Thời điểm đột phá của BRICS và SCO
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO - gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan) cũng không ngoại lệ khi tuyên bố thành lập những định chế tài chính đầu tiên; khởi động tiến trình kết nạp thêm Ấn Độ và Pakistan, với mục tiêu tăng cường sự gắn kết, xây dựng cơ sở hạ tầng và thống nhất các chiến lược phát triển.
Ngoài những vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc tài chính, kinh tế mới cũng như thúc đẩy hợp tác an ninh, những tổ chức chính trị khu vực này còn đang được đánh giá là một đối trọng toàn cầu.
BRICS thành lập những định chế tài chính đầu tiên
Với việc thành lập những định chế tài chính đầu tiên - Ngân hàng Phát triển mới và Quỹ Dự trữ ngoại tệ với tổng trị giá 200 tỉ USD ngay trước giờ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ ngày 8 đến 10/7 tại thủ phủ Ufa của nước Cộng hòa Bashkortostan thuộc Liên bang Nga, BRICS chứng tỏ vai trò của các định chế tài chính khu vực trong việc nâng cao vị thế của BRICS trong đời sống kinh tế - chính trị toàn cầu.
Tại Moskva, ngày 7/7, các Bộ trưởng Tài chính BRICS đã triệu tập phiên họp Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển mới, động thái chính thức khởi động định chế có tổng vốn 100 tỉ USD, với Chủ tịch là cựu Thống đốc Ngân hàng ICICI của Ấn Độ Kundapur Vaman Kamath.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, người giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị trong một năm tới, tuyên bố từ nay đến cuối năm ngân hàng có thể tài trợ cho các dự án đầu tiên.
Cũng tại Moskva, thống đốc các ngân hàng trung ương của khối đã ký thỏa thuận thành lập Quỹ dự trữ ngoại tệ trị giá 100 tỉ USD. Với thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 30/7, các nước thành viên BRICS sẽ góp vào quỹ một khoản tiền dùng để bảo hiểm cho các tình huống khẩn cấp, cụ thể, Trung Quốc góp 41 tỉ USD, Nga, Ấn Độ và Brazil mỗi nước 18 tỉ, còn Nam Phi góp 5 tỉ.
BRICS hy vọng hai định chế tài chính trên sẽ là sự thay đổi cho các định chế tài chính thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà các nước phương Tây thống trị, nhằm mục tiêu hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Các nước BRICS cũng coi hai định chế tài chính mới thành lập của mình là nhân tố quan trọng giúp các nước thành viên chống đỡ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bên cạnh BRICS, Ufa năm nay còn chứng kiến sự kiện rất thành công là SCO lần đầu tiên mở rộng kết nạp thêm thành viên mới, bước ngoặt lớn kể từ khi tổ chức hợp tác này ra đời năm 2001. Với hai thành viên mới là Ấn Độ và Pakistan, các quốc gia quan trọng tại khu vực Nam Á, giới phân tích nhấn mạnh rằng từ nay trật tự thế giới không còn là đơn cực, mà đã chuyển sang đa cực. Rõ ràng, khi tiếp nhận 2 thành viên này sẽ đem lại sức mạnh mới cho SCO, đó là hợp tác trên cả lĩnh vực chính trị - an ninh và kinh tế.
Ngoài ra, việc trở thành thành viên SCO, Ấn Độ và Pakistan sẽ có thêm diễn đàn để đối thoại, cùng nhau giải quyết các vấn đề giữa hai quốc gia. Đây cũng là tiền đề thúc đẩy giải quyết điểm nóng ở khu vực Nam Á mà có tác động trực tiếp đến các thành viên của SCO.
Nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh SCO và BRICS tại Ufa. |
BRICS và SCO có thể trở thành một đối trọng toàn cầu?
Ngay từ trước khi diễn ra hai sự kiện chính trị quan trọng này tại thành phố Ufa, cửa ngõ nối phần châu Á và châu Âu của nước Nga, báo chí nước này đã đưa ra những tuyên bố lạc quan về triển vọng phát triển của hai thiết chế cấp khu vực đang khá được quan tâm này. Cụ thể, Chính phủ Nga hồi cuối tháng 4/2015 đã phê chuẩn hiệp định thành lập Quỹ Dự trữ ngoại tệ BRICS. Đây được xem như một nhân tố quan trọng giúp các nước thành viên đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bên cạnh đó, hiện nay, một trong những vấn đề được giới chuyên gia phân tích nhiều là quyết định thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS với tổng số vốn điều lệ 100 tỉ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 40% (tương đương 40 tỉ USD) và Nga đóng góp 20% (20 tỉ USD).
