tính và nhân cách.

Các nhà khoa học Israel còn phát hiện rằng, người chứa "máu liều" thường có các phiên bản (của loại gien tên D4DR) dài hơn người bình thường. Tuy nhiên, giới khoa học nói chung vẫn chưa thể xác định được những gien như thế hoạt động ra sao, trong việc gây ảnh hưởng đến sự kiểm soát dòng chảy một số hóa chất trong não - chẳng hạn dopamine, loại hóa chất đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối cảm hứng và cảm xúc. Một câu hỏi nữa: liệu có phải gien chiếm vị thế tiên quyết trong việc định hình cung cách hành động?

Không ít người không đồng tình chút nào về chuyện "gien tâm lý", chẳng hạn nhà sinh học phân tử Dean Hamer. "Gien không phải là "công tắc" cho những cảm xúc như "mắc cỡ", "hạnh phúc", "tủi buồn" - Hamer nói - "mà chỉ là những hóa chất hướng dẫn sự kết hợp của nhiều hóa chất khác". Nhà di truyền học Irving Gottesman thuộc Đại học Virginia cũng đồng ý, cho rằng nếu "gien liều" (thrill-seeking gene) tồn tại thì một người có thể trong hoàn cảnh này là tên giết người hàng loạt nhưng trong hoàn cảnh khác là một anh hùng cái thế!

Anh Vũ
.
.