Quay trở lại với SCO, bình diện hợp tác kinh tế của tổ chức này trong những năm qua được đánh giá là không đáng kể và chưa tạo ra được hiệu ứng rõ nét. Những số liệu dẫn ra ở trên cho thấy Ngân hàng BRICS chưa thể sánh ngang hàng với các thiết chế tài chính quốc tế khác như WB, IMF hay Ngân hàng châu Âu.
Tuy nhiên, lục địa Á-Âu với những đặc điểm riêng cũng là yếu tố không thể không tính tới. Lục địa này hiện chiếm hơn 75% tổng dân số toàn cầu và 65% tổng sản phẩm quốc dân của thế giới. Bên cạnh đó, các số liệu nghiên cứu còn cho thấy đại lục Á - Âu là nơi tập trung đến 70% tổng trữ lượng tài nguyên năng lượng trên thế giới.
Điều đó có nghĩa là sự phát triển của nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Cận Đông, tức là khu vực ảnh hưởng của BRICS và SCO.
WB dự báo đến năm 2025, danh sách 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có sự thay đổi đáng kể, với thứ tự sắp xếp theo chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần lượt thuộc về Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia. Trong khi đó, một báo cáo của IMF đưa ra năm 2014 nhận định tổng GDP toàn cầu đạt khoảng 100.000 tỉ USD, trong đó riêng 10 quốc gia hàng đầu thế giới đã chiếm tới 60% con số này và đại lục Á - Âu có tới 8 quốc gia nằm trong tốp 10 nói trên. Cụ thể, Trung Quốc 17.000 tỉ USD, Đức 6.000 tỉ USD, Nhật Bản 5.000 tỉ USD, Ấn Độ 4.000 tỉ USD, Nga 2.500 tỉ USD.
Điều đáng chú ý là cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) dường như chưa chú ý đúng mức đến sự phát triển cả về chính trị và kinh tế của BRICS và SCO. Không chỉ chính giới mà ngay cả giới quan sát ở cả Washington lẫn Brussels đều chưa định vị được chính xác vị trí của cái được gọi là "tam giác chiến lược" Nga - Trung - Ấn trên bản đồ chính trị toàn cầu.
Theo đánh giá của giới phân tích, trong điều kiện phát triển thuận lợi, các nước thành viên BRICS và SCO trong vòng 30 năm tới hoàn toàn có khả năng thách thức khối G-7 trên trường kinh tế và chính trị toàn cầu.
Mặc dù thuận lợi, song một số học giả cũng nhận thấy không ít khó khăn của BRICS: Thứ nhất, đây là một liên kết giữa các quốc gia thuộc các châu lục khác nhau, hầu như không có sự gần gũi về địa lý và mô hình phát triển; Thứ hai, trong một chỉnh thể có vẻ như thống nhất, từng quốc gia thành viên, trước hết là Trung Quốc và Ấn Độ, đều có mong muốn mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, cạnh tranh thu hút đầu tư, công nghệ của phương Tây và giành giật thị trường tiêu thụ hàng hóa của nhau.
Xu thế này lại diễn ra trong bối cảnh Mỹ và EU có sự đoàn kết trong việc thực hiện chính sách cô lập Nga bằng việc sử dụng các hình thức trừng phạt với cái cớ là cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Và cuối cùng, trước khi đến với những tham vọng chung là thiết lập lại một trật tự thế giới mới công bằng và bình đẳng hơn, dần xóa bỏ vị thế độc tôn của Mỹ, từng quốc gia thành viên của BRICS đều mong muốn trở thành thủ lĩnh cấp khu vực ở lục địa mà mình làm đại diện.
Nếu quan sát lịch sử xung đột giữa các nền văn minh, không thể loại trừ khả năng mối quan hệ liên châu lục ở BRICS lại không đi vào một thời kỳ nguội lạnh nào đó